Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Huyện đảo Cồn Cỏ - tiềm năng và bài học kinh nghiệm phát triển du lịch

1. Cồn Cỏ - điều kiện tự nhiên - xã hội và tiềm năng du lịch

Đ

ảo Cồn Cỏ nằm ở vị trí 17010’ vĩ tuyến Bắc; 107020’ kinh tuyến Đông, diện tích của đảo khi triều lên 2,2 km2 (gần 4km2 khi triều xuống). Đảo Cồn Cỏ cách mũi Lay (Vĩnh Thạch) 13 hải lý, cách Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng) 15 hải lý, cách Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt) 17 hải lý.

Cồn Cỏ nằm án ngữ ở cửa phía Nam Vịnh Bắc Bộ, là điểm để phân định đường cơ sở (điểm A11) từ đó tính chiều rộng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên đảo có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị, khu vực Bắc Trung Bộ mà còn cả phạm vi quốc gia.

Tính trọng yếu về vị trí địa lý của Cồn Cỏ còn được thể hiện:

- Cồn Cỏ có vị trí địa lý quan trọng đối với kinh tế biển: đảo Cồn Cỏ nằm trong khu vực ngư trường Con Hổ (ngư trường miền Trung), có phạm vi gần vùng đánh cá chung khi triển khai thực hiện Hiệp định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, sẽ trở thành căn cứ hậu cần thuận lợi để tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ của Quảng Trị mà còn các địa phương khác.

- Cồn Cỏ nằm gần các tuyến giao thông biển Quốc gia- Quốc tế: Hải Phòng - Thành phố Hồ Chí Minh - Singapore; Hải Phòng - Manila; Hải Phòng - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Bến Thủy; Hải Phòng - Vladivostoc(Nga)… Do đó, Cồn Cỏ góp phần đảm bảo sự lưu thông của các tuyến đường đi qua vùng biển quan trọng này.

- Đảo Cồn Cỏ giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh: Cồn Cỏ là dấu mốc để xác định đường cơ sở, tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (là đường biên giới Quốc gia trên biển) và các vùng biển khác thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là điểm đi qua của đường đóng cửa Vịnh Bắc Bộ.

Do vị trí chiến lược và điều kiện địa lý - kinh tế, Cồn Cỏ là một trong những đảo được xếp vào hệ thống đảo tiền tiêu trên vùng biển Việt Nam. Trên đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời Quốc gia, kiểm tra hoạt động các tàu thuyền, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia cả trên đất liền, vùng trời và lãnh hải trên biển.

Với vị trí địa lý không quá xa bờ, Cồn Cỏ có lợi thế trong việc thúc đẩy ngành kinh tế dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch, khai thác nuôi trồng thủy sản.

Cồn Cỏ chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, tuy nhiên do ảnh hưởng của chế độ khí hậu đại dương nên khí hậu mang sắc thái ôn hòa hơn. Nhiệt độ không khí trung bình năm: 25,50C.

Vùng biển Cồn Cỏ nằm trong khu vực có dòng hải lưu tương đối mạnh và hướng dòng chảy thay đổi theo mùa. Các tháng 6 - 8 trong năm, hướng chảy Đông Nam - Tây Bắc, tốc độ trung bình 0,6 hải lý/giờ. Những tháng còn lại dòng chảy có hướng Tây Bắc - Đông Nam, tốc độ trung bình 0,5 hải lý/giờ.

Những đặc trưng về khí hậu và chế độ hải văn ở Cồn Cỏ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản và các hoạt động kinh tế - xã hội của đảo như giao thông trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ chức du lịch.

Qua các tài liệu công bố và kết quả khảo sát thực địa trên đảo cho thấy: Cồn Cỏ được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa nên nền đất đá bazan chiếm hầu hết bề mặt đảo, đồng thời dưới tác động của biển và vận động tân kiến tạo đã tạo nên một số thềm biển, bãi biển ven bờ đảo có diện tích nhỏ hẹp với các chất liệu chủ yếu là đá, sạn và vụn sò ốc, san hô.

Với tài nguyên đất như trên, chất lượng đất của Cồn Cỏ về cơ bản thích hợp để hình thành một hệ sinh thái lâm - nông nghiệp đa dạng, tạo sinh cảnh thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, có giá trị cao đối với môi trường sống của một hải đảo.

Về tài nguyên rừng, theo kết quả điều tra năm 2006, thực vật trên đảo có 118 loài thuộc 54 họ thuộc ngành thực vật hạt kín, trong đó có 17 loài cây trồng. Các họ có nhiều loại nhất là cúc, hòa thảo, thầu dầu, đậu, cỏ roi ngựa, dâu tằm… Nhìn chung, thảm thực vật của tài nguyên rừng trên đảo Cồn Cỏ đơn giản nhưng rất đặc sắc, có ưu thế đáp ứng được mục đích du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Đảo Cồn Cỏ có tên chữ là hòn Châu Hổ, tên nôm là đảo Con Cọp (vì đứng trong bờ nhìn ra, đảo giống hình con cọp nằm rình mồi). Do đó, khi người Pháp lập bản đồ, ghi tên đảo là Le Tigre (Con Cọp). Trên đảo có thảm thực vật xanh tốt nên ngư dân đi biển gọi đảo với tên thông dụng là đảo Cồn Cỏ. Trước đây đảo là nơi nghỉ ngơi mỗi khi ra khơi đánh cá, trú bão của ngư dân các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Gio Việt... Vì vậy, nhân dân các xã này còn gọi đảo Cồn Cỏ là Hòn Mệ.

Sự tích của đảo được phản ánh qua câu chuyện: Trong quá khứ có ông Khổng lồ gánh đất lấp biển để chống sóng dữ cho dân. Khi tới địa bàn huyện Vĩnh Linh, gánh đất quá nặng, chẳng may đòn gánh bị gãy làm đôi. Hai sọt đất đá rơi xuống, một sọt rơi ngoài biển tạo thành hòn đảo Cồn Cỏ. Còn sọt kia rơi trên đất liền thành ngọn đồi ngày nay gọi là Lòi Reng, tức núi Linh Sơn (điểm cao 74 về quân sự).

Đảo Cồn Cỏ là “chiến trường xưa”, gắn liền với nhiều trận chiến đấu oanh liệt để bảo vệ đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Nhiều di tích trận địa trên đảo gắn liền với những chiến công hiển hách của cán bộ chiến sỹ đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc: Hầm quân y Cồn Cỏ, Bến Nghè, Trận địa 14,5 ly - Đồi Sy, Đài quan sát đảo Cồn Cỏ, Hầm chỉ huy của đảo Cồn Cỏ, Địa đạo Cồn Cỏ...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ là một trong những địa bàn ác liệt nhất của Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung. Mọi phương tiện chiến tranh hiện đại được giặc Mỹ sử dụng nhằm mục đích hủy diệt đảo Cồn Cỏ.

Mặc dù kẻ thù điên cuồng đánh phá, Cồn Cỏ vẫn vững vàng trước mưa bom, bão đạn, chống trả đích đáng mọi âm mưu của kẻ thù nhiều máy bay, tàu chiến của Mỹ bị bắn rơi, bắn cháy.

Để bảo vệ đảo, bảo vệ vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, lực lượng vũ trang bảo vệ đảo và nhân dân Vĩnh Linh đã chiến đấu 841 trận. Chỉ trong 5 năm từ 1964 đến 1968 đã bắn rơi 48 chiếc máy bay, 29 chiếc rơi xung quanh khu vực đảo, có ngày bắn rơi 4 chiếc, có trận trong vòng 2 giờ bắn rơi 3 chiếc, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền của địch, có trận chỉ bằng hai quả đạn 85 ly đã bắn chìm một Thủy phi cơ.

Để biểu dương tinh thần đánh Mỹ giỏi, giữ đảo kiên cường, đảo Cồn Cỏ hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” (Lần 1 ngày 1/1/1967, lần 2 ngày 25/8/1970), ba lần được Bác Hồ gởi thư khen ngợi (Lần 1 ngày 12/4/1965, lần 2 ngày 5/6/1968, lần 3 ngày 20/10/1968).

Tập thể cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang được tặng thưởng 2 Huân chương độc lập; 10 Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 10 năm liền (1964-1974) là đơn vị quyết thắng; 1 cờ luân lưu của Ủy ban MTTQ Việt Nam; có 5 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là các đồng chí: Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh.

Từ ngày huyện đảo được thành lập (1/10/2004) đến nay (2019), Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ đã đoàn kết nhất trí, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tập trung xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị; tăng cường phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; hoàn thành tốt phương hướng tổng quát của huyện đảo đến năm 2020 là“Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đoàn kết khắc phục khó khăn, khai thác lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện di dân, cơ cấu lại lao động hợp lý gắn với việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương”.

2. Bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và kinh tế du lịch nói riêng của huyện đảo Cồn Cỏ

Một là, phải “vượt lên gian khổ khắc phục khó khăn, tác chiến độc lập, tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đồng thời cân nhắc lựa chọn bước đi, việc làm thích hợp, không nóng vội chủ quan”. Biết nắm và tranh thủ thời cơ, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển phù hợp với đặc thù của huyện đảo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ phải “tác chiến độc lập” để thích ứng với tình hình, phải “Công sự hóa toàn đảo”, “toàn năng hóa đơn vị” để chiến đấu. Tinh thần “tác chiến độc lập” là nét riêng, độc đáo của Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhờ vậy cán bộ chiến sỹ Cồn Cỏ tuy lực lượng ít vẫn đủ sức đương đầu với kẻ thù có vũ khí hiện đại với nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt.

Tinh thần “tác chiến độc lập” đó tiếp tục được phát huy trong thời kỳ xây dựng và phát triển huyện đảo Cồn Cỏ. Do đặc điểm chung của đảo và đặc điểm riêng của huyện đảo: ban đầu không có tàu ra vào thường xuyên từ đảo về đất liền, không có cảng, thời tiết khắc nghiệt. Đội ngũ cán bộ mới chưa có kinh nghiệm thực tiễn về quản lý biển, đảo. Huyện đảo mới thành lập trong điều kiện Quảng Trị là một tỉnh nghèo, việc đầu tư cơ sở vật chất cho huyện đảo rất khó khăn, phải nhờ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Chính đặc điểm này đòi hỏi Ban Thường vụ Huyện ủy đảo Cồn Cỏ phải đề ra được các chủ trương độc lập, sáng tạo như: lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu; xây dựng đội ngũ cán bộ đa năng làm một việc biết nhiều việc, tinh giảm bộ máy, gọn nhẹ biên chế; phát triển du lịch nhưng vẫn phải có cơ chế để đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Quá trình xây dựng và phát triển huyện đảo cần phải xác định đúng mục tiêu, định hướng, có bước đi thích hợp, vững chắc, phát triển nhanh và bền vững; đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu phải mạnh dạn, sáng suốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết nhất trí, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Hai là, phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh; biết kết hợp việc khai thác và bảo vệ, bảo tồn tài nguyên môi trường.

Khi bắt tay vào công cuộc xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ, Đảng bộ, chính quyền huyện đảo đã xác định công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý, khoa học, quyết định sự phát triển cho huyện đảo Cồn Cỏ trong tương lai. Vì vậy, huyện đảo Cồn Cỏ đã tập trung vào một số quy hoạch cần thiết, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra là: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030” “Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm, khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị” “Quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2015 có tính đến năm 2020”... Đồng thời với công tác quy hoạch, việc triển khai quy hoạch phải đảm bảo lộ trình, mục tiêu.

Kết hợp phát triển kinh tế với cũng cố quốc phòng - an ninh là quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đồng thời cũng là giải pháp hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc nói chung và huyện đảo Cồn Cỏ nói riêng.

Để hoàn thành nhiệm vụ triển khai, thực hiện quản lý quy hoạch phải xây dựng một hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo ra sự phát triển, theo đó phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp có tính chất “lưỡng dụng”.

Thực tiễn sau gần 15 năm thành lập và phát triển đã khẳng định mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện đảo Cồn Cỏ là du lịch - dịch vụ - thủy sản, nhưng trong quá trình triển khai mục tiêu đó lại chưa có các chính sách cụ thể, đặc thù. Việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa tập trung, thiếu đồng bộ. Những cơ sở hạ tầng đã đầu tư chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu thực tiễn, nhu cầu về dân sinh chứ chưa giải quyết được nhu cầu phát triển theo cơ cấu kinh tế huyện đảo đã định hướng.

Vì vậy, muốn phát triển đúng hướng và đạt kết quả tốt, phải có cơ chế, chính sách đặc thù, phải triển khai đầu tư về cơ sở hạ tầng đồng bộ, có chính sách phù hợp kêu gọi, thu hút mọi nguồn lực đầu tư để phát triển.

Cồn Cỏ hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái của một vùng biển nhiệt đới với tính đa dạng sinh học cao và còn tương đối nguyên vẹn so với các vùng biển khác của Việt Nam. Cấu trúc địa sinh vật và đa dạng sinh học trên đảo rất đặc trưng cho quần xã sinh vật ven biển Trung Bộ của Việt Nam. Đây là tiềm năng lớn cần phải bảo tồn để phát triển kinh tế du lịch. Nếu khai thác tràn lan, cạn kiệt, phá hủy môi trường sẽ ảnh hưởng lớn đến định hướng du lịch trong tương lai của huyện đảo như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng...  Vì vậy, giữ gìn và bảo vệ môi trường thiên nhiên là yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa to lớn để huyện đảo Cồn Cỏ phát triển kinh tế du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch hoài niệm.

*

Với bao bộn bề khó khăn và nhiều việc phải làm để xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ thành một điểm du lịch sinh thái biển hấp dẫn, gắn Cửa Việt, Cửa Tùng, Cồn Cỏ với du lịch hoài niệm; một xu hướng du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài những tiềm năng bắt đầu được khai thác, trước mắt Cồn Cỏ vẫn chồng chất những khó khăn và nhiều việc phải làm. Những viên gạch hồng đặt nền móng cho du lịch biển đảo được vỡ vạc đang làm thức dậy tiềm năng du lịch của đảo Cồn Cỏ.

Chứng kiến cuộc sống mới, sôi động đang diễn ra trên đảo, một ngày không xa Cồn Cỏ không chỉ là vọng gác tiền tiêu về quân sự mà còn góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

 L.M.T

  

 

 

 

 

____________________________  

Tài liệu tham khảo:

1. Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, tập II, NXB Lao động – NXB Quân đội nhân dân - Năm 2000.

2. Lịch sử huyện đảo Cồn Cỏ, NXB Đại học Huế - Năm 2019.

3. Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển Việt Nam - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Năm 2002.

4. Thuyết minh tổng hợp Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Tài liệu lưu trữ tại VP huyện đảo Cồn Cỏ - Năm 2016.

5. Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện đảo Cồn Cỏ lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020.

 

 

LÊ MINH TUẤN :mongoactron:Nguyên Bí thư - Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ:dongngoactron:
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground