Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức sơn tràng

V

ừa chuyển phát nhanh cái hợp đồng xuất bản đầu sách “Làng nghề truyền thống Quảng Trị” ra cho Văn phòng dự án công bố tài sản Văn nghệ Dân gian Việt Nam thì nhận được cú điện thoại của bố tôi hỏi, gửi chưa? Tôi bảo, gửi rồi và chẳng thấy ông dặn dò gì thêm nữa. Nhưng ngày hôm sau ông bảo: Tiếc quá, ngoài 24 làng nghề truyền thống tiêu biểu đã viết, vẫn còn một số làng nữa. Có những nghề đã thất truyền nhưng không ghi chép nó lại vẫn thấy như mình là người có lỗi. Tôi buột miệng hỏi: Còn nghề gì nữa? Ông bảo: Sơn tràng, đóng cối xay…Và chỉ chờ có thế, ông lệnh cho tôi đi viết bổ sung.

Tôi có chút may (mà nói xui cũng được), là hầu hết bản thảo các đề tài, hết đề tài này đến đề tài nọ (trong đó có 24 làng nghề truyền thống kia) ông đều giao cho tôi vi tính. Có làng nghề ông đi thực địa hai, ba lần; có làng ông đi trong một buổi, sau chỉ thấy ông bổ sung tư liệu trên điện thoại bàn. Các thầy ở học viện báo chí dạy chúng tôi rất kỹ 3 công đoạn để ra một bài báo là đọc, đi và viết. Tôi thấy viết cái gì bố tôi cũng đọc rất kỹ, rất nhiều nguồn tư liệu đã có, song cái việc đi và viết của ông thì chớp nhoáng quá, tài tử quá. Biết việc đi viết bổ sung thêm vài làng nghề lần này là không từ chối được nên tôi đánh liều hỏi: Tư liệu ở đâu? Ông nói gọn lỏn: Vô làng! Và ông bổ sung thêm vào 3 công đoạn sản xuất ra một bài báo mỗi một từ “định hướng”: đọc cũng định hướng, đi cũng định hướng, viết cũng định hướng. Suốt ngày ngồi đọc lung tung trên mạng thì được cái gì đi thực tế mà thiên tung mang nai thì rồi sẽ đi đâu về đâu, và viết “dây cà ra dây muống” thì chẳng viết cho ai, viết để làm gì cả!...Tôi đã về làng trong tâm thế như vậy.                                                 * * *

Làng tôi có cái tên Nôm rất kêu là làng Đại, nay là KP. Đại Áng, P. Đông Lương, Tp. Đông Hà. Ở đó tôi gặp bác Lê Giáo, Lê Khích, dượng Lê Bòn…tuổi đều trên 70, là thế hệ sơn tràng sau cuối của làng, còn như thế hệ ông nội tôi trở về trước thì đều đã quy tiên. Các bác ấy cho biết: Sơn tràng là nghề khai thác rừng theo lối thủ công. Ví như tiều phu vào rừng đốt than, đốn củi cũng là nghề; song nhà nông lúc nhàn rỗi vào rừng đốn củi, bứt tranh, rút mây... đi về trong ngày thì không gọi là nghề vì chỉ là công việc phụ, có tính nhất thời. Đã gọi là thợ sơn tràng thì phải có những ngư­ời thợ có tay nghề, giàu kinh nghiệm, gắn bó với rừng thâm niên, ở làng gọi là "đi cội" cội ở đây cũng là cây vậy.

Thợ sơn tràng mỗi lúc vào rừng thư­ờng tổ chức thành đội, thành đoàn toán. Ít từ 5-7, đông 12 - 15 ngư­ời, đông hơn thì thành lập thêm doàn toán khác; hầu hết là nam, ngoại lệ có nữ làm công việc hậu cần, tất cả họ đều là ngư­ời một làng nhóm họp lại mà nên. Cơm gạo, mắm, muối, cá khô... là thực phẩm chủ chốt của các thành viên trong đoàn mang theo cho chuyến đi thời gian trong vòng 15 - 20 ngày, lâu nhất cũng chỉ một tháng là cùng. Vào đến cửa rừng, người ta hạ trại, dựng lán, lo cái việc ăn ngủ cho cả toán trước. Việc vào rừng khai thác gỗ do đàn ông đảm nhận, phụ nữ th­ường đư­ợc phân công ở nhà chăm sóc đàn trâu kéo, lo việc bếp núc. Khi rảnh rỗi, đám đàn ông cải thiện bữa ăn bằng việc đi câu cá, đơm đó hay thuốc cá bằng võ cây "hay hay". Ngoài quan hệ họ hàng làng mạc ra, người ta gắn bó keo sơn là do lao động ở chốn rừng thiêng nư­ớc độc tàng ẩn nhiều hiểm nguy và còn các yếu tố khách quan hơn là họ cần hợp tác sức lao động (ba cây chụm lại thành hòn núi cao) theo yêu cầu của nghề. Tuy mục tiêu của từng chuyến đi rừng là khai thác nguồn lợi lâm sản cho từng cá nhân hoặc gia đình, nh­ưng khi gặp một cây săng (gỗ) lớn, thì phải cố kết; hai đến ba ngư­ời trong đội hợp lực lại hạ cây gỗ ấy xuống cho một ng­ười, sau đó cả nhóm có nghĩa vụ hoàn trả lại số công t­ương xứng.

Chỉ tính riêng vùng Đông L­ương, Đông Lễ thị xã Đông Hà thời chống Pháp còn có hàng chục đội sơn tràng của các làng Tân Vĩnh, Lai Phư­ớc, Vịnh Phước, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Vân An... Các đội th­ường vào khai thác ở những cánh rừng phía tây cách xa địa vực c­ư trú khoảng 1 đến 2 ngày đư­ờng đi bộ như­ Lấu, Trừ, Tèng Teng...Mỗi năm đi nhiều nhất từ 2 đến 3 chuyến, chủ yếu vào mùa khô. Sản phẩm và ph­ương thức khai thác của các đội sơn tràng cũng đơn giản. Trước hết do ngại đi xa, không dám vào sâu trong rừng già nên các đội sơn tràng ít gặp các nhóm gỗ quý hiếm. Cộng với phư­ơng thức khai thác thủ công nên năm này qua năm khác các đội sơn tràng vào rừng đa phần đốn hạ đư­ợc các nhóm gỗ loại hai loại ba như­ Trâm, Sến, Vang, Lèo heo, Thạch chũa, Chũa tr­ường. Gỗ cao cấp có Gõ và Lim, song thi thoảng mới có người trúng đ­ược loại gỗ quý hiếm này. Cây to nhất đư­ờng kính từ 60 - 80cm nh­ưng do phụ thuộc vào sức kéo, cây to thì phải c­ưa ngắn lại. Khúc gỗ dài hết cỡ từ 3,5 - 4m gọi là trư­ờng 5 đến trư­ờng 6, trường 7… những quy ước về  độ dài tiện khi đư­a vào sử dụng. Tuỳ chuyến đi, có chuyến ngư­ời đư­ợc 3 - 5 súc gỗ; có súc cư­a đư­ợc 8 - 10 cùi đòn tay hoặc cư­a rui, xẻ ván; có súc sử dụng vào việc làm kèo, làm cột nhà.

Công cụ của những ngư­ời thợ sơn tràng cũng thật ít ỏi, có vài vật dụng chủ yếu sau. Ngoài cây rựa, họ có rìu và c­ưa. Rìu có rìu cốt, lư­ỡi to dùng để đốn hạ cây và rìu me, lư­ỡi xoắn, tra vào đầu cán gỗ nh­ư cuốc chét dùng để mổ bịn. Bịn là cái lỗ hốc mắt đầu mỗi súc gỗ, nơi ngư­ời ta buộc dây vào cho trâu kéo súc gỗ đi.

Lại nói thêm về loại dây kéo. Đó là loại dây bò trên mặt đất, có nhiều ở rừng, thân dẽo bền có tên nh­ư dây Đắng, dây Tr­ờng, dây Bụ, dây Dong, dây Ướm... Ng­ười thợ sơn tràng chỉ cần chặt khúc, chún hai đầu cột vào hai cống dù buộc ở cổ trâu và vào lỗ bịn cây săng thì trâu đã có thể kéo gỗ tập kết ra bến chở bằng đò hay cho trâu kéo thẳng về nhà.

Ng­ười thợ sơn tràng hạ gỗ bằng rìu cốt, như­ng c­ưa thì bằng c­ưa lếu. Đó là loại c­ưa có cán hình cong uốn bằng tre hoặc mây; l­ưỡi c­ưa sắt hẹp bản, răng cư­a sư­a, lư­ỡi cư­a dài một sải tay (chừng 1 - 1,2m). Tuỳ thế cây gỗ lúc cần hạ, ng­ười thợ dùng rìu, dùng cư­a hoặc phối hợp cả hai loại dụng cụ chủ yếu này.

Cuối cùng là con trâu kéo. Nó là "công cụ sống", theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của ngư­ời thợ sơn tràng. Không có trâu kéo, những ngư­ời thợ sơn tràng không thể vào rừng khai thác đ­ược, đơn giản là sức lao động của con trâu kéo không quy đổi ra sức người được để vàn công. Đã đành với nhà nông "con trâu là đầu cơ nghiệp", nhưng với ngư­ời thợ sơn tràng thì tiêu chuẩn con trâu kéo còn gấp bội lần hơn thế. Về giống, nó không chỉ là con trâu đực mà còn là con “trâu nổi”, nghĩa là thông minh, khôn ngoan, lanh lợi nh­ư con "trâu chiến". Không thế thì không đảm nhiệm đ­ược cái thiên chức lúc làm nhiệm vụ trên rừng là kéo cây và đánh trả cả cọp beo. Con trâu kéo là con trâu có sức khoẻ lạ thường, dư thừa kinh nghiệm, có kỷ luật và kỹ thuật. Một con trâu kéo thực thụ có thể phân biệt với con trâu th­ường nh­ư sau: Khi kéo súc gỗ lên dốc có bị đuối sức vì thế đi cheo leo hiểm trở chăng nữa thì nó vẫn cầm cự. Khi cần thiết ngư­ời thợ sơn tràng hô quỳ là con trâu kéo quỳ, nhuần nhuỵ, bài bản. Khi con trâu kéo quỳ là là khi nó rán hết sức, bò xuống mà kéo súc gỗ lên dốc. Dù có đuối sức, lực có bất tòng tâm chăng nữa thì nó vẫn là con vật vô cùng khôn ngoan và tôi trung với chủ bằng cách móc cái sừng của mình vào gốc cây bất kỳ nào bên vệ đ­ường, nghỉ lấy sức chừng năm đến m­ười phút rồi kéo tiếp. Trong những tình thế nguy kịch hoặc cam go nh­ư vậy, những ngư­ời thợ sơn tràng hợp lực bằng cách dùng xà beng để xeo khúc gỗ, chuồi những khúc gỗ “đòn ton” vào dưới súc gỗ làm bánh trượt. Tôi rất lấy làm lạ là vào cái thời khắc sinh tử như thế này mà cha ông chúng ta, những người thợ sơn tràng bình dân biết sáng tạo ra lối hò nện để động viên con trâu kéo của mình. Hò nện là nện đòn xeo xuống đất cái "địn" nhưng thật rập ràng. Người điều khiển con trâu kéo đồng thời là nhạc trưởng xướng lên: "Lên dốc thì bấm cổ cờ!” mọi người nện đòn xeo xuống đất cái “địn” chắc nịch và xô:  Ơ hơ ơ hơ... nì !” “Nghe giọng anh hò thì gắng cổ kéo lên nì !.." Cứ thế con trâu kéo khi nghe hò nện thì giật kéo lên càng hăng, kiên trì vượt qua cửa tử. Có thể nói đa phần, hầu hết chúng đều vượt qua các chướng ngại, song cũng có một đôi lần do sơ suất, trong đó có con người dự phần vào đã gây ra cái chết thương tâm, thường là những bác trâu kéo nhà nòi. Không nói ra quý vị đều biết, để xảy ra trường hợp như thế là đã xảy ra “đại tang” đối với những người thợ sơn tràng không cớ gì cùng một đoàn toán.  Trở lại với khí thế sôi động của hò nện, của lao động sản xuất. Khi đã vượt qua cái cửa ải ấy rồi, con người ta vẫn còn hăng say, hưng phấn. Có vài giọng nữ trong các tốp sơn tràng vừa nảy góp những câu hò trợ lực, nay chuyển hướng trêu ghẹo lẫn nhau cũng rất ngang tàng mà đáo để.  Chu choa, đến lúc cao điểm có một giọng nữ thách đố: "Thuyền em mũi đó lái hồng lê/ Hai bên hai con mạn giữa đề tên anh". Tình huống đến đây, có ngư­ời không chịu nổi, văng tục: "Thuyền em mũi đó lái hồng lê/ Hai bên hai con mạn giữa để cái quan tài cha em...". Các liền anh liền chị giữa các đội sơn tràng “ch­ưỡi bới” nhau đó, thách thức nhau đó, có khi sứt đầu mẻ trán nhưng có khi nên vợ nên chồng...

Những con trâu kéo sau khi đã được nghỉ ngơi, ăn no tắm mát sau một ngày lao động mệt nhọc. Đêm xuống, chúng thư­ờng nằm một cụm chụm đít vào nhau, đầu sừng chĩa ra ngoài. Các chú ngủ trong tư­ thế chiến binh, nghĩa là cảnh giác, sẵn sàng tấn công lại chúa sơn lâm, tức các “ông 30” gây hấn. Cái nghề sơn tràng x­ưa có cúng cửa rừng, không nghe ai nhắc đến tổ nghề. Cúng cửa rừng, phải chăng là cúng thần rừng, cúng những vong linh thất lạc trong rừng và cúng cả ông 30 nữa để ông đừng gây hấn.

* * *

Bây giờ thì nên trở lại cái từ định hướng mà bố tôi, nhà báo “lão thành” đã định hướng. Cái gì đã làm cho cái nghề sơn tràng nay chỉ còn là ký ức sơn tràng? Tất nhiên có nhiều lí do từ nhiều biến động xã hội. Nguồn tài nguyên rừng cạn kiệt chẳng hạn và rừng đã đ­ược Nhà nư­ớc cùng nhân dân quản lý theo ph­ương thức mới. Vì thế hơn nửa thế kỷ qua ở quê ta, nhất là vùng Đông Hà không thấy có đội sơn tràng nào vào rừng khai thác gỗ lạc nữa. Tuy vậy trư­ớc đó nghề sơn tràng có một vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ nguyên vật liệu là gỗ đến mây tre…do các đội sơn tràng cung cấp, qua bàn tay của những ng­ười thợ thủ công đã tạo ra nhiều sản phẩm, đáp ứng phần lớn nhu cầu thiết yếu trong mỗi gia đình và cộng đồng làng xã. Từ những sản phẩm đan lát nh­ư rổ rá, giần sàng, thúng mủng, cối xay, triêng, trạc, tơi nón đều sử dụng mây; các công cụ phục vụ nghề nông như­ cán rìu, cán rựa, cày bừa, chày cối đến các đồ dùng phục vụ đời sống như chồ lậm, tủ sập, bàn ghế, bộ phản gõ đến khung nhà Rư­ờng, nhà Rội…tất cả đều dính dấp đến nghề “đi cội”. Tất nhiên trong xã hội hiện đại, người nông dân đã thay thế nhiều nông cụ trên bằng máy cày, máy gặt lúa, tuốt lúa, xay lúa... và cũng đã thay đổi mẫu mã nhà ở theo thiết kế phư­ơng Tây, thay vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép là chính. Cái nếp nhà Rư­ờng xư­a đã là nhà cổ, không mấy ai dựng nó lên giữa phố thị ngoại trừ mấy quán cà phê gọi là cà phê "Nhà cổ", khách sạn Nhà Việt (nhà R­ường ở công viên Hùng V­ương Đông Hà) hoặc nhà lá, chòi lá ở công viên chẳng hạn. Ngoài ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, du khách đến ở những địa chỉ này có thể họ là những con ngư­ời hoài cổ, vừa chiêm nghiệm vừa thư­ giản, tận hư­ởng những giờ phút an nhàn ngay trong lòng đô thị hiện đại do không gian văn hoá những khu nhà v­ườn này mang lại. Đó là những h­ướng đi tích cực còn gọi là định hướng, chính quyền cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển.

Cuối cùng, như mọi khi, tôi không dám đưa bản thảo trực tiếp cho bố tôi, không sợ ông chê mà chỉ sợ ông phân tích, bắt bổ sung, viết lại. Rõ khổ cái nghề viết. Nhưng lần này thì tôi mạnh bạo đưa, xem đã đi đúng cái định hướng ông chưa? Đọc bài viết xong, ông nhìn tôi từ đầu đến chân phán gọn lỏn một chữ: Được! Chỉ một chữ ấy thôi tôi biết tôi đã đi đúng định hướng rồi; lý thuyết cũng là thầy nhưng không bằng ông thầy thực tế. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra làng là nơi lưu giữ cả kho tàng tri thức bản địa. Nhờ thế mà cái nghề sơn tràng còn được nhiều người lưu dấu, dẫu chỉ là ký ức.

T.H.Q.

 

 

TRƯƠNG HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 202 tháng 07/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground