Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một Vĩnh Linh trong lòng Nghệ Tĩnh

Sự đánh phá ác liệt của địch đặc biệt là máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm đã gây cho Vĩnh Linh nhiều tổn thất nặng nề. Mức thiệt hại về người trong ba tháng cuối năm 1967 bằng hai năm rưỡi trước đó. Nên công tác phòng tránh và sơ tán để hạn chế thấp nhất sự thương vong do B52 gây ra là rất cấp thiết. Đảng ủy chủ trương loại trừ hầm vuông, triển khai đồng loạt hầm chữ A với vật liệu tre, gỗ chắc chắn, nhưng phải mật độ thưa và ít người ở. Địa đạo nào mỏng, yếu phải chống, có nhiều cửa lên, cửa ngăn cách. Cố gắng đào thông nhau để có điều kiện di chuyển, có đủ dụng cụ chống ngạt. Địa đạo nào không đảm bảo, dứt khoát không cho dân xuống ẩn nấp. Hầm chữ A phải liền với hào giao thông và địa đạo. Đường sá đi lại nhất thiết phải có hầm hào. Mặt khác, khẩn trương sơ tán dân ra khỏi vùng ác liệt, xây dựng hậu cứ ở huyện Tân Kỳ - Nghệ An và hai huyện Thạch Hà, Can Lộc - Hà Tĩnh nhằm tạo điều kiện cho người ở lại chiến đấu thắng lợi. Số học sinh cấp III cũng được tổ chức học chung tại khu vực hậu phương, làm nòng cốt cho các mặt sản xuất, công tác và lực lượng dự trữ cho chiến đấu sau này. Để việc lãnh đạo chỉ đạo sơ tán dân đi xây dựng hậu phương tốt, Đảng ủy quyết định biệt phái 5 đồng chí cấp ủy viên qua thành lập Đảng ủy hậu phương.

Học sinh Vĩnh Linh (K8) sơ tán ra các tỉnh phía Bắc thời kỳ 1966 - Ảnh: T.L

Học sinh Vĩnh Linh (K8) sơ tán ra các tỉnh phía Bắc thời kỳ 1966 - Ảnh: T.L

Đầu tháng 11/1967, sau khi kế hoạch K8 kết thúc, kế hoạch K10 được thực hiện. Từng đoàn người già yếu, tàn tật, phụ nữ có con mọn và trẻ em dưới năm tuổi bồng bế dìu dắt nhau đêm đi ngày nghỉ dưới tiếng gầm rú của máy bay, bom tọa độ và pháo địch từ bờ Nam bắn ra, từ hạm tàu bắn vào. Cũng như K8, kế hoạch K10 là cả một cuộc “vạn lý trường chinh” có một không hai trong lịch sử Vĩnh Linh và của cả tỉnh, cả nước. Người ra đi cũng như người ở lại đều cắn chặt môi, nuốt nước mắt, kìm nén mọi xúc động, thầm hứa cùng nhau sẽ làm hết sức mình để rút ngắn khoảng cách chia ly, mau chóng đến ngày đoàn tụ.

Từng đội sản xuất cắt cử những dân quân thanh niên khỏe mạnh mang vác, gánh đỡ đồ đạc, hành lý và trẻ nhỏ cho những người già yếu, phụ nữ có con mọn. Từ Vĩnh Linh, từng nhóm bà con được bố trí cách quãng đi bộ vượt Dốc Sỏi qua Sen Thủy, tạm nghỉ ở Hồng Thủy, Tân Ninh, Quảng Bình. Một thời gian sau đó được ô tô chuyển đi tiếp và cũng như kế hoạch K8, K10 được Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình mà trực tiếp là các huyện, xã, hợp tác xã nơi bà con đi qua tận tình giúp đỡ. Quan tâm từ chỗ ăn, nghỉ và nhường lán, nhường hầm mỗi lúc có máy bay địch oanh tạc. Đêm đêm, dân quân, thanh niên các xã còn cắt cử nhau mang vác, dìu dắt những người già, trẻ nhỏ qua sông, qua cầu như dìu dắt người thân của mình vậy. Trung ương Đảng, Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ: Quốc phòng, Nội vụ, Giao thông vận tải các tỉnh từ Quảng Bình trở ra có nhiệm vụ hộ tống bảo vệ bà con ra các tỉnh phía Bắc.

Đưa trẻ nhỏ đi đã khó, việc sơ tán hàng vạn người già yếu, chị em có con mọn trên quãng đường hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện bom đạn ác liệt, thiếu thốn đủ bề lại càng phức tạp hơn. Phần vì người lớn mang theo quang gánh, thúng mủng, nồi niêu lỉnh kỉnh. Các mẹ già lại hay hoảng hốt khi qua sông, qua đò, khi có máy bay địch oanh tạc. Nhưng cuối cùng tất cả cũng đưa ra được tuyến sau một cách an toàn với tổng số 22.137 người gồm: 18.812 người dân Vĩnh Linh, 2.336 đồng bào Gio Linh dạt ra trong trận càn “bạch hóa” của Mỹ ngụy tháng 5/1967 và 947 học sinh cấp 2 và cấp 3. Số đảng viên của Vĩnh Linh trong kế hoạch sơ tán xây dựng hậu cứ là 615 đồng chí. Vĩnh Linh lúc này chỉ còn lại khoảng hơn 20.337 người.

Là vùng trung du cách Vinh 100km về phía tây nam, cách Lào 300km về phía tây bắc, huyện Tân Kỳ có 16 xã, dân số chỉ gần 3 vạn người gồm 4 dân tộc Thái, Thổ, Thanh, Kinh. Trồng trọt chủ yếu là ngô, khoai lang và lúa. K10 ra ở trà trộn xen kẽ 14 trong số 16 xã của huyện Tân Kỳ.

Xe cơ giới hỗ trợ người dân di tản - Ảnh: T.L

Xe cơ giới hỗ trợ người dân di tản - Ảnh: T.L

Dựa vào điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều diện tích đồi bãi chưa được khai phá, đồng bào K10 đã sớm thích nghi với hoàn cảnh mới. Chỉ mấy ngày sau khi dừng chân, được sự giúp đỡ tận tình của tỉnh Nghệ An và gần gũi nhất là Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Tân Kỳ, bà con ở quê mới, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất Vĩnh Linh được thành lập, gấp rút bắt tay vào phát rẫy làm nương, xây dựng nhà cửa. Với đức tính siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó, chẳng bao lâu bà con sơ tán đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ còn có của ăn của để, giảm bớt gánh nặng trợ cấp cho Nhà nước.

Sản xuất phát triển, đời sống tinh thần không ngừng được nâng cao. Nhiều đội sản xuất, nhiều hợp tác xã có nhà trẻ, mẫu giáo. Xã có trường phổ thông cấp 1, cấp 2, huyện có trường cấp 3 khang trang bề thế. Phong trào văn hóa, văn nghệ dấy lên khắp nơi. Mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân địa phương với K10 ngày thêm bền chặt. Bà con thực sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong mọi lĩnh vực sản xuất đời sống. Nhiều kinh nghiệm trong canh tác, chế biến của Vĩnh Linh được bà con các dân tộc huyện Tân Kỳ học tập, ứng dụng có hiệu quả thiết thực. Thỉnh thoảng các đoàn đại biểu quân dân chính Đảng của khu vực cũng như các xã, hợp tác xã ra thăm mang theo quà, thư từ, tin tức từ tuyến lửa quê nhà càng cổ vũ động viên bà con K10 yên tâm phấn khởi xây dựng quê hương mới, thắt chặt thêm mối quan hệ thủy chung trong sáng giữa Đảng bộ, nhân dân Tân Kỳ với Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Linh.

Trong tập sách “Tân Kỳ truyền thống làng xã” có đoạn viết: “Hơn 2 vạn bà con Vĩnh Linh sơ tán ra Tân Kỳ đã được nhân dân Tân Kỳ nhiệt tình đón tiếp và giúp đỡ. Đây là hình ảnh đẹp về tình nghĩa đồng bào, về sự chia sẻ ngọt bùi, cưu mang đùm bọc của những người cùng giống nói, cùng một Tổ quốc trong lúc đất nước đang tơi bời đạn lửa. Mấy vạn bà con Vĩnh Linh đã cư trú rải rác khắp các xã địa bàn Tân Kỳ và gắn bó với nhau như những người ruột thịt, thân quen…”

Cho đến bây giờ nhân dân Tân Kỳ vẫn còn in đậm trong ký ức những vóc dáng thon nhỏ của những người phụ nữ Vĩnh Linh trong bộ quần áo đen bạc màu, đầu tóc bối củ, miệng ngậm điếu thuốc lá vấn, quần xắn quá đầu gối, tay cầm cuốc lom khom cần mẫn suốt ngày hết đồi nọ đến bãi kia. Chính bà con đã khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác và góp một phần phương thức cải tiến kỹ thuật cây trồng vào Tân Kỳ. Ấy là phương thức đào hố sâu làm kỹ đất, có đủ phân bón, nước tưới, chăm nom, trừ sâu bệnh, làm cỏ nhiều lần… Và đã chứng minh rằng đất đai Tân Kỳ chỗ nào cũng tốt, không chỗ nào bạc màu, chỉ có con người “bạc” với đất mà thôi.

Một góc Vĩnh Linh ngày nay - Ảnh: Bảo Linh

Một góc Vĩnh Linh ngày nay - Ảnh: Bảo Linh

Qua bà con Vĩnh Linh, Tân Kỳ đã du nhập 2 loại cây trồng mới là hồ tiêu và dong riềng. Loại dong riềng về sau không phát triển, còn hồ tiêu đến bây giờ đã được trồng khắp các vườn cây ở Tân Kỳ.

Chiến tranh kết thúc, bà con sơ tán Vĩnh Linh chia tay Tân Kỳ để trở về quê hương. Dù thời gian đã trôi qua ngót nửa thế kỷ nhưng mỗi khi có dịp bà con vẫn giúp đỡ, thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống và luôn giữ trọn trong nhau những nghĩa tình sắt son của một thời khốn khó đạn lửa chiến tranh.

Cùng thời gian, gần 5.000 bà con các xã miền biển Vĩnh Quang, Vĩnh Thái, Vịnh Mốc vừa đi bộ, vừa đi thuyền, vượt chặng đường hơn 200 ki-lô-mét sơ tán ra hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cũng như Tân Kỳ, Đảng bộ, nhân dân hai huyện Can Lộc và Thạch Hà đã tạo mọi điều kiện giúp bà con K10 Vĩnh Linh sớm ổn định ăn ở, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới nơi sơ tán. Các xã như: Kim Lộc, Thượng Lộc, Hậu Lộc, Can Lộc, Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Điền… đã không quản ngại khó khăn giúp làm nhà cửa cho đồng bào Vĩnh Linh tươm tất, đàng hoàng.

Tính chung cả hai huyện đã giúp K10 Vĩnh Linh làm được 521 cái nhà, trong đó Can Lộc 241 cái, Thạch Hà 281 cái. Ngoài ra còn giúp đỡ đồng bào tu sửa lại gần 400 nóc nhà khác, đồng thời ân cần hướng dẫn giúp đỡ bà con về kỹ thuật làm ăn, nhất là đối với chị em phụ nữ miền biển từ chỗ không quen, không biết làm ruộng đến chỗ biết đi cày, cấy, gặt hái và chăn nuôi trâu bò, lợn, gà giỏi. Tính từ năm 1970 - 1972, bà con K10 đã sản xuất được 300 tấn lương thực, 120 tấn rau quả các loại, và chăn nuôi được hàng ngàn con lợn.

Các địa phương cùng các ngành như ngân hàng, thủy sản, tài chính cũng đã đầu tư giúp các hợp tác xã gần 750.000 đồng để mua sắm 32 chiếc thuyền, 39 vàng săm, lưới và một số dụng cụ sản xuất khác.

Quá trình sinh sống và công tác của đồng bào K10 Vĩnh Linh trên quê hương Hà Tĩnh mà trực tiếp là hai huyện Thạch Hà và Can Lộc đã để lại cho nhau nhiều tình cảm tốt đẹp, nhiều kinh nghiệm quý báu, nhiều kỷ niệm thân tình sâu sắc, góp phần tạo điều kiện cho Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Linh - Hà Tĩnh vốn đã gắn bó lại càng gắn bó hơn, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ trương sơ tán dân ra các tỉnh ngoài là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Nếu chần chừ do dự, không những Vĩnh Linh không làm tròn nhiệm vụ Trung ương giao mà mọi thiệt hại về người không thể lường hết được. Điều quan trọng đặc biệt là con em, bà con sơ tán được các thầy cô giáo ở các địa phương tận tình dạy dỗ học hành đến nơi đến chốn, tạo được một lớp người có trình độ trở về xây dựng quê hương. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh mãi mãi ơn sâu nghĩa nặng đối với Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ kính yêu cùng với đồng bào đồng chí Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đã nhường cơm sẻ áo giúp Vĩnh Linh vượt qua mọi thử thách hy sinh, chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc.

V.T

Văn Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 314 tháng 11/2020

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

5 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground