Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đình trần - nét văn hoá đặc trưng trong kiến trúc một số đình làng tại Quảng Trị

Cùng với quá trình hình thành và phát triển, người Việt trên bước đường Nam tiến đã mang theo văn hoá, tín ngưỡng của mình trên vùng đất mới, trong đó nét văn hoá đặc trưng nhất là đình làng. Trong buổi đầu sơ khai, còn biết bao khó khăn, người Việt chưa thể dựng đặt những ngôi đình khang trang như ở quê cha đất tổ thì họ đã sáng tạo ra một loại đình mới - đình trần/nền đình/đình lộ thiên để làm nơi cúng tế của cộng đồng làng xã.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay nhiều làng xã trên vùng đất Quảng Trị vẫn bảo tồn được loại hình đình trần và trở thành nét văn hoá đặc trưng trong kiến trúc đình làng. 

Đình làng Cam Lộ Hạ - Ảnh: Thanh Bình

Đình làng Cam Lộ Hạ - Ảnh: Thanh Bình

Bố cục kiến trúc, vị trí dựng đặt đình làng

Cũng như hầu hết các ngôi đình Việt Nam khác, việc lựa chọn nơi để dựng đặt một ngôi đình được cộng đồng làng xã xem xét cẩn trọng về vị trí/địa thế để dựng đặt đình làng. Nghĩa là phải tìm kiếm những mảnh đất đắc địa, hội tụ những điều may mắn, như: “tiền án hậu chẩm”, “tả phù hữu bật”, “thuỷ tụ sơn triều”, “tiền tam thai hậu thất tinh”… Tuy nhiên, chọn vị trí theo phong thuỷ thường đặt nặng đối với những ngôi đình có nhà còn đối với loại hình đình trần/nền đình lộ thiên thì yếu tố này dường như chưa phải quan trọng nhất vì loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ban đầu chỉ là vị trí để tổ chức cúng tế vào dịp “xuân thu nhị kỳ”, xong việc thì chỉ còn là bãi đất trống nên vị trí đình không đặt nặng yếu tố phong thuỷ.  

Dấu vết xưa nhất về vị trí của loại hình đình này chỉ là những mô đất cao, những lùm cây rậm mà trong dân gian thường truyền lại là: đình cộ/cũ, nền đình, cồn đình, lùm đình... Điều đó chứng minh rằng: ngay từ buổi sơ khai định cư trên vùng đất mới, người Việt cũng đã lựa chọn những vị trí cao ráo, thuận lợi để dựng đặt đình làng làm nơi cúng tế. Hiện nay qua khảo cứu một số ngôi đình thuộc loại này tồn tại đến ngày nay trên địa bàn Quảng Trị cho thấy vị trí được chọn dựng đặt đình là những khu vực cao ráo, thuận tiện, tạo nên không gian thiêng của làng, như: đình làng Đâu Kênh, đình làng Bích La Thượng thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nằm ở trung tâm làng, trên tuyến đường chính; đình làng An Mô nằm trên khu vực Cồn Mạ, Xóm Trong (vị trí cư dân đầu tiên đến định cư thành lập làng); đình làng Thượng Nghĩa thuộc phường Đông Giang nằm ở trung tâm của làng…

“Theo bước chân của các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh trong các cuộc di dân, văn hóa Việt cổ có cơ hội để thoát ra khỏi những ràng buộc, khuôn phép vốn có ở đất Bắc để vượt lên, tỏa sáng trong không gian sinh thái nhân văn mới, đồng thời kế tục, kế thừa những gì vốn có trước đó, biến hóa cái của tiền chủ thành những cái của hậu chủ để đáp ứng với nhu cầu đời sống văn hóa của mình. Bên cạnh các làng xóm vừa mới tạo lập, các thiết chế văn hóa làng xã phục vụ cho đời sống sản xuất, đời sống sinh hoạt tinh thần dần được gây dựng”.

(Lịch sử ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Trị (1945 - 2000), tr. 10)

Mặt bằng đình trần/nền đình/đình lộ thiên bố trí tương đối đơn giản, theo mô típ chung: từ ngoài vào là cổng, nối liền cổng là hệ thống tường rào tạo thành la thành, phía sau cổng là bình phong, sân đình và cuối cùng là các án thờ.

- Cấu trúc cổng đình

Cổng đình trần tương đối phong phú, có nhiều loại khác nhau. Một số đình làng được xây dựng quy mô lớn thì có bố cục gồm 2 lớp cổng. Lớp cổng thứ nhất tạo nghi môn. Lớp cổng thứ hai là vào không gian thờ cúng/không gian thiêng. Một số đình quy mô nhỏ thì chỉ có một lớp cổng. Kiến trúc của cổng cũng có nhiều loại: cổng tam quan, cổng có mái... Tiêu biểu cho loại hình có hai lớp cổng là đình làng An Mô (Triệu Long, Triệu Phong), đình làng Thượng Nghĩa (Đông Giang, Đông Hà) nhưng kiến trúc cổng cũng khác nhau.

Đình làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Từ ngoài vào là lớp cổng thứ nhất; theo kiểu tam quan gồm 4 trụ biểu tạo thành nghi môn, mở thành 3 lối, ở giữa là lối chính, hai bên hai lối phụ. Các trụ biểu tạo khối hình trụ vuông, hai trụ ở giữa cao, hai trụ hai bên thấp hơn. Trên đầu trụ biểu được tạo cách điệu thành 2 tầng mái được trang trí với các đầu rồng và dây lá. Lớp cổng thứ hai là bước không gian thờ cúng. Lớp cổng thứ hai cũng được xây dựng theo kiểu tam quan gồm 4 trụ biểu, mở thành 3 lối, ở giữa là lối chính, hai bên hai lối phụ. Các trụ biểu tạo khối hình trụ vuông, hai trụ ở giữa cao, hai trụ hai bên thấp hơn. Trên đầu trụ biểu được tạo kiểu lồng đèn, có 4 mái, các bờ mái uốn cong trang trí hình giao long. Trụ biểu được xây bằng đá bazan chẻ, trét mạch bằng vữa xi măng.

Đình làng Thượng Nghĩa, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Đình được trùng tu tôn tạo vào năm 1998. Mặt bằng kiến trúc gồm 2 lớp cổng. Từ ngoài vào là lớp cổng thứ nhất; được xây theo mô thức cổng vòm cuốn tạo thành nghi môn, chỉ có một lối. Phần mái cổng tạo kiểu hai tầng mái, ở giữa là đường cổ diêm tạo 3 ô học, trang trí hình dây lá, trên nóc của mái trên trang trí đồ án “lưỡng long chầu lưỡng nghi”. Hai trụ cổng hình vuông, trên đỉnh trụ trang trí hình lồng đèn, trên đỉnh lồng đèn đặt 2 bình hồ lô. Lớp cổng thứ hai chỉ tạo 2 trụ biểu hình vuông, trên đầu trụ trang trí hình lồng đèn, cả hai mặt trước và sau trụ cổng đắp nổi 4 câu chữ Hán bằng mảnh sành sứ.

Đối với những ngôi đình được trùng tu tôn tạo theo kiểu gồm hai lớp cổng là những ngôi đình có quy mô lớn, nhằm tạo ra sự ngăn cách giữa không gian chung và không gian thờ cúng. Việc tạo ra lớp cổng thứ hai chính là ranh giới bước vào không gian thờ cúng. Lớp cổng này cũng giống như cửa để bước vào tòa đại đình của kiến trúc đình có nhà.  

Đối với những đình có quy mô nhỏ thì bố trí mặt bằng chỉ có một lớp cổng. Cấu trúc của cổng cũng tương đối đơn giản chỉ có 2 trụ biểu, tạo kiểu hình vuông.

- Cấu trúc la thành

Hệ thống tường rào của đình trần được xây dựng thấp, tường rào nối liền với cổng đình tạo thành hệ thống la thành. Những ngôi đình có kiến trúc cổng gồm hai lớp cổng thì hệ thống la thành cũng tạo ra hai vòng thành. La thành thứ nhất nối từ hai trụ cổng của nghi môn/cổng thứ nhất kéo dài bao bọc toàn bộ khu đất của đình. La thành thứ hai nối từ hai trụ cổng thứ 2 - cổng bước vào nền đình/không gian thờ cúng và bao bọc khu vực này. Mặt sau của la thành được xây cao hơn, tạo kiến trúc thành bình phong hậu. La thành được xây theo lối kiến trúc “phương hình” (dạng hình vuông hoặc chữ nhật). Tiêu biểu cho kiểu kiến trúc hai vòng thành này có đình làng An Mô (xã Triệu Long, Triệu Phong), đình làng Thượng Nghĩa (phường Đông Giang, Đông Hà). Đối với những ngôi đình chỉ có một lớp cổng thì hệ thống la thành cũng chỉ có một vòng thành, nối từ hai bên trụ cổng và bao bọc toàn bộ khu vực đình, tường phía sau của la thành được xây cao, tạo kiến trúc thành bình phong hậu.

Nét đặc trưng của kiến trúc hệ thống tường rào của đình trần là kết hợp tường rào tạo kiểu thành la theo lối kiến trúc “phương hình” dạng đơn thành hoặc đa thành, mặt sau của vòng thành trong tạo thành bình phong hậu.

- Cấu trúc bình phong

Hầu hết các ngôi đình trần đều có hai bình phong: bình phong tiền và bình phong hậu. Bình phong tiền đặt phía sau nghi môn. Chức năng của bình phong tiền nhằm tránh các thế lực xấu và xua đuổi các luồng khí không tốt; đồng thời tô điểm và làm đẹp cho các công trình tâm linh đình, miếu. Bình phong tiền được trang trí mỹ thuật tạo điểm nhấn trong kiến trúc thường trang trí theo mô típ chung: tạo hình cuốn thư, trang trí đắp nổi bằng xi măng hoặc mảnh sành sứ các đồ án “long mã chở lạc thư”, “hổ phụ vờn hổ tử”... Bình phong hậu được tạo dựng từ la thành hậu của vòng thành trong và thiết kế cao hơn so với tường thành. Trang trí bình phong hậu mỗi đình cũng tương đối khác nhau, có đình thì được tạo kiến trúc cầu kì như đắp nổi đồ án “lưỡng long chầu lưỡng nghi” nguyên cả mảng tường thành hậu như đình làng An Mô, có đình thì ở chính giữa la thành hậu chỉ xây cao tô trét đắp chỉ và chính giữa đắp nổi chữ Hán Nôm “THẦN LINH” (đình làng Thượng Nghĩa) hay chỉ chữ “THẦN” (đình làng Cam Lộ Hạ)...

Cấu trúc án thờ và phối trí thờ tự

Buổi sơ khai đình trần/nền đình/đình lộ thiên chỉ là một nền đất, hàng năm vào dịp “xuân thu nhị kỳ” dân làng tổ chức cúng tế để cầu bình an, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu... nhưng dần dần về sau mới thiết lập các án thờ cố định. Ban đầu án thờ được đắp bằng đất về sau được xây dựng bằng các vật liệu vôi hàu, mật mía hay xếp bằng gạch... và hiện nay được xây dựng bằng vật liệu kiên cố như gạch, xi măng, sắt thép... Án thờ là trung tâm của đình làng, là nơi thờ các vị thần bảo trợ cho dân làng; nơi thờ những dòng họ có công khai khẩn tạo lập hương hiệu làng xã. Án thờ trong đình trần chỉ được tạo lập muộn nên mô típ án thờ được thiết kế theo mô típ án thờ của loại hình đình có nhà. Một số đình dựng án thờ theo kiểu án trần, không có mái mô phỏng theo kiểu án thờ của loại hình đình có nhà, như đình làng An Mô, đình làng Bích La Thượng, đình làng Thượng Nghĩa... Bên cạnh đó còn có loại án thờ được xây dựng theo dạng miếu có mái che, như đình làng Cam Lộ Hạ (xã Thanh An, Cam Lộ).

Án thờ được bố trí theo chiều ngang hoặc theo hình chữ U. Án thờ bố trí theo chiều ngang thường có 3 án thờ: ở giữa thờ Thành hoàng, bên tả thờ nhiên thần, bên hữu thờ nhân thần. Án thờ bố trí theo hình chữ U: gồm 3 án ở giữa, 2 án hai bên. Hai án 2 bên thường thờ linh hồn những người tha phương cầu thực, không có ai thờ tự và những dòng họ tuyệt tự/không có người nối dõi.  

Nhìn chung, đình trần/nền đình/đình lộ thiên là loại hình ra đời tương đối sớm trên vùng đất Quảng Trị. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử cho đến nay đình trần cũng đã nhiều thay đổi từ chức năng đến diện mạo kiến trúc. Buổi ban sơ đình trần chỉ thực hiện chức năng duy nhất là nơi cúng tế, dần dần về sau được đặt thêm án thờ và trở thành nơi thờ tự chung của cộng đồng làng xã. Trong những năm gần đây, nhiều làng xã đã cùng chung tay trùng tu tôn tạo những ngôi đình trần tương đối quy mô và khang trang nhưng vẫn giữ lại nếp cũ đã tạo ra diện mạo kiến trúc cho loại hình đình làng trên vùng đất Quảng Trị mà không một vùng miền nào có được.

Đình trần trên vùng Quảng Trị mang giá trị lịch sử, văn hóa

Người Việt trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam, định cư lập nghiệp trên vùng đất mới/Quảng Trị họ đã mang theo văn hoá, tín ngưỡng từ quê cha đất tổ. Trong buổi sơ khai lập nghiệp trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự ương ngạnh của cư dân bản địa hay sự uy nghi của những công trình tín ngưỡng đền, tháp của người Chăm còn lại… đã làm cho người Việt phải vươn lên, xác lập chủ quyền của chính mình. Chính vì vậy, người Việt đi đến đâu thiết lập làng xã đến đó và các thiết chế đình, chùa, đền, miếu được tạo lập nhằm vừa xác định chủ quyền đồng thời thoả mãn nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.

Trong buổi sơ khai còn nhiều khó khăn, người Việt chưa có điều kiện để dựng đặt những ngôi đình khang trang như ở quê nhà, họ đã biết chọn địa điểm quan trọng trên địa vực cư trú để làm nơi cúng tế, cầu bình an, cầu mưa thuận gió hoà… Những địa điểm này được xem như là đình làng nhằm duy trì nét văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng xã trên vùng đất mới. Loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ra đời tương đối sớm trên địa bàn Quảng Trị thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong việc duy trì văn hoá, tín ngưỡng trên vùng đất mới.

Sự tồn tại loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ở nhiều làng xã được hình thành sớm trên vùng đất Quảng Trị đã minh chứng cho sự ra đời sớm của đình làng. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, con dân nhiều làng xã có đủ tiềm lực để xây dựng những ngôi đình khang trang nhưng người ta vẫn giữ nếp cũ, bảo tồn nét văn hoá của cha ông trong buổi sơ khai. Chính sự bảo tồn loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên của một số làng xã cùng tồn tại song song với loại hình đình có nhà tạo thành nét đặc trưng và phong phú trong hệ thống đình làng Quảng Trị. 

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 355

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

14 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/12

25° - 27°

Mưa

14/12

24° - 26°

Mưa

15/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground