Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gắn bó máu thịt với đồng bào miền Tây

M

ột đêm hè năm 1955, ở thôn Rò Ró, xã Avao, miền tây Quảng Trị. Rừng đại ngàn im gió, hơi nóng hầm hập từ những tảng đá lớn bị hun nóng buổi ngày chưa tản đi hết, trời oi bức như sắp sửa có cơn giông. Ba trăm bà con Pa Cô lặng lẽ di chuyển dưới những tán lá đen sẫm như những chiếc bóng âm thầm. Quân lính Ngô Đình Diệm chưa đặt châm đến các bản làng nam Hướng Hóa, nhưng không khí căng thẳng, khẩn trương đang trùm lên khắp đời sống đó đây. Chiến dịch Phan Chu Trinh của Mỹ- Diệm trả thù tàn bạo những người kháng chiến cũ đang chà xát vùng đồng bằng. Tuy còn cách xa hàng mấy ngày đường nhưng những mẫu tin đầy lo âu cứ truyền lan đi xa tưởng chừng những tiếng súng giết người của địch, những tiếng kêu thét căm hờn của người dân lương thiện đang hòa trộn vào những tiếng réo của thác nước dòng sông Đa-Krông hiền hòa.

Bỗng ngọn lửa bùng lên, soi rõ hàng trăm dân bản đứng thành vòng tròn vây quanh đóng lửa rừng đang cháy ngùn ngụt. Những bó củi khô nỏ bén lửa nhanh, soi tỏ ánh mắt nhìn sắc lạnh, quyết liệt của bà con. Một người trung niên từ trong bóng tối bước ra, đầu đội mũ két xám, quần áo bà ba giản dị, gương mặt đầy đặn. Người ấy đeo túi dết bên hông, tay cầm bầu rượu dơ cao. Đám đông chợt rào lên tiếng ồ à:

- Achuôi Hành!(*)

Rồi chỉ trong nháy mắt, đám đông bất ngờ im lặng, chờ nghe người cán bộ lên tiếng:

- Thưa bà con dân bản! Bè lũ Mỹ- Diệm phản bội hiệp nghị Giơnevơ đã trở mặt bắt bớ tàn sát những người kháng chiến cũ ở dưới đồng bằng. Từ Do Linh lên Cam Lộ, từ Triệu Phong vào Hải Lăng, đâu đâu chúng cũng bắn giết khủng bố cực kỳ tàn bạo. Nay mai chúng nó sẽ kéo quân lên chiếm đóng càn quét vùng miền tây Hướng Hóa chúng ta. Hôm nay, chúng ta họp mít tin để bày tỏ tình đoàn kết đấu tranh chống Mỹ- Diệm. Người Kinh cũng như người Thượng, người Pa Cô cũng như người Vân Kiều một lòng theo Cụ Hồ thề đi theo Cách mạng đến cùng, bảo vệ Cách mạng đến cùng. Đồng bào có ưng bụng không?

Hàng trăm cánh tay cùng giơ lên nhất loạt, hàng trăm cái miệng cùng hô to:

- Bác Hồ muôn năm!

- Đả đảo Mỹ- Diệm, lũ cọp beo!

Bấy giờ mọi người mới ngã bát ra, rót rượu thề. Người cán bộ đi một vòng, giơ bầu rượu rót mời các già làng, trưởng bản. Mọi người xúm quanh ché rượu to đặt cạnh đống lửa hồng, cùng múc rượu đổ đầy bát.

Làm theo người già, làm theo cán bộ, ai nấy đều nâng cao bát rượu thề, uống cạn một hơi. Thề giữ bí mật, có người lạ mặt đến hỏi thăm tình hình, chỉ một mực trả lời “Không nghe, không thấy, không biết”. Thề bảo vệ cán bộ, che giấu cán bộ không để bè lũ Mỹ- Diệm tìm ra tung tích cán bộ. Thề nghe lời già làng, trưởng bản, cùng một lòng đối phó với mọi âm mưu của bọn tay sai Mỹ- Diệm.

Tiếng củi cháy nổ lách tách như làm tăng thêm khí thế của dân bản. Ngọn lửa hồng phừng phừng bốc cao càng làm cho những cặp mắt kiên định thêm long lanh. Trong hơi rượu nồng nàn, người dân Rò Ró tưởng chừng như sống lại những ngày đầu đánh Pháp, mọi người uống rượu thề chống giặc xâm lược đến cùng. Chỉ khác lần này không có bộ đội và du kích cầm súng, chỉ có cán bộ cách mạng, hai tay không, đến với đồng bào.

Người cán bộ cách mạng có vóc dáng đậm đà, tuổi chưa tới năm mươi, đến nói chuyện và uống rượu thề với đồng bào thôn Rò Ró, xã AVao hôm nay chính là ông Lê Hành, Bí thư Huyện uỷ Hướng Hoá, vừa mới được cấp trên bổ sung vào Tỉnh uỷ Quảng Trị.

Năm 1954, sau khi có hiệp định Giơnevơ, lực lượng vũ trang tập kết ra miền Bắc, cán bộ chính trị ở lại địa bàn không được trang bị vũ khí, sống dựa vào sự che chở của quần chúng. Ông Lê Hành, Bí thư Huyện uỷ Hướng Hóa về xã Tà Long. Ông di chuyển qua nhiều nơi: Trại Cá, Ly Tông, Ly Hy, Ba Hy. Số đảng viên ở lại Hướng Hóa còn bảy đồng chí đều là người ở chiến trường cũ. Ngoài Bí thư Huyện uỷ Lê Hành còn có đồng chí Tiến, phó Bí thư, đồng chí Xuân uỷ viên Thường vụ và đồng chí Huyện uỷ viên Hồ Phong (bố đồng chí Bí thư Huyện uỷ Hồ Pờn sau này) tất cả đều ở bí mật ngoài bìa rừng. Đồng bào Vân Kiều canh gác, báo tin cho cán bộ mỗi khi có người lạ vào bản. Có khi, các em bé chín, mười tuổi giả vờ đi câu cá để làm nhiệm vụ canh giới.

Suốt năm 1955, địch ra sức bình định vùng đồng bằng. Đầu năm 1956, chúng kéo quân lên huyện Hướng Hóa, đóng đồn từ A Sầu, A Lưới trong tỉnh Thừa Thiên ra đến Tà Rụt, Ly Tông, Trại Cá, Sa Trầm ngoài Quảng Trị. Chúng mở đường xe chạy, chia địa bàn thành từng ô để bình định. Cán bộ Đảng ra sức tuyên truyền vận động; nhân dân vẫn giữ vững sinh hoạt. Đồng chí Lê Hành phân công các Huyện uỷ viên về bám sát từng cụm dân để hướng dẫn đấu tranh. Địch cài tay chân trà trộn vào các bản, nhưng đồng bào giữ vững lời thề, không để lộ bí mật điều gì. Tình hình ngày một căng thẳng. Mỹ - Diệm mở các đợt tố cộng ở miền núi, chủ yếu đánh vào các căn cứ kháng chiến cũ. Đồng chí Lê Hành đề xuất chủ trương tổ chức các chi bộ nhỏ chỉ gồm có dăm ba người. Nhiều người hoạt động đơn tuyến được giao nhiệm vụ ra nhận công việc công khai ở thôn bản. Mỗi chi bộ là một pháo đài đấu tranh chính trị với địch. Người dân tộc giác ngộ cách mạng, có lòng trung thành với cách mạng là vô hạn. Trong đường dây tiếp tế từ vùng địch lên căn cứ, có ông Lâm Bằng, một người làm tổng thư ký ở xã Làng Cát, vận động đồng bào mua gạo nếp tiếp tế cho cách mạng chẳng may bị Mỹ- Diệm bắt được. Chúng tra tấn dã man đủ cách mà ông vẫn không khai báo. Chúng dở thủ đoạn trói chân tay ông lên trên giàn sắt rồi đốt lửa cháy nhưng vẫn không khai thác ở ông một lời khai nào. cho đến năm 1957, Mỹ- Diệm vẫn chưa gom được dân, chưa lập được ấp chiến lược. Đồn Tà Rụt lên đóng được vài tháng, dân bỏ chạy lên núi cao. Chúng xua quân đi lùng sục, dân tổ chức du kích dùng cung nỏ đánh úp. Sang năm 1958, trong một trận dẫn quân đi càn quét, tên đồn trưởng đồn Tà Rụt đã bị du kích bắn tên thuốc độc giết chết. Ngay sau ngày đồng khởi ở miền Tây, năm 1960, Mỹ- Diệm phải rút đồn Tà Rụt. Những năm 1955-1959, nói chung, địch ra tay khủng bố khóc liệt. Năm 1956, đồng chí Lê Hành được cấp trên điều về làm Bí thư Huyện uỷ Cam Lộ. Tình hình căng thẳng, chỉ có ba người là Bí thư và phó Bí thư Huyện uỷ cùng một chánh văn phòng là sống thành một cụm riêng, còn các cán bộ khác đều phân tán đi mỗi người một cơ sở. Có lần, đồng chí Lê Hành về công tác tại làng Vĩnh Đại bị lộ, dân vệ đuổi theo, đồng chí liền bắn hai phát súng, chúng phải bỏ chạy.

Năm 1957, huyện Hướng Hóa thuộc về khu 5, đồng chí lại trở về huyện cũ. Đường từ Cam Lộ lên đáng ra chỉ mất hai giờ đi bộ, nhưng đồng chí phải đi mất ba ngày vì địch đã kéo lên đường 9 đóng đồn dày đặc. ở miền Tây, những vùng đồng chí đi qua đều bị địch khủng bố ghê gớm. Có nơi, địch bắt giam hàng trăm người, tra tấn dã man để tìm tung tích cách mạng nhưng không một người dân nào khai báo. Các đường dây liên lạc vẫn thông suốt, các trạm vẫn hoạt động đều đặn. Tình hình quần chúng giữ vững lòng chung thuỷ với Đảng và Bác Hồ càng động viên thôi thúc đồng chí dấn thân mạnh mẽ hơn trên con đường đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, đối với một Tỉnh uỷ viên, một Bí thư Huyện uỷ, nhiều khi cái khó khăn không phải là những cuộc khủng bố, đàn áp dữ dội của kẻ địch đối với quần chúng nhân dân đòi hỏi phải có những chủ trương, giải pháp đối phó kịp thời mà là cuộc đấu tranh bản thân trong việc chấp hành các nguyên tắc hoạt động của tổ chức. Ví dụ như sau ngày có hiệp nghị Giơnevơ, Đảng chủ trương chỉ có đấu tranh chính trị, chưa được sử dụng vũ khí. Đồng chí Lê Hành đã gặp những trường hợp bức xúc phải cân nhắc phương pháp đấu tranh với địch. Địa bàn rừng núi là nơi ta có lợi thế di chuyển, ẩn nấp để tấn công địch cho nên đồng chí chủ trương khi cần ta có thể sử dụng vũ khí. Đồng chí đã cân nhắc tính toán kỹ trước khi ra lệnh cho tổ du kích dùng tên nỏ bắn chết tên đồn trưởng Tà Rụt. Đồng chí đã có hành động dứt khoát khi rút súng đánh trả bọn dân vệ ở Vĩnh Đại. Sau ngày trở lại Hướng Hóa, đồng chí lại gặp một trường hợp khó xử. ở thôn Châu Rọ, có kho gạo bí mật của huyện. Bất ngờ, trong một cuộc càn của địch, có hai tên gián điệp lọt vào khu vực kho và phát hiện ra nơi ta giấu hàng. Trước tình hình đó, cơ sở xin ý kiến xử lý. Đồng chí đã chỉ thị bí mật tiêu diệt cả hai tên gián điệp. Kết quả, ta đã bảo vệ và giữ được bí mật địa điểm đặt kho. Việc sử dụng vũ khí đánh trả địch khi chưa có chủ trương chung làm cho đồng chí không khỏi có lúc băn khoăn, nhưng sau này được xác nhận là chủ trương cần thiết.

Nghị quyết 15 ra đời năm 1959 đã mở đường cho cách mạng miền Nam chuyển hướng đấu tranh, lấy đấu tranh chính trị đi đôi với đấu tranh vũ trang. Nếu như ở đồng bằng đấu tranh vũ trang là để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị thì ở miền núi, hai hình thức đấu tranh tiến hành song song. Huyện Hướng Hóa tiếp nhận đường lối mới một cách hồ hởi. Các cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến huyện đều được trang bị súng ngắn. Khu vực Vĩnh Linh chi viện cho Hướng Hóa mười khẩu AK. Số vũ khí này được trang bị cho các chiến sĩ dân vận hoạt động dọc sông SêPôn từ Lao Bảo đến Xa Muồi. Lúc này địch đã đóng đồn ở Xa Muồi và Pa Lọ. Phía ta, các chi bộ Tà Long, A Sốc, Hướng Điền đều tổ chức các tổ du kích. Riêng chi bộ AVao, có một trung đội. Lực lượng bảo vệ Huyện uỷ và các cơ quan Đảng được cũng cố. Công tác diệt ác phá kềm được triển khai. Bọn binh lính phản động Lào từ bên kia biên giới lẻn sang cướp phá bị đánh chặn.

Sau năm 1960, căn cứ được mở rộng. Đường dây 559 của bộ Quốc phòng chạy qua địa bàn huyện Hướng Hóa. Trước đó khá lâu, từ năm 1955, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đường dây giao liên, tiếp tế từ Vĩnh Linh vào, mật danh là đường dây Lam Sơn do Bí thư Huyện uỷ Lê Hành phụ trách. Đồng chí Võ Bẩm, chỉ huy đường dây 559 bắt liên lạc với đồng chí Lê Hành. Cấp trên bổ sung đồng chí Lê Hành vào Đảng uỷ đường dây 559, giao phụ trách các trạm từ La Hạp vào Quảng Nam. Đoạn La Hạp - Quảng Nam có năm mươi trạm giao liên, mỗi trạm có năm mươi người vận chuyển hàng và trông coi kho.

Năm 1961, sau khi được Trung ương tăng cường một số sĩ quan và khung chỉ huy, tỉnh Quảng Trị rút thanh niên từ các địa phương lên thành lập các đơn vị vũ trang. Huyện Hướng Hóa tổ chức được một đại đội bộ đội địa phương, đa số là các chiến sĩ người miền núi. ở các xã có các đội du kích trang bị bằng cung, nỏ là chủ yếu. Cuộc chiến đấu bảo vệ các làng bản diển ra quyết liệt. Bộ đội địa phương tuy chỉ được trang bị súng ít ỏi nhưng đã tích cực tổ chức phục kích, tập kích địch. Đồng chí Lê Hành đi sát chính trị viên Xuyên Tâm động viên chiến sĩ hăng hái lập công. Một lần đơn vị phục kích một toán lính nguỵ đi áp tải tiền lương và lương thực từ quận về đồn Trại Cá, tiêu diệu toàn bộ lính hộ tống và thu được toàn bộ chiến lợi phẩm. Cuối cùng, bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh tấn công tiêu diệt đồn Trại Cá. Đồn Tu Muồi cũng bị ta đánh, địch chết một số, ta thu được nhiều vũ khí. Do bị ta tấn công uy hiếp mạnh, lại bị cô lập giữa rừng núi mênh mông, các đồn địch ở Ly Tông, Tà Rụt và Sa Trầm đều phải rút chạy về xuôi. Tuy vậy, Mỹ-Diệm vẫn không từ bỏ âm mưu khống chế vùng núi. Chúng thường tung các toán biệt kích nhỏ lẻ, từng tổ ba tên một, thọc lên rừng phát hiện và phá huỷ kho tàng của ta. Phương thức của chúng là bí mật dò la, đánh nhanh rút nhanh. Đồng chí Lê Hành đã tổ chức nhiều cuộc họp cán bộ đơn vị vũ trang bàn cách đánh bại thủ đoạn mới của địch. Đại đội vũ trang của huyện sau đó tổ chức nhiều tổ truy lùng được trang bị tốt để đánh bọn biệt kích. Tổ của đồng chí Thọ gồm có ba người, trong đó có hai chiến sĩ người dân tộc đã chặn đánh và bắt sống được một toán ba tên biệt kích ngụy, thu toàn bộ vũ khí và điện đài.

Từ sau ngày bộ đội Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đoạn đường 9 Lao Bảo lên Mường Phìn, ta có chủ trương chia huyện Hướng Hóa làm hai huyện. Phần đất gần nước bạn Lào gồm các xã A Túc, A Vao, A Xin, Tu Muồi đặt tên là huyện Hy Lạp. Phần đất còn lại gồm các xã Tà Long, A Xốc, Tà Rụt, A Ngo, A Bung đặt huyện Mông Cổ. Năm 1965, cả hai huyện thống nhất lại thành huyện Hướng Hóa như trước. Đồng chí Lê Hành được cử làm Bí thư huyện uỷ mới và được bầu vào Thường vụ Tỉnh uỷ, sau đó được bổ sung vào khu uỷ Trị-Thiên-Huế. Năm 1973, sau ngày lập lại tỉnh Quảng Trị, đồng chí Lê Hành với cương vị mới là Bí thư Tỉnh uỷ thay cho đồng chí Hồ Sĩ Thản đi nhận công tác khác, mới rời khỏi địa bàn Hướng Hóa, mảnh đất miền Tây kiên cường bất khuất thân yêu để trở về đồng bằng nhận công tác mới.

                                                  L.S.C

 

Lương Sĩ Cầm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 144 tháng 09/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground