Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ vững khí tiết của người Cộng sản

N

guyễn Ba Sam sinh ngày 01/5/1907, tại làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, con ông Nguyễn Bá Diệu, làm nghề lang vườn (thầy thuốc đông y ở thôn quê) và bà Lê Thị Bảng làm nghề nông.

Lúc nhỏ, Nguyễn Bá Sam được cha mẹ cho ăn học đến các lớp ở trường tiểu học Pháp - Việt tại thị xã Quảng Trị. Sau khi mẹ mất (năm 1920), gia đình gặp khó khăn, thôi học ở trường Pháp - Việt, Nguyễn Bá Sam ở nhà học chữ Hán với một thầy ở làng. Thầy dạy chữ Hán này trước đây có tham gia phong trào Văn Thân (1). Hàng ngày đến lớp học, thầy trò thường trao đổi lịch sử phong trào yêu nước đã từng diễn ra ở địa bàn Quảng Trị như phong trào “Hịch Bình tây”, “Hịch Cần Vương”, “Duy Tân hội”, “Phong trào chống sưu thuế (1908)”, “Cuộc phá ngục Lao Bảo(1915)”, “Hưởng ứng vụ khở nghĩa ở Huế (5/1916)”.

Lớn lên trong những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Bá Sam cũng như một số thanh niên học sinh khác thường theo dõi các phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản với động lực là trí thức tiểu tư sản như: Tâm tâm xã (1923 - 1925), Hội Phục Việt (1925)… tích cực tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, trực tiếp được nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện với các tầng lớp nhân dân tại thị xã Quảng Trị; dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh…

Hết phong trào này đến phong trào khác, tạo nên một cao trào yêu nước, chống đế quốc rất sôi nổi mà trước đó chưa hề có ở Quảng Trị…

Những cuộc biểu dương tinh thần yêu nước và lực lượng cách mạng của quần chúng nhân dân trên đây là những dịp rất tốt để đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nhân dân trước hết là thanh niên học sinh, công chức, công nhân… Được sự tuyên truyền giác ngộ của Trịnh Đức Tân, Nguyễn Kỉnh và Nguyễn Cáo, Nguyễn Bá Sam tiếp xúc với các loại sách báo tiến bộ nói về học thuyết Mác - Lênin… Và đến đầu năm 1928, Nguyễn Bá Sam được kết nạp vào “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên”.

Vào Hội “Thanh niên” (Thanh niên: viết tắt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên), Nguyễn Bá Sam hoạt động cho Hội rất hăng hái. Với nghề thầy thuốc đông y gia truyền, Nguyễn Bá Sam đi từ làng này qua làng khác, trước hết là các làng ở tổng An Thái, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ của những người Mác - xít lúc này là tiến hành cuộc đấu tranh trên hai mặt trận. Một mặt, phê phán khuynh hướng cách mạng nửa vời của giai cấp tiểu tư sản, làm cho quần chúng phân biệt được đâu là cải lương, đâu là cách mạng chân chính triệt để.

Cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào cách mạng gắn liền với việc xây dựng tổ chức cơ sở của “Thanh niên”. Cuối năm 1928 đầu năm 1929, Nguyễn Bá Sam cùng với Văn Hoàn đã phát triển thêm một số hội viên của Hội Thanh niên ở Trung Đơn, Duân Kinh… động viên một số “quần chúng tốt của Hội như Phan Thị Tài (vợ của Nguyễn Bá Sam), Đào Thị Nuôi hoạt động quyên góp tiền của làm tài chính của Hội”. (2)  

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, theo sự chỉ đạo của nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị, đêm 30/06/1929, hội viên Thanh niên Nguyễn Bá Sam cùng với các hội viên trong tổ Hải Lăng đã rải truyền đơn cộng sản ở nhiều nơi trong huyện, nhiều nhất là ở Diên Sanh, thị xã Quảng Trị. Truyền đơn cộng sản với nội dung nêu rõ những nét cơ bản nhất về cách mạng dân tộc dân chủ, hướng tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, nên đã gây ảnh hưởng tốt trong các tầng lớp nhân dân lao động. Bọn quan lại của Chính phủ Nam triều tìm cách đối phó. Ngô Đình Diệm tri phủ Hải Lăng - một tên phản động đội lốt tôn giáo, tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp, hắn đánh hơi và bắt được một thanh niển ở tổng An Thái nhặt và cất giữ truyền đơn. Từ đó, chúng đã phát hiện ra cơ sở, đào lấy tài liệu của “Thanh niên”, cho lính lùng bắt các hội viên Thanh niên, trong đó có hội viên Nguyễn Bá Sam.

Ngay sau khi Nguyễn Bá Sam bị bắt đang trên đường hành nghề đông y, bọn mật thám kéo lính về bao vây nhà của Nguyễn Bá Sam. Bà Phan Thị Tài đoán biết trước điều sẽ xảy ra nên bà đã thu giấu tài liệu, truyền đơn cộng sản vào các bụi lau lách quanh nhà. Khi chúng đến, chúng chia nhau lục soát “nhà trên”, “nhà dưới” suốt trong ba tiếng đồng hồ mà không tìm ra chứng cớ…

Cũng trong thời gian ở phòng giam Nguyễn Bá Sam bị tra tấn dã man, vẫn một mực không khai báo…

Tuân theo chỉ thị của Khâm sứ Trung Kỳ, ngày 13/10/1929, Tòa án Nam triều ở Quảng Trị đã đưa các hội viên Thanh niên ra xử và kết án. “Nguyễn Bá Sam bị kết án một năm tù” (3)  giam tại lao xá Quảng Trị. Trước sức mạnh đấu tranh của anh em tù chính trị, buộc Tòa án Nam triều phải xét lại án đối với một số người và giảm mức án cho một số người khác vì bị tình nghi. Vì thế, sau hai tháng Nguyễn Bá Sam được trả lại tự do.

Về nhà, Nguyễn Bá Sam tiếp tục hành nghề đông y, tích cực hoạt động theo lời kêu gọi của “Đông Dương Cộng sản Đảng” (6/1929) và đến tháng 3/1930, Nguyễn Bá Sam được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi trở thành đảng viên cộng sản, đồng chí Nguyễn Bá Sam cùng với các đồng chí Nguyễn Thăng, Thái Văn Khanh… tổ chức rải truyền đơn, treo cờ Đảng, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh đòi miễn giảm sưu thuế, tô tức, đòi lấy lại ruộng đất đã bị cường hào chiếm đoạt, mở hội nghị quần chúng (trong đó có cả hào lý tiến bộ tham gia) ở các làng Phú Long, Thượng Xá, Đại Nại… để giải thích về chủ nghĩa cộng sản, vận động nhân dân đấu tranh đòi địch đình chỉ khủng bố nhân dân Nghệ Tĩnh…

Sau cuộc khủng bố trắng của giặc Pháp vào giữa năm 1931 ở Triệu Phong - Hải Lăng, đồng chí Nguyễn Bá Sam bị địch bắt lần thứ hai. Lần này đồng chí bị địch tra tấn đủ mọi cực hình, nhưng trước sau không thay đổi ý kiến, đồng chí Nguyễn Bá Sam chỉ trả lời với bọn hỏi cung một câu: “Tôi hành nghề đông y, cùng với vợ tôi làm ruộng để nuôi ba đứa con, ngoài ra tôi không biết gì hết”… Cuối cùng, buộc chúng phải thả Nguyễn Bá Sam.

Sau khi ra khỏi lao xá, đồng chí Nguyễn Bá Sam, Lê Miễn (Thượng Xá), Nguyễn Chư (Đại Nại) đã liên lạc với nhau hoạt động qua đường dây Phan Thị Tài để phục hồi phong trào như họ đã chia nhau bí mật gặp gỡ quần chúng cảm tình của Đảng để tuyên truyền về Luận cương cách mạng tư sản dân quyền (tức Luận cương chính trị của Đảng tháng 10/1930). Trình độ giác ngộ của quần chúng cơ bản được nâng lên. Cộng với kết quả của việc tổ chức vượt ngục cho 3 đồng chí: Trần Ngọc Hoành, Lê Chưởng, Hồ Chơn Nhơn ở lao xá Quảng Trị trót lọt… Tình hình đó không những đã có ảnh hưởng trong nhân dân mà còn tác động thức tỉnh một số hương lý ở làng… Chẳng hạn như Lý Diêm (làng Đại Nại) dựa vào khí thế quần chúng để dân làng đánh quan huyện; lý trưởng (làng Trà Trì) đánh lính lệ: Hương Lý (các làng Đại Nại, Phú Long) không cho lính lệ ăn cơm khi về làng…

Cuối năm 1936, các đồng chí: Nguyễn Bá Sam và Trần Mạnh Quỳ bàn nhau đến gặp đồng chí Lê Duẩn (vừa ở Côn Đảo trở về). Được đồng chí Lê Duẩn truyền đạt tinh thần Nghị quyết của Hội nghị quốc tế cộng sản lần thứ VII; Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (tháng 3/1935); Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng (ngày 26/7/1936), đồng Nguyễn Bá Sam nhận rõ: Kẻ thù chủ yếu trước mắt của cách mạng Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và tay sai chứ không phải là thực dân Pháp nói chung và toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến; mục tiêu trực tiếp trước mắt lúc này của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình…

Từ đó trở đi, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Bá Sam cùng với các đồng chí khác trong Đảng bộ huyện Hải Lăng đã thay đổi các hình thức và phương pháp đấu tranh, từ tổ chức bí mật đấu tranh bất hợp pháp là chủ yếu chuyển sang tổ chức và đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp là chủ yếu, bằng cách sử dụng các hình thức tổ chức biến tướng (Hội cấy, Hội gặt, Hội tranh củi, Hội lợp nhà, Hội ái hữu… ) gắn liền với nghề nghiệp sinh hoạt bình thường hàng ngày để thu hút các tầng lớp nhân dân, đưa họ lên trận tuyến đấu tranh với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng từ thấp tới cao và kết quả đã thu được thắng lợi với nhiều mức độ khác nhau trong các phong trào “Đông dương đại hội”, “Phong trào đón Gô - đa đưa nguyện vọng”, Phong trào đấu tranh chống thuế, đòi quyền dân sinh, dân chủ” “Phong trào chống dự án thuế mới” “Phong trào đòi quận công Nguyễn Hữu Bài không được lấy thuế rừng nặng”…

Cuối năm 1938, hiểm họa phát xít đang đến gần, Chính phủ phái hữu ở Pháp tìm cách bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ ở chính quốc và ở các thuộc địa. Cuộc khủng bố trắng đầu năm 1939, đồng chí Nguyễn Bá Sam bị bắt lần thứ ba, do một người khác khai là Nguyễn Bá Sam ở trong Huyện ủy Hải Lăng. Khi bị địch tra tấn, hỏi cung, đồng chí Nguyễn Bá Sam kiên quyết không nhận mình là Huyện ủy. Trong mấy ngày liền đưa Nguyễn Bá Sam ra tra tấn, hỏi cung, nhưng lần nào bọn mật thám cũng nhận được ở Nguyễn Bá Sam hai tiếng: không có, không có ! rồi im lặng…

Tuy chưa có chứng cớ rõ ràng, Tòa án Nam triều vẫn xử và kết án đồng chí Nguyễn Bá Sam 5 năm tù treo. Các năm 1939, 1940, qua đường dây của vợ là bà Phan Thị Tài, đồng chí Nguyễn Bá Sam vẫn liên hệ được với các đồng chí: Hồ Xuân Lưu (Bí thư Tỉnh ủy), Trần Văn Ngoạn (Bí thư Tỉnh ủy) để nắm chủ trương của Tỉnh ủy, triển khai thực hiện Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng (khóa I), cùng với một số đồng chí khác trong Đảng bộ Hải Lăng củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở “Long Hưng, Đại Nại, Thượng Xá, Quy Thiện, Hội Yên, Phú Long… ”(4). “Phủ ủy Hải Lăng lúc này gồm 3 ủy viên do đồng chí Nguyễn Bá Sam làm Bí thư”(5).

Sau vụ rải truyền đơn kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào du kích Bắc Sơn đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, hai đồng chí: Nguyễn Bá Sam, Lê Miển bị bắt, đưa về phòng giam.

Vào các buổi sáng của ngày mùa đông năm 1940, trong một gian phòng cao và rộng, từ trên mái nhà bằng, tên mật thám đã cho lính buộc hai chiếc đai buông thỏng xuống với một mớ dây lòng thòng. Tên mật thám cho giải hai người tù Nguyễn Bá Sam, Lê Miển vào phòng tra tấn. Theo lệnh Vi - đa - lăng, mấy tên lính cho hai chiếc đai cặp vào cánh tay của hai người tù, xốc nách họ lên và đạp ghế sang một bên. Hai đồng chí Nguyễn Bá Sam và Lê Miển tức thì bị treo lơ lửng giữa không trung. Hình như để trấn áp tinh thần Nguyễn Bá Sam, Vi - đa - lăng cho tra tấn Lê Miển trước.

- Nó hỏi: Ai đã tổ chức rải truyền đơn?

- Lê Miển: im lặng.

- Anh thường liên lạc với ai?

- Lê Miển: im lặng

Tức thì một cú đấm mạnh vào thân hình Lê Miển. Người anh văng qua phía bên kia rồi quay lại về hệt như chiếc võng. Chúng lại đánh cú thứ hai, cú thứ ba… Lê Miển chịu không nổi, hét to lên: đau quá, đau quá!... Nguyễn Bá Sam đưa mắt theo dõi cuộc tra tấn đồng chí của mình. Sợ đồng chí Lê Miễn nao núng, Nguyễn Bá Sam đưa mắt ra hiệu cho Lê Miển như nhắc nhở: “Hãy giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản…”

Tiếp sau đó, bọn mật thám quay về Nguyễn Bá Sam, chúng cho lính đấm bằng tay, quất bằng gậy túi bụi vào thân hình Nguyễn Bá Sam. Đồng chí Nguyễn Bá Sam nghiến răng chịu đựng… Sau 10 phút lồng lộn chỉ huy Vi - đa - lăng tru tréo:

- Mày hoạt động với những ai?

- Nguyễn Bá Sam: không có!

- Chi bộ của mày có mấy người?

- Nguyễn Bá Sam: không biết!

- Ai chủ trương rải truyền đơn?

- Nguyễn Bá Sam: không biết!

Lại một trận nữa: đánh, quất vào thân hình Nguyễn Bá Sam. Đồng chí Nguyễn Bá Sam vẫn không nói gì thêm ngoài hai tiếng: “Không có! Không biết!”.

Sau các đợt tra tấn không khai thác được gì, Tòa án Nam triều tại Quảng Trị vẫn đưa Nguyễn Bá Sam ra xử và kết án 15 năm tù giam, đưa lên giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Bá Sam được trả lại tự do, trở về quê tiếp tục hoạt động cách mạng, làm chủ nhiệm Việt Minh phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngày 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ Hải Lăng được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Sam làm chủ tịch.

Sau ngày cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí Nguyễn Bá Sam giữ chức vụ Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng huyện. Tháng 10/1945, đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy Hải Lăng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tuy sức khỏe yếu, nhưng đồng chí đã sẵn sàng nhận các nhiệm vụ do tỉnh giao như: “Bí thư Hội Nông dân tỉnh”, “Trưởng ty Thương binh”… Trước khi về hưu, đồng chí làm chuyên viên tại Viện nghiên cứu đông y Trung ương.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Bá Sam hơn 60 năm (1928 - 1990), trong thời bí mật cũng như trong hai cuộc kháng chiến cho đến lúc từ trần luôn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đồng chí thường hay nhắc nhở con, cháu, chắt sống đẹp đời; ham học, ham làm, luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng.

 

P.T.S

___________________

(1), (6) Theo lý lịch đảng viên do đồng chí Nguyễn Bá Sam viết ngày 27/2/1954.

(2) Lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng, xuất bản năm 1995, trang 21.

(3, 4, 5) Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1, NXB CTQG, Hà Nội - 1996, trang 65; 154; 155

Phan Thanh Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 125 tháng 02/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground