Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giáo dục Nho giáo ở Quảng Trị dưới thời nhà Nguyễn (1802 - 1919)

Giáo dục và đào tạo nhân tài từ xưa đến nay đều là một trong những yếu tố trụ cột xây nên lâu đài văn hóa và văn minh của dân tộc Việt Nam. Giáo dục là phương tiện nâng cao trình độ dân trí, văn hóa của một dân tộc tạo tiền đề cho sự phát triển ngày càng cao của nền văn minh nhân loại.

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc cũng như dưới thời phong kiến, giáo dục nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều mặt của nền giáo dục phương Bắc. Ngay từ những thế kỷ mới giành được độc lập (thế kỷ X - XI) thì chữ Hán và đạo Nho đã từng bước giữ vai trò là ngôn ngữ quốc gia và là nền giáo dục chính thống. Với việc thiết lập Văn Miếu Quốc Tử Giám dưới thời nhà Nguyễn, đồng thời với việc khắc tên những người đỗ Tiến sĩ qua các kỳ thi vào bia đá tại Văn Miếu là những bằng chứng điển hình nhất thể hiện ý thức của việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài của con người Việt Nam cũng như thể hiện tầm quan trọng của nền giáo dục này.

Với thời gian non một nghìn năm tồn tại (từ 1070 - khi nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu đến năm 1919), nền giáo dục Nho giáo đã cùng thăng trầm theo lịch sử dân tộc qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Đặc biệt, dưới thời nhà Nguyễn, ngay từ buổi đầu xây dựng vương triều, các vua triều Nguyễn đã lấy Nho giáo làm quốc giáo và lấy Nho học làm hệ thống giáo dục duy nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù còn biểu hiện một số hạn chế về nội dung giáo dục, về quy mô trường lớp, thi cử… nhưng đứng trên phương diện lịch sử lúc bấy giờ thì nền giáo dục Nho học là một hình thức giáo dục tối ưu nhất và phù hợp hơn cả.

Giáo dục Nho giáo triều Nguyễn với mục đích là đào tạo ra những người quân tử, đức tài toàn diện, “phò nước, giúp đời”, vì vậy nhiệm vụ là đào tạo nên những con người “nhân, nghĩa, trung, chính”. Triều Nguyễn coi giáo dục là công cụ để đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đồng thời dùng “tam cương, ngũ thường” làm công cụ để truyền bá “đạo làm người” trong nhân dân.

Các vua triều Nguyễn chú trọng đến việc học hành thi cử Nho học, trước mắt và lâu dài là để đào tạo, tuyển chọn và bổ sung nhân lực cho bộ máy phong kiến từ trung ương đến tận địa phương.

Do chế độ thi cử có tầm quan trọng như vậy nên các vua triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều đã đặc biệt quan tâm.

Ngay từ những năm đầu, vua Gia Long đã cho lập nhà Quốc học ở Huế. Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), nhà Quốc học được gọi là Quốc tử giám dạy các sinh đồ. Hệ thống trường học được thành lập đến tận phủ, huyện có các quan chức giáo dục trông coi việc học. Trường phủ có giáo thụ, trường huyện có Huấn đạo, trường tỉnh có Đốc học làm nhiệm vụ quản lý việc học của dân trong hạt và giảng dạy ở các trường đó. Dưới thời Gia Long mới chỉ tổ chức được kỳ thi Hương. Năm 1822 thời vua Minh Mạng mới tổ chức được khoa thi Hội đầu tiên. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên mà chỉ lấy đỗ Tiến sĩ và bắt đầu từ năm 1829 lại phân ra những người thi Hội đỗ dưới gọi là Phó bảng.

Thi cử bắt đầu từ việc học. Triều đình không chỉ quan tâm đến việc học của con em ở kinh đô mà còn rất lưu tâm đến các phủ, huyện. Minh Mạng năm thứ 6 (1825) chuẩn y lời nghị: “Học đường sở tại của các quan Tế tửu, Tư nghiệp, Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo đặt giảng nên chia ngày lẻ, chẵn. Đầu tiên giảng kinh truyện cho rõ nghĩa lý, sau giảng chính nghĩa cho rõ sự tích…”

Với chính sách này nên các trường học ở phủ, huyện đã phát triển mạnh dưới triều Minh Mạng và Tự Đức. Tuy vậy vẫn chưa có các trường Quốc lập đến tận xã. Ở xã chỉ có các trường dân lập do các thầy Đồ mở để dạy dỗ con em trong thôn, xóm.

Về tổ chức trường lớp: Tuy không chia theo lớp học nhưng theo quá trình học tập của một trẻ nhỏ cũng có thể phân loại học sinh ở các lớp như sau:

Trẻ nhỏ 7 - 8 tuổi học Ấu học (học những kiến thức sơ đẳng như Tam tự kinh, Tứ tự kinh, tập làm câu đối 4 chữ). Học được 5 - 6 năm gọi là Trung tập (học kinh, truyện, làm thơ, phú sau đó học Cổ văn, Đường thi). Những trường Trung tập này chỉ có các ông Tú, ông Cử, ông Nghè mới dạy được. Học sinh học Trung tập đã khá thì lên trường Đại tập ở phủ hoặc tỉnh do Giáo thụ hoặc Đốc học giảng bài. Đối với các trường ở làng nếu thầy dạy là ông Nghè cũng giảng được Đại tập, học sinh không phải lên tỉnh hay phủ nữa.

Cùng với việc tổ chức học tập, nhà Nguyễn cũng chú trọng đến việc tổ chức thi cử. Ngay từ năm Gia Long thứ hai (1803) triều đình đã xuống chiếu “định lại phép khai học trò”. Tờ chiếu có đoạn “người nào thông văn lý thì cho miễn binh dịch 1 năm hoặc nửa năm, mãn hạn thì khảo lại. Người nào học tiến thì cho miễn lính và lao dịch như cũ, không tiến thì truất đi để tỏ sự khuyến khích. Học trò các người đều nên giữ thành thực mà cố gắng để học tiến lên, đợi khoa thi mà dự trúng sẽ được trọng dụng”.

Thể thức đại khoa thời Nguyễn vẫn tổ chức thi Hương ở địa phương, thi Hội ở kinh kỳ. Thi Hương thì mở ở nhiều nơi (như dưới triều Nguyễn thì có các trường Thừa Thiên, Gia Định, An Giang, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội). Còn thi Hội thì các thí sinh họp lại cả ở kinh đô. Hương thi chia làm bốn kỳ (hoặc trường). Trúng được bốn trường thì đậu cử nhân, trúng ba trường thì đậu tú tài. Đậu cử nhân rồi mới được dự khoa thi Hội. Hội thi cũng chia làm bốn trường. Trúng cả 4 trường mới được vào thi Đình. Người nào điểm cao nhất được lấy đỗ Tiến sĩ, người nào điểm thấp hơn được lấy đỗ Phó bảng.

Quảng Trị là một tỉnh nằm sát với kinh đô Phú Xuân lại có một số yếu tố tiền đề từ thời chúa Nguyễn nên việc học hành của con em trong tỉnh cũng có phần thuận lợi hơn. Dưới thời nhà Nguyễn: “Trường học đạo Quảng Trị trước ở xã Thạch Hãn thuộc huyện Hải Lăng sát liền phía Tây thành của đạo”. Đến đời Thành Thái thứ 19 (năm 1907) tỉnh lỵ chuyển về phía Nam. Thời kỳ này cả hai phủ Triệu Phong và Cam Lộ đều có quan Giáo thụ. Trong số 5 huyện của 2 phủ và 9 châu bấy giờ mới có 3 huyện thuộc phủ Triệu Phong là có quan Huấn đạo (bao gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng).

Theo tác phẩm Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn (tập 6 và tập 12) thì: “Năm Quý Mùi - Minh Mạng thứ 4 (1823), tháng 7 bắt đầu đặt chức Đốc học ở Quảng Trị, lấy tri huyện Yên Lãng là Trương Cam Triêm làm Phó Đốc học Quảng Trị”.

“Năm Quý Tỵ - Minh Mạng thứ 14 (1833) thăng Giáo thụ là Hồ Sỹ Trinh lên Đốc học Quảng Trị”.

Ngoài các trường học đã có tại tỉnh và hai phủ, các trường mới ở các huyện được hình thành. Học xá của huyện Gio Linh ra đời vào năm Thành Thái thứ 2 (1890) và học xá tại Cam Lộ ra đời vào năm Thành Thái thứ 17 (1905). Việc học tập thì “Trong dân gian thì xưa nay việc học tập vẫn hoàn toàn tự dân lo liệu lấy”. Vì vậy, đây cũng là thời kỳ phát triển việc xây dựng các hương ước, khoán ước với các quy định rất cụ thể phục vụ cho việc phát triển sự học.

Trong các làng xã ở Quảng Trị lúc bấy giờ đã bắt đầu lệ định ra các hương ước, các đề mục quy định về việc học. Vấn đề thi cử được đưa lên địa vị hết sức quan trọng; “Học giỏi để rồi thi đỗ làm quan đó không chỉ là con đường là mục tiêu phấn đấu của mỗi người đi học mà còn là kỳ vọng của xóm làng”.

Hay trong các bản khoán ước, hương ước của làng thì thi cử cũng luôn là vấn đề được quan tâm. Điển hình như trong bản khoán ước làng Câu Hoan làm ngày 25/6/1856 quy định: “Theo lệ cũ trích 9 mẫu hạ điền, 5 sào thu điền cấp cho việc học”. Để sử dụng được tốt và có hiệu quả nguồn vật chất này vào việc học của con em, trong lệ làng có ghi: “Giao cho lý dịch 3 mẫu giá tiền 48 quan để lo tế Xuân Thu nhị kỳ (ở thánh chỉ của làng), còn 6 mẫu với giá 100 quan tiền chuẩn cấp cho học trò mời thầy dạy học, 5 sào còn lại chuẩn cấp cho phu trường”. Để hỗ trợ với các gia đình học trò và để động viên con trẻ, lệ làng còn định rõ: “Sáu mẫu học điền thì để nguyên như trước dùng vào việc rước thầy dạy học cho tuổi học trò trong vòng 3 năm đầu để cho học trò có trình độ khóa sinh mới đem của mình mời thầy dạy để tiện việc học tập, đừng gây cho họ thiếu thốn trong việc học hành”.

Đối với những người đỗ đạt cũng có chế độ ưu đãi của làng như được thưởng ruộng, thưởng tiền tùy vào mức độ đỗ đạt. Những người đã có công học hành tu nghiệp dù không đỗ đạt làm quan mang lại vinh dự, tự hào cho bản xã thì vẫn được ưu đãi trọng vọng, có địa vị cũng như quyền lợi không nhỏ ở làng gọi là hội “Tư văn”. Tạo điều kiện cho họ có thể thoát ly khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” để làm những công việc khác.

Nhờ sự kết hợp nhịp nhàng giữa chính sách giáo dục của Nhà nước phong kiến với những chính sách ưu đãi, động viên con em học hành trong các làng xã qua các điều khoản được lệ định trong những bản khoán ước, hương ước của các làng xã mà tình hình giáo dục ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn đã phát triển khá mạnh mẽ. Trong vòng 117 năm (từ 1802 đến 1919) Quảng Trị đã có 19 người thi đỗ Tiến sĩ, 10 người thi đỗ Phó bảng và hàng trăm người thi đỗ cử nhân. Đây là lực lượng trí thức góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, củng cố và phát triển quê hương đất nước. Tuy nhiên, chế độ giáo dục và thi cử đã trở nên không hợp thời nữa khi mà khoa học kỹ thuật phương Tây đã phát triển và lan tỏa trên phạm vi toàn thế giới. Những năm cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta thì nền giáo dục Nho giáo từng giữ địa vị “độc tôn” trong suốt các triều đại phong kiến đã bước vào giai đoạn thoái trào.

Ở Nam Kỳ, nền giáo dục và thi cử Nho giáo đã chấm dứt ngay sau khi thực dân Pháp bình định xong (năm 1867), thay vào đó là các lớp dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp để đào tạo ra một lớp người làm tay sai, phục vụ đắc lực cho bộ máy cai trị. Nho học lúc này chỉ còn tồn tại các lớp học lẻ tẻ ở nông thôn biểu thị một ý thức bất hợp tác.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ sau khi bình định xong, rút kinh nghiệm việc bãi bỏ nền giáo dục Nho giáo ở Nam Kỳ quá sớm đã không thu hút được lòng người và chưa đào tạo kịp thời một đội ngũ tay sai mới nên thực dân Pháp vẫn còn duy trì nền giáo dục Nho giáo ở đây thêm một thời gian. Bên cạnh việc sửa đổi dần nền giáo dục Nho giáo cho thích hợp thì thực dân Pháp cũng gấp rút chuẩn bị triển khai một nền giáo dục Pháp - Việt để thay thế. Năm 1915, nền giáo dục Nho học ở Bắc Kỳ chấm dứt và năm 1919 với khoa thi Hội năm Kỷ Mùi đã kết thúc sự tồn tại của nền giáo dục Nho học trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.

*

Nền giáo dục Nho giáo đã có những đóng góp lớn trong việc giáo dục con người trở nên hoàn thiện hơn trong nhận thức về tự nhiên, xã hội cũng như trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với con người. Nho học đề cao giáo dục đạo đức với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Với tư tưởng, đạo đức nhà Nho thì trong xã hội phong kiến người thầy rất được coi trọng “Tôn sư, trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đây là một đạo lý tốt đẹp mà cho đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị.

Việc khuyến khích con em học tập đã được đưa vào trong các bản khoán ước, hương ước của làng như là việc lập “quỹ khuyến học” hiện nay. Mặt khác, với các điều lệ quy định trong các khoán ước, hương ước đã khuyến khích việc phổ cập giáo dục tiểu học cho con em trong các làng xã. Đó là tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào học hành của thế hệ trẻ và cũng là một hướng đi đúng để nâng cao mặt bằng dân trí ở nông thôn.

Tuy nhiên, nền giáo dục này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như:

Trên thực tế thì ở một mức độ nào đó con em nhân dân lao động cũng được theo học nhưng chỉ là số ít, còn đại bộ phận người đi học đều thuộc con em các tầng lớp giàu có, quan lại, những người có điều kiện về kinh tế để theo học và thi cử.

Học tập và thi cử Hán học là “đặc quyền” riêng của con trai. Đây là biểu hiện rõ nét nhất của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, sự bất bình đẳng trong đối xử của tư tưởng Nho giáo.

Giáo dục Hán học chỉ có chương trình giảng dạy xoay quanh tứ thư, ngũ kinh; không đưa vào giảng dạy những môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật nên người học không thể đóng góp phát triển được xã hội.

Sự thoái trào của nền giáo dục cũ tồn tại hàng trăm năm đã cho chúng ta bài học về sự cần thiết phải đổi mới giáo dục, đón trước sự phát triển của xã hội để xây dựng nền giáo dục phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

N.T.N

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Minh Mệnh chính yếu. Bộ Văn hóa - Giáo dục và Thanh niên. Tập 3.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục Chính biên. Viện Sử học (dịch) (1964). NXB Khoa học. Hà Nội. Tập 3.

3. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học (dịch) (2004). Đại Nam thực lục. NXB Giáo dục, Hà Nội. Tập 3, tập 6, tập 12.

4. Phan Đại Doãn (CB). Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn. NXB Thuận Hóa - Huế. 1998.

5. Bùi Thị Tân. Lệ học ở làng Câu Hoan xưa. Tạp chí Cửa Việt. Số 15/1992.

Nguyễn Thị Nương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground