Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở huyện Đakrông

V

ăn hoá dân gian, lễ hội, tín ngưỡng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu tương đồng về ý niệm tâm linh nhưng hình thức tổ chức thì rất khác nhau, cụ thể: dân tộc Pa Kô có các làn điệu: A Dền, Cha Chấp, Ka Lơi, Xiêng, nhạc cụ truyền thống đặc biệt như Khèn Bè, Atôôc, A Bel, Ămprech, Xar, Ta ngạc.. còn người Vân Kiều có các làn điệu dân ca: Sa Nớt, Oát, Ta Oải và các nhạc cụ đặc sắc như: Sáo Khui, Pih, Ta Ril, A Mam...Về lễ nghi, người Vân Kiều gọi lễ cúng ma cũ là lễ Ra Doác, còn người Pa Kô gọi là lễ A Riêu Ping; lễ cúng thần lúa của người Vân Kiều là Tứk A Bôn, người Pa Kô là Tả A Da. Có rất nhiều lễ hội tương đồng giữa hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nhưng các lễ hội không giống nhau về hình thức tổ chức, chỉ có điểm giống nhau là trong văn hoá truyền thống của hai dân tộc này thì hình thức “Lễ” nhiều hơn “Hội”. Một nét chung nữa là phong tục đón khách của người Vân Kiều, Pa Kô giống nhau, khi khách đến nhà dù quen hay lạ họ đều được đón tiếp chân thành, chu đáo, ngoài việc dùng cơm thân mật với gia đình thì khách còn được mời uống rượu với thịt gà, nếu ân cần, trọng khách hơn nữa thì khách được mời uống rượu cần và hát làn điệu Sa Nớt(Vân Kiều), làn điệu A Dền (Pa Kô).

Trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có những đặc điểm riêng biệt không thể lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào. Người Vân Kiều, Pa Kô cư trú theo bản, trong bản chủ yếu là bà con dòng tộc nội, ngoại, rất ít người ngoại lai. Người Pa Kô sống trong một ngôi nhà dài truyền thống được chia theo từng phòng, mỗi phòng là một gia đình, mối quan hệ trong ngôi nhà dài là những người anh em họ hàng thân thuộc. Người Vân Kiều thì sống chung một bản và chủ yếu là anh em họ hàng nội ngoại. Khi nghe tin nhà nào có khách ở lại thì bà con sẽ mang cơm với thức ăn để chủ nhà mời khách, tình cảm chân thành đó diễn ra cho đến lúc nào khách về thì thôi. Ngoài ra, trong trường hợp săn bắt được thú rừng thì họ đem chia đều cho mỗi nhà mỗi phần, hộ nào có khách ở lại thì được chia thêm một phần để đãi khách. Trong hoạn nạn, người Vân Kiều, Pa Kô có cách ứng xử riêng, ví dụ nhà nào có người thân mất thì cả bản đến chia buồn cho đến khi chôn cất. Sau đó, dân bản còn đến ngủ tại nhà có người mất trọn mười ngày đêm để gia chủ vơi bớt nỗi buồn. Khi đến ngủ họ mang theo lương thực để nấu ăn, mang khèn để thổi làm xua tan không khí u uất trong nhà, trong bản…

Trong năm 2013, huyện Đakrông tổ chức khởi công nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đây là công trình có kiến trúc văn hóa độc đáo, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng và là “ngôi nhà chung” để đồng bào trưng bày, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đồng bào, cũng là điểm dừng chân của du khách trên tuyến hành lang Kinh tế Đông-Tây. Đồng chí Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông cho biết: Thời gian tới UBND huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư về cơ sở vật chất bên trong, tạo không gian văn hóa truyền thống thật đặc biệt của bà con. Đến đây, du khách chỉ cần tham quan nhà văn hóa truyền thống và không gian văn hóa nhà truyền thống sẽ cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Công trình xây xong, huyện sẽ có phương án bố trí cán bộ để quản lý, sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa của nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Trong những năm qua, huyện Đakrông rất quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. Do đó, tổ chức quy hoạch các di tích lịch sử quan trọng, các di sản văn hóa truyền thống như di tích chiến khu Ba Lòng, các điểm vượt đường 9, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như nhà dài truyền thống Pa Kô, các làn điệu dân ca, các loại hình nhạc cụ và ngành nghề truyền thống. Hiện nay, huyện có trên 500 chiếc cồng chiêng được bảo tồn, lưu giữ tại các hộ gia đình…Nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và phát huy có hiệu quả, từng bước tạo nên nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Điển hình, năm 2005 huyện tổ chức thành công lễ hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Đakrông lần thứ nhất; năm 2011, 2012 tổ chức Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa huyện Đakrông lần thứ nhất, lần thứ hai; năm 2011, 2013 tổ chức lễ hội A Riêu Ping gắn với liên hoan cồng chiêng và hội thi thể thao truyền thống tại xã Tà Rụt; năm 2012 tổ chức triển lãm ảnh của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tại công viên Lê Duẩn (Đông Hà) nằm trong chương trình Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á tổ chức nhiều khóa dạy tiếng Bru Vân Kiều cho cán bộ đang công tác trên địa bàn huyện… 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô, huyện gặp phải một số khó khăn như: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức đối với các hoạt động văn hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Do điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn nên chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hầu như chưa có, việc đầu tư, tổ chức điều tra, sưu tầm, phổ biến và bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật về cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nghệ nhân nên một số loại hình văn hóa, nhạc cụ truyền thống chưa được đầu tư phục dựng, duy trì và phát triển. Công tác phát triển, sưu tầm và lưu giữ các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống như lễ hội, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, các môn thể thao truyền thống... chưa được quan tâm thường xuyên, chủ yếu chỉ mang tính tự phát của các nghệ nhân. 

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, đồng chí Hồ Thị Kim Cúc cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. Tiếp tục đổi mới về hình thức tổ chức quản lý nhà nước về văn hóa, ban hành cơ chế chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện và xu thế chung của xã hội; chú trọng tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa truyền thống của địa phương như tổ chức lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, liên hoan các làng văn hóa, liên hoan cồng chiêng, hội thi bắn cung nỏ, lễ hội A Riêu Ping, lễ hội mừng lúa mới, liên hoan dân ca nhạc cụ truyền thống… Đầu tư ngân sách cho việc tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, di tích văn hóa, bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất trên lĩnh vực văn hóa. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá tổ chức thực hiện, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nhằm thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy Đakrông “Về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2011-2015”. 


                                                                                   K.K.S

 

 

KÔ KĂN SƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground