Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ đảo Cồn Cỏ và những bất ngờ trong công tác tư tưởng

Đ

ảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh – Khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mất Cồn Cỏ miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến: đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.

Mục tiêu của địch là muốn huỷ diệt Vĩnh Linh mà trước hết là huỷ diệt Thị trấn Hồ Xá nơi trung tâm văn hoá, chính trị tiêu biểu cho mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Vĩnh Linh hòng làm tê liệt cả khu vực; đánh phá nơi tập kết chân hàng để chi viện cho miền Nam; đánh phá huỷ diệt hoặc chiếm bằng được đảo Cồn Cỏ; chiếm được đảo, địch sẽ dễ dàng cắt đứt đường tiếp tế biển từ miền Bắc vào miền Nam; đồng thời dùng Cồn Cỏ làm bàn đạp chiếm đánh Vĩnh Linh lúc có điều kiện v.v...

Ngày 8/8/1964, địch bắt đầu đánh phá đảo Cồn Cỏ. Lúc 1 giờ sáng 30 Tết ất Tỵ (2/2/1965), chúng cho tàu biệt kích vòng vèo thám thính vùng biển Vĩnh Linh, khiêu khích bắn phá dọc bờ biển xã Vĩnh Thái.

Lúc 14 giờ 30 ngày 8/2/1965, 82 lần chiếc máy bay chia thành 14 tốp với F4H bay tầng trên do Mỹ chỉ huy và AD6 tầng dưới do nguỵ chỉ huy bắn phá khu vực Vĩnh Linh. Cụ thể là đánh vào Sư đoàn 341, Xí nghiệp Lê Thế Hiếu, Xí nghiệp chè hương Bến Hải, đài anh hùng, trường cấp 3 Hồ Xá đã giết chết anh Lê Duy Minh một thầy giáo giỏi toán ở miền Bắc và tám em học sinh cấp III mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lớn nhất với mảnh đất nhỏ hẹp Vĩnh Linh. Với tinh thần cảnh giác cao, quân dân Vĩnh Linh đã kịp thời đánh trả trừng trị bọn xâm lược những đòn đích đáng, hạ sáu máy bay địch.

Từ tháng 3 đến tháng 6/1965, Mỹ huy động 615 lần tốp, 1421 lần chiếc đánh phá nhiều mục tiêu ở Vĩnh Linh rất ác liệt, đặc biệt là đảo Cồn Cỏ cứ hai ngày đánh phá một lần. Trong mười tám lần tàu chiến bắn phá vào đất liền thì có sáu lần đánh phá vào đảo Cồn Cỏ.

Đảo sống là nhờ có đất liền. Từ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đều nhờ vào đất liền tiếp tế ra. Từ tháng 5/1965 trở đi trên đảo khá nguy ngập: gạo ăn đã cạn, đạn bắn phải tính từng viên, nhất là nước ngọt. Sau trận đánh phá đầu tiên một quả bom rơi trúng bể chứa nước mưa, thế là đảo hết sạch nước ngọt. Bộ đội ta phải chặt chuối rừng vắt lấy nước uống. Trong lúc đó địch cho tàu chiến vây quanh bịt kín mọi lối ra vào giữa đảo với đất liền. Địch hy vọng trong một thời gian ngắn đội quân nhỏ bé trên đảo không đầu hàng cũng phải chết gục vì đói khát. Những bức điện từ đảo đánh vào đất liền làm cho các đồng chí lãnh đạo ngày đêm phải thao thức tìm cách đối phó.

Phát động nhân dân vùng ven biển đi tiếp tế, bảo vệ đảo

Đầu tháng 6/1965, Đảng uỷ khu vực phát đi lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Phát động toàn Đảng bộ quân dân Vĩnh Linh quyết tâm giữ đảo đến cùng. Được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị động viên, giúp đỡ, Vĩnh Linh rộ lên một phong trào sôi nổi trong Đảng, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang. ở đảo nêu khẩu hiệu “còn đất liền còn đảo”- Đất liền đáp lại “Còn đảo còn đất liền”. Có hàng ngàn lá đơn gửi lên xã, lên khu vực xin đi tiếp tế đảo. Trong đó có những lá đơn viết bằng máu hoặc của các cụ già 70, 80 tuổi xin được ra đảo cùng thanh niên.

Giữa tháng 6/1965 trở đi, nhiều đoàn thuyền chở vũ khí, lương thực, nước ngọt rời bến ra tiếp tế cho đảo. Có những chuyến đi trót lọt nhưng có nhiều chuyến bị tàu chiến địch bắn đuổi, bao vây, có người, có thuyền không trở về. Con đường mở ra đầy bao thử thách, hy sinh. Ban đêm tàu địch dàn hàng ngang nả đại bác vào bờ, bắn pháo sáng. Ban ngày chúng cho máy bay trinh sát thám thính từ sáng đến chiều, hể thấy thuyền và người trên biển là chúng gọi máy bay phản lực đến bắn phá.

Lúc này thuyền gỗ, trở thành phương tiện chủ yếu và lợi hại nhất trong việc tiếp tế đảo. Vì thuyền nhỏ dễ luồn lách cơ động. Để bảo vệ lực lượng tiếp tế cho đảo, một số hoả lực của ta được trên điều ra gần sát bờ biển; đồng thời trang bị vũ khí, huấn luyện cách đánh cho những người đi biển, ta cũng tổ chức hợp đồng tác chiến giữa pháo mặt đất và pháo ở đảo với những dân quân tiếp tế đảo; chấp nhận những tình huống xấu nhất nếu không tránh được thì sẵn sàng một mất, một còn với đảo.

Trong những người đi tiếp tế đảo có những cụ già như  cụ Trí ở xã Vĩnh Thái, cụ Quy ở Vĩnh Quang, cụ Cử ở Vĩnh Giang, cụ Mò ở Vĩnh Thạch v.v... nhiều cụ dày dặn trong nghề đi biển thường được giao làm thuyền trưởng hoặc cố vấn. Cụ Mò, cụ Trí mỗi gia đình có ba người thì cả ba đều hăng hái ra đảo. Cụ Trí goá vợ lúc ba mươi tuổi, cả ba cha con đều viết đơn và lần lượt được đi tiếp tế đảo. Cụ Trí sau khi đi đủ ba chuyến mới về nhà, thì con trai là Trái lại lên đường. Trái đi chuyến thứ hai thì gặp địch. Thuyền Trái bị bắn chìm đồng đội có người hy sinh, bị thương. Giữa đêm tối biển cả mênh mông. Trái vừa hát vừa dìu đồng đội bị thương gần chục cây số đưa vào đất liền. Hỏi thì Trái nói hát để xoa đi nỗi cô đơn, quạnh vắng, để tăng nghị lực. Cụ Quy ở Vĩnh Quang tiếp tế đảo từ đầu đến cuối, thuyền cụ có 14 người, đã có sáu người hy sinh trên biển. ở xã Vĩnh Quang trong hai tháng của năm 1967 có 150 cán bộ, dân quân, xã viên ra đi, khi trở về chỉ còn một nửa. Thanh niên Nguyễn Quang Soa xã Vĩnh Thái từ năm 1965 đến 1968 có 58 lần đi tiếp tế đảo, có 54 lần gặp tàu chiến địch vây đuổi bắn phá nhưng thuyền anh vẫn vượt qua, đưa hàng tới đích. Nhưng tiêu biểu hơn cả là Lê Văn Ban (xã Vĩnh Giang) là một thuyền trưởng gan góc, đầy mưu trí. Có lần thuyền Ban bị địch bắn đuổi, vừa phải chóng chọi với gió bão, thuyền anh bị trôi dạt về phía Nam. Lê Văn Ban bình tĩnh cử người lên bộ bắt liên lạc với cơ sở ta. Sáng hôm sau cùng với du kích địa phương tổ chức đánh địch chống càn quét thắng lợi, anh lại đưa thuyền trở về Bắc an toàn. Anh được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Hàng ngàn tấn vũ khí pháo 85 ly, cao xạ pháo 14,5 ly, lương thực, vật dụng đã được đất liền chuyển ra đảo, làm cho các chiến sĩ ở đảo đỡ thiếu thốn và đủ sức chiến đấu liên tục 2-3 năm trời. Nhưng cái giá phải trả cho mỗi viên đạn, mỗi bát gạo phải đổi bằng máu.

Trước những hành động và tình cảm của đất liền, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã gan góc kiên cường bám giữ đảo. Đã hạ bốn mươi tám chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 29 chiếc rơi tại chỗ, có ngày rơi bốn chiếc, có lần chỉ trong hai giờ bắn rơi ba chiếc; bắn cháy mười bảy hải thuyền của địch. Cồn Cỏ vinh dự được Quốc hội, Hồ Chủ tịch hai lần tuyên dương là đơn vị anh hùng và ba cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang: Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, toàn đảo được Bác tặng hai câu thơ:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ”.

Điều bất ngờ trong công tác chính trị, tư tưởng

Trước sự đánh phá ác liệt của không quân, tàu chiến địch, Đảng uỷ khu vực, Đảng uỷ các xã buổi đầu chưa đánh giá hết tinh thần dám xã thân bảo vệ đảo của quần chúng nên có phần lo ngại không đủ số người cần thiết cho những chuyến hàng ra tiếp tế đảo. Có ngờ đâu rằng ba tuần lễ phát động đã có hàng ngàn lá đơn tình nguyện gửi lên cấp trên xin đi tiếp tế giữ đảo.

Số được Đảng ủy và xã đội bố trí đi thì hết sức phấn khởi, thỏa mãn nguyện vọng, nhưng vì nhu cầu có hạn mà người tình nguyện đi quá đông, hơn nữa theo phương án chỉ đạo của ta là phải ăn chắc, không ồ ạt, tránh thương vong không cần thiết. Do đó có người qua chín, mười lần chưa được đi đâm ra thắc mắc, có những suy diễn mong lung, mơ hồ. Có người tự nghĩ rằng quá khứ bản thân có tham gia ngụy quân hoặc gia đình có tham gia bóc lột hoặc vì có sai phạm khuyết điểm gì mà cấp trên không tin, không cho đi. Sau nhiều lần đã thông, giải thích họ vẫn không thông, thậm chí kéo dài năm, bảy tháng trời, có trường hợp hai, ba năm sau vẫn không hết thắc mắc cho rằng bản thân không được cấp trên tin tưởng.

Nghịch lý với buổi đầu sợ không có người đi, phải làm đủ liều lượng công tác tư tưởng nhưng trên thực tế trái lại do nhiều người muốn đi mà không được đi do đó  việc giải quyết tư tưởng cho người không được đi khó khăn gấp bội hơn nhiều với người được ra đi. Bất ngờ thú vị này cũng là minh chứng sinh động nhất về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, dám xả thân vì nước, vì đồng đội của những người dân Vĩnh Linh trong cuộc chiến không cân sức với quân thù.

T.K.H

 

Trần Kim Hồ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 142 tháng 07/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground