Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kế hoạch K15

Như chúng ta đã biết ở vào thời điểm sau khi Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn vào ngày 1 - 5 - 1972 thì cuộc chiến đấu của nhân dân ta, mà trực tiếp là các lực lượng vũ trang chống chiến dịch tái chiếm của địch, diễn ra hết sức quyết liệt, ngoài lực lượng bộ binh, kẻ địch đã dùng các loại pháo từ các căn cứ lớn phía trong và từ hạm đội, loại pháo đạn, các loại máy bay, nhất là máy bay B52 đánh phá liên tục, dữ dội cả ngày lẫn đêm vào vùng giải phóng trong tỉnh, kể cả Gio Linh, Cam Lộ đã được giải phóng trước đó.
 

Vấn đề đặt ra lúc này là vừa tổ chức chiến đấu chống trả, đẩy lùi các đợt hành quân tái chiếm của địch, vừa bảo vệ được tính mạng nhân dân trong vùng giải phóng, một địa bàn mà chiến sự diễn ra hết sức ác liệt bởi sự giao tranh từ cả hai phía. Trong một cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị cũng diễn ra một cuộc tranh cãi không kém phần căng thẳng với nội dung: Có nên để nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng ở lại địa bàn vùng giải phóng? Có đất phải có dân, để tiếp tục cuộc đấu tranh bằng cả hai và ba mũi hoặc tổ chức cho nhân dân sơ tán ra vùng giải phóng phía sau để bảo vệ an toàn tính mạng cho hàng vạn nhân dân, hình thành một địa bàn đứng chân vững chắc phía sau để tiếp tục cuộc chiến đấu mới…

Cuộc thảo luận, tranh cãi đó cũng được báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương và được Ban Bí thư chỉ đạo: Đồng ý chủ trương cho nhân dân sơ tán ra vùng giải phóng Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh và cả Quảng Bình.

Thực hiện chủ trương đó, ở tỉnh cũng như các huyện lập Ban chỉ đạo, lập kế hoạch triển khai gọi là Kế hoạch 15 (gọi tắt là K15). Để thực hiện nhiệm vụ trung tâm đột xuất này, một kế hoạch không được chuẩn bị trước, bộ máy của tỉnh và các huyện phải tổ chức triển khai công tác đảm bảo cho cuộc sơ tán kể cả hành trình, nơi ăn ở, phòng tránh, sản xuất đời sống. Nhân dân Gio Linh, Cam Lộ tiếp nhận lo việc ăn ở, phòng tránh, sản xuất đời sống cho nhân dân Hải Lăng; Vĩnh Linh và Lệ Thủy (Quảng Bình) đảm bảo cho nhân dân Triệu Phong sơ tán.

Cuộc sơ tán gần 6 vạn dân của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng ra phía sau với thời gian rất khẩn trương mà không có sự chuẩn bị trước về hầm lán, ăn ở, sinh hoạt, về những điều kiện tối thiểu lúc đó. Mặt khác, cuộc sơ tán lại diễn ra ở một chiến trường bởi sự giao tranh quyết liệt từ cả hai phía dưới làn pháo đạn, pháo biển và B52 rải thảm nên được sơ tán cũng chịu tổn thất không nhỏ về tính mạng, nhiều gia đình cũng loạn lạc phân tán bởi bom đạn địch đánh phá, chia cắt.

Đảng bộ, nhân dân các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Quảng Bình đã san sẻ những căn hầm, ngôi nhà tạm bợ, ruộng đất, nông cụ, góp phần nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, ổn định cuộc sống, ổn định sản xuất trong khi các địa phương cũng rất khó khăn và nằm trong vùng đánh phá ác liệt của địch.

Một cuộc sơ tán với quy mô lớn hàng vạn người, việc đảm bảo ăn ở, sinh sống trong một khoảng thời gian dài (3 năm) cho đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt, đoàn kết giúp nhau trong hoạn nạn, san sẻ tình cảm và những gì có được cho nhau trong lửa đạn. Trong thời gian đó, có người sinh thêm hai đứa con, lấy địa phương nơi sơ tán đặt tên cho con mình là Gio, Cam.

Mối quan hệ gắn bó máu thịt đó cũng đã đi vào lịch sử, truyền thống, tình cảm của các địa phương trong tỉnh cho đến bây giờ, kể cả sau này mỗi lần nhắc đến với thế hệ trẻ trong mỗi dịp lễ, những kỷ niệm về ngày truyền thống cách mạng của quê hương mình.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung cũng như Quảng Trị nói riêng, do yêu cầu của cuộc chiến đấu, mỗi bên đều tranh chấp giành quyền làm chủ, quyền nắm dân và giữ đất đai lãnh thổ về mình. Phải đổ cả xương máu mới có được, mới tạo thế cân bằng và trội hơn về mình. Điều đó đã được chứng minh trong việc cắm cờ, lấn đất trên tuyến giáp ranh ở Quảng Trị sau Hiệp định Paris. Từ yêu cầu đó nên mỗi bên đều sơ tán dân khác nhau, phía địch thì dồn gom dân vào các khu tập trung để dễ bề kiểm soát. Do tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh giành dân ở Quảng Trị, có thể là địa phương có nhiều khu tập trung nhất như Quán Ngang, Cửa Việt, Tân Tường, Cùa, Ngọc Động Dờng (Ba Lòng), Cầu Nhi, Đồng Lâm… Về phía ta thì Quảng Trị không hình thành khu tập trung mà ngược lại là phân tán (gọi là sơ tán) nên chắc Quảng Trị cũng là tỉnh duy nhất có nhiều kế hoạch sơ tán dân; nhất là K8, K10, K15, như chúng ta đã biết. Điều đó cũng nói lên tính chất cuộc chiến đấu, đặc điểm ở chiến trường Quảng Trị và thực tế đó cũng đặt ra cho lãnh đạo các cấp ở tỉnh Quảng Trị trong việc định ra chủ trương, vận dụng phương châm đấu tranh cách mạng, phương châm tác chiến của các lực lượng vũ trang mỗi lúc, mỗi nơi sao cho phù hợp và sát với thực tế, nhất là trong việc giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng lực lượng, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng, có đất phải có dân, có dân phải có đất, như Bác Hồ đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nghĩa là  trong tình huống nào cũng phải dựa vào dân, mọi việc là của dân, do dân, vì dân, lấy dân làm gốc.

Bốn mươi năm nhìn lại, một lần nữa khẳng định chủ trương cho nhân dân sơ tán về phía sau, kể cả trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, chống phản kích tái chiến của Mỹ - ngụy, bảo vệ Thành Cổ là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, không để cho kẻ địch lùa dân vào các tỉnh phía Nam, tránh và giảm thiểu sự thiệt hại về tính mạng cho nhân dân, xây dựng được hậu phương vững chắc, tạo thuận lợi cho các đơn vị địa phương tác chiến, chiến đấu chống cuộc phản kích lấn chiếm của địch, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Từ hậu phương đó tiếp tục bổ sung nhân lực cho các địa phương, đơn vị bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, tiếp tục cuộc chiến đấu giành thắng lợi trong chiến dịch tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1975, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong năm 1975.

 

Chủ trương đó cần phải được khẳng định, tổng kết và tôi thiết nghĩ nó vẫn còn có ý nghĩa lịch sử, thực tiễn sâu sắc trong tình hình hiện nay, trong việc dựa vào dân, lấy dân làm gốc, mọi việc là của dân, do dân và vì dân mà Đảng ta đã khẳng đinh.

P.C

 

Phan Chung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground