Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gia đình đồng chí Lê Duẩn những năm 1946-53 ở Bích La Đông

V

ào khoảng năm 1916, gia đình đồng chí Lê Duẩn rời làng Bích La Đông nơi đồng chí được sinh ra để đến nơi cư ngụ mới tại chợ Sải, thuộc làng Hậu Kiên, mà theo ý cụ Lê Văn Hiệp thân sinh ra đồng chí Lê Duẩn, Hậu Kiên là nơi "Nhất cận thị, nhị cận giang" vừa có chợ Sải lại vừa có sông Thạch Hãn để làm nghề buôn bán và gần trường học.

Cụ ông và cụ bà thân sinh đồng chí Lê Duẩn sống bằng nghề làm mộc, chủ yếu là đóng quan tài gỗ, nấu và bán cao dán, một loại thuốc nam để chữa trị các bệnh mụt, nhọt và gia đình còn làm nghề hàng xáo.

Sau khi đồng chí Lê Duẩn lập gia đình riêng thì nghề làm xáo của cụ bà mai một dần và thay vào đó là một gian hàng xén nho nhỏ của bà Sướng vợ đồng chí Lê Duẩn đặt tại nhà cũng tức là đặt tại chợ vì chợ sát nhà. Cái nghề làm thuốc cao dán của cụ ông cực kì uy tín. Cả làng tôi và các làng lân cận hễ có ai mụt, nhọt, đau đầu, đau bụng, đau lưng, thậm chí là cả đau mắt đều đến cụ mua. Chỉ cần nói bệnh là có thuốc cao đem về dán. Thuốc nước sền sệt, màu đen, đựng vào các vỏ ngao, vỏ hến hoặc bệt vào các tờ giấy bản. Thuốc nấu bằng cây gì, lá gì tôi không biết, chỉ biết rằng trong gia đình tôi: cha mẹ, anh em chúng tôi ai có mụn nhọt, đều đến cụ mua thuốc là lành bệnh. Ân tượng nhất với tôi vào thời kỳ này là thuốc cao dán của cụ.

Vào đầu năm 1946 tức là sau gần 30 năm ở chợ Sải, khi chiến sự trên địa bàn Quảng Trị bắt đầu ác liệt gia đình đồng chí Lê Duẩn trở về quê hương bản quán là làng Bích La Đông để sinh sống. Dọn về làng cũ, trong gia đình tôi thấy có ông cụ, bà Sướng và ba người con gái có tên là Cừ, Sửu (sau đổi tên Hồng) và Muội.

Ngôi nhà được dựng tại xóm Cát còn có tên gọi rất hay là xóm Đông Bội toạ lạc ở làng Bích La Đông, phía nam sông, gần cầu Ba Bến, gần làng An Hưng. Nhà làm bằng tre, lợp tranh, vách đất, hai mái. Nhà trên khoảng 24m2 có ba gian. Một gian ông cụ nằm và và bán thuốc cao dán. Gian giữa thờ tự. Gian bên là của bà Sướng và các chị sinh hoạt. Nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ, thoáng mát. Nhà dưới, quê tôi gọi là lều, bề ngang cỡ 3m, chiều dài cỡ 6m cũng làm bằng tranh tre, dùng để bàn ăn, nấu bếp và quầy hàng xén. Quầy tạp hóa của bà Sướng vẫn bán những thứ như ở chợ Sải: mấy liếp cúc bấm, kim băng, kim may, trục chỉ, gương lược, trái bồ kết gội đầu, ve dầu Nhị thiên đường, bao diêm...nay thêm muối ớt, nước mắm, dầu hỏa, đá lửa, đèn Hoa kỳ, tim đèn, nến hương, giấy vàng bạc, hàng mã các loại tranh giấy dân gian in vào giấy bản rẻ tiền dùng cho việc cúng, giỗ hoặc ngày tết, ngày rằm, ngày cúng đất...Nói quầy tạp hóa là hơi ngoa ngôn, bởi những thứ ấy bà Sướng vẫn gánh bộ về chợ Bích La Đông cách nhà một cây số để ngồi bán dưới một cái lán che sơ sài. Sáng gánh đi, chiều gánh về, tối bán tại nhà...

Bà Sướng, vợ đồng chí Lê Duẩn cha tôi gọi bằng chị con ông bác thúc bá. Vì vậy chúng tôi gọi bà bằng O (cô) và các chị trong nhà là chị. Bởi có chút quan hệ họ hàng ấy, nên vào tháng 3.1936 sau khi mãn hạn tù ở Côn Đảo lần thứ nhất, ông có về làng thăm họ hàng, chú bác, anh em. Nhân thể cha tôi có mời ông đến dự ngày đầy tháng của tôi. Nghe lời cha tôi nói bữa ấy ông vui lắm, nói rất nhiều về đời sống của dân trong làng, ông mong bà con, thôn xóm giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, trong hoạn nạn. Ông kể chuyện tù Côn Đảo khổ lắm, bọn cai ngục cho tù ăn cơm bằng gạo mốc và thức ăn là con khô đã mục, có giòi bọ trộn cát và sỏi nhỏ làm cho tù đau dạ dày mà chết...

Riêng tôi thực sự được biết đến ông là mãi đến ngày 02.02.1973 khi ông vào thăm Vĩnh Linh và thăm bà con quê hương sơ tán. Gia đình O còn có người con trai nữa tên là Lê Hãn nhưng tôi chưa gặp bao giờ.

Nhà tôi ở cạnh nhà O, cách nhau chưa đầy trăm mét, rất nhiều lần tôi sang nhà O để mua những thứ hàng mà mẹ tôi sai bảo. Những năm tháng ấy quê tôi bị giặc Pháp càn quét và ruồng bố liên miên. Chúng nó đốt nhà, cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ. Có ngày quê tôi chỉ trong một tiếng đồng hồ sau khi giặc Pháp càn vào đã có 49 người chết. Có lẽ đó là ngày đen tối nhất của làng tôi qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Những lúc giặc pháp càn vào làng thông thường chỉ những nông dân khỏe mạnh, nam cũng như nữ và một số thanh niên không có trong lực lượng du kích bỏ chạy qua làng khác, còn người già cả, người ốm đau, hoặc trẻ em vẫn ở tại nhà, trốn tránh loanh quanh. Ông cụ, O và các chị vẫn ở lại như mọi người bình thường khác. Chỉ có chị Cừ, chị lớn nhất chạy với bà con làng xóm. Tôi không biết đích xác tuổi của chị nhưng xem ra những năm 1946-47 chị Cừ cỡ 13, 14 tuổi, chị Hồng cỡ 10, 11 tuổi còn chị Muội thì 5, 6 tuổi gì đó.

Đầu năm 1953, cụ ông, O và các chị rời làng đi nơi khác. Trước khi rời làng để đi hẳn cho đến tận bây giờ, tôi còn nhớ ông cụ và gia đình đã bỏ ngôi nhà bên Xóm Cát (xóm Đông Bội) mà sang bờ Bắc sông, tạm ở nhờ một người anh em với O chừng một, hai tháng...Đó cũng là năm giặc Pháp đem quân về đóng đồn ở Bích La - Vân Hòa. Sau này tôi được biết để đảm bảo sự an toàn mà quân đội đã tổ chức đưa gia đình đồng chí Lê Duẩn ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh...

Nhắc đến thời kỳ khó khăn này của gia đình đồng chí Lê Duẩn nhân dân trong làng tôi cũng như nhân dân vùng phụ cận đều tỏ ra rất cảm phục sự chịu thương, chịu khó cùng sự hòa đồng với công việc lao động làm ăn sinh sống của tất cả các thành viên trong gia đình. Gia đình đã sống một cách bình thản, lặng lẽ trong cộng đồng dân cư.

Cuối năm 1953 tôi có đến thăm gia đình O tại Cổng Chốt, gần nhà thờ Cầu Rầm thành phố Vinh. Tại đây tôi chỉ thấy có cụ ông, O và chị Cừ, còn hai chị Hồng và Muội đã đi học xa... Đó là lần thăm cuối cùng của tôi với gia đình. Những năm sau này khi tôi công tác ở Hà Nội, Sơn Tây hay Thanh Hóa, dù rất gần nhà O nhưng tôi chưa một lần đến, bởi tính tôi hay e ngại...

Trong xóm tôi ở, tên đồng chí Lê Duẩn được gọi bằng Lê Văn Duận, hoặc ông Thông Duận. Thông tức là chức vụ nghề nghiệp vì đã có lúc ông làm thư kí Kho vật tư ga xe lửa Đà Nẵng. Còn chữ Văn thì đó mới là Họ. Làng tôi có đến  bốn họ Lê, bao gồm: Lê Mậu (hoặc Lê Hữu), Lê Cảnh (hoặc Lê Công), Lê Văn và Lê Bá. Ông là người họ Văn. Còn chữ Duận có thể do tập quán quê tôi nói dấu ngã thành dấu nặng và cũng có trường hợp năm nhuận thì nói năm “duận”, cái nhà thì nói cái “dà” v.v...

Vui nhất là chuyện này, người trong xóm tôI to nhỏ với nhau rằng: Người ký tên Bộ trưởng Bộ tài chính trên tờ bạc Tài chính đầu tiên của ta là ông Thông Duận, ông đổi tên Lê Văn Duận thành Lê Văn Hiến. Với cái đà suy diễn ấy có mấy bác còn quả quyết độc lập rồi, xóm mình xin ông ít tiền để tiêu pha.

Sau này có thời gian công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy tôi đã hơn một lần được phục vụ đồng chí Lê Duẩn khi ông về thăm Bình Trị Thiên. Tháng 3.1985 Văn phòng tỉnh ủy Bình Trị Thiên phân công tôi đón tiếp, phục vụ, tháp tùng O Sướng về thăm nhân 10 năm ngày quê hương giải phóng hoàn toàn. O đi cùng chị Cừ. O khỏe mạnh, đi lại dễ dàng, nói năng lưu loát. Lần này O đi thăm được nhiều nơi: Bích La Đông, Hậu Kiên, Vệ Nghĩa...

Sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, tại hội trường Sở Điện lực có cuộc hội thảo về phát triển kinh tế - xã hội. Tôi gặp lại chị Lê Thị Muội sau gần 45 năm xa cách. Bây giờ chị đã là Tiến sĩ khoa học sinh vật. Kết thúc hội thảo tôi đưa chị về thăm lại nơi chị đã ở hồi kháng chiến chống thực dân Pháp. Mảnh đất còn đó, nhưng nay là nhà họp của đội 7 HTX nông nghiệp Bích La Đông. Chị nhìn hồi lâu, không nói gì và bảo tôi quay trở lại Đông Hà. Có lẽ chỉ ở vài năm lúc còn quá nhỏ nên chưa đủ cái xảm xúc của Chế:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"

    L.B.T

 

Lê Bá Tạo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

1 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground