Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đôi điều về Nghĩa Trũng Đàn và nhân vật lịch sử Hoàng Hữu Xứng

P

hải đến những năm 90 của thế kỷ trước, từ Tây nguyên chuyển công tác về Quảng Trị quê nhà tôi mới phát hiện ra có một nghĩa trang có tên gọi là Nghĩa Trũng đàn ở thị xã Quảng Trị. Từ bờ Nam sông Thạch Hãn đi hết con phố Quang Trung, vượt qua kênh đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn, rẽ trái ra cánh đồng làng Thạch Hãn cũ chừng 300m đã đến Nghĩa Trũng đàn. Đã bao đời nay, nghĩa trang này có hai làng thờ cúng chăm sóc, đó là họ Hoàng ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong và dân làng Thạch Hãn nay thuộc thị xã Quảng Trị. Hai làng cách nhau chừng 6km.

Sở dĩ có biệt lệ này là vì trước đây họ Hoàng- Bích Khê thiếu đất đã bỏ tiền ra mua đất của làng Thạch Hãn để làm nghĩa trang. Họ Hoàng- Bích Khê có nghĩa vụ đóng tiền của vào để tu bổ nghĩa trang và mua sắm lễ vật cúng tế vào rằm tháng Bảy và lễ Tảo mộ hàng năm. Lễ cúng tế ở Nghĩa Trũng đàn bao giờ cũng có các trưởng làng, quan đầu tỉnh, các tộc trưởng của hai làng cùng đông đảo dân làng Thạch Hãn tham dự và cùng thừa thần chi huệ. Ngược lại làng Thạch Hãn, quanh năm có nghĩa vụ chăm sóc khói nhang trên đàn. Một lần đi dự lễ tạ ở đàn này vào năm 1996 (23 năm sau ngày giải phóng con cháu họ Hoàng mới có điều kiện đóng góp tiền của trùng tu tôn tạo lại Nghĩa Trũng đàn vì sau chiến sự 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ, Nghĩa Trũng đã bị san thành bình địa), tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước phát kiến của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng, Nghĩa Trũng đàn cũng là một trong những nghĩa trang quốc gia đầu tiên ở Quảng Trị!..Được bật mí, chúng tôi không thể không sục vào ngôi làng Thạch Hãn (nay cùng một khối phố); không thể không về  ngôi làng  Bích Khê để xác tín.

                                         * * *

Câu chuyện về đàn Nghĩa Trũng khá li kỳ. Tất nhiên “Nghĩa tử là nghĩa tận”, thời kỳ nào dân tộc ta, nhân dân ta cũng lấy nghĩa cử này làm trọng. Họ Hoàng- Bích Khê cũng không là ngoại lệ, song trong trường hợp này cho chúng ta một thông điệp rằng, cuộc sống có rất nhiều những ẩn số mà hằng trăm năm sau lời giải, đôi khi vẫn còn nằm ở phía trước. Hãy trung thực với cuộc đời, sống phải có đạo, phải biết hướng về phía cái thiện thì bao giờ cũng đón nhận được những ân huệ giữa cuộc đời. Điều này qua tìm hiểu, chúng tôi thấy nó vận vào cái họ Hoàng ở Bích Khê rất rõ. Xin dẫn ra đây vài trường hợp:

Trước hết, người có ý tưởng và phát nguyện xây dựng nên Nghĩa Trũng đàn là cụ ông Hoàng Hữu Lợi (1809-1876), tước Trung Nghị đại phu Phó đô ngự sử. Cụ Lợi vốn là người giỏi nho học nhưng thi không đỗ vì phạm trường quy, nên sống ở làng, gần gũi với thiên nhiên, thích ngâm vịnh, sở trường về quốc âm. Những nấm mồ vô chủ dọc theo bờ sông Thạch Hãn vào mùa mưa lũ xói lở bị trôi hoặc phơi lộ hài cốt lên mặt đất. Động lòng từ tâm nhưng không có đất làm nghĩa địa. Mà ngay cả nghĩa địa làng Bích Khê cho đến nay vào mùa mưa lũ cũng bị sạt lỡ nghiêm trọng. Cụ Lợi tìm mua đất của làng Thạch Hãn để làm nơi quy táng những hài cốt phận bạc kia. Đấy là năm Tự Đức thứ 25 (1872). Thì cũng là làm việc nhân nghĩa như đã nói, là trồng cây Đức cho con cháu đời sau. Những lưu dân Nam tiến bỏ thây nơi bãi lau biền cỏ bên dòng Thạch Hãn nhất loạt đều được con cháu của ngài quy về nơi Nghĩa Trũng này chăm lo hương khói. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì Nghĩa Trũng cũng chỉ là một “nghĩa địa tình thương”chứ đâu thể gọi là “Nghĩa trang liệt sĩ” hay “Nghĩa trang Quốc gia” được? Phải đến đời người con trưởng của cụ Hoàng Hữu Lợi là Hoàng Hữu Xứng mới bồi bổ thêm cho Nghĩa Trũng đàn nội hàm của khái niệm này.

Ông Hoàng Hữu Xứng (1831-1905) có tên tự là Bình Như, hiệu Song Bích, thọ 75 tuổi. Ông đã sống qua 9 đời vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Thành Thái. Và ông cũng đã làm quan liên tục trong 30 năm (1860-1900) dưới 7 đời vua kể từ thời Tự Đức. Ông đã chứng kiến và tham gia vào không biết bao nhiêu sự kiện lịch sử của dân tộc Việt dưới triều Nguyễn từ lúc đất nước còn độc lập đến khi mất nước vào tay thực dân Pháp. Thân thế sự nghiệp của ông, vì thế cũng lao đao, lên voi xuống ngựa nhiều phen cũng vì vận nước thăng trầm. Sinh thời tuy ông chỉ đổ cử nhân nhưng vì có kiến văn rộng nên hai lần được triều đình cử chấm thi Tiến sĩ. Lần chấm khoa thi Hội năm 1892, ông đã chấm đậu các sĩ tử, về sau đều trở thành nhân danh của đất nước như Vũ Phạm Hầu (đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ), Nguyễn Thượng Hiền (đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân), Chu Mạnh Trinh (đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân). Lần chấm khoa thi Hội năm 1898, ông đã lấy Đào Nguyên Phổ đậu đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 5 sĩ tử người Quảng Nam là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân, Dương Hiển Tiến cùng đậu một lượt, thiên hạ lưu danh sự kiện có một không hai này là “Ngũ phụng tề phi”. Năm 1880, ông được bổ ra làm Thự Tuần Phủ tỉnh Hà Nội. Đầu năm 1882, khi thấy Pháp chuẩn bị đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông cùng một số quan chức đang trị nhậm tại Hà Nội và Sơn Tây mật tâu lên vua Tự Đức một kế sách dự phòng để giữ vững lãnh thổ Bắc Kỳ. Nhà vua nghe theo và cho thực hiện kế sách dự phòng đó. Nhưng do tương quan lực lượng là hoàn toàn không cân xứng cả về chiến lược chiến thuật lẫn vũ khí đạn dược nên thành Hà Nội thất thủ rơi vào tay giặc Pháp. Quan thủ thành Hoàng Diệu thắt cổ tự tử để giữ tròn danh tiết, đã trở thành vị anh hùng dân tộc thì ai cũng biết. Riêng quan Thự Tuần phủ Hà Nội là ông Hoàng Hữu Xứng có làm tròn sứ mạng lịch sử của mình hay không? Phần lớn các quan khác đều bỏ thành mà chạy, riêng “quan Tuần Hoàng Hữu Xứng bị giặc bắt, chửi giặc thậm tệ rồi nhịn ăn”*, lâm trọng bệnh. Khi nghe tin Hà Thành thất thủ, vua Tự Đức sai bắt trói tất cả các quan tỉnh tại đây, đưa “về kinh đợi án”.Trong một bài dụ lúc bấy giờ, nhà vua đã hết lời ca ngợi Hoàng Diệu và lên án, cất chức tất cả các quan tỉnh Hà Nội như Bố chính Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá, Đề đốc Lê Văn Trịnh, các chánh phó lãnh binh Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Dường, Lê Trực. Riêng với quan Tuần phủ vua Tự Đức phê rằng, “Hoàng Hữu Xứng tuy không ra khỏi thành nhưng không biết cùng sống thác với thành”** ông bị cất chức, nhưng được “phái đi hiệu lục”, tức là bổ đi làm việc để đái công chuộc tội, bổ giữ chức Chánh sơn phòng Cam Lộ, Quảng Trị. Năm sau (1884), ông được khai phục hàm Hàn Lâm viện Điển bạ, năm sau thăng Hàn Lâm Viện Tu Soạn, rồi Quang lộc Tự Khanh. Cuối năm 1885, khi vua Đồng Khánh lên ngôi ông là một trong những triều thần được sung làm “nhật giảng quan” để giảng sách cho nhà vua...

Nước loạn mới biết tôi trung, ông Hoàng Hữu Xứng quả là một con người như vậy. Bấy giờ là tháng 7.1886, ông vừa được thăng chức Thị lang bộ Lại kiêm quản Viện Đô Sát. Thân mẫu ông mất, ông xin nghỉ 2 tháng về quê chịu tang. Khi quay trở lại triều đình (tháng 10.1886), một trong những việc làm hữu ích cho đất nước, cho đời sau là việc ông được triều đình giao phó đứng ra biên soạn bộ sách “ Đại Nam Quốc Cương giới Vựng biên”. Qua gần nửa năm biên soạn, bộ sách được hoàn tất vào tháng 5.1887, sách gồm 7 quyển và một bản đồ. Tính đến cuối thế kỷ XIX, chưa có bộ sách chuyên khảo nào về biên giới quốc gia như cuốn sách này. Ở vào cái thời điểm mà phần lớn đất đai các tỉnh thành của nước ta đã mất hẵn vào tay thực dân Pháp và chủ quyền dân tộc xem như không còn nữa mà viết và vẻ được bản đồ về lãnh thổ và lãnh hải quốc gia mình cụ thể như thế thì quả là ông Hoàng Hữu Xứng phải có một tấm lòng yêu Tổ quốc và phải dũng cảm, can đảm ra sao mới dám đối mặt trước cường quyền của ngoại bang. Tuy có muộn nhưng đây là lời xác quyết về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc “Đại Nam” dưới triều Nguyễn. Năm 1890, ông còn phụ trách và hoàn tất việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên Đệ ngũ kỷ, viết về những sự kiện lịch sử xảy ra tại Việt Nam từ cuối 1883-1885.

Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động và tang thương của đất nước cũng như con đường hoạn lộ  thăng trầm của mình suốt ba thập kỷ, ông Hoàng Hữu Xứng đã đi từ “con tuấn mã trong hàng cử nhân” của vua Tự Đức đến một lão thần mến yêu của vua Thành Thái. Cuộc đời ông gắn liền với thời kỳ mạt vận đầy phức tạp của triều Nguyễn nhưng ông đã đem hết sở tồn sở học ra phục vụ dân tộc với một cuộc sống thanh liêm trong sáng. Nhờ đức tính trung thực, ông đã hai lần được bổ nhiệm đứng đầu Viện Đô Sát (1877, 1886) là cơ quan Trung ương có quyền giám sát và hạch tội các quan lại lẫn nhà vua. Nhân cách, phẩm giá của ông thể hiện rõ ràng nhất trong việc dạy học, chấm thi, làm sách và làm thơ... Nhưng hãy trở lại với Nghĩa Trũng đàn.

Chính trong những năm làm Tuần Phủ Hà Nội, một trong những việc làm bác ái từ tâm nối tiếp truyền thống nhân bản của dòng họ là ông đã quy tập rất nhiều mộ chí nghĩa quân Tây Sơn đưa về Nghĩa Trũng đàn. Nhiều lần ông đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mồ hoang vô chủ; hỏi han kỳ lão trong vùng mới hay rằng đấy là mộ của nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh bỏ mình nằm lại không ai chăm sóc nên thành mả hoang. Quan Tuần Phủ cho rằng, những nấm mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành mười hai gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi còn cho lập đàn cúng tế. Về sau vào năm 1851, nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh, Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là Đặng Văn Hòa cho quy về một cái gò khác thành ra tất cả có mười ba gò. Với kẻ thù mà cha ông ta còn đối xử nhân văn như thế, thì sao không có những chính sách thoả đáng đối với những nghĩa binh áo vải cờ đào đã xã thân vì nước? Quan Tuần Phủ Hoàng Hữu Xứng đã thuê người cất bốc, thu nhặt hài cốt hơn sáu trăm bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng đàn. Đến đây thì Nghĩa Trũng đàn ở làng Thạch Hãn dẫu vô tình hay cố ý cũng đã nghiễm nhiên trở thành một “nghĩa trang đặc biệt”. Phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất; phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào. Cứ thế con cháu họ Hoàng- Bích Khê và làng Thạch Hãn tiếp tục nối đời thay nhau hương khói săn sóc những mộ phần nơi Nghĩa Trũng.   

   Với Nghĩa Trũng đàn, từ năm khởi dựng 1879 đến chiến cuộc mùa hè đỏ lửa năm 1972 tròn trịa trăm năm dâu bể. Ngày quê hương giải phóng, Nghĩa Trũng đàn đã trở thành bình địa. Còn đó dấu cũ nền xưa, cái gò đất cao một mét, dài bảy mươi mét, rộng mười bảy mét. Quảng Trị là mảnh đất chịu nhiều ly tán, từ vết cắt vĩ tuyến 17 và những đứa con bờ Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954; rồi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với các chiến dịch K8, K10 khổng lồ sơ tán người già và trẻ con ra hậu phương miền Bắc. Rồi chiến cuộc 1972-1975 với những cuộc chạy loạn mất mát tang thương điển hình như “mùa hè đỏ lửa”, “Đại lộ kinh hoàng”v.v... thì cái mảnh đất vùi xương cốt hàng ngàn sinh linh ở Nghĩa Trũng ấy không ai nhớ cũng là lẽ thường tình. Mãi đến 8.1996, con cháu họ Hoàng- Bích Khê từ khắp nơi trên thế giới cùng các lương dân, kỳ lão làng Thạch Hãn mới có điều kiện góp sức góp của lại để đại trùng tu. Đã năm thế hệ, năm đời nối tiếp nhau, không ai bảo ai, dù ở đâu làm gì, là bên này hay bên kia chiến tuyến song họ đều hướng về Nghĩa Trũng đàn và có nghĩa vụ như nhau không cứ chi là giàu hay nghèo. Đó là một tập quán, truyền thống thật đẹp đẽ không chỉ có ở họ Hoàng- Bích Khê mà bao nhiêu dòng họ khác khắp trên mảnh đất Quảng Trị đều có, cứ đến tham dự một buổi lễ phóng sinh đượm màu phật giáo, hay một buổi cúng tế ở đàn Âm hồn... sẽ thấy những đạo lý vừa nêu đã là tôn giáo của ông bà ta rồi. Có điều là dân chúng trong vùng ai cũng kính phục nghĩa cử cao đẹp này của họ Hoàng và ai cũng tin là phúc trạch đến với con cháu dòng họ này cũng là tất nhiên, không có gì xa lạ! Kế tục sự nghiệp cụ Hoàng Hữu Xứng, thế hệ nào họ Hoàng Bích Khê cũng có những người con ưu tú là nhân tài của đất nước và làm rạng rỡ quê hương xứ sở. Ông Hoàng Hữu Chấp, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị giai đoạn 1937 thời tiền khởi nghĩa; bà Hoàng Thị Ái, nữ đảng viên năm 1930 của tỉnh Quảng Trị sau này TW Đảng điều ra Hà Nội ai ai cũng biết công trạng. Rồi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, hoạ sĩ Hoàng Ngọc Biên, nữ kỳ thủ cờ vua nổi tiếng thế giới Hoàng Thanh Trang con của bậc “kỳ sư” Hoàng Minh Chương ... Trong nhiều năm liền, tôi rất vinh hạnh được họ Hoàng- Bích Khê mời dự việc họ. Mỗi năm, danh sách con cháu họ hoàng đóng góp xây dựng các công trình của làng, của họ mỗi dày thêm. Gặp gỡ, giao lưu mới biết họ Hoàng còn có hàng trăm tiến sĩ, kỹ sư, các nhà doanh nghiệp tiếng tăm nay đang sống hầu khắp các châu lục trên thế giới. Vì thế mà việc trùng tu tôn tạo hay chăm sóc hương khói cho các vong linh ở Nghĩa Trũng đàn không còn là vấn nạn nữa. Họ Hoàng- Bích Khê, làng Thạch Hãn và nhân dân trong vùng tự nguyện chăm lo, nghĩa là ngoài đóng góp của các mạnh thường quân thì mọi sự đã được xã hội hoá. Đợt trùng tu đầu tiên diễn ra và hoàn thành vào mùa thu năm 1996, rồi cùng với sự góp công góp của của con cháu họ Hoàng hàng năm, từ bấy đến nay Nghĩa trũng đã ngày càng khang trang. Khu mộ của những lưu dân và nghĩa binh Tây Sơn vẫn là một gò cỏ cao ráo giữa bốn bề ruộng lúa non xanh; những bông cỏ vút lên như những ngọn nến thắp cho những linh hồn từ vạn cổ và tấm bia đá khắc những dòng cảm khái trĩu nặng lòng biết ơn đối với tiền nhân. Ai đã một lần đến hoặc chỉ nghe thông tin về Nghĩa Trũng này thôi cũng đã phát tâm nguyện góp tay vào việc chăm lo cho “vuông đất thiêng liêng” này. Chúng tôi gọi vuông đất vì sau chiến sự năm 1972, toàn bộ mộ phần cũng như hài cốt của cả nghĩa trang này đã bị bom đạn cày xới, nhào trộn biến nó thành một vuông đất, một ngôi mộ tập thể rồi! Khu miếu thờ cũng đã được lát gạch, sửa sang khang trang, một mái tam quan không lớn nhưng đầy ý nghĩa khi đề mấy chữ “âm siêu, dương thái”… Song vẫn còn một vấn đề thuộc về khoa học lịch sử, di tích chưa được giải quyết. Các vị kỳ lão của làng Thạch Hãn, con cháu họ Hoàng cũng như người dân trong vùng đều có chung một ước nguyện là những nấm mộ của những lưu dân đã bỏ mình khi theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi hay những nghĩa binh Tây Sơn đều là những người “vị quốc vong thân”, vậy thì nơi yên nghỉ của họ cũng xứng đáng được công nhận như một di tích, dù đó là cấp quốc gia hay cấp tỉnh.       

Cũng cần nói thêm là vào đời vua Thành Thái, Nghĩa Trũng đàn ở Quảng Trị đã được triều đình đưa vào danh mục các công trình được nhà nước bảo vệ. Triều đình ban ruộng tự điền để trả công cho người trực tiếp chăm sóc nghĩa trang và sắm sửa lễ vật cúng tế; người chăm lo hương khói được miễn sưu thuế và đặc biệt là xuân thu nhị kỳ mỗi khi tế lễ ở đàn đều có quan Tuần vũ Quảng Trị đại diện cho triều đình đứng làm chủ tế. Tuy nhà nước quân chủ phong kiến không cấp giấy chứng nhận kiểu như bây giờ ta  cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia nhưng bằng vào việc đưa vào quy chế và ban ruộng tự điền để cúng tế, ông từ của nghĩa trang được miễn sưu thuế, đặc biệt là giao trách nhiệm cho ông quan đầu tỉnh đứng ra làm chủ tế...chứng tỏ triều đình đã nghiễm nhiên công nhận, xếp Nghĩa Trũng đàn lên thành nghĩa trang Quốc gia, tự thân nhà nước phải có nghĩa vụ đứng ra chăm lo gánh vác. Ngay cả việc cá nhân ông Hoàng Kiều, Tổng Giám đốc Tập đoàn RAT là Việt kiều ở Mỹ, là cháu gọi cụ ông Hoàng Hữu Lợi bằng cố về nước, sau khi đóng góp làm từ thiện như xây trường học, xây nhà tình thương... cho các địa phương trên khắp cả nước lên gần 5 nghìn tỉ đồng, vậy mà khi ông cúng 2 tỉ đồng cho Nghĩa Trũng đàn là nghĩa trang dòng họ của mình, ông vẫn có ý thức rất đầy đủ là mời đích danh ông Phan Văn Phong, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị bấy giờ, tức đại diện chính quyền địa phương nơi có nghĩa trang vào Tp. Nha Trang nhận số tiền nói trên. Đây chính là điều mà lãnh đạo chính quyền các cấp, các cán bộ Bảo tàng Di tích cần tham khảo để có chính sách thoả đáng đối với nghĩa trang đặc biệt này.  

Cuối cùng, gạt qua một bên những hạn chế lịch sử và thời đại mà ông Hoàng Hữu Xứng phụng sự, mà tối thượng cũng là quốc gia, dân tộc- ông lưu lại cho hậu thế cái gì? Trước hết ông là một nhà giáo dục chân chính, một nhà khảo cứu sử địa uyên thâm và còn là một nhà thơ nữa. Dưới giác độ văn hoá, hẵn nhiên ông là một tác gia, một nhà văn hoá. Vì vậy việc đặt tên đường cho ông cũng là một việc làm nhằm nêu gương cho hậu thế.   

                                                                                                           Y.T

    

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground