Kể chuyện làng. Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
*Phương ngữ có nguồn gốc từ Bách Việt
Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên. Về nhân chủng học thì Bách Việt là những cư dân thuộc loại hình Nam Mongoloid (Nam Á), trong đó bao gồm những nhóm dân tộc Tày Thái, Việt Mường, Môn - Khmer và cả Miêu Dao, phân bố ở Hoa Nam và Đông Nam Á ngày nay.
- Bọ = Cha.
Bọ hay Tía, đều có những từ phát âm tương tự trong các phương ngữ tiếng Hoa, hoặc tiếng Thái: Po, Cha và Tía. Bọ cũng liên hệ đến Bố và Bu. Riêng Bu cũng chuyển qua lại để chỉ người Mẹ, hoặc người Vợ. Đặc biệt âm P (trong Po hay Bọ) trong nhiều thứ tiếng ở Hoa Nam và Đông Nam Á, thật ra là một thứ âm nằm giữa âm P và B theo mẫu tự La-tinh. Ký âm quốc ngữ đã chọn “B” cho một số từ, thí dụ: Po (Mường) => Bọ (Việt); Pà đỡ té (Mường) => Bà đỡ đẻ (Việt), Pẻnh mỳ (Mường) => Bánh mì (Việt).
- Ca = gà, cỏ ca = cỏ gà. Một thứ từ có nhiều phát âm rất giống với từ tương đương ở các phương ngữ Hoa Nam, nhất là Hakka và Hải Nam Gai. Thái cũng phát âm tương tự: Gai hay Gaa. Quảng Đông phát âm như Cáy, rất giống tiếng Mường: Ca.
- Cẳng = Chân. Thêm một từ nữa: “Giò”. “Chân” mang cùng gốc với jəəng hay dzâng, ajưng hoặc chơn của các phương ngữ thuộc Mon-Khmer hay Mường. Cẳng bà con với Ka tiếng Hakka (Hẹ), Ka-tui Phúc Kiến, taKay tiếng Chăm, hoặc Kaki tiếng Mã Lai, và giống nhất với Kahng tiếng Tây Tạng. Trong khi “Giò” có thể cùng gốc gác với zeoi tiếng Quảng Đông, giok Hẹ (Hakka), hay chiok Phúc Kiến.
- Tê = kia.
Rất có khả năng cùng gốc với từ Tày - Nùng tỉ mang nghĩa “đó, kia”. Tỉ Tày - Nùng, là âm tương đương với bi Quan thoại 彼, mang cùng nghĩa. Gần giống tiếng người Choang ở Quảng Tây.
- Đàng = đường. Mường gọi tàng (tàng tất = đường đất). “Đàng” hay “đường” có cùng gốc với từ Quảng Đông dung衕, mang nghĩa “ngõ đi”. “Đường sá” đàng hoàng người Hoa gọi “đạo” 道, người Thái và một lô các tiếng gốc Mon -Khmer (kể cả Chăm) và Đa đảo thường thiên về các âm vị mang âm sá (trong “đường sá”). “Đàng” và “đường” biến chuyển qua lại với nhau, nằm trong một quy luật giữa các phương ngữ Hoa - Nam: Lượng = lạng; trương = trang.
- Nác = nước. (Nác) hay (đác) là những phát âm chỉ “nước” rất phổ biến trong các thứ phương ngữ xưa ở vùng Đông Dương, kể cả tiếng Mường. Từ điển Alexandre de Rhodes ghi “Nác” = “nước”. “Nác” mang cùng gốc với (Naahm) tiếng Thái - Lào, và cũng rất có thể “Nác” là kết quả hợp âm: (naahm) T + (dak). “Nác”, ở dạng “Đác” trong các phương ngữ của Môn - Khmer, cũng có liện hệ “ví phỏng” với “đạc” mang nghĩa “chất lỏng đã đặc lại” = đặc.
- Chu = châu. Nó nằm trong định luật về âm tương đương giữa các phương ngữ Bách Việt (xưa) ở Hoa Nam, Iu Ù Âu: “Nếu một phương ngữ có phát âm au hay ou cho một từ, thế nào cũng có một phương ngữ khác phát âm cho cùng từ đó theo âm iu”.
- Cươi = Sân. Trước hết “sân” là một từ mang gốc Mân Việt (Phúc Kiến): tsing. “Cươi” là một thứ từ hiếm có trong những từ điển phương ngữ xa xưa, cươi có thể mang nghĩa “cái nền đất” => “cơ” (xem từ điển Huỳnh Tịnh Của. Cươi cũng mang âm gần với “Cơi” mang nghĩa “đất cao”, hoặc khoảng đất gần hàng rào trước “nhà”. “Cươi” do đó có thể mang liên hệ “ví phỏng” với “Cửa”. Nhưng gần với “Cươi” nhất trong các phương ngữ bản địa chính là “Cai” của tiếng Tày - Nùng, cũng mang nghĩa chính “sân (nhà)”.
- Đặng = được. “Đặng” và “được” là lối đọc tiếng Việt (Bách Việt) của hai từ Hoa khác nhau: 打 deng Quan thoại đặng, và 得 tiet Hẹ, dak QĐ đạt, và tâ? Ngô Việt (tức Chiết-Giang/Thượng Hải).
- Giôông = chồng. “Chồng” mang phát âm giống tiếng Hạc Việt chong tương đương với trượng trong “trượng phu”. Âm Gi trong Giồông tương đương “qua lại” với Ch là một đặc điểm tiếng Mường như Giường = chờng.
- Giôông = giông. Đây là sự biến âm cuối n và ng có thể mang ảnh hưởng tiếng Mân Việt. Tương tự: Hoọc = Học; Khôông = Không; trôông = trông, đôông = đông.
- Lịp = nón lá. theo tự điển Huỳnh Tịnh Của: nón. Tiếng Hạc Việt (Hẹ) phát âm y hệt lip cho chữ 笠, tượng hình chữ “Trúc/ tre” (chỉ lá tre) viết chồng lên âm “lập”. Phát âm theo kiểu Quảng Đông của “lịp” là lap.
- Ngái = xa. Một từ rất phổ biến vùng đất Mon-Khmer: xngai, jngai, yngai, xă ngai, v.v. thuộc Mon-Khmer và Munda. Tiếng Thái là za gần với “xa” hơn. Âm ngái rất gần với âm gai quan thoại và kai tiếng Mân Việt (PK) và Hạc Việt (Hẹ), 垓, có mang một nghĩa: “Xa”.
- Nương = vườn quanh nhà, nương = ruộng cao ở núi. Dùng sát với “ruộng”, hay thay thế “ruộng”: ruộng nương, nương chè, nương dâu. “Nôỗng” và “Nương” rất gần âm với “nông”, và ý nghĩa, cách phát âm có thể hoán chuyển với nhau, trước thời quốc ngữ. Cũng có khi đi đôi với “náu” mang nghĩa: nương tựa, nhờ cậy. Trường hợp này, “nương” gần âm tiếng Hạc (Hẹ): niong = nương tựa, và “náu” gần âm tiếng Ngô - Việt: Nyaz, hay Hạc: liau.
*Phương ngữ có nguồn gốc từ khối Mon-Khmer
Ngữ tộc Mon-Khmer, là một nhóm ngôn ngữ lớn bao gồm khoảng 150 ngôn ngữ của ngữ hệ Nam Á đa số tập trung tại Đông Nam Á. Được phân nhánh thành ba vùng Đông, Nam, Bắc
- Cẩy = Cái / con Gái. Âm cuối y trong Cẩy mang ảnh hưởng khối Mon-Khmer. Tiếng Việt trong trường hợp này đã chọn i, thành ra Cái. Trong tiếng Mường, Cẩy {cải/ cảy} có thể mang nghĩa “cái/ con” (cải pẻnh, cái đốc => cái đò; cảy cả => con cá; cảy ca => con gà), và cũng đồng thời có thể dùng để chỉ: mẹ, vợ, con gái, chị, người đàn bà. Thí dụ: cảy ho = mẹ tôi; con cải = con gái; cải cá = chị cả; cái khà = gái già; cải khon = gái tân; cải roch = chị ruột).
- Chắc = nhau. Chắc là một từ gốc Mon-Khmer và Mường, mang nghĩa: thân mình, con người, thân thể, v.v. Trong lối dùng “đập chắc”, ta có thể thay thế nó bằng “đánh nhau”, nhưng chắc không nhất thiết mang nghĩa gốc là “nhau”. “Đập chắc” là một lối nói của một số phương ngữ Trung Bộ, tương đương với “đánh nhau” phía Bắc, Tiếng Mường: chắc = người, chắc cá = người lớn, chắc khà = người già. Tiếng Mon-Khmer: tsa?ak hay sa?ak = thân mình.
- Cơn = con + cái. Trước hết, “cơn” = con chỉ là một lối kí âm thống nhất của quốc ngữ: con. Nhưng theo định luật thông thường của “mạo từ”, “con” thường dính với các từ mang tính “động - đậy”: con sông, con chó, con gà, con gái, con chim… và “cái” thường đi với những từ mang tính “bất động”: cái bàn, cái ghế, cái hồ, cái đồn…
*Phương ngữ có nguồn gốc liên quan đến tiếng Mường
Tuy cùng nằm trong khối Mon-Khmer nhưng ngữ chi Việt (Việt - Mường) nhiều khi được được xếp riêng. Ngôn ngữ Việt - Mường có sự giao thoa rất lớn do chung đụng nhiều yếu tố địa lý cũng như lịch sử. Trong phương ngữ Quảng Trị có rất nhiều từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ này:
- Trẽn = thẹn. Người Quảng Trị dùng từ trẽn không chỉ bao hàm là thẹn mà còn mang nghĩa ngượng ngịu, xấu hổ và trơ trẽn. Tiếng Mường: thẽn => thẹn. Theo sát biến chuyển tương đương kiểu: “ngẽn ngùi” (M) => nghẹn ngùi.
- Trôốc = đầu. tiếng Mường Tlốc. “Nhâc tlốc” = nhức đầu. “Tlốc củi” = Trôốc cúi (đầu gối). “Tau tlốc” = đau đầu, ngoài ra “Trôốc” còn liên hệ với “trọc” trong “Trôốc lốc”: mang nghĩa “đầu cạo hết tóc”, hay “không còn tóc”.
- Trớng = trứng. Tiếng Mường: “Tlởng” = trứng.
- Bạo: “Bão”. Đây là sự biến chuyển qua lại giữa thanh ngã (Bão) và thanh nặng (Bạo) của tiếng Mường, bởi tiếng Mường (Hoà Bình) không có thanh nặng: mũ khà => mụ già; ngẽn ngùi => nghẹn ngùi (ngào); pũi => bụi.
- Chạc giợ = dây chỉ; dây nhợ. “Chạc đa cổ trối”/dây da, củ trối. Tiếng Mường: Chạc nhợ. Người Quảng Trị xưa dùng âm d thay cho âm nh. Ví dụ: dà (nhà), dớ dung (nhớ nhung)…
- Chi = gì/ sao. Rất phổ biến tại nhiều nơi. Tiếng Mường: cải chi => cái gì. “Trai mà chi gái mà chi, sống sao có nghĩa có nghì thì hơn”
- Chiếng = giếng. Âm ch tiếng Mường, nhiều khi tương đương với g tiếng Việt. Khảng Chiêng => tháng Giêng. Chiềng bễnh => giường bệnh. Chiểng = giếng.
- Choọc = Thọc. người Quảng Trị dùng choọc léc (thọc nách) hay “đâm bị thóoc, choọc bị gạo” Tiếng Mường choc. Việc nhầm lẫn “chọc” với “thọc” có lẽ bắt nguồn từ hai cách phát âm khác nhau của cùng một từ Bách Việt: 戳 tsok (~ choc) theo kiểu Hẹ/ Quảng Đông, và tshokk (~ thoc) theo Ngô Việt (Chiết Giang).
- Cộ = củ (khoai to vôồng thì tốt cộ). Tiếng Mường: cố = củ, cố cỏng = củ gừng, đây là sự hoán chuyển giữa thanh hỏi sang thanh nặng.
- Côi = trên. Tiếng Mường: cổi = trên. Cổi tlời = trên trời; cổi nủi = trên núi. Từ này cũng có thể có nguồn gốc với Phúc Kiến kaoiN= cao/ phía trên.
- Cụ = cậu. Tiếng Mường: Cũ = cậu. củ = con… đây là sự biến âm âu thành âm u hay gặp ở Quảng Trị.; su = sâu; chu = châu.
- Du = dâu. Tiếng Mường: Du = vợ con trai, đây cũng là sự biến âm âu thành âm u người Quảng Trị có câu nói lái rất hay: “Mạ du - mụ gia”.
- Đụa = đũa. Biến chuyển dấu ngã sang nặng rất thường xảy ra giữa tiếng Mường và Việt, một phần tiếng Mường (Hoà Bình) không có dấu nặng. Phần khác, trước thời quốc ngữ phát triển, các thanh thường biến chuyển theo khu vực. Thí dụ: lộ = lỗ ; ngọ = ngõ; mụi = mũi…
- Eng = anh. Tiếng Mường: Enh = anh. Ngoài ra chúng cũng có thể bà con gốc gác với Tiếng Hàn hyEng/ huynh, đọc nhanh có thể rất giống eng.
- Lả = lửa. Tiếng Mường (Hoà Bình) cho “lửa” là “cúi”. Trong trường hợp ví phỏng của “cúi” (lửa) hoán chuyển sinh ra “cúi” mang nghĩa “củi” Một phương ngữ Mường khác phát âm “lửa” như “lá” hay “lả”, bởi các dấu ấn của âm tương đương a chuyển thành ưa như: Rạ = rựa.
- Ló = lúa. Tiếng Mường: Lõ = lúa. Lõ cảo = lúa gạo; lõ đếp = lúa nếp. Giữa Mường và Kinh, âm dấu sắc ưa biến chuyển qua lại với dấu ngã: chũng thôi (M) = chúng tôi; so với: chủng enh (M) = chúng anh (các anh).
- Lọi = gãy. Tiếng Mường: lé = gẫy; lé chân = gẫy chân. Đây là một thứ âm sinh ra theo kiểu “cận vị” – “lẻ (lé)” và “loi” ưa đứng gần - bởi tiếng Mường cũng như Việt đều có: lé loi (M) = lẻ loi (đơn chiếc) ngoài ra lé loi trong tiếng Mường cũng sẽ mang nghĩa “gẫy” (tay/ chân). Như trên đã nói, do tiếng Mường (Hoà Bình) không có dấu nặng cho nên có thể tiếng Việt đã biến “loi” thành “lọi” để phân biệt với “lẻ loi”.
- Mệ = bà. Ảnh hưởng tiếng Mường gốc Thái - Việt: Mễ = mẹ, bà; Mễ dã = bà nội, mẹ chồng; Mễ mỗng= mẹ vợ; Mễ khà= mẹ già.
- Mẹng = miệng. Tiếng Mường => “Mẽnh”, cho thấy “Mẹng/ miệng/ mẽnh/ mồm” là những lối phát âm khác nhau theo từng vùng, trước thời quốc ngữ. “Mồm” => mõm, với Mõm thường dùng cho súc vật: “mõm chó”.
- Mụi = mũi. Hoán chuyển bình thường giữa hai thanh ngã - nặng. Thông thường qua lại giữa Mường và Việt. Thỉ ngiễm (M)=> thí nghiệm (V). Pò mũng (M)=> bò mộng.
- Ni = này/ Nớ = Kia. Tiếng Mường: ni = nì = nầy. Tiếng Việt: nớ - nọ. Ngoài ra các thứ tiếng đệm nầy vẫn thấy trong các phương ngữ Hoa.
*Phương ngữ có nguồn gốc từ Quảng Đông
Quảng Đông trong lịch sử Trung Hoa cổ đại là nơi sinh sống của các tộc người "Bách Việt", từ thế kỷ I đến thế kỷ VI (thời kỳ Bắc thuộc). Qua những ghi chép về hoạt động của Trung Hoa ở Bắc Bộ Việt Nam cho thấy quá trình Việt Nam hóa đối với các dòng họ Trung Hoa, hơn là quá trình Hán hóa đối với người Việt… Do đó những phương ngữ này là của người Việt có nguồn gốc từ Bách Việt chứ không phải là do Hán hóa.
- Rớ = lưới. Có trong từ điển Huỳnh Tịnh Của. “Rớ” mang âm gần với Rõ tức “rọ”, thường dùng để bắt cọp, bắt thú vật, hơn là “lưới” để lưới cá, lưới tôm. “Rớ” rất khả năng cùng gốc với 罝 ze tiếng Quảng Đông, chỉ cái rọ để bắt các loại thú nhỏ như thỏ, chồn.
- Rú = rừng. Rừng và Rú đều là hai từ mang gốc Quảng Đông, viết khác nhau: Rừng = zeon 獉, và Rú = zau 菆.
- Rứa = thế. Có trong tự - vị của Huỳnh Tịnh Của. Có thể mang gốc Quảng Đông: 這 ze, pha với phát âm Hẹ za.
- Su = sâu. Theo sát biến chuyển Du => Dâu, Cụ => Cậu ở trên, cũng như biến chuyển giữa Chu và Châu. “Su” => “Sâu” tương ứng với siu Quảng Đông => siau Hakka, 潚.
- Trự = đồng tiền. Từ tiếng Hoa mang nghĩa “đồng tiền” rất giống “Trự” phát âm theo kiểu Quảng Đông: zyu 铸. Theo tự - vị của Huỳnh Tịnh Của. Trự = đồng tiền. “Không có một trự” (trong túi) = nghèo lắm, túng lắm.
- Hung = rất. Lối dùng “hung” cho phó từ “rất” thật ra mang xuất xứ từ Bách Việt, và được sử dụng tại nhiều nơi ở Việt Nam. Chữ hung 凶 ngoài nghĩa “dữ tợn”, “xấu” còn mang nghĩa “rất”, “cực kì”. Phát âm Hạc Việt (Hẹ) và Quảng Đông y hệt: hung. Thí dụ tiếng Việt: “Hôm ni, hắn rảnh hung?”.
*Phương ngữ có nguồn gốc Chăm
Người Chăm trong lịch sử, có nền văn hóa phát triển, là hậu duệ của các cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh thời kì đồ sắt. Ở Việt Nam người Chăm có mối liên hệ gần gũi với các dân tộc nói các tiếng cùng thuộc ngữ tộc Malay-Polynesia như Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai và Chu Ru. Do có một thời gian dài người Quảng Trị sống chung với cộng đồng người Chăm vì vậy đã có sự giao thoa về văn hóa nói chung cũng như ngôn ngữ nói riêng:
- Ót = gáy (sau cổ). Tiếng Chăm: takôy = cổ. Mon-Khmer: ko hay ka = cổ. Trong nhóm ngữ Mon-Khmer, Tiếng Tàu cho “cổ” hay “gáy” là 項 phát âm hong theo Hạc và Quảng Đông, khá giống “họng” tiếng Việt. Phát âm Ngô Việt cho từ này là hAz khá gần với “ót”.
- Mụ = bà. Có ghi trong từ điển Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 Tiếng Chăm: Muk nghĩa “bà cụ”; muk bôy = bà mụ.
- Chộ = thấy, tiếng Chăm: ýô?. cũng có thể có nguồn gốc Bách Việt: Mân Việt (chhu), Ngô Việt (tshO), và Hán - Hàn (chok).
- Rặc=throk: Từ mô tả hiện tượng nước đang vơi nhanh ở giai đoạn chuẩn bị khô. “Cơm rặc rồi, đậy nắp bàng lại!”.
- Lụt = haluh: là hiện tượng các vật dụng, công cụ bằng kim loại có độ sắc bén bị bào mòn qua quá trình sử dụng: “kỳ đao ni (con dao này) bị lụt rồi”.
- Rị mọ = Re ro: là từ ám chỉ một người đang làm công việc lặt vặt trong nhà do quá tỉ mỉ chậm chạp.
- Ro ro/Ro ro: mô tả sự chuyển động một cách trơn tru, thanh thoát, chỉ dành riêng cho xe: “Mới sửa xe xong, giờ hắn chạy ro ro rồi!”.
Ngoài một số từ gốc Chăm đơn giản mang tính giao tiếp hàng ngày như: Ni/ni /đây; Nớ/deh/đó; Tê/têh/kia; Ôông/ông/ông; Mụ/muk/bà; Lú/luk/chậm hiểu: Khum/ khum/ khom; Bận/băng/lần…
*Phương ngữ có nguồn gốc thời tiền quốc ngữ
Đây là thời kỳ các nhà truyền giáo phương Tây ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh để dễ dàng trong công việc truyền đạo, với thời kỳ bản lề là vào khoảng năm 1630 đến 1634, các nhà truyền giáo đã dùng 5 dấu thanh để ghi 6 thanh điệu của ngôn ngữ Việt, trong thời gian chuyển tiếp này có hằng trăm phát âm khác nhau tùy từng làng hay mường bản.
- Chờng = giường: “Ù”, “Ờ” hay “Iề” đều là những kí âm “gần đúng” của quốc ngữ, đối với của thời “tiền-quốc-ngữ”. Chiềng bễnh => giường bệnh.
- Dọi = dõi = theo (Eng về đừng có ngó lui, để em ngó dọi bùi ngùi nhớ thương).
- Mui = môi. Hoán chuyển bình thường giữa âm u và ô, trước và sau thời quốc ngữ: tui = tôi; thúi = thối.
- Ôông = Ông. Tiếng Việt thời quốc ngữ chưa hoàn chỉnh, vẫn có lộn xộn ở âm cuối ôn và ông. Thí dụ: “tôn giáo” trước giữa thế kỷ 20, vẫn còn phát âm tại rất nhiều nơi: tôn miếu = tông miếu; Lê Thánh Tôn = Lê Thánh Tông.
*Phương ngữ hình thành do kị húy
Do kỵ tên húy của vua, do con cái kiêng gọi tên thật ông bà tổ tiên, hay trong đời sống xã hội do tránh dùng một chữ nào đó do sợ phạm vào uy quyền, thế lực siêu nhiên hoặc những ngôn từ không may mắn, người Quảng Trị hay đọc trại thành một từ khác… từ đó đã tạo ra một phương ngữ mới:
- Bường được đọc trại từ bình (Bường đợng nác).
- Luông được đọc trại từ Long (làng Kim Luông).
- Mơi = Mai (Sớm mơi, mơi mốt).
- Đương = Đang (miềng đương mần).
- Đương = Đan (đương thúng, đương rổ)...
- Chưn = Chân (đi chưn đất)…
Việc phân nhóm nguồn gốc trên chỉ mang tính tương đối. Ví dụ Ngữ chi Việt (Việt - Mường) nhiều khi được cho vào nhánh phía Bắc của khối Môn-Khmer nhưng thường cũng hay được xếp riêng; nhiều nhà ngôn ngữ học lại cho nhánh Việt - Mường vào nhánh phía Đông và xếp nhánh Pear ra một mình; nhiều người lại không công nhận sự hiện diện của nhánh phía Nam. Một số nhánh hoặc địa phương vừa nằm trong khối Mon-Khmer lại nằm trong nhóm cư dân cổ Bách Việt…
Ngoài ra do biến động về lịch sử, sự chuyển dịch về địa lí bờ cõi, cộng với sự chồng lấn về văn hóa trong quá trình chia tách, sát nhập của nhiều tộc người, nhiều quốc gia, lãnh thổ… cho nên có rất nhiều từ ngữ rất khó xác định về nguồn gốc một cách rõ ràng. Vì vậy bài viết chỉ mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu cần thiết khi tìm hiểu về nguồn gốc tiếng nói, ngôn ngữ đặc thù của môt vùng đất quê hương - Phương ngữ Quảng Trị.