Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Huyền Thoại về người mẹ động Voi Mẹp

C

ả mười hai anh em cùng lứa, cùng quê, cùng vào học một trường đại học và đồng loạt viết đơn bằng máu để được nhập ngũ. Chúng tôi được phân vào đơn vị trinh sát của một sư đoàn chủ lực, được huấn luyện kỹ càng thuần thục nghiệp vụ.

Những ngày luyện tập ở hậu phương ai cũng mong chờ, háo hức đến lượt mình được lên đường ra trận.

Thế rồi cái gì đến nó sẽ đến. Cả phân đội chúng tôi được lệnh lên đường trinh sát tập đoàn cứ điểm Khe Sanh đúng vào đầu mùa mưa.

Sau những ngày chúng tôi băng rừng vượt núi, trèo đèo, lội suối từ hậu phương tiến vào tập đoàn cứ điểm để trinh sát, vẽ sơ đồ tình hình địch chuẩn bị cho đại quân của ta đánh lớn vào mùa khô.

Đêm ấy cả phân đội mới biết thế nào là giông bão Trường Sơn. Tất cả mắc võng ngủ đêm bên một con suối. Sau những ngày hành quân thấm mệt, bên cánh võng đung đưa dưới tán rừng già, tiếng gió thổi rì rào đã đưa chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm. Được chừng nửa đêm một trận cuồng phong thổi từ phía tây Trường Sơn cuồng nộ ào ạt, tiếp đến là trận mưa dội xuống như trút nước. Khoảng một giờ đồng hồ thì chiến sĩ trực giác báo cáo phân đội trưởng là đã nghe thấy tiếng nước suối gầm gào phía thượng nguồn.

Trong anh em chúng tôi chưa ai nếm trải mưa bão Trường Sơn nên phân đội trưởng chỉ nhắc nhở chiến sĩ trực giác tiếp tục theo dõi, sau đó anh lại ngã lưng xuống võng ngủ tiếp. Chưa đầy ba mươi phút sau, nguồn nước khổng lồ ập xuống, nước đã cuốn cây rừng gẫy rông rốc, nước đã ào vào nơi mắc võng trú quân. Chỉ trong tích tắc con nước như một con quái vật nuốt đi toàn bộ gia tài người lính chúng tôi.

Con nước phủ phàng ập xuống quá bất ngờ, quá mạnh mẽ, nên không ai kịp thu võng, phó mặc cho thuỷ thần cướp đi tất cả, chỉ còn ôm vội được cây súng chạy thoát thân.

Sáng hôm sau cả phân đội bàng hoàng về cơn lũ Trường Sơn, đói rét đã hoành hành cơ thể, cộng vào đấy là sự lo lắng về nhiệm vụ trên giao chưa hoàn thành.

Tất cả tự đặt ra câu hỏi, vậy sống ra sao, ăn đâu, ở đâu để tiếp tục nhiệm vụ khi trong tay không còn một hạt gạo, một viên thuốc, một mảnh ni lông che mưa che nắng.

Một số ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh này, phải quay trở lại hậu phương lấy trang bị tiếp rồi trở vào tiếp tục nhiệm vụ.

Một số cho rằng thế thì quá muộn không thực hiện được kế hoạch nhiệm vụ trên giao phục vụ cho đánh lớn vào mùa khô.

Có ý kiến đặt ra câu hỏi:

Vậy ở lại thì lấy cái gì sinh sống để hoạt động?

Tất cả đang đi vào ngõ cụt thì mẹ xuất hiện.

Sự xuất hiện của mẹ như bà tiên trong câu chuyện cổ tích từ cây thị bước ra, chỉ có khác là mẹ không được đầy đặn, hồng hào như sự mô tả bà tiên, mà lửa đạn chiến tranh đã khắc hằn vầng trán và khoé mắt mẹ nhăn nheo khắc khổ, nước da nâu nhuộm màu nắng gió đã cô đúc mẹ thành một pho tượng sống trước mặt chúng tôi. Chỉ có đôi mắt của mẹ trong trẻo đến kỳ lạ. Có lẽ thiên bẩm cho đôi mắt mẹ để nhìn tường tận tim gan kẻ thù, hiểu được mưu ma trước quỷ. Nhưng đôi mắt ấy đang nhìn chúng tôi trìu mến thương yêu. Mẹ đã đọc được sự lo lắng của chúng tôi. Rồi không để anh em chúng tôi giãi bày về hoàn cảnh, mẹ đã chủ động giải toả cho chúng tôi bằng những câu hỏi:

"Có phải các con là bộ đội Cụ Hồ vô phải không?

Có phải tụi bay đến đây mấy bữa rồi phải không?

Bọn bay tối qua bị cơn lũ rừng cuốn trôi trơ trọi phải không?"

Mẹ hỏi chúng tôi dồn dập, rồi không để chúng tôi trả lời mẹ an ủi khuyên nhủ.

"Kẻ thù ở Trường Sơn này cũng dữ hung, mưa bão của Trường Sơn cũng dữ hung. Nhưng không sao, kẻ thù ta cũng biết cách đánh, mưa bão dù hung dữ mấy ta cũng có cách tránh. Chiến đấu ở chiến trường này không chỉ đòi hỏi mưu lược mà cần phaỉ có ý chí và nghị lực". Nói rồi mẹ như ra lệnh cho anh em tôi: "Bọn bay đi theo má đâu sẽ có đó". Thì ra chúng tôi đến đây chỉ che mắt được kẻ địch, không che mắt được mẹ. Ngay từ buổi đầu khi chúng tôi mới đặt chân tới đất này, ăn đâu, ở đâu mẹ đều dõi theo cả. Nhưng theo nguyên tắc bí mật, ai làm người ấy biết. Khi mẹ xuất hiện trước chúng tôi, chính mẹ thấy chúng tôi bế tắc trong điều kiện hoạt động ở chiến trường.

Hai mươi ba giờ đêm hôm ấy, mẹ dẫn cả phân đội luồn qua hai bốt gác của địch, bí mật đưa chúng tôi đến chân một vách núi thẳng đứng. Mẹ lay lay vào một giây rừng rất to bỗng một chiếc thang giây được buộc bằng giây dù Mỹ từ lưng chừng vách núi buông xuống, mẹ cho chúng tôi leo lên.

Thú thật ở hậu phương chúng tôi đã tập leo thang, nhưng chưa leo thang dây này bao giờ nên anh em ai nấy oắn éo mãi mới lên được. Vì mẹ yêu cầu không được đạp chân vào vách đá sẽ có dấu vết. Thế mà chúng tôi thấy mẹ gùi nặng leo lên nhẹ nhàng như những nghệ sĩ xiếc biểu diễn. Khi người lên cuối cùng thì chiếc thang dây cũng được cuộn lên xoá mọi dấu vết. Một cái hang thiên tạo, một người mẹ tay không. Nhưng đã che mắt được cả mắt thần điện tử của địch rêu rao là bất khả xâm phạm.

Sau những ngày lưu lại hang, chúng tôi được mẹ đưa đi thăm toàn bộ ngóc ngách của hang. Thì ra cái cửa hang rất nhỏ phía ngoài được nguỵ trang bằng những mảng dây rừng tự nhiên, đứng ở phía ngoài không thể quan sát thấy cửa hang nhưng bên trong là một cái hang rộng có rất nhiều ngóc ngách được mẹ thu gom về đủ thứ: nào gạo, nào sắn khô, củ mài khô, lương khô, mắm ruốc, thịt thú rừng khô, các loại quân trang quân dụng, vũ khí của ta có của địch có. đây thực sự là một tổng kho dự trữ, có thể trang bị cho nhiều tổ trinh sát chúng tôi chiến đấu.

Cái cổng kho dự trữ ở lưng chừng vách núi này được mẹ tìm thấy và tạo dựng từ bao gìơ. Qua lời mẹ k nơi đây chính là mảnh đất mẹ sinh ra và lớn lên, mẹ đã theo người cha hoạt động cách mạng, đưa giấu biết bao  chiến sĩ vượt ngục Lao Bảo ở các hang động để trốn thoát. Ông đã hy sinh trong một trận chặn giặc Pháp xâm lược chiếm đất bạn Lào. Tiếp bước cha, mẹ đi làm liên lạc, rồi mẹ xây dựng gia đình với một anh bộ đội địa phương được hai người con. Không may bị một quả bom địch dội trúng nhà, chồng và hai con hy sinh khi mẹ đi liên lạc vắng nhà. Cái hang động này chỉ có mẹ và một số chiến sĩ địa phương biết. Lúc đầu chỉ là nơi dự trữ một số lương thực của bộ đội huyện, khi lính thủy đánh bộ Mỹ mở cuộc hành quân lớn, rồi đổ bộ hàng không xây dựng tập đoàn cứ điểm Làng Vây - Khe Sanh, bộ đội địa phương được rút ra. Mẹ đã tình nguyện xin ở lại trông giữ số lương thực ít ỏi ấy.

Thế rồi nơi đây trở thành tập đoàn cứ điểm lớn của địch. Mẹ đinh ninh nơi đây sẽ có những trận đánh lớn. Mà muốn đánh lớn phải có quân lương, quân trang, vũ khí dự trữ tại chỗ.

Từ ý nghĩ ấy cứ đêm đêm mẹ mò mẫm đi khắp cả một vùng rộng lớn thu gom, cóp nhặt đủ thứ về đây, sự cần mẫn của mẹ không tính ngày tính tháng. Trong thâm tâm mẹ càng nhặt nhạnh được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. Đã hơn một ngàn đêm mẹ không có một đêm nghỉ cứ mãi miết cóp nhặt đèo gùi mọi thứ về hang.

Trước khi mẹ đưa chúng tôi đi trinh sát mẹ đã trang bị cho chúng tôi hoàn chỉnh  của chiến sĩ trinh sát, thậm chí có những thứ mà ở hậu phương chúng tôi chưa bao giờ được trang bị như: nước chống độc để uống, một bó lạt dang để dùng khi cần thiết...

Sau những ngày ở động chúng tôi được mẹ dạy dỗ truyền  cho biết bao kinh nghiệm sống chiến đấu ở nơi chiến trường ác liệt vào bậc nhất Đông Dương này. Sự thương yêu chăm sóc của mẹ như tấm lòng của tình mẫu tử, những kinh nghiệm trong chiến tranh của mẹ truyền cho chúng tôi, như một người chỉ huy dày dặn kinh nghiệm. Đối với mẹ chúng tôi chỉ là những con chim non mới bước ra khỏi tổ ấm, chưa được thử thách trong phong ba bão táp. Chúng tôi thực sự được nương tựa ở mẹ. Để rồi đêm đêm chúng tôi được mẹ dẫn dắt đi trinh sát tập đoàn cứ điểm. Cứ mỗi lần đi là mẹ dẫn chúng tôi đi theo một con đường mới. Mẹ bảo: muốn đảm bảo an toàn người lính trinh sát phải biết đi bằng nhiều con đường tiền nhập trận địa địch, để phòng khi kẻ địch gài bẫy. Để đảm bảo chính xác các mục tiêu, mẹ yêu cầu chúng tôi không chỉ trông thấy mà phải sờ thấy. Chỉ cần một thiếu sót nhỏ có thể gây thương vong lớn cho anh em, thậm chí thất bại cả  trận đánh.

Duy có lần mẹ ốm là bài học nhớ đời với chúng tôi khi đi trinh sát cứ điểm Làng Vây. Một cứ điểm nằm án ngữ đường Chín, nơi trấn giữ ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, ngăn chặn sự phối hợp giữa nước ta và nước bạn Lào.

Chúng tôi đã nhiều đêm tiền nhập trinh sát đánh dấu đến chi tiết từng lô cốt, từng vọng gác, từng hoả điểm của địch, duy chỉ có phía ngoài hàng rào ở phía tây địa hình bằng phẳng chạy thoai thoải đến cứ điểm nên chủ quan cho là hướng tiền nhập lý tưởng cho cơ giới và bộ binh xuất kích. Thế mà không ngờ đội hình xe tăng của quân ta xuất kích gặp ngay một vũng sình lầy rộng ba mét buộc lòng xe tăng phải dừng lại. Để giảm thương vong đến mức thấp nhất buộc lòng quân ta phải dùng đến hoả tiễn, mới làm chủ được trận địa.

Sống với mẹ suốt bốn tháng mùa mưa, ngày nghỉ đêm đi trinh sát chúng tôi đã qua bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu hiểm hoạ của kẻ thù đảm bảo an toàn tuyệt đối thực thi nhiệm vụ. Điều quí giá hơn là anh em chúng tôi đã học được kinh nghiệm sống và chiến đấu ở chiến trường mẹ truyền cho. Sống giữa một vùng chất độc hoá học địch chà đi xát lại làm trơ trọi cả cỏ cây, hoa lá, nơi mà bom mìn không để sót một gốc cây, một tấc đất nguyên lành, chỉ cần một sơ xuất nhỏ có thể hy sinh tính mạng. Thế nhưng có sự che chở, chăm sóc của mẹ tất cả anh em chúng tôi đã bình an vô sự.

Đi qua hố bom, hố pháo cũ đến chỗ nào cũng thấy sắn mọc xanh um cứ tưởng đó là những nương sắn của bà con tộc Vân Kiều hoá ra đó là những bãi sắn của mẹ. Sau này mẹ cũng yêu cầu chúng tôi ai nhổ một gốc sắn thì phải tự giác chặt một thân cây ra thành từng đoạn rồi tìm hố bom, hố pháo vùi xuống đó. Mẹ bảo chúng tôi đó là những nguồn lương thực dự trữ tại chỗ ở chiến trường. Thì ra sự đào xới của bom đan địch lại chính là những bãi tăng gia sản xuất của mẹ không phải tốn công. Mẹ còn yêu cầu anh em chúng tôi mỗi lần đi trinh sát trở về phải chú ý trên đường có thứ gì thu nhặt được thì thu về.

Một lần mẹ bị ốm không đưa chúng tôi đi trinh sát được mẹ đã dặn dò chúng tôi từng li từng tí. Mẹ nhắc chúng tôi khi tiền nhập phải tranh thủ khi có pháo sáng địch ngồi thật thấp để nhìn những mạng nhện giăng, nếu thấy mạng nhện còn nguyên lành thị đường tiền nhập ấy an toàn, nếu thấy đã bị rách, phải tìm hướng khác tiền nhập. Và cũng chính lần ấy sau khi trinh sát trở về, anh em chúng tôi hí hửng phô với mẹ là đã vớt được mấy gùi cá ở sông Ba Lòng. Đêm tối như bưng trong hang; mẹ yêu cầu chúng tôi đem cá lại cho mẹ xem. Sờ vào bọng những con cá, thấy bụng cá mềm nhũn, mẹ nói như ra lệnh, không được ăn số cá này, tất cả để đánh bả chuột. Chúng tôi vừa thèm thuồng, vừa ngẩn ngơ nuối tiếc, mẹ giải thích luôn: Các con biết không, cả ngày và đêm hôm qua ở phía sông Ba Lòng không có tiếng bom pháo nổ mà tại sao có cá chết, đây là cái bẫy của kẻ thù hòng diệt lực lượng ta bằng thuốc độc. Quả thực hôm sau những con chuột ăn cá của chúng tôi nằm chết la liệt. Thì ra mẹ nằm ốm đấy nhưng vẫn theo dõi chúng tôi và vẫn quan sát các hướng của chiến trường, những cảm nhận bao quát ấy chỉ có tầm của người chỉ huy dày dặn kinh nghiệm trận mạc.

Biết chúng tôi muốn ăn cá mấy hôm sau mẹ bảo trước khi đi trinh sát mỗi dứa nhớ mang theo cho mẹ một bộ quân trang rách và một chiếc mũ cối đã dịa vỡ. Ai cũng thắc mắc hỏi mẹ, sao lại đem thứ này đi làm gì? Mẹ chỉ giải thích ngắn gọn cứ đem đi tụi bay sẽ biết.

Dẫn chúng tôi đến thượng nguồn sông Cam Lộ, mẹ bảo chúng tôi cắm cọc thẳng hàng qua khúc sông cạn, sau đó khoác những bộ quân trang rách và những chiếc mũ cối dịa vỡ ấy thành đội hình bộ đội vượt sông. Sau đó mẹ đưa chúng tôi xuống phía dưới đội hình giả ấy nơi có đoạn sông uốn cong, mẹ bảo mọi người lại buộc nối hai cây nứa chắn qua dòng sông vát theo chiều nước. Sau đó ở phía bờ đầu cây nứa vát,  mẹ bảo chúng tôi đào một cái hố để cho nước mấp mé, rồi nguỵ trang lại.

Quả nhiên ngày hôm sau bọn OV10, bọn trực thăng U-ti-ti đi trinh sát phát hiện cho là có bộ đội ta vượt sông thi nhau bắn cối hoả mù chỉ điểm. Thế là bom pháo thi nhau quần đảo suốt ngày. Đêm hôm ấy mẹ đưa chúng tôi đến chiếc hố cuối dòng đã thấy cá đầy ắp, chỉ việc xuống vớt cá cho vào gùi đem về, được bữa cá cải thiện thoả thê, lại còn có cá đem sấy khô làm thực phẩm dự trữ.

Đến lúc này chúng tôi mới biết tác dụng của những bộ quân trang rách và những chiếc mũ cối dịa vỡ mẹ mang về. Từ những thứ tưởng như vất đi ấy mẹ đã bắt bọn Mỹ trở thành kẻ đánh cá không công cho mẹ.

Bước vào mùa khô Mậu Thân, nhờ mẹ mà chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã cung cấp chi tiết cụ thể về cách bố trí toàn bộ tập đoàn cứ điểm Làng Vây - Khe Sanh, đài quan sát Đng Tri, trận địa pháo Tân Lâm của địch. Hoà cùng với tổng tiến công nổi dậy toàn miền Nam, đại quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, bao vây tập đoàn cứ điểm Tà Cơn- Khe Sanh tập kích diệt đài quan sát Đng Tri, trận địa pháo Tân Lâm. Tập đoàn cứ điểm Tà Cơn -Khe Sanh bị cô lập hoàn toàn. Buộc chúng phải rút chạy băng đường không. Quân ta đã giải phóng hoàn toàn một vùng rộng lớn phía tây Quảng Trị, tạo địa bàn chiến lược cho quân và dân miền Bắc chi viện sức người, sức của cho toàn miền Nam, tạo ra thế và lực thay đổi cục diện dẫn đến chiến thắng hoàn toàn miền Nam sau này.

Chiến tranh kết thúc chúng tôi những người lính hoàn thành nhiệm vụ được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình như biết bao người lính. Đã ngót bốn mươi năm chúng tôi xa mảnh đất ác liệt bậc nhất của các cuộc chiến tranh ở thế kỉ XX. Cho đến giờ đây phân đội trinh sát chúng tôi càng biết ơn công lao của mẹ,  nhờ mẹ mà phân đội trinh sát chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhờ mẹ mà chúng tôi được nguyên lành. Sống chiến đấu giữa một chiến trường kẻ thù không từ một thủ đoạn nào, nơi mà chất đc hoá học rải thảm chà đi xát lại nhiều lần, nơi mà bom mìn rải xuống nhiều hơn cả lá rừng. Nhưng tất cả anh em chúng tôi đã sinh ra hai thế hệ con cháu được khoẻ mạnh tinh tường không bị di chứng chiến tranh. Từ sâu thẳm của lòng mình chúng tôi vô cùng cảm ơn mảnh đất thiêng Quảng Trị đã sản sinh ra người mẹ thông minh tài trí tuyệt vời đến như thế. Mẹ luôn luôn thu vén tảo tần vì đất nước không hề nghĩ riêng mình. Chính mẹ là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam mang tầm vóc thời đại. Kẻ thù làm sao hiểu nổi tiềm lc vô cùng vô tận ở mỗi con người Việt Nam như người mẹ ở Động Voi Mẹp  này. Kẻ thù làm sao thắng nổi một dân tộc có những bà mẹ như thế. Đó là sai lầm mang tính chiến lược mà đế quốc Mỹ đánh giá, so sánh tương quan lực lượng, đã dẫn tới thất bại thảm hại ở cuộc chiến tranh Việt Nam là điều tất yếu.

                                                                                         H.Đ.L

Hoàng Đạo Lý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 130 tháng 07/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground