Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức mãi một thời động lại...!

T

hời gian cứ xuôi chảy về phía trước như dòng sông nhưng con người có lúc chảy ngược về phía sau bởi những ký ức một thời. Giữa những ngày Quảng Trị náo nức kỷ niệm 40 năm giải phóng, khi các đoàn giáo viên đi B ở miền Bắc mặn mà về thăm lại chiến trường xưa, những người giáo viên tại chỗ như chúng tôi lòng xao xuyến nghĩ về một thời không thể nào quên.

1 – Tất cả chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn Hội cựu giáo chức khi tổ chức xã hội này đã có ý tưởng tốt đẹp và vượt qua nhiều khó khăn để chu toàn cho cuộc gặp gỡ với quy mô 120 giáo viên đi B đang ở tại tỉnh. Tôi đã ở tuổi “nhớ nhớ - quên quên” nhưng nếu không nhầm thì đã có 11 đợt giáo viên miền Bắc chi viện cho Quảng Trị.

Trước ngày Quảng Trị được giải phóng (01/ 5/ 1972) đã có 5 đợt:

Đợt I vào năm 1959 – 1960; đợt II vào năm 1964 – 1965; đợt 3 vào năm 1968 – 1969; đợt IV vào năm 1970 – 1971; đợt V đầu năm 1972 (trước ngày giải phóng). Tổng số cả 5 đợt khoảng 120 người. Gần một phần tư trong số họ đã anh dũng hi sinh trong quá trình làm nhiệm vụ trên mảnh đất Quảng Trị thân yêu.

Đây là những người phải chịu gian khổ hi sinh nhiều nhất trong số những giao viên đi B. Nếu nói về công trạng thì họ chính là những người “khai sơn phá thạch” có công đầu trong việc đặt nền móng cho giáo dục Quảng Trị. Rất đáng mừng là trong số họ có một số trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh như anh: Nguyễn Kham; Lê Hải Hà Dương Tú Anh…

Từ sau khi Quảng Trị được giải phóng, việc phát triển sự nghiệp giáo dục được đặt ra như một yêu cầu bức thiết nhằm giải quyết 3 mục tiêu cụ thể:

- Bổ túc văn hóa ngay cho số cán bộ trưởng thành trong kháng chiến;

- Đồng loạt mở các lớp xóa mù chữ để nhân dân kịp tiếp cận với các chủ trương chính sách mới của cách mạng.

- Phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục phổ thông để đào tạo lâu dài. Các trường phổ thông đã được hình thành như một biểu trưng cho sức sống mới. Năm 1973 đã có 72 trường Tiểu học; 8 trường Phổ thông cơ sở và trường Phổ thông trung học Đông Hà (Trường Trung học cách mạng duy nhất lúc ấy của toàn miền Nam).

Yêu cầu tiên quyết là phải có đội ngũ giáo viên. Ty giáo dục Vĩnh Linh đã giúp đỡ để đào tạo cấp tốc (được gọi là sư phạm 3 + 7, một cách nói vui vì hệ này ở miền Bắc là 7 + 3).

Nhưng chỉ đào tạo được 120 người vì cạn nguồn tuyển sinh dù đã lấy đến người có trình độ từ lớp 3 trở lên. Trước thực tế đó Bộ Giáo dục đã tổ chức chi viện lớn cho tỉnh. Đã có hơn 700 giáo viên của 13 tỉnh, thành chi viện cho Quảng Trị. Nếu kể cả đợt ít người (có tính bổ sung) thì đã có 6 đợt. Điểm đón tiếp được đặt tại trường Tiểu học Gio Lễ. Đặc biệt sau chuyến thăm của Giám đốc Sở giáo dục Hà Nội - Dương Ngà đã có hơn 100 giáo viên Hà Nội tình nguyện vào Quảng Trị. Số giáo viên vào sau ngày 01/ 5/ 1972 tuy không bị nguy hiểm về tính mạng như 5 đợt trước nhưng vất vả, gian khó thì rất nhiều. Trước hết là phải vượt và những lo lắng cho “hậu phương” (bản thân tôi với người vợ khá yếu; 1 cháu 3 tuổi, 1 cháu chưa đầy tháng, trường lại đi sơ tán nên rất hiểu mối âu lo này). Anh chị em phải tìm từng cộc sắt, viên tạp lô, tấm tồn để làm phòng học, làm nhà ở trong khi bữa ăn thì quá đạm bạc. Ngay tại Ty, có tuần không có rau xanh chỉ ăn gốc chuối và thân cây đu đủ. Đặc biệt số công tác ở miền núi phải chịu sốt rét thường xuyên, số ở ven biển thì bị bọ chét cắn khắp người. Đến năm 1978, anh chị em lần lượt được ra Bắc. Gian khó của những năm tháng đi B đã làm một số người rất khó khăn trong cuộc sống tiếp nối. Tại Hà Nội; Thái Bình; Thanh Hóa; Nghệ - Tĩnh… đã có thầy phải chịu phơi nhiễm chất độc da cam, đã có những cô vì lỡ thời không xây dựng được gia đình riêng và đã có những gia đình có đến 2 – 3 cháu tật nguyền. Dù vậy, trong họ tấm lòng đối với Quảng Trị vẫn thật sâu nặng.

Sau 40 năm, mong muốn có được một cuộc hội ngộ để sống lại với ký ức đẹp nhất của tuổi thanh xuân của giáo viên đi B thật cháy bỏng. Tại Hà Nội, 72 giáo viên đã tự nguyện đóng góp 2,5 triệu mỗi người trong lương hưu ít ỏi của mình để được về lại miền đất gắn bó xưa. Một cô giáo chỉ nặng 28 kg (rất gầy yếu) yêu cầu con trai nghỉ việc đưa mẹ về thăm lại trường xưa là một minh chứng. Những giáo viên đã đi B đang ở tại Quảng Trị (khoảng 150 người) cũng có chung tâm trạng đó. Nhưng vấn đề là phải có ai đó đứng ra tổ chức. Vì vậy khi Hội giáo chức vượt khó để tổ chức cuộc gặp này vừa là đáp ứng nguyện vọng tha thiết của mọi người, vừa thể hiện sâu sắc đạo lí “Ăn quả nhớ người trồng cây” giành cho những người đã trực tiếp xây dựng nền móng giáo dục cách mạng hôm nay. Trong cuộc hội nghộ đó, nguyện vọng của nhiều người muốn xin tỉnh cho thành lập Ban liên lạc những giáo viên đi B (có thể cả đi C, K). Nguyện vọng đó thật chính đáng nếu được đáp ứng thì thật tốt đẹp. Sau 40 năm, tay nắm tay trong ngày hội ngộ, ai cũng cảm kích và trân trọng về việc làm tốt đẹp này của Hội Cựu giáo chức.

2 – Mở đầu cuộc hội ngộ là phút mặc niệm trang nghiêm và thành kính dành cho những đồng nghiệp đã hi sinh. Trong số họ có người chưa từng biết đến hạnh phúc gia đình, nhưng cũng có người để lại 5 con với người vợ đầy khó khăn. Vì nghĩa lớn của dân tộc, vì sự nghiệp của ngành và cũng vì mảnh đất Quảng Trị họ đã hi sinh nên họ là người có công lớn nhất mà tất cả chúng ta thật lòng kính trọng. Chúng ta may mắn là người được sống đến hôm nay. Tôi thường tự hỏi mình “Ký ức đi B là ký ức của những ngày đầy gian khó, tại sao lại có sức sống mạnh mẽ và lâu dài đến như vậy?”. Và tôi tự lí giải chí ít là 3 lí do:

Một là: Nhớ về thời đi B là nhớ về một thời rất đặc biệt của dân tộc. Một thời mà cả dân tộc không phân biệt già trẻ, gái trai cùng sống trong một tâm trạng “nước còn giặc ta còn đi đánh giặc. Chiến trường xa vẫy gọi bước quân hành”. Khi anh hùng Lê Mã Lương nói: “Hạnh phúc nhất là ở trận tuyến chống quân thù” thì đó cũng là tâm trạng của hàng triệu người trong đó có các giáo viên đi B. Nhớ tới hình ảnh cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam cũng như các bô lão đồng thành “Quyết đánh” ở Hội nghị Diên Hồng, ta hiểu rằng: Cứ mỗi khi đất nước bị thách thức bởi ngoại xâm thì cả dân tộc cố kết lại trong một lời thề sinh tử. Một thời “Quảng Trị vì cả nước” và “Cả nước vì Quảng Trị”. Thật có lí khi Chế Lan Viên viết: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Những giáo viên đi B đã sống với tâm trạng đó và thật háo hức trên đường ra tiền tuyến…

Hai là: Ký ức một thời đi B là ký ức về tình người. Tình cảm thì bao giờ và ở đâu cũng quý nhưng trong gian khó thì càng thêm đậm đà và ý nghĩa. Trong chúng ta, có ai không rưng rưng khi nhớ về một thời “Nhường cơm sẻ áo cho nhau trong thiếu thốn”, mang vác cho nhau trên đường hành quân, hợp sức cùng nhau trong nắng rát mưa dầm để dựng trường, mở lớp và cả những đêm khuya an ủi, động viên nhau vượt qua thách thức… Tình người sâu đậm đó đã là sức mạnh giúp mỗi chúng ta biến những gì tưởng như “không thể” trở thành “có thể” và giờ đây là những ký ức vàng chốt chặt trong lòng mỗi người. Gian khó là thế nhưng ngọt ngào cũng là thế!

Bà là: Nhớ về thời đi B là nhớ về một thời mà chúng ta đã vượt lên thách thức tự chiến thắng bản thân mình để sống và cống hiến. Thời chiến tranh lại ở mảnh đất tan nát và đau thương như Quảng Trị, khó khăn với người làm giáo dục thật nhiều khi bản thân mình khó khăn, bối cảnh khách quan cũng như bản thân công việc cũng khó khăn thì chiến thắng bản thân mình và vượt qua được những khó khăn của khách quan. Đức Phật từng nói “Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng vẻ vang nhất”. Bởi vì nó âm thầm, dai dẳng và gần như thường trực, nhưng đó cũng là sức mạnh nội sinh, là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, nhớ về một thời đi B cũng chính là nhớ về một thời vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh vậy. Hạnh phúc của người giáo viên luôn gắn với sự trưởng thành của người học. Một giáo viên Hà Nội đi B năm 1972 tâm sự: Không chỉ nhìn những người học trò đã thành đạt có vị trí cao trong xã hội một thời gắn bó, sẻ chia, giúp đỡ, hướng dẫn họ trong buổi đầu đời đầy gian khó. Lỗ Tấn đã tổng kết đầy nhân bản rằng: “Người ta chỉ thực sự sống khi sống được trong lòng người khác”. Chính với sự nỗ lực to lớn và kiên nhẫn của giáo viên đi B mà họ đã “sống được” và sống lâu dài trong lòng bao học sinh, phụ huynh và nhân dân. Là những người thầy hẳn đã hơn một lần các bạn nói với học sinh về triết lí của Ôt – tờ - rốt – sky “Đời người ai cũng có một lần chết. Vì vậy phải sống sao thật xứng đáng để không phải hổ thẹn khi nhắm mắt xuôi tay”. Rõ ràng là những giáo viên đi B đã sống thật “xứng đáng”. Nếu cần nói thêm thì đó là một thời sống đẹp. Bởi vì nguyên lí của cái đẹp chân chính là không gắn với các mục tiêu vụ lợi. Đã đi B thì không ai ra đi vì các mục tiêu vụ lợi. Do đó đây là những ngày tháng thật đẹp vậy.

Ai cũng sống trong 3 phạm trù của thời gian: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Lời chúc tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp đi B là: Hãy trân trọng giữ gìn quá khứ tốt đẹp một thời đi B để sống phong phú hơn với hiện tại và thêm một động lực để thanh thản về tương lai.

3 – Lời chúc cho các bạn đương chức hôm nay. Giáo viên đi B là những người làm giáo dục Quảng Trị ở thời gian khó, rất vui mừng và tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của Quảng Trị hôm nay. Cảm ơn các bạn đã biến không ít ước mơ ngày hôm qua của chúng tôi thành hiện thực hôm nay. Lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ mà ở mỗi thời điểm khác nhau có những yêu cầu khác nhau. Thời chúng tôi là khi đất nước còn đầy bóng giặc, điều kiện vô cùng ngặt nghèo, sự nghiệp giáo dục đang ở buổi sơ khai nhưng chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ đối với ngành. Thời các bạn đã có rất nhiều điều đổi khác nhưng tôi vẫn tin rằng có một điểm chung của hai thời kì. Còn nhớ trong buổi đầu cải tổ đầy rắc rối ở Nga, một số người hô hào xóa bỏ quá khứ thì ông Pu - tin đã nói rất đúng rằng “Ai quay lưng lại với quá khứ là không có trái tim; nhưng ai khư khư muốn giữ mãi mô hình quá khứ là người không có đầu óc”. Đúng là những mô hình, những cách thức đã từng đúng nhưng sẽ sai nếu lặp lại nguyên xi khi bối cảnh đã hoàn toàn đổi khác. Nhưng có những giá trị chung như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kì thì vẫn tồn tại như một giá trị vĩnh hằng. Đối với những người làm giáo dục, phải chăng lòng yêu Tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, trách nhiệm với người học cùng với ý chí quyết tâm và sức sáng tạo trong thực thi công vụ là điểm chung cao đẹp của mọi thời kì. Từ điểm chung tốt đẹp đó, xin chúc các bạn đương chức hôm nay hoàn thành xuất sắc “thiên chức” vẻ vang của mình.

Để kết thúc, xin trở lại với các đồng nghiệp thân yêu đã đi B của tôi. Có một chuyện từ năm 1973 mà tôi không sao quên được. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên là thầy giáo và lúc đó là Trưởng ty Văn hóa Quảng Trị. Anh nói với tôi “Từ tối mai mình đăng kí dạy lớp xóa mù ở Triệu Độ”. Tôi hỏi lí do, anh trả lời “Trên chuyến đò sáng nay mình gặp một bà cụ đã ngoài 60 đi bán hai con gà. Bà nói, bán gà để mua kính lão về học xóa mù chữ”. Rồi anh nói tiếp “Mình làm công tác văn hóa, trước cái tâm thức văn hóa quá đẹp ấy của người dân, mình thấy cần phải làm một điều gì đó thật thiết thực để đáp lại”. Quả thật từ sau ngày đó, đêm đêm anh đạp xe về dạy xóa mù chữ thật. Từ câu chuyện ấy, tôi nghĩ rằng: Không nhất thiết đời ai cũng phải lấp lánh ánh hào quang, nhưng trong đời sống ai cũng phải và hoàn toàn có thể sống hữu ích. Tôi nghĩ rằng những giáo viên đi B đã thật sự sống hữu ích cho đất nước, cho ngành, cho Quảng Trị và cả cho chính mình. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thanh thản sống trong tuổi xế chiều. Xin chúc các bạn sống vui, sống khỏe và tiếp tục làm những điều hữu ích khi có thể - Xin cảm ơn tất cả!

T.S.T 

 

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 216 tháng 09/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground