Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đông Hà, từ chợ làng đến trung tâm thương mại

Tìm hiểu hoạt động buôn bán và hệ thống các chợ làng thuộc địa bàn thị xã Đông Hà nói chung và chợ Đông Hà nói riêng, từ lịch sử ra đời, quy mô, hình thức hoạt động đến các mối quan hệ kinh tế... sẽ góp một phần không nhỏ vào sự hiểu biết lịch sử, văn hoá một vùng đất, vì nó là một thành tố tích tụ trong di sản văn hoá truyền thống ông cha ta gầy dựng đời này sang đời khác.

 

Sự ra đời có thể sớm hoặc muộn, quy mô lan toả rộng hẹp, hoặc mối tương tác hữu cơ với nền thương mại dịch vụ tuy có khác nhau nhiều hay ít thì nó vẫn là nơi hội tụ các giá trị văn hoá mang đậm những yếu tố dân tộc, văn minh nông nghiệp truyền thống. Chợ làng không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hoá mang tính tự cung tự cấp trong đời sống của hầu hết các làng xã nông nghiệp xưa với tư cách là thị trường kinh tế mà còn là nơi giao lưu, trao đổi, hội tụ để rồi kết tinh những giá trị văn hoá của cộng đồng làng/ liên làng dưới giác độ môi trường văn hoá. Trong quá trình phát triển, khi hội đủ các thành tố nêu trên cùng với sự hội tụ của các luồng thương mại thì chợ làng sẽ vươn lên để trở thành trung tâm thương mại của khu vực. Chợ Đông Hà là một trường hợp khá tiêu biểu nói trên.

Trước đó, dưới thời Pháp thuộc vùng Đông Hà có mỗi 3 ngôi chợ làng song song tồn tại. Đó là chợ Lai (Lai Phước) nay thuộc phường Đông Lương; chợ Hôm (Lập Thạch) nay thuộc phường Đông Lễ và chợ xép Tây Trì (nằm trên đất Tây Trì) nay thuộc phường I. Cả ba ngôi chợ vừa nêu, từng sầm uất, có quy mô và sức lan toả như là những ngôi chợ liên làng. Vậy tại sao qua quá trình sàng lọc, ngôi chợ xép Tây Trì vượt lên để trở thành trung tâm trao đổi hàng hoá cả một vùng như là chợ Đông Hà hiện nay? Có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, song hãy bắt đầu từ lịch sử vấn đề.

Trước khi người Pháp mở đường sắt Bắc - Nam, chợ Đông Hà vốn đang là ngôi chợ xép của làng Tây Trì. Sở dĩ chợ xép nằm trên đất Tây Trì mang tên Đông Hà là có sự nhầm lẫn khá thú vị của người Pháp. Chiếc cầu đường sắt bắc qua sông Hiếu xong, họ hỏi người dân địa phương địa danh nơi chiếc cầu bắc qua để đặt tên. Cầu thuộc địa phận làng Đông Hà (nay là phường III) nên họ đặt tên cầu Đông Hà. Lại khi xây xong nhà ga cũng trên đất Tây Trì (trước mặt bưu điện Đông Hà bây giờ) cứ thế người Pháp đặt luôn ga Đông Hà! Vậy là xảy ra sự cố: chợ xép Tây Trì khi thì gọi là chợ Ga vì nằm sát ga; khi thì gọi chợ Đông Hà như tên gọi ngày nay. Như vậy là từ nhà ga (Đông Hà) của cầu đường sắt Đông Hà mà chợ Tây Trì biến đổi ra thành chợ Đông Hà là do có sự sơ suất, nhầm lẫn nói trên của người Pháp.

Quy mô của chợ Tây Trì bấy giờ nhỏ bé, khuôn viên không bằng 1/5 mặt bằng ngôi chợ cũ trước lúc cải tạo xây dựng lại vào năm 1991. Lại nữa là chợ làng, nên giữa chợ có đình chợ. Đó là ngôi nhà chuông vuông bốn mái, mỗi cạnh không quá 6m, lợp bằng tranh. Đình chợ là nơi giành riêng cho những người bán hàng xáo, bán từng thúng gạo lẻ tránh lúc trời mưa. Bao quanh đình chợ có bốn dãy sạp hàng còn là tranh tre nứa lá, sạp nào tươm tất được che lợp bằng tấm cót. Chợ chỉ đông buổi sáng và họp trên đất Tây Trì (kể cả sau này chợ đã sầm uất) nên làng Tây Trì cử người đứng ra thu thuế, trực tiếp quản lý chợ. Tiền thu được nộp cho chính quyền sở tại một phần, phần sung quỹ cho làng. Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp, làng đứng ra tổ chức cúng chợ tại đình chợ và tế đàn Âm hồn. Lễ vật tương đối lớn, làng lo một con heo, mâm xôi bự và bánh trái, hương hoa, vàng mã, trống chiêng, đánh thổi... chưa kể lễ vật của bà con tư thương ở chợ góp vào. Đình chợ sát đàn Âm hồn, nay nằm trong khuôn viên chợ mới; di tích đàn Âm hồn còn lại chính là gốc cây ngô đồng (nay ở đối diện nhà số 2 đường Phan Bội Châu). Như vậy so với chợ Thuận xưa, chợ Sải hoặc chợ Tỉnh (chợ thị xã Quảng Trị tỉnh lỵ cũ), chợ Sòng phía Bắc sông Hiếu nơi có nhiều tiệm buôn người Minh Hương hoặc chợ Phiên Cam Lộ, một trong những ngôi chợ lớn vào hàng nhất, nhì Trung bộ nằm trên trục đường 9 thì chợ Đông Hà (gốc cũ Tây Trì) chỉ là chợ xép, chưa có lợi thế gì để so sánh.

Thực ra trước đó (nhưng trước là bao lâu, chưa xác định được), chợ Đông Hà có một lợi thế là ăn theo chợ Phiên Cam Lộ: "Hẹn chàng một tháng sáu phiên/ Không đi thì lỗi lời nguyền với anh". Sáu phiên mà câu ca dao nhắc đến là vào các ngày lẻ mùng 3, 13, 23 và mùng 8, 18, 28 ngày chẵn( Â. lịch). Bấy giờ luồng thương nhân theo những con đò dọc trên sông Hiếu, Hói Sòng lên chợ Phiên Cam Lộ có dịp ghé vào chợ Đông Hà mua bán, trao đổi hàng hoá. Hàng trăm chiếc thuyền từ Huế ra, từ Ba Đồn vào, từ Cửa Việt, Cửa Tùng lên... tất cả dồn vào con sông Hiếu, lên về đều ghé qua chợ Đông Hà. Nếu chợ Phiên là đích cần đến của thương nhân đò dọc, thì với vị thế Đông Hà nó cũng đã là điểm hẹn vì chợ sát bến đò. Thấy gì qua hoạt động của các đội thuyền buôn và luồng hàng hoá các chợ phụ cận giao thương ở chợ Đông Hà? Đò dọc xưa là các đội thuyền chèo, sau này thay thế bằng thuyền máy. Luồng từ Huế ra, Đồng Hới vào tất nhiên hàng hoá đa dạng, hàng sỉ, đủ chủng loại cung cấp cho từng phiên chợ như vải vóc, hàng tạp hóa, nhiên liệu... Luồng từ Cửa Việt lên chủ yếu cung cấp thuỷ sản từ các làng Hà Tây, Tường Vân, chợ Hôm, Cồn Trèng, Mai Xá, Dương Xuân (Bắc Phước)... là những làng đánh cá. Trong khi chợ Thuận, Nam Đông, chợ Sòng đưa nông sản như rau dưa, đậu mè, sắn khoai về chợ Đông Hà. Đặc biệt chợ Phiên có nguồn lâm đặc sản phong phú do người Thượng và người Lào đưa xuống. Sau khi tập kết ở chợ Phiên, thương nhân đưa xuống Đông Hà, vào Huế, ra Ba Đồn. Có thể coi đây là con đường hương liệu, lâm sản, khoáng sản, kim loại, café, thóc gạo, sản phẩm công nghiệp, vũ khí... trao đổi hai chiều. Ngược lại chợ Đông Hà cung cấp cho các chợ  trong khu vực và dân cư vùng ven những mặt hàng tạp hoá khác nhau như vải xô, len, giày dép, đá lửa, dầu hoả... Vì đó là những thứ mà vùng "xôi đậu" có nhu cầu rất cao, trong khi chính quyền thực dân ra sức kiểm soát.

Song phải kể từ khi người Pháp mở đường sắt Bắc - Nam song song với Quốc lộ I A (1897) và đặc biệt khai thông đường 9 (1904) thì hai điểm nút giao thông Bắc – Nam, từ Đông Hà sang Lào xuống Cửa Việt thu hút nhiều tên thực dân cũng như những tư thương người Hoa, người Việt vào đất Đông Hà kinh doanh buôn bán. Bấy giờ chợ Đông Hà mới thực sự có những điều kiện cần và đủ để phát triển. Rõ ràng là sự phát triển đường sá và phương tiện giao thông (khác thời đò dọc) ngày càng cao, tất yếu tạo ra những điều kiện thuận lợi, giúp cho chợ Đông Hà mở rộng quan hệ trao đổi kinh tế giữa các vùng miền; lưu lượng người đến mua bán ở chợ Đông Hà tấp nập hơn, luồng thương mại đa chiều hơn. Chúng ta thử làm một cuộc kiểm kê ở mốc thời gian 1929 (Đông Hà trở thành thị trấn) đến cách mạng tháng 8/1945 thì rõ:

Song song với việc phát triển giao thông, giao lưu hàng hoá, đường 9 (kể từ 1920) thu hút nhiều tên thực dân, tư bản Pháp đến lập đồn điền. Ala Ô-pơ-ri (chủ đồn điền Tân Lâm), Rôm (Rào Quán - làng Khoai), La Van (Lao Bảo)... Tiêu biểu là chủ đồn điền Poa-lan (Khe Sanh), nguyên công sứ, vì sức quyến rũ ghê gớm của con đường 9 ông ta bỏ nghề cai trị chuyển sang kinh doanh. Poa-lan cũng là kỹ sư trồng trọt chuyên sưu tầm dược liệu gửi về Pháp nên người dân Quảng Trị quen gọi ông ta là "Tây lá", chủ hãng xe Malpuech đóng tại thị trấn Đông Hà. Bên cạnh Tây thực dân còn có "Tây ta" là những thương nhân người Việt làm ăn ở Đông Hà giàu có phất lên nhập quốc tịch Pháp. Kinh doanh ở lãnh vực vận tải có ông "Tây Thiều" người Huế, là người đầu tiên sắm xe đò (dân Đông Hà bấy giờ gọi xe con gà, màu xanh) ngày một chuyến chạy tuyến Đông Hà - Huế với lượng khách khoảng 15 - 20 người. Tây Thiều cũng là người có gara lớn, có tiệm bán nhang đèn, dầu hoả... Trần Hữu Dung có 4 xe tải độc quyền chạy đường Lào, chuyên buôn bán trâu bò và gỗ, đặc bịêt nhóm gỗ trắc đưa từ Lào về cung cấp khắp trong vùng... Đông Hà bấy giờ  có 4 tiệm thuốc Bắc đều của người Hoa, đó là phố chú Xệng, chú Chiên, chú Quang và chú Du. Thuốc Tây có cửa hàng ông Hiểu người Huế ra. Tiệm vàng có 3 tiệm ông Thái, ông Yên, ông Trâm. Vật liệu xây dựng có đại lý ông Nguyễn Duy Khái, đại lý bà Hà chuyên kinh doanh sắt, thép, xi măng, đinh lề. Ngoài ra, bà Hà còn có sạp vải lớn ở chợ. Thật khó hình dung ra cái không khí cạnh tranh sôi động của cái chợ thị trấn Đông Hà thời thuộc Pháp. Trong khi các lớp dân cư gốc rễ Đông Hà như Tây Trì (Phường I), Điếu Ngao (Phường II), Đông Hà (Phường III)... bám chặt mấy đám ruộng nhỏ hẹp ven đồi, rồi làm xáo, làm nghề buôn thúng bán mẹt hội nhập vào chợ thị trấn thì ở ngay trong chợ một nhà thương gia giàu có nhất, ông V.S (nhà văn Lê Tri Kỷ dấu tên) cũng chỉ có một ngôi nhà gạch tối om đầu cầu xi măng Đông Hà, vài cái tủ bên trong xếp 10 xấp vải, ít hàng tạp hoá và các con nợ tận các làng rất xa mà ông nhớ cả những ngày kỵ giỗ để giữ lại đúng lúc vài thứ hàng hiếm như hương vòng, mộc nhĩ, miến tàu... để giữ khách hàng. Trong khi vợ chồng ông Trần Triệu Thành người Huế (nền nhà cũ ở Bưu điện Đông Hà hiện nay), ra che cái lều tranh bán trầu cau trong chợ Đông Hà. Vợ chồng ky cóp được 1 giác (1 đồng Đông Dương = 10 giác; 1 giác mua được 2/3 thúng lúa) đánh vé số trúng luôn giải độc đắc trị giá mười vạn bạc Đông Dương. Phất lên, ông Trần Triệu Thành nhập quốc tịch Tây, xây nhà lầu ba tầng, xây gần 30 ngôi nhà quanh chợ cho thuê mở tiệm café, tiệm ăn...

Chợ Đông Hà cho đến cách mạng tháng Tám năm 1945 cứ thế mà phát triển và đã tương đối bề thế. Chín năm kháng chiến chống Pháp, chợ có đôi lần tản cư, song không vì thế mà không xây dựng, mở mang ra. Nhà văn Lê Văn Thê có ghi lại: Tuy không đồ sộ như bây giờ, song cũng rộng lắm. Bốn phía chợ đã có nhà mái bằng, nhà một lầu. Phần lớn là công chức làm việc cho Pháp. Vợ con họ mở đại bài xung quanh chợ, bán bách hoá nhập từ Pháp qua, thu mua nông sản để bán lẻ cho dân thị thành, bán sỉ cho quân lính Pháp. Có những đại bài chất đống những bao tải sọc xanh, chồng chồng lớp lớp lên thấu trần nhà. Hồi ấy người đi lại trên cầu Đông Hà khá đông đúc, có điều tất cả đều đi bộ, gồng gánh trên vai, chưa ai có xe đạp nói gì đến xe máy. Chỉ có những đoàn xe của quân lính Pháp lởm chởm súng lớn, súng nhỏ kéo qua cầu đi đánh trận. Thời chống Mỹ, chợ Đông Hà nằm trong quân trấn thuộc quyền kiểm soát của Mỹ nguỵ. ở trong cái lồng chảo pháo kích và kìm kẹp này nhiều năm, chợ Đông Hà không thể nào mở mang ra được như chợ tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng chị em tiểu thương chợ Đông Hà có lòng nồng nàn yêu nước. Nhiều phen chị em đình công bãi thị, đấu tranh đòi Mỹ Diệm thi hành hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Thập niên 60, phong trào đấu tranh, đưa bàn thờ Phật xuống đường án ngữ các ngã vào chợ, nhiều cuộc tuần hành xuống đường ở chợ Đông Hà chẳng kém gì chợ Đông Ba. Từ đây nhiều hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vải vóc, thuốc men; nhiều nhu yếu phẩm như giấy bút, ni lông, pin, đá lửa... đã được chị em mua sắm, tiếp tế cho du kích, bộ đội ta đủ sức chiến đấu với địch.

Năm 1972, toàn thị xã Đông Hà sơ tán. Ngày 28/4/1972 Đông Hà được giải phóng, đồng nghĩa với chợ Đông Hà bị huỷ diệt, tàn phá nặng nề. Đi ra từ cuộc chiến tranh tàn khốc, cái chợ Đông Hà biến dạng đến mức độ này mới lạ lùng: "Chợ Đông Hà bày bán rặt những mặt hàng không chợ nào có trong cả nước. Dây điện màu rút ra từ ruột xác xe tăng và máy bay trực thăng, đinh nhỏ hình mũi tên từ pháo, những viên bi màu xanh huyền là loại bi lý tưởng dùng cho xe đạp, và những nông cụ, những dao rựa gia dụng được rèn bằng những phế liệu chiến tranh còn mới. Chỉ ngồn ngộn những mặt hàng kiểu ấy, đống này đụn kia, trông giống như cuộc triển lãm chiến thắng hơn là một cái chợ." (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Vì vậy, sau khi Hiệp định Paris được kí kết, một trong việc làm đầu tiên của chính quyền cách mạng là giao cho Công ty xây dựng số 8 khởi công xây lại chợ Đông Hà làm nơi giao lưu buôn bán ở một tỉnh vừa được giải phóng. Sau hơn một tháng, đã xây xong một đình chợ lớn, 8 đình nhỏ và một số kiốt kịp đưa chợ Đông Hà vào khánh thành nhân dịp kỉ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (6/6/1973). Trải qua gần 20 năm hoạt động, trong đó có thời nhập tỉnh to Bình Trị Thiên, không xây dựng gì thêm nhưng ở vào thời kỳ này cả thị xã Đông Hà là cả một chợ trời sôi động. Hàng hoá muôn mặt, nhiều luồng hàng từ trong Nam ra, hàng từ Lào xuống, muôn hình vạn trạng... và đó chính là thế mạnh, là mặt năng động vô tiền khoáng hậu của cái chợ Đông Hà - nơi ngã 3 đường chín thời bao cấp.

Cuối cùng cơ hội cất cánh của chợ Đông Hà đã đến, ấy là lúc tỉnh nhà lập lại, Đông Hà được chọn lựa làm thị xã tỉnh lỵ. Xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược: Chợ Đông Hà không những là một trung tâm kinh tế thương mại - văn hoá, xã hội lớn của tỉnh Quảng Trị mà còn là của cả khu vực, hành lang kinh tế Đông - Tây nên tỉnh đã bắt tay vào khởi công xây dựng chợ. Ngày 13/7/1991, chợ mới Đông Hà chính thức khởi công, đề án của KTS Nguyễn Tiến Thuận được chọn lựa với tổng dự án thiết kế ban đầu 36 tỷ đồng. Trong suốt 4 năm trực tiếp thi công, Tổng công ty xây dựng Sông Đà đã hoàn tất 2/3 khối lượng công trình, kịp bàn giao đưa vào sử dụng (khánh thành vào sáng ngày 26/9/1995) với tổng số vốn đầu tư 26 tỷ đồng. Với 3 đơn nguyên, hai nhà mỗi nhà hai tầng cao 6m, một nhà bán hàng tươi sống. Diện tích sàn: 14.300m2, sân vườn 1.500m2. Gian chợ hàng tươi sống: 2.250m2. Trong đó có 1.120 lô, mỗi lô 4m2, lô nào cũng có mặt tiền, đường chính 3m, phụ 1,5m, lô nào cũng được bắt điện sáng và điện thoại ngầm... Khánh thành ở giai đoạn I, chợ Đông Hà đã là ngôi chợ hiện đại, to nhất miền Trung. Hiện Ban quản lý chợ đang thi công 1/3 khối lượng công trình còn lại. Cũng trong ngày khánh thành chợ, Ban quản lý triển khai đấu giá lô quầy, điều bất ngờ đã xảy ra: giá chuẩn lô loại I đặt ra là 38 triệu, thương nhân đấu lến đến 58 triệu; lô loại II giá 23 triệu đấu lên thành 49 triệu... Điều đó chứng tỏ tiềm năng phát triển kinh tế của chợ Đông Hà dưới con mắt của nhiều thương nhân đã được đánh giá rất cao. Hàng năm, doanh thu thuế lên tới vài tỷ đồng. Và tới đây, chắc chắn rằng chợ Đông Hà sẽ sớm trở thành một siêu thị liên Á ở ngã ba đường 9.

Bên cạnh chợ Đông Hà thì chợ Hôm (Lập Thạch) và chợ Lai Phước đều nằm ở vị trí cô lập, khuất nẻo nên chỉ đóng vai trò chức năng ngôi chợ làng. Chợ Lai có sinh động hơn dưới thời Pháp vì lính nguỵ đóng đồn ở cầu Lai Phước; trong khi chợ Hôm Lập Thạch hoạt động sôi nổi thời kỳ các tổ chức Tài chính của cách mạng thời tiền khởi nghĩa đóng trụ sở ở đây. Tất nhiên, xu hướng người dân có nhu cầu thoả mãn ngày càng cao về mua sắm, họ đã chủ động tìm đến chợ trung tâm thì chợ làng đã mất dần sức thu hút người mua bán đến chợ và không phát huy được vai trò quy tụm phân phối các nguồn hàng hoá mang tính liên xã. Xu hướng đó đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn tại của các chợ làng, ví dụ chợ Hôm (Lập Thạch) hiện đang "tầm gửi" bên bến đò Lập Thạch - Trùng Yên; chợ Lai đang bị chợ Đông Lương trùm lên teo tóp đi một cách đáng kể. Và hiện tại, trên địa bàn thị xã Đông Hà có 11 chợ khu vực các phường như chợ Hàm Nghi, chợ Lê Lợi (phường V), chợ phường III, chợ phường IV, chợ Trung Chỉ, chợ 1-5 (phường Đông Lương) thay thế cho các chợ làng đang tàn rụi đi. Tuy rằng doanh số và doanh thu các chợ Phường là không lớn, nhưng nó là những chợ đầu mối đóng vai trò chức năng tự phân phối thực phẩm, hàng tươi sống ổn định cho dân cư trong phường mà vai trò cũng chẳng khác chi chợ làng, là một xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Tất nhiên việc quy hoạch, phát triển hệ thống chợ các phường để chúng trở thành các trung tâm thương mại dịch vụ trên địa bàn thị xã hiện nay cũng có những vấn đề cần lưu ý, nó phải là những ngôi chợ làm bệ phóng cho chợ thị xã trung tâm, phát triển theo chiều hướng mở.

Y.T

 

 

Y Thi Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 152 tháng 05/2007

Mới nhất

Đừng cho tôi tất cả; Gom

02/05/2025 lúc 06:20

Đừng cho tôi tất cả                                             Đừng cho tôi tất cảTôi sẽ không tồn

Đường xưa; Tháng năm

02/05/2025 lúc 06:16

Đường xưaNgày xưa ùa về trong tiếng mưa đêmLang thang trên con đường một

Quê hương; Thưa ba

02/05/2025 lúc 06:04

Quê hương Tôi yêu nhánh lúa bờ treMẹ tôi cắp rổ ra khe xuống

Cơm chiều

02/05/2025 lúc 06:02

Em thường hỏi chiến tranh đã xaMà anh cứ kể hoài chuyện cũNắng vàng, hốc

Người về Diên Sanh

02/05/2025 lúc 05:55

Hải Lăng xanh thắm tình quêNăm mươi năm lại tìm về Diên SanhHồ Khe Chè nước

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground