Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đông Hà ngày ấy trong tôi

B

a tôi làm nghề chài lưới trên sông nên ông thường tha vợ và các con lênh đênh trên sông nước, theo con cá nước ròng, con tôm nước lợ, có lúc vì việc đánh cá, có khi vì bị động: động trời, động giặc.Mỗi lúc di chuyển thuyền từ nơi này qua nơi khác mẹ tôi thường cầm lái, ba chèo mũi. Tôi ngồi dưới đuôi thuyền ngay dưới chân của mẹ. Bởi thế, một chặng đầu tiên trong tuổi thơ của tôi gắn liền với một giải sông nước hai bờ Thạch Hãn từ Cửa Việt lên xã Triệu An quê tôi, lên thị xã Đông Hà và xa hơn nữa mãi trên chiến khu Ba Lòng. Ngồi dưới chân của mẹ, tôi mê ly nhìn hai phía bờ sông, cứ chảy lùi về phía đằng sau, liên tiếp trưng ra vô vàn điều kỳ thú.Dòng sông đột nhiên chẻ ra ba ở ngã ba Gia Độ. Một cồn cát vàng mơn man trải rộng giữa vô vàn những cơn sóng nhỏ. đấy có nhiều con chim cao chân, mỏ đỏ chạy lon ton ở sát mép nước, có khi sóng lùa đến ngực nhưng không khi nào nhấn chìm được nó. Kia là một ngôi mộ to bự lứ như một gò đất, có lẽ người chết dưới đó to đùng nên người ta mới dồn lên nhiều đất như vậy. Phía trước một con chim màu đen, cổ cao, bơi lặn giỏi hơn vịt. Khi thuyền đến gần nó lặn xuống tưởng mất tiêu, bỗng đột nhiên lại nổi lên ở phía trước xa, cái đầu lóp ngóp. Tôi hồi hộp theo dõi đến lúc nào thì con chim đó thua thuyền của ba mẹ tôi. Nhưng không lần nào nó thua. Nó cứ lặn, cứ bơi mãi ở phía trước cho đến lúc nào đó ba mẹ tôi dừng thuyền lại, nó vẫn bơi, cái đầu ngúc ngúc như thách đố với con người đua nữa.

            Những cái người lớn không quan tâm, đối với tuổi thơ tôi lại rất cuốn hút. Bởi thế, mãi nhìn không ít lần thuyền lắc, tôi rơi tùm xuống nước. Mẹ tôi luống cuống. Ba tôi nhảy vội xuống nước, từ mũi thuyền lặn ngược lui, tóm tôi lội lên cho mẹ. Có lần ông lặn mấy lượt mới bắt gặp tôi đang từ từ chìm xuống đáy. Ông bồng tôi nhảy lên thuyền, xốc ngược hai chân mà nhảy tưng tưng cho nước trong bụng, trong mũi tôi trào hết ra. Tôi đuối lả nhưng không chết , bởi bây giờ ngồi đây còn viết lại những dòng này.

            Ba tôi chết vào thời điểm ông kêu to giữa đêm tối mịt mùng mấy câu: Nhà nó ơi! Các con ơi!... Một ai đó đã chém chết ba tôi bằng mã tấu đầu rời khỏi cổ. Hơn 30 năm sau, ngày 1.2.1986 ông được truy phong là liệt sĩ. Những người đồng đội của ông trở về chứng nhận rằng: Những lần đánh cá lên Ba Lòng, xuống Đông Hà, về Cửa Việt, ông tải gạo, cá khô, có khi là vài chục viên đạn súng trường, vài quả lựu đạn hoặc một cây súng. Những người bí mật trao cho ba chuyển về cho du kích. Một lần ngược sông lên chiến khu Ba Lòng, tôi thấy ba tôi cho nhiều thứ vào hai cái thùng nặng, khuân lên bờ, nhét vào một bụi cây rồi kéo cành gai tấp lại. Tôi hỏi việc làm kỳ quặc đó, mẹ tôi nói: "Đánh cá thì nhờ sông nước, Thổ thần, ba cúng nộp để nhờ được tiếp tục che chở. Con đừng bao giờ nhắc lại chuyện này kẻo Thổ thần nổi giận". Linh tính cho tôi biết rằng mẹ chưa nói thật. Nhưng để cho ai đó khỏi bắt ba mẹ, có thể là thần linh, tôi không dám hỏi nữa. Thực tế là thần linh không che chở được, ai đó đã rình rập, tố cáo ba, thế là ông bị chặt đứt đầu. Bác tôi thấy thảm quá, lượm xác ba bỏ vào manh chiếu cũ, bỏ vào một chiếc hòm ván cũ đóng vội, sơ sài, chôn ở bãi cát ở mép sông An Cư phường, không dám cho mẹ và anh em tôi nhìn thấy xác ông.

            Tôi biết một trong những người gom góp súng đạn cho những người như ba tôi chuyển về chiến khu.

            Ngày ấy, ở chợ Đông Hà rất nhiều ăn mày và gái điếm. Những gái điếm bắt bồ với Tây được dân Đông Hà liệt vào loại các bà đầm. Có một bà đầm hơn ba mươi tuổi, hơi gầy, tóc uốn xù, môi và những móng tay sơn đỏ. Ban đầu tôi đi theo để xem một người đàn bà ăn mặc lạ. Hồi ấy đàn bà thường mặc áo quần lá toạ hai màu nâu và đen xỉn, tóc để dài, búi bó. Tôi không hiểu sao ai cũng ghét bà đầm ấy. Họ lườm nguýt tỏ vẻ khó chịu thậm chí nhổ nước bọt mỗi khi bà đi qua. Tôi lại thương, thấy bà ấy rất đẹp và sang trọng. Mỗi buổi sáng bà đi chợ, thường ghé lại mẹt hàng bán tôm hùm luộc. Hồi ấy tôm hùm không xuất khẩu nên giá cũng rẻ như các loại tôm cá bình thường mà thôi. Bà chon rất kỹ, cuối cùng mua vài con buộc lại xách về. Trên tay bà một con mèo rất nhỏ, cứ bò từ vai xuống, ngửi ngửi mấy con tôm hùm rồi lại bò lên vai mà nằm. Một lần bà vừa mua tôm đứng dậy, chiếc khăn mỏng rơi xuống đất, một người đứng cạnh vờ không biết dẫm lên mà chà. Tôi xô chân bà ta ra, nhặt chiếc khăn phủi bụi đất, trả lại cho bà đầm. Bà nhìn tôi có vẻ biết ơn rồi vặt một cái đầu tôm hùm to cho tôi. Tôi đã nhai một cách thích thú và nuốt hết cả cái đầu tôm không nhổ ra một thứ gì. Dần dần chúng tôi quen nhau. Mỗi sáng ra chợ bà dắt tôi đi. Một người sang, thơm lừng nước hoa. Một thằng hèn, ai cho gì là ăn hết không chừa vỏ.

            Nhưng rồi một sáng bà ra chợ, tay bị trói ngược ra sau, hai hàng lính đi kèm, súng giương lê trắng hởn. Tên nguỵ đi đầu rao to: "... ăn cắp nhiều súng đạn và nhiều tài liệu của Tây cho Việt minh, xử bắn...". Tôi đi theo bà, theo hai hàng lính, mấy vòng quanh chợ. Người đàn bà ấy vẫn mặc bộ áo quần sang trọng, móng tay và môi tô đỏ, gầy gầy nhưng khuôn mặt vẫn tươi, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Bà nhìn qua tôi nhiều lần, gật đầu như muốn nói: "Ta không sợ đâu, con cứ về đi". Bọn lính giải bà ngang qua mẹt tôm hùm. Chị bán tôm buộc vội mấy con chạy theo muốn cho bà đầm. Nhưng tay bà bị trói chặt, lính ốp hai bên làm sao mà nhận. Bà bán tôm đứng sững lại, nhìn theo đám lính đi xa, tay xách tôm rủ xuống, đuôi tôm chạm đất. Tay kia bà nâng vạt áo chấm nước mắt.

            Ba tôi chết, mẹ tôi mất đi người vung chài, thả lưới, còn lại bốn đứa con nhỏ, đành phải cắm sào lại tại bến chợ Đông Hà. Hàng ngày mẹ đón những người quen, mua sỉ cá của họ, lên chợ bán lẻ từng con, kiếm đôi ba hào mua gạo. Thức ăn thì dễ kiếm hơn, đầu cá, đuôi cá, thậm chí cả ruột và vẫy cá người mua thải ra, mẹ vẫn ki cóp mang về.

            Hồi đó là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chợ Đông Hà không đồ sộ như bây giờ nhưng cũng rộng lắm. Bốn phía chợ cũng có nhà mái bằng, nhà một tầng lầu. Phần lớn là công chức làm việc cho Pháp. Vợ con họ mở đại bài xung quanh chợ, bán bách hoá nhập từ Pháp qua, thu mua nông sản để bán lẻ cho dân thị thành, bán sỉ cho quan lính Pháp. Nhiều lần tôi theo mẹ lên chợ, đứng ngơ ngẩn nhìn những đống gạo cao bằng nhiều lần người tôi. Những bao tải có sọc xanh, chồng chồng, lớp lớp. Tôi ước ao có được một ít gạo thôi, đầy một vạt áo mang về cho mẹ. Có lần tôi sung vào đám ăn mày, nhặt những hạt bắp vung vãi quanh đại bài được một phần ba long sữa bò. Tối ấy mẹ tôi rang cho mấy chị em cùng ăn và khen tôi giỏi. Từ đó tôi đã biết làm giúp mẹ. Ba tôi mất, chị em tôi càng mau khôn. Chị đầu theo mẹ chạy chợ. Anh cả đi bán kẹo kéo. Anh hai lo nấu ăn và tát nước thuyền (Hồi đó thuyền của mẹ con tôi rất nát, nước rỉ vào nhiều chỗ nên thường xuyên phải tát nước ra). Tôi đi nhặt bắp rơi cùng bọn ăn mày. Có lần một người đàn ông to lớn chộp lấy vành tai tôi mà xoắn, cùng với tiếng quát như cọp gầm: Cút!... là một cú đá. Tôi bị văng vào chân đống bao tải căng phồng bắp gạo.

            Những hạt bắp trong cái long nhỏ của tôi rơi tung toé. Chiều về tôi không cho mẹ biết vì sợ bà khóc. Hôm sau tôi lại đi nhặt bắp, tất nhiên đôi mắt luôn láo liếng cảnh giác.

            Hồi ấy cầu Đông Hà do người Pháp làm, bằng sắt, cũng chạy qua phía Đông chợ, ngay chỗ bây giờ ta làm chiếc cầu to lớn bằng bê tông cốt thép. Cách vài chục mét phía Tây cầu, vạn chài đậu san sát. Thuyền mẹ con tôi cũng đậu trong số đó, thành một xóm nổi ở chợ Đông Hà. Buổi sáng, buổi chiều bọn lính Pháp thường ra tắm ở phía dưới gầm cầu. Chúng thường mang theo kèn đồng, tắm xong rồi thổi, thổi rồi lại xuống tắm. Tiếng kèn đồng vang xa, tôi rất thích. Càng ngày tôi càng đến gần hơn để nghe bọn Tây ở trần thổi kèn. Một hôm có một thằng râu xồm, cầm một chiếc bánh bích quy giơ cao, vẩy tôi lại. Tôi đã ăn rất ngon lành chiếc bánh đó và nhận thấy cái gì của Tây cũng rất hấp dẫn. Những khẩu súng dựng ở gầm cầu bắn nổ lộng óc. Những bộ áo quần dày, bóng và rất oai. Và những chiếc kèn, mỗi lần thổi lên cứ thấy hốp hốp trong lồng ngực. Dần dần tôi và thằng Pháp râu xồm quen thân nhau. Tôi thường chạy đến trên bậc xi măng xem nó nhảy bơi, và nghe nó thổi kèn. Nó thường cho tôi ăn nhiều thứ bánh lạ và rất ngon. Có hôm nó cho tôi một chiếc bánh mì to tướng và dài bằng cánh tay của tôi. Tôi ôm về, mẹ tôi trố mắt kinh ngạc.

            Hồi ấy người đi lại trên cầu Đông Hà cũng khá sầm uất. Có điều tất cả đều đi bộ, gồng gánh trên vai. Không ai có xe đạp nói gì đến xe gắn máy. Chỉ có những đoàn xe của quan lính Pháp, lởm chởm súng lớn, súng nhỏ kéo qua cầu đi đánh trận. Tôi nhìn những đoàn quan lính oai oách ấy tưởng không có gì đánh nổi họ. Tôi nói với mẹ:

             - Pháp đi đánh trận, chắc Pháp thắng phải không mẹ!          

            Lần đầu tiên mẹ tôi nổi nóng, nặng lời với tôi:

             - Đồ ngu. Thằng Pháp là quân nó. Du kích mới là quân ta. Thằng Pháp cướp nước ta. Ta đánh để giành lại nước (mẹ cao giọng). Thằng Pháp mà hơn à! Để rồi coi.

            Tôi không tin nổi lời mẹ. Quân Pháp đông như thế, nhiều xe và súng như thế, có lực lượng nào đó mẹ gọi là du kích có thể đánh được. Càng ghê gớm hơn là liên tiếp những ngày sau, từng cặp tàu bay xé gió bay ra phía Bắc, gào đến vang trời. Chắc máy bay giúp quân trên mặt đất đánh du kích.

            Mấy ngày sau đó nữa đoàn quân Pháp trở về. Tôi nghe tiếng ì ầm của đoàn xe từ xa, vội chạy lên cầu đón xem. Nhiều chiếc xe cháy đen, méo mó được những chiếc khác dùng dây sắt kéo qua cầu. Nhiều lính Pháp và người Việt băng tay, băng đầu, máu đỏ dầm dề cả áo, thất thiểu bước đi. Bất thần lộ ra một chiếc xe trần, chở đầy xác người chết, nằm vắt vẻo qua nhau, nhiều cánh tay, nhiều cái chân đầy lông lá thỏng cả ra ngoài thành xe lủng lẳng. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều người chết đến thế. Tôi hoảng hốt lao về, nhảy xuống thuyền, chồm vào lòng mẹ, run cầm cập. Mẹ tôi vỗ về vào lưng tôi cười: "Thế nào, quân Pháp thắng to lắm phải không?".

            Hồi ấy tôi quá bé, lại sống trong tầng lớp dân đen, những khái niệm đời thường xa xôi một tý là không hiểu nữa là những khái niệm chính trị. Nhưng bắt đầu hiểu có hai phe đang đánh nhau. Một bên là Pháp. Một bên là du kích. Tôi mong được thấy du kích, được đứng gần một du kích. Có đêm tôi nằm mơ thấy một du kích to như trái núi, cầm một lúc cả chùm súng bắn ra tua tủa. Xe Pháp húc vào bụng du kích, cái bụng không thủng nhưng xe Pháp cháy rần rần.

            Một buổi chiều nhiều người đàn ông ở trần đi làm gì về mà ai cũng lấm lem, bị một đoàn quân Pháp cầm súng giải ra sông cho tắm. Mẹ nói nhỏ vào tai tôi: "Đó là du kích bị bắt tù". Tôi đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác. Những người này mà bắn cháy xe Pháp, bắn chết Pháp à? Có lẽ họ là những người kém nhất phải bị bắt, những người giỏi không có ở đây.

            Tôi đang suy nghĩ miên man thì có một du kích đang tắm trong đông người hổn độn đó đã lặn qua đáy mấy chiếc thuyền, trồi lên kẻ hở giữa thuyền tôi và một thuyền khác. Người tù nhanh nhẹn trườn lên, mẹ tôi nhẹ nhàng mở tấm ván lòng thuyền cho anh trườn xuống rồi đậy lại. Mẹ kéo cái bếp, những thùng đựng gạo, bị đựng áo quần lên trên tấm ván đó.

            Khi biết bị mất tù, bọn Pháp nhốn nháo lùng sục khắp nơi. Cả đống rác ở bờ sông cũng bị xới lên, nhiều mũi lê đâm xọc vào đó.

            Bọn Pháp xuống khám các thuyền. Chúng bới tung tất cả, lật từng tấm ván, nhòm vào từng cái lu đựng nước. Thằng Tây râu xồm dẫn lính nhảy vào thuyền tôi. Mẹ tôi đã có những cử chỉ mất bình tĩnh. May mà bon Pháp không chú ý tới. Tôi chưa có ý thức bảo vệ người tù dưới lòng thuyền nhưng biết chắc nếu nó tìm ra người tù mẹ tôi sẽ bị đánh nặng hoặc sẽ bị bắt đi. Đó là điều đáng sợ nhất của tôi. Tôi xé rách miếng vải phía trước quần cộc của tôi, kéo chim ra lổ thủng đó. Tôi chúm chúm hai tay làm động tác thổi kèn đồng: tò tí te tò te... tò tí te tò tò, rồi nhảy lỏng chỏng trước mặt thằng Pháp râu xồm. Thằng Pháp nhận ra thằng nhóc quen, thấy điệu bộ hài hước, con chim của tôi vắt lên vắt xuống nó phì cười, thò tay véo một cái thật đau rồi vẩy lính nhảy qua thuyền khác. Nó còn quay lại, cười rung cả bộ râu đen, ngón tay chỉ chỉ vào lỗ hủng ở quần tôi. Đêm khuya, mẹ tôi lại mở ván lòng thuyền cho người du kích ấy trườn xuống nước, lặn qua bên kia sông.

            Tôi tưởng thế là người tù đã thoát, nhưng chiều đến, thấy bên cầu Đông Hà  nhốn nháo, người du kích bị trói gô lại, bọn lính ốp hai hàng hai bên, nắm đầu dây kéo đi thườn thượt. Người ta kháo nhau: "tù trốn đã bị bắt". Người du kích bị đẩy đứng ra phía cầu tàu. Dân chúng lặng lẽ vây quanh hàng lính. Tôi xen lên phía trước. Hình như nhận ra tôi anh mĩm cười nháy mắt. Hai hàng lính chỉa súng vào anh.

            - Kháng chiến nhất định thắng!  

            - Bác Hồ muôn năm!

            Một loạt súng nổ. Người du kích bị hất tòm xuống nước. Máu vọt ra. Một vài giọt chấm đỏ cầu tàu.

            Lần này tôi cũng chứng kiến cái chết, rất gần nhưng không run lẩy bẩy như trước nữa. Cái gan lì của người du kích nọ hình như đã ảnh hưởng tới tâm lý của tôi. Sắp bị giết mà anh ta còn cười.

            Tối đó tôi hỏi mẹ: Kháng chiến là gì? Bác Hồ là ai? Mẹ tôi nhỏ nhẹ nói vào tai tôi về những điều thiêng liêng ấy.

            Cầu tàu người du kích bị giết chính là nơi ngày nay ta dựng cầu tàu cảng Đông Hà. Hồi ấy cầu tàu dùng riêng cho quân sự, có một hải đoàn gồm ba chiếc tàu chiến mũi nhọn đậu sau mỗi lần đi tác chiến dọc sông. Chỗ cầu tàu ấy nước sâu và trong bởi sông không bị ô nhiễm như bây giờ. Sáng tinh mơ nào, dù nắng hay mưa, nóng hay lạnh cũng có một tên quan ba, chừng là chỉ huy trưởng hải đoàn ra tắm. Sau khi cởi áo quần, hắn chạy mấy vòng rồi đứng trên cầu tàu lao xuống nước, cắm đứng như mũi tên.

            Lần ấy, hai ngày sau khi người du kích bị giết, theo lệ thường, thằng quan ba lại ra tắm. Hắn lao cắm xuống nước và không nổi lên nữa. Nhìn qua mặt nước xanh người ta thấy lờ mờ hai chân hắn quẩy quẩy như một cái đuôi cá đuối sức. Bọn Pháp khiêng hắn lên, tôi thấy đầu hắn đang bị đóng bởi một loạt chông tre khá dài. Tôi rùng mình, ghê sợ đến nỗi từ đó đến ngày nay, đi tắm sông tôi cũng không lao từ trên cao xuống, luôn ám ảnh có một cái gì đó ở dưới nước có thể găm chặt vào đỉnh đầu. Mẹ tôi nói:

- Du kích trả thù bọn Pháp giết người của họ.

            Một lần tôi theo mẹ về An Cư quê tôi thăm dì và kỵ một người bác ruột. Tôi thấy người anh cả con dì đang lau chùi một cây súng, nòng khá to, có hai chân và những quả đạn có cánh khá nặng. Tôi hỏi, anh tôi nói:

            - Súng này để bắn mấy tàu sắt từ Đông Hà về.

            à, thì ra hàng ngày ba chiếc tàu nhọn của Pháp về đây đánh nhau với những người này.

            Họ nói với nhau: "Giờ này tàu sắp về" và vác súng ra gần bờ sông. Tôi đi theo, nhiều lần họ đuổi tôi trở lại. Nhưng vì quá thích thú, tôi ẩn nấp sau những bụi dứa dại, sau những ngôi mộ, chạy theo. Tàu về. Những người du kích lắp súng vào hai chân sắt dựng lên, nấp sau một ngôi mộ tổ khá lớn. Bấy giờ du kích tập trung chú ý tới đoàn tàu trên sông, nên tôi đến sát sau lưng ngồi xem. Họ thả đạn vào súng. Quả đạn vút lên cao. Tôi ghé mắt vào giữa hai bụi dứa dại, thấy quả đạn nổ ở bờ bên kia, trong đất cát và khói đen thành một cột. Họ lại điều chỉnh, lại thả đạn. Quả đạn lại nổ, trật xa hơn vào ruộng nước. Nước và bùn khói lại dựng thành một cột rồi đổ toé ra bốn phía. Chỗ quả đạn nổ đến ba chiếc tàu còn xa hơn ba chiếc tàu đến chỗ chúng tôi. Tôi thất vọng. Một con chim sẻ nhỏ hơn quả cau, tôi bắn súng cao su, kém quá cũng chỉ trật gang tay. Còn họ! Một chiếc tàu to bằng cả chục con trâu, bắn súng mà trật đến ngần đó. Bắn tàu thì chĩa súng vào tàu, đằng này họ lại chĩa súng lên trời mà thả đạn. Khi các anh lăm lăm định thả quả đạn thứ ba tôi nóng tiết bật dậy hét: Đè đầu khẩu súng xuống mà bắn!

            Những chiếc tàu của Pháp giảm tốc độ chạy lừ lừ ở giữa dòng sông, hình như chúng đang tìm xem những người du kích ở chỗ nào. Hành động của tôi, thực sự "lạy ông tôi ở bụi này". Chúng tập trung đu-xa-xết bắn về phía chúng tôi. Đạn bay nhằng nhằng rối cả mắt, khói bụi mù mịt cả một vùng. Tiếng thét của đạn râm ran, dữ dội. Du kích nhào xuống những chiếc hố đào sẵn. Tôi uốn mình, bám lấy chân ngôi mộ tổ. Tàu Pháp vừa bắn vừa chạy về phía Đông Hà. Nếu nó dám mang súng nhỏ nhảy lên bờ thì chúng tôi tiêu hết cả đám. Ông anh tôi rủ bụi nhảy lên hầm quát:

            - Thằng này, mày định giết chúng tao hả?

            Tôi bực bội

            - Nó bắn thẳng chẳng ăn ai nữa là mấy anh bắn thẳng lên trời cho đạn rớt xuống, một tấc cũng không trúng.

            - Mày con nít biết chi, súng cối phải bắn như vậy.

            Tôi đang bực, nói hổn:

            - Cối cối cái con khỉ !   

            Ông anh tôi điên tiết bẻ một cành cây đuổi đánh. Tôi nhảy xuống ruộng, băng chạy về nhà. Cái lưng quần cộc bị đứt, tôi vừa chạy vừa nắm tay giữ quần cho khỏi tuột.

            Từ đó về Đông Hà, mỗi lần thấy tàu rời khỏi cầu cảng, tôi biết chúng chạy về Cửa Việt đánh nhau với những người như anh tôi.

            Tôi nôn nao chờ đến chiều, xem chúng trở về, kết quả ra sao. Nhiều lần chúng đã đi và chúng đã về. Bọn Pháp nhảy lên bờ huýt sáo in ỏi. Một lần chúng đã lôi từ dưới tàu lên một người đàn bà và một người đàn ông bị trói gập ra phía sau. Chẳng nhẻ bọn Pháp  dám ôm súng nhỏ nhảy lên bờ đuổi bắt những người du kích.

            Một ngày khác, ba chiếc tàu Pháp đã đi và chỉ có hai chiếc trở về. Chúng cáng dưới tàu lên nhiều lính Pháp quấn băng trắng. Không ít thằng trong số đó đã tắt thở. Từ đó hai chiếc tàu còn lại rất ít khi rời cảng. Chúng neo vào cầu tàu, những lá cờ ba màu đằng đuôi cứ bay phần phật suốt ngày đêm.

            Những năm 1953, 1954, Đông Hà rất nhiều biến động. Có môt buổi sáng, trước giờ quân Pháp chào cờ, ai đó đã kéo lên ngọn một lá cờ đỏ sao vàng (lần đầu tiên tôi thấy cờ đỏ sao vàng là hôm đó). Cả Đông Hà, Pháp và dân ta đều nhốn nháo. Tôi lại nghĩ chẳng có gì đáng ồn như thế. Cột cờ của.

            Đêm đó một tiếng nổ dậy trời, nước sông dềnh lên, những con thuyền đậu ở bến chợ Đông Hà xô đập vào nhau tưởng như bị lật úp. Tôi trợ giấc chồm dậy ôm lấy mẹ. Sáng ra thấy cầu Đông Hà bị gãy đôi, hai nửa chúi đầu xuống sông. Lính Pháp đứng lố nhố xung quanh, qua về đều không được. Rất nhiều con dơi bị chết, xoả cánh, dập dềnh trôi trên mặt nước. Dân vạn đò nhặt những con cá vỡ bong bóng, lật ngữa, trắng hếu trên mặt sông. Mẹ tôi nói:

- Mình đánh lớn ở ngoài kia. Du kích bẻ cầu cho quân Pháp không đưa được xe pháo tăng viện cho nhau.

            Sáng đó, chợ Đông Hà vẫn đông. ở giữa chợ xuất hiện một cái xe màu trắng, trên xe có một chiếc loa rất lớn, nói oang oang. Tôi không chú ý nó nói gì, chỉ đi xung quanh tìm xem người ta đặt mồm vào đâu để nói vào loa. Chiếc loa đã trở thành một vật tò mò và bí hiểm của tôi. Đột nhiên có ba người nhảy lên nóc xe. Một người giương lên một lá cờ như lá cờ đỏ họ đã treo trên cột cờ của Pháp. Một người cầm chéo một cây súng. Người thứ ba hét to:

            - Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào! Kháng chiến đang thắng lớn. Quân Pháp đang thua to. Tôi đề nghị đồng bào ủng hộ chính phủ cụ Hồ. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Hồ Chủ tịch muôn năm!    

            Có tiếng xúp lê thổi toe toe. Súng nổ loạn xạ. Người chạy loạn xạ. Tôi hốt hoảng chui và gầm xe, nấp vào mấy cái lốp. May mà lái xe cũng bỏ chạy. Nếu một ai nổ máy thì tôi sẽ trở thành một đống xương thịt dúm đó.

            Mấy thằng vừa Pháp vừa nguỵ chạy tới xe ngó nghiêng, rồi rượt đuổi người cầm cờ. Khi chúng vừa quay lưng lại hai người đàn bà đứng cạnh đã rút những khẩu súng nhỏ trong cạp quần ra, nhằm vào lưng chúng mà nổ liên tiếp. Cả mấy thằng đó ngả vật xuống đất, máu ộc ra quá nhiều. Tôi hốt hoảng lồm cồm bò ra chạy về với mẹ. Có lẽ chỉ tôi lúc ấy mới thấy được những người đàn bà yếu đuối và rách rưới như mẹ đã bắn chết bọn lính và thản nhiên quẩy hai gánh rau lẫn vào đám đông hỗn loạn. Lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng: Giết bọn Pháp không khó. Không cần súng, chỉ cần đòn gánh, những người du kích ấy cũng có thể bất ngờ phang vỡ đầu bọn lính. Như vậy, du kích đông lắm, bất kỳ người nào cũng có thể là du kích. Họ ở khắp nơi. Tôi bắt đầu tin rằng: Sự chiến thắng của họ như mẹ tôi đã tin tưởng là đúng. Tôi mong chờ ngày đó để xem rồi nó sẽ thế nào.

            Một ngày vào năm 1954, mẹ tôi lên chợ như thường lệ và đột ngột quay về nói như reo với chúng tôi và tất cả mọi người trong vạn chài: "Việt minh thắng rồi. Pháp ký hiệp ước đầu hàng rồi."

            Bọn con nít chúng tôi đánh trận với nhau, thua thì quỳ xuống cõng đứa khác chạy một vòng. Bởi thế, tôi không hiểu người Pháp "Ký hiệp định" đầu hàng là thế nào? Nhưng trẻ con vui theo người lớn, nghĩ theo người lớn, tình cảm cũng theo người lớn. Tôi bị cuốn hút theo Đông Hà. Người đổ ra đường, đổ ra chợ dày đặc. Người ở vùng biển kéo lên, trong đổ ra, ngoài đổ vào đen đặc như kiến và đông vui háo hức. Cờ đỏ giăng đầy khắp nơi. Trên nóc nhà tầng, trên cột điện của Pháp, giăng thành dãy hai bên thành cầu Pháp vừa làm lại, trên nóc thuyền, giữa chợ và trên tay mọi người. Mẹ tôi lật úp cái bếp nhỏ, cời trong tro ra một gói ni lông màu cánh gián, mở ra, trong đó là một lá cờ đỏ. Bà lấy một que tre gắn sâu trên nóc thuyền bao năm nay như một cần câu cụt ngọn, luồn vào lá cờ, giương lên. Tôi tự hào nhìn mẹ. Tự hào cho mẹ cái danh hiệu cao quý nhất: Mẹ cũng là du kích, cũng là Việt minh. Đông Hà và cả bốn phía làng quê ngày ấy như hội, từ mặt nước lên đến ngọn cây, cờ đỏ sao vàng giăng giăng rực rỡ. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, náo nức một cách lạ thường. Những ngày hoà bình đầu tiên của thời kì kháng chiến chống Pháp thực sự lôi cuốn tôi. Sự mê say chiến thắng của Đông Hà, của cả dân tộc nhập vào hồn trẻ. Tôi cũng mặc quần cộc, chân đất, ở trần, theo những người chân đất, mặc áo vá đi rồng rắn cổ động chiến thắng khắp thị xã. Tôi gân cổ lên mà gào: Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!... cùng người lớn. Sự hào hùng đó đậm nét đến nỗi, cho đến bây giờ, khi tuổi đã cao, Đông Hà đổi khác đi nhiều lắm, mỗi bận qua cầu tôi như thấy lung linh trên mặt nước là hàng ngàn lá cờ đỏ. Bờ bên kia, nơi chợ Đông Hà đông đúc, tưởng như còn đó hàng ngàn người cực khổ của một thời đang nhảy múa mừng vui chấm dứt một giai đoạn kháng chiến hào hùng của dân tộc. Để rồi sau đó lại mở ra một trang mới huy hoàng hơn nữa: Đông Hà chống Mỹ.

            Mấy ngày sau một đoàn quân Pháp ra đi. Tôi xen lên phía trước muốn chia tay với thằng Tây râu xồm. Người đông quá nó không nhận ra tôi. Giữa hàng lính có những khuôn mặt ủ rủ như những lá cờ bại trận nhàu nát.                                                                                   

   L.V.T.

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 136 tháng 01/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground