Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Tùng ngày và đêm 7-1-1950

G

iáo dân vùng này ít khi tiếp xúc với bộ đội và chắc là lần đầu tiên có bộ đội ở trong nhà mình. Vì vậy đối với bộ đội họ còn rụt rè e ngại, không được tự nhiên, nhưng thời gian bỡ ngỡ ban đầu ấy không lâu.

Sáng 7-1 lính Com-măng-đô ra chợ Do tình cờ gặp đội quân Pháp từ Hồ Xá về. Hai bên bắn nhau kịch liệt. Đồng bào ta chưa biết bộ đội ta có người gốc Âu Phi, họ tưởng rằng hai bộ phận quân Pháp đánh nhau nên họ kêu ầm lên “Tây đánh Tây! Tây đánh nhau” Nghe tiếng súng bất ngờ, bộ đội dàn quân quanh sân bay và cho trinh sát nắm lại tình hình địch. Lúc đó từ đồn Cửa Tùng kéo ra giữa sân bay bị quân ta vây bắt gọn. Tên sĩ quan chỉ huy bị thương nặng được linh mục xin đưa vào nhà thờ băng bó …Toán quân từ Hồ Xá về bị lính Com-măng-đô đánh đuổi đến đồn Tân Trại thì vào đồn cố thủ.

Khai thác bọn tù binh thì chúng cho biết: Tối 6-1, tại đồn Cửa Tùng, hai tên đồn trưởng và đồn phó ngồi lau súng lục và nghịch súng hay vì hiềm khích nhau mà tên đồn phó bắn chết tên đồn trưởng. Liền đó, chúng cho lính về Hồ Xá báo cáo (vì điện thoại bị ta cắt dây không sử dụng được.

Bọn chỉ huy ở Hồ Xá bảo: Ngày mai (7.1) sẽ có một đơn vị về Cửa Tùng tổ chức tang lễ, chúng còn dặn: đội quân từ Hồ Xá về, đến chợ Do sẽ bắn súng báo hiệu để quân đồn Cửa Tùng ra đón…

Vậy là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá lý thú! Đội quân đồn Cửa Tùng bị bắt sống, đội quân đồn Hồ Xá bị đánh tan. Quân ta bình yên vô sự! Đồn Cửa Tùng không có chỉ huy.

Cũng theo lời khai của bọn tù binh. Đồn Cửa Tùng chỉ còn 12 lính, một khẩu pháo 57 ly, một khẩu trọng liên 12,7 ly, một khẩu trung liên, súng trường, tiểu liên và súng phóng lựu đủ dùng thừa thãi…Trung đoàn quyết định đêm (7-1) đánh lấy đồn Cửa Tùng, Sử dụng một đội xung kích và một số đơn vị trợ chiến: bom bay, công binh và bốn lính Com-măng-đô biết tháo mở súng pháo…Kế hoạch tác chiến gồm hai phương án. Phương án 1: Dùng hai tên tù binh vừa dẫn đường vừa gọi cửa. Gọi rằng: “Chúng tôi bị Việt Minh bắt, may trốn được về đây, mở cửa cho chúng tôi vào” nếu lính trong đồn ra mở cửa thì quân ta thừa cơ vào cướp đồn…Phương án 2: Nếu chúng không mơ cửa thì dùng lực lượng sẵn có đánh lấy đồn…

Sau khi bố trí lực lượng xong. Theo phương án 1: Hai tên lính gọi cửa, gọi xong bọn trong đồn trả lời: “Trốn về thì nằm ngoài ấy, sáng mai mới được vào”, gọi lần thứ hai, chúng vẫn trả lời như trước với giọng gắt, gọi lần thứ ba thì chúng bắn ra để trả lời…

Vậy thực hiện phương án 2: bom bay mở đầu cuộc tấn công! Hại thay, 6 quả bom bay đều “câm” quả bay vào thì không nổ, quả thì không bay, các cỡ súng khác của ta và của địch thi nhau bắn. Đạn của địch bắn ra khá chính xác, nhất là súng phóng lựu, do chúng đã đo sẵn các mục tiêu định trước. Đạn AT của chúng nổ mảnh bay dày đặc như vãi cát. Chỗ chúng tôi nấp gồm ban chỉ huy đại đội và bốn lính Com-măng-đô, bảy người thì bị thương bốn, vết thương nhẹ nhưng mất máu nhiều…

Đêm về khuya trăng mờ đục, tôi đang chống gậy đi lên làng Cổ Trai thì từ đâu đó, một chú bé độ chừng 14 - 15 tuổi chạy ra ôm lấy tôi, hỏi dồn: “Anh bị thương phải không? Để em cõng”. Tôi chưa kịp trả lời thì em đã nắm lấy tay quàng lên vai mình, khom lưng, hai tay em quặp lấy hai đùi tôi, xốc tôi lên nhẹ nhàng như cõng em đi chơi, em chạy một mạch về nhà thờ An Ngãi! Giao tôi cho đơn vị, rồi em biến mất!

Bây giờ ngồi lại viết mấy dòng này mà suy nghĩ mãi không ra: Tôi đã qua tuổi hai mươi, vốn người thấp bé, nhẹ cân, chỉ khoảng trên dưới bốn mươi cân, còn chú kia, còn thấp thua tôi một cái đầu, vóc người gầy nhỏ thì sức mạnh nào mà chú cõng tôi chạy hàng cây số? Ước gì biết được tên chú, để rồi tới tận nơi, nhìn tận mặt, ôm lấy chú như chú đã ôm tôi đêm ấy! Ơi chú bé làng Cổ Trai ơi! Một chú bé tuyệt vời! Chắc bây giờ đã “lục tuần” rồi đó!

Ít lâu sau tôi gặp y tá Hoằng cũng ở làng Cổ Trai, cũng nhỏ con, mặt đầy “trứng cá”, một y tá chịu thương chịu khó trong mọi việc, nhất là việc chăm nom chăm sóc anh em lúc ốm đau, lúc bị thương phải điều trị tại đơn vị…

Đáng tiếc là anh em ở với nhau chưa được bao lâu thì Hoằng đã hy sinh, về với cõi vĩnh hằng!

N.V.X

(Trích hồi ký “Một thời đánh giặc”)

    

Nguyễn Viết Xương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground