Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con gà Kẻ Diên

TCCV Online - Có một vùng đất gắn liền với một bài ca dao đã đi vào lịch sử, đi vào tâm khảm của người đọc từ xưa đến nay, đó là vùng đất Kẻ Diên - Diên Sanh với bài ca dao có nhiều tên gọi. Mười cái trứng, Chục trứng hay Con gà Kẻ Diên, nhưng tôi lại thích nhất là tên Con gà Kẻ Diên, bởi đây là bài “được xem là một trong những bài ca dao hay nhất nói về niềm lạc quan và hy vọng”. Và trong kho tàng văn học dân gian Quảng Trị, không có văn bản nào được nhắc đến nhiều như bài ca dao đó:

“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái, về nuôi hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung

Bốn trứng: ung

Năm trứng: ung

Sáu trứng: ung

Bảy trứng: ung

Còn ba trứng nở ra ba con

Con: diều tha

Con: quạ bắt

Con: mắt cắt xơi

Chớ than phận khó ai ơi!

Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây”.

Ngay trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, ông đã nhắc đến việc xứ Thuận Hóa không có nhiều của cải. Điều này cho thấy cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây sẽ cực khổ như thế nào rồi? Thì bài ca dao Con gà Kẻ Diên ấy sẽ nói hộ được điều đó.

Bài ca dao này gồm có hai phần: Phần thứ nhất là phần kể, đây là phần chiếm số câu chữ lớn nhất trong bài. Phần thứ hai là phần nói về tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của chủ thể bài ca. Ở phần đầu, tác giả dân gian tập trung thuật lại một số sự việc họ đã hoặc đang trải qua, đang gánh chịu. Mở đầu bài ca dao là giới thiệu không gian và thời gian diễn ra sự việc.

“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái, về nuôi hắn đẻ ra mười trứng”.

Không gian được nhắc đến trong bài ca dao là chợ Kẻ Diên, về địa danh này đã được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Quảng Trị cho biết như sau “Từ “kẻ” là một từ cổ, giờ không còn dùng nữa nhưng có nghĩa nôm na là một vùng đất, một làng quê. Ví như Thăng Long có lúc được gọi là Kẻ Chợ. Ở Hưng Yên có Kẻ Sặt. Ở Quảng Trị có Kẻ Lạng thuộc xã Hải Sơn, Kẻ Văn thuộc xã Hải Tân, Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Hòa (cùng thuộc Hải Lăng). Còn Kẻ Diên được nhắc tới trong bài ca chính là Diên Sanh ngày nay. Địa danh Diên Sanh nay thuộc xã Hải Thọ (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Đất Diên Sanh kéo dài từ xã Hải Thọ lên thị trấn Hải Lăng bây giờ có vai trò hạt nhân quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Đã có một thời nơi đây trở thành trung tâm chính trị kinh tế - văn hóa của huyện Hải Lăng”. Và “Hai cái tên Kẻ Diên và Diên Sanh thì ắt Kẻ Diên phải là cái tên có trước…Người khai khẩn làng này đều từ Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào, họ dùng từ “kẻ” để chỉ đơn vị hành chính, nơi ở mới của mình. Còn tên Diên Sanh nếu hiểu một cách đơn giản nhất là kéo dài sự sinh sôi nảy nở…Cái tên Diên Sanh đã được dùng để thay thế Kẻ Diên từ khoảng thế kỉ XV. Nhưng vì nhiều lý do, tên gọi Kẻ Diên vẫn in sâu trong lòng người Diên Sanh đến tận giờ”.

Trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, làng Diên Sanh lúc đó là 1 trong 50 làng của huyện Hải Lăng, làng này nằm gần phá Hải Lăng, nơi mà “Cá tôm đầy phá, người dân có thêm nguồn lợi. Lại thêm sen súng sinh sôi, phá trong veo và cạn, nước trời lấp lánh, hoa nở ngọt ngào, hương bay mười dặm”. Đến khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục thì làng Diên Sanh thuộc Tổng Câu Hoan, có 7 xã, 1 phường, 2 tộc gồm: Câu Hoan, Diên Sanh, Trường Sanh, An Phúc, Hà Lỗ, Hà Lộc, Lương Phước, Miễn Hoàn, Đỗ Phùng tộc, Câu Hoan tộc thuộc huyện Hải Lăng.

Về Kẻ Diên bây giờ, ngoài ngôi đình Diên Sanh rêu phong, đã được trùng tu, xây lại nhiều lần thì ngôi chợ Kẻ Diên xưa không còn nữa. Những người cao tuổi ở Diên Sanh cho biết, ngôi chợ Kẻ Diên không biết có tự bao giờ, chỉ biết xưa kia Kẻ Diên có vị trí thuận lợi về đường giao thông, mùa nước nổi lại thuận tiện cho việc đi lại bằng thuyền bè, nên một ngôi chợ sầm uất mọc lên ở đây là điều dễ hiểu. Chợ Kẻ Diên xưa là nơi các loại sản vật khắp huyện Hải Lăng quần tụ về: nào bánh ướt Phương Lang (nay thuộc xã Hải Ba), nào rượu Kim Long (nay thuộc xã Hải Quế), nào mứt gừng Mỹ Chánh (nay thuộc xã Hải Chánh)…Thậm chí đến ngày nay, chợ Kẻ Diên đã thành chợ Diên Sanh thì điều đó vẫn không thay đổi. Người ta vẫn bảo nhau đến chợ Diên Sanh để ăn cháo bột (cháo vạt giường) cá lóc, lòng sả... Như vậy, từ Kẻ Diên xưa đến Diên Sanh nay đã là một quá trình biến đổi của dòng thời gian, nhưng cái đọng lại trong lòng dân nhất đó chính là những năm tháng nhọc nhằn, đói khổ và khi đó người đời sau mới thấu hiểu và biết về con gà Kẻ Diên.

Khi nói về các tháng trong năm thì ca dao Việt Nam hay có những câu:

“Tháng ba mua nứa đan thuyền

Tháng năm, tháng sáu gặt miền ruộng chiêm”.

“Tháng giêng ăn tết ở nhà

Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”.

Hoặc:

“Tháng chạp là tiết trồng khoai

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

Tháng ba càng vỡ ruộng ra

Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng…”

Qua nội dung của những bài ca nông lịch chúng ta còn thấy được tính chất vất vả của nhà nông, tinh thần cần cù, chịu khó và ước mơ về một ngày mai no ấm của người lao động. Nhưng dù sao đi chăng nữa họ vẫn có cái để mà làm ăn, vẫn mang tư tưởng lạc quan, yêu lao động. Còn người dân ở vùng đất nghèo khó Quảng Trị thì cái khốn khó cứ đeo bám họ một cách dai dẳng đến nỗi họ phải thốt lên“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn” và đó là những ngày dài đằng đẵng phải chịu đói nặng nề. Phải đành lòng đi cầu cạnh các nhà có của: “Đi vay, đi dạm được một quan tiền”. Có tiền để cải thiện đời sống, người nông dân Quảng Trị không chịu bị bó buộc trong sự túng quẩn, mà họ phải nghĩ cách tháo cái khổ, cái khó đó ra thì chỉ có nuôi gà là cách tối ưu nhất, khác với quan niệm bấy lâu mà họ từng nghe “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Vì đồng tiền vốn dĩ đi vay mượn đã quá ít ỏi nên họ cũng phải biết tính toán dùng sao cho hợp lí, thì “Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái, về nuôi…”.

Có phải chủ thể bài ca dao này cũng là người trong cuộc hay không mà họ đã tuần tự kể lại diễn biến của sự việc một cách cụ thể, xác thực. Người nông dân gặp không ít sự thất bại đến chua xót nặng nề: trứng ung, gà chết.

“Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung

Bốn trứng: ung

Năm trứng: ung

Sáu trứng: ung

Bảy trứng: ung

Còn ba trứng nở ra ba con

Con: diều tha

Con: quạ bắt

Con: mắt cắt xơi”.

Cùng với sự hạn chế về số lượng câu trong bài, sự không hạn định về số chữ trong một câu đã làm nên nét độc đáo của thơ dân gian tự do về mặt hình thức như:

Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung…

Đối với người nông dân, trứng ung có thể luộc để ăn với muối ớt. Đây là món ăn khoái khẩu đối với người nghèo, nhưng ai cũng muốn gà ấp nở được nhiều con để nuôi. Thế mà cái khốn khó vẫn không tha cho họ “người sáng tác đã dùng một vần ung suốt bảy câu thơ (độc vận) cuối dòng. Đó là một sự lặp lại cố ý nhằm nhấn mạnh nỗi bất hạnh, sự rủi ro mà người nông dân gặp phải trong công việc làm ăn. Sự lặp lại này chẳng những không tạo ra người đọc cái cảm giác nhàm chán mà còn có tác dụng nhấn mạnh, xoáy vào tâm trí những ai một lần được tiếp xúc với tác phẩm nói về bao điều cay đắng và khốn khó trong cuộc đời của mỗi con người”“Sự không may lặp lại tới bảy lần! Bảy lần hy vọng, bảy lần bị số phận khắc nghiệt đè dúi xuống”. Nhưng trong họ vẫn còn le lói niềm vui “Còn ba trứng nở ra ba con”. Thế nhưng “Ba chú gà ba mối hy vọng mỏng manh đó bị giằng cướp nốt khỏi bàn tay của người dân nghèo! Thế là hết. Hết cả mười quả trứng! Hết cả mười lần trông đợi!”.

Từ sự việc ba con gà đã bị diều tha, quạ bắt, mắt cắt xơi khiến chúng ta liên tưởng đến câu ca mà người dân vùng Trị Thiên vẫn có câu hò rằng:

“Than rằng quạ nói với diều

Nương hoang, cỏ rậm lại nhiều gà con”.

            Sự oái ăm đến thế là cùng, phản ánh được đời sống của cư dân Thuận Hóa buổi đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới, đất rộng hoang vu, dân cư thưa thớt nghèo khổ nhưng ở trong tinh thần của họ lại có nét riêng “Nếu như ở phần đầu của bài ca dao mang đậm nét tự sự thì ở phần hai của nó lại thể hiện rõ sắc thái trữ tình. Các câu thơ lục bát (hoặc lục bát biến thể) nằm trong phần cuối tác phẩm thường bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ rất sâu sắc của các tác giả dân gian. Trước bao bất hạnh, khốn khó của cuộc đời, người nông dân trong bài Mười cái trứng vẫn tin ở mình, tin ở tương lai, ở cuộc sống”.

“Chớ than phận khó ai ơi!

Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây”.

Đây là một lời động viên, tia hy vọng lóe lên trong gian khổ “Dù bài ca nói về mùa xuân nhưng hầu hết các câu đầu đều diễn tả sự u uất, đói nghèo, thiếu may mắn đến cùng cực của một người nông dân ngày trước. Nhưng khi đọc hai câu cuối thì niềm hy vọng lại bừng lên. Chính thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng ví con gà Kẻ Diên như con phượng hoàng lửa trong truyền thuyết Tây phương, dù bị thiêu rụi vẫn tái sinh”.

Xét về mặt ngôn ngữ thì đã có nhận xét về bài ca dao này như sau “Là loại thơ dân gian tự do nên số lượng câu trong mỗi bài không hạn định. Bài ngắn cũng 8, 9 câu, bài dài tới 14, 15 câu. Sự không hạn định về số lượng câu cho phép các nghệ sĩ dân gian có thể nói đầy đủ, nói trọn vẹn nội dung mà mình muốn đề cập đến”. Tác giả dân gian cũng đã thể hiện cái tài của mình “Để làm nổi bật tính cách kiên nhẫn, chịu khó, biểu lộ tinh thần lạc quan ở một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt thể tường thuật được sử dụng”.

 Và kết quả là “Sau những nỗi đắng cay dồn dập đã thốt lên những lời tự nhủ mình và nhắc nhở bạn nghèo đói, đó là không khóc than và tin ở sức mình như tin ở quy luật của thế giới tự nhiên”.

Bài ca dao nguyên thủy của nó đã thể hiện nỗi khổ cực của người dân rồi, vậy mà vẫn còn có bài dị bản như sau:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái, về nuôi hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung

Bốn trứng: ung

Năm trứng: ung

Sáu trứng: ung

Bảy trứng: ung

Còn ba trứng nở ra ba con

Con: diều tha

Con: quạ bắt

Con: mắt cắt xơi

Con chết đứng

Con chết ngồi

Chớ than phận khó ai ơi!

Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây.

“Hai câu “Con chết đứng/ Con chết ngồi” cho ta hiểu về một nguyên nhân khác: bệnh thời khí, hoặc một bệnh gì chưa rõ. Ai từng nuôi gà đều biết gà rất dễ chết (mưa giông chết, gà mang tơi đội nón chết), dễ “toi” vì dịch bệnh. Dịch bệnh đến từ mọi phía, mọi nơi, mọi lúc, rất khó đề phòng và cũng rất khó ngăn chặn được trong điều kiện chăn nuôi lạc hậu ở nông thôn ta xưa. Con chết đứng, con chết ngôi là vì thế… phải chăng điều này là điều có thật và có lý do khi tác giả bài ca dao muốn trình bày cho mọi người biết đầy đủ hơn các nguyên nhân khác nhau đưa đến những rủi ro đáng buồn cho người nông dân trong việc nuôi gà làm kế sinh nhai. Như vậy, nhờ thêm hai câu Con chết đứng, con chết ngồi mà nội dung bài ca dao thêm phong phú, trọn vẹn hơn làm cho người đọc thấy sự vất vả khó nhọc, nỗi đắng cay muôn phần của người nghèo thuở xưa…đầy đủ hơn. Người nghèo bị bủa vây tứ phía và phải chống chọi với bao tai họa. Hiểu sâu điều này ta sẽ thấy rõ hơn giá trị của hai câu kết. Thêm vào đó, hai câu thơ trong dị bản, với cách diễn đạt dân dã, gần với lời nói thường đã làm cho tác phẩm bớt đi phần tẻ nhạt, đơn điệu trong phần trình bày nội dung”.

Cùng nghiền ngẫm lại bài ca dao này để thấy được rằng người dân Quảng Trị đã có được tính cách riêng mà theo đánh giá của nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình đã chỉ ra là “Những tính cách đó hợp lại dựng nên hình tượng nhân vật trữ tình ở một vùng đất của Tổ quốc. Con người đó dù có những nét chung của dân tộc vẫn có những nét riêng của địa phương. Họ không gân guốc như người Nghệ Tĩnh, mộc mạc như người Quảng Bình, nồng nàn, xẳng xớn như người Quảng Nam mà dịu dàng thâm sâu, điềm đạm, nhưng vẫn không thiếu sự nhiệt tình thắm thiết được biểu lộ qua các câu hò đậm đà bản sắc quê hương”.

T.N.K.P

(Nguồn TCCV)

Tài liệu tham khảo

- Nguyễn Phúc: Đi tìm Kẻ Diên, ngôi chợ của hy vọng. Báo Thanh Niên, số 207(7520), ra thứ Hai, ngày 25.7.2016

- Trần Việt Ngữ, Thành Duy sưu tầm, biên soạn, Thanh Tịnh, Trần Việt Ngữ giới thiệu: Dân ca Bình Trị Thiên. NXB Văn học, Hà Nội, 1967

- Trần Hoàng (Chủ biên), Lê Tiến Dũng, Lê Văn Hảo, Trần Thùy Mai, Phạm Bá Thịnh: Ca dao, dân ca. Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, Huế, 1988, trang 40, 41

- Trần Văn Hối (Chủ biên), Trần Hoàng, Phan Ngọc Thu, Trần Đại Vinh: Văn học dân gian Bình Trị Thiên. Trường Đại học Sư phạm Huế xuất bản, Huế, 1988

- Thành Nhân: Về tên gọi làng Diên Sanh.

http://www.tapchicuaviet.com.vn/DuLieu/index.asp?main=ndd&TL=ND_QH&ID=5820.

- Dương Văn An: Ô Châu cận lục. Trần Đại Vinh dịch. NXB Thuận Hóa, Huế, 2015

- Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Trần Đại Vinh dịch. NXB Đà Nẵng, 2015

- Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào: Ca dao trữ tình Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nọi 1998

- Tôn Thất Bình, Phan Thị Đào: Văn học dân gian Việt Nam. Trường Đại học Tổng hợp Huế, xuất bản, 1993

- Vũ Tú Nam: Một bài ca lạc quan. Trong sách: Vũ Tiến Quỳnh (tuyển chọn): Phê bình, bình luận văn học: Ca dao, dân ca, tục ngữ, vè. NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1997

- Trần Hoàng: Tìm về văn hóa - văn học dân gian một miền quê Trung Bộ. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000

- Tôn Thất Bình: Những đặc trưng của hò Trị Thiên. NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2006

Trần Nguyễn Khánh Phong
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground