Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội ném cù ở làng Cẩm Phổ

T

ừ huyện lỵ Gio Linh đi về phía Đông Bắc khoảng 6km là địa giới xã Gio Mỹ, một xã nghèo, thuần nông tọa lạc trên vùng đất cát trắng, địa hình trũng thấp, khó phù hợp với các loại cây trồng, nơi đây làng mạc thưa thớt, dân cư không đông như ở các vùng nông thôn khác. Làng Cẩm Phổ là một trong những địa phương của xã, phía Nam nối liền với làng An Mỹ, phía Bắc nối với làng Thủy Khê, phía Đông giáp với làng Cang Gián và phía Tây giáp với xã Gio Phong. Diện tích làng chỉ vẻn vẹn khoảng 4km2, có hai xóm chính: Xóm Ao Vô và xóm Ao Ra (còn gọi là xóm trong và xóm ngoài). Con em làng Cẩm Phổ, li tán đi làm ăn sinh sống khắp nơi cả trong nước, bởi ở địa phương không có việc làm thường xuyên đối với họ. Hàng năm, đến những ngày lễ lớn của đất nước hoặc tết cổ truyền thì lại về đoàn tụ với gia đình, bạn bè, bà con lối xóm. Điều đáng trân trọng là dân làng nơi đây đã giữ được nét truyền thống về các trò chơi dân gian mà cách đây khoảng 400 năm trước, từ khi mới hình thành địa danh này đã được các bậc tiền bối tạo dựng và duy trì, đặc biệt có lễ hội quăng hòn (còn gọi là ném cù) được nhiều người biết đến và nhiều trò chơi khác nữa…

Tương truyền rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng ông bà lão không biết từ đâu đến sinh sống bên gốc đại thụ ở đồi cát hiện nay của làng, họ không có con nên rất thích chơi đùa với bọn trẻ chăn trâu, chăn bò tại vùng này. Mỗi lần cho quà bọn trẻ, ông bà thường tung cao lên trời để chúng tranh nhau cướp nhặt. Ông bà tốt bụng này cũng thường bày cho bọn trẻ những trò chơi chia phe cướp quà hấp dẫn khác. Như vậy, có thể trò chơi ném cù của làng Cẩm Phổ được bắt nguồn từ đó và sau này trở thành ngày hội đầu xuân của làng.

Cồn cát trắng nguyên sơ ngày xưa, tên là Đôộng Rai hoặc Bãi Quăng Cù, nơi đây chính là địa điểm diễn ra các lễ hội vào đầu năm mới. Ngày nay chỉ còn trò chơi ném cù còn tồn tại duy nhất. Hàng năm đúng vào trưa ngày 07 tháng giêng Tết nguyên đán, lúc qua khỏi giờ ngọ, dù trời mưa hay nắng, nóng hoặc rét thì lễ hội cũng không thể trì hoãn, đây lại là thời gian nông nhàn, người làng còn rảnh rỗi nên tổ chức vào thời điểm trên là phù hợp

Để chuẩn bị cho hội ném cù, từ những ngày trước đó, dân làng đào một cây chuối sứ già để lấy gốc cứng nhất gọt tròn, nhẵn, tạo thành một quả bóng đặc, đường kính khoảng 20 x 20cm, trọng lượng khoảng 3kg, cho vào trấu nướng lùi tạo nên độ mềm, khô mủ và có độ đàn hồi để tránh nguy hiểm trong khi va chạm với cơ thể con người, xong gói giấy màu đỏ cẩn thận đặt lên bàn thờ tổ cúng cầu phúc, cầu lộc.

Vào sáng ngày 07 tết, các cụ bô lão và các chức sắc có uy tín của làng mặc trang phục của lễ hội chỉnh tề tiến hành làm lễ dâng hương cúng tế trời đất, cúng bái ở miếu âm hồn, cầu xin cho dân làng năm mới được mạnh khỏe, phát tài, phát lộc, tình làng nghĩa xóm được trọn vẹn, đoàn kết keo sơn… Sau đó lại về miếu tổ gần bãi ném cù làm lễ cầu nguyện mong cho bà con nông dân có mùa vàng bội thu, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm, con dân của làng học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài phát lộc… và cầu cho thành công, hiệu quả, an toàn. Lúc này, quả cù cũng được đặt cùng với những lễ vật khác. Các cụ theo truyền thuyết mà tin tưởng rằng: Nếu quả cù được ném lọt vào sọt của đội mình thì năm đó dân làng được mùa, làm ăn khá giả, thuận lợi đủ điều.

Bốn dãy cờ phướn đủ các màu sắc cắm xung quanh cồn cát tạo nên một vành đai làm ranh giới của sân thi đấu, trong sân không có vạch ngăn cách của hai phần sân, các cầu thủ chính là thanh niên, trung niên của hai xóm trong làng, cứ huy động được càng nhiều người càng tốt, không kể tuổi tác, không cần phân biệt màu áo, không cần có ký hiệu riêng cho hai phe nhưng họ vẫn biết được người nào của đội nào, bởi vì đây chỉ là con em trong địa phương nên đã quen mặt nhau rất rõ. Số người của mỗi đội không tính là bao nhiêu nhưng thường thì trên sân có khoảng 150 người, lúc đông nhất lên tới 250 - 300 người. Điều đặc biệt, nếu người đang chơi vì một lý do nào đó không thể tiếp tục được, thì người ngoài có thể nhảy vào thay thế ngay lập tức.

Hai đầu sân là hai cây tre được cắm sâu xuống cát, chiều cao khoảng 5 - 6m, được buộc giỏ đan bằng tre, miệng và thân giỏ có đường kính khoảng 40cm treo trên cao và trên đỉnh cây tre cắm cờ Tổ quốc. Hai giỏ tre của hai cột sẵn sàng hứng quả cù của phe mình ném vào, trong lúc ném thì phe kia rung chuyển cây tre để quả cù không thể lọt vào trong giỏ, còn phe kia cũng làm ngược lại, họ cứ giành giật nhau, đuổi nhau, ngăn cản nhau, chặn đường để cướp được quả cù như chơi bóng rổ. Công việc khó khăn nhất là đưa được quả cù vào trong giỏ đội mình, cứ như thế, hết phần sân nầy rồi lại phần sân kia, có lúc phải chạy ra khỏi vùng giới hạn để thoát khỏi vòng vây của đội bạn. Một nguyên tắc tuyệt đối là khi chuyển cù cho đồng đội, chỉ được ném ngang hoặc ném tới, không được ném lui, vì sợ sẽ trúng vào mặt người khác gây nguy hiểm. Rất nhiều người bị ngã lộn nhào hoặc bị ngã đè chồng lên nhau nhưng không việc gì, bởi nhờ lớp cát mềm và dày nên rất an toàn, chỉ sợ cát bay vào mắt khó chịu mà thôi.

Cuộc chơi được diễn ra trong ba hiệp đấu, mỗi hiệp khoảng 30 phút. Giữa mỗi hiệp chỉ nghỉ khoảng 5 phút rồi lại tiếp tục ngay, hiệu lệnh bắt đầu chơi là ba hồi trống sau khi tế lễ xong ở miếu thờ thần làng. Một tiền lệ đặc biệt là trong ba hiệp đấu đó, nếu có hiệp nào mà quả cù đã được ném vào giỏ thì coi như bàn thắng vàng và dừng ngay cuộc chơi tại đó. Từ khi phát hiệu lệnh cho đến hồi kết thúc luôn có thuyết minh kèm theo do một cán bộ văn hóa của làng đảm nhận. Thỉnh thoảng xen vào lời khen ngợi các vận động viên có lối chơi đẹp, chơi tốt, nhắc nhở tránh bị chấn thương hoặc không được ra khỏi ranh giới của sân đã được ấn định. Điều đặc biệt ở đây là không có sự thù hằn, trả đũa hoặc đánh lộn nhau gây mất đoàn kết trong thôn xóm. Trong các hiệp đấu, mọi phương tiện qua lại trên khu vực này đều phải tạm ngưng, chỉ trừ ra những công việc cấp bách cần phải
thực iện.

Đại biểu của huyện, xã, những làng lân cận và các vị bô lão cùng khách mời được ngồi ở một vị trí thuận lợi, dưới bóng cây râm mát để xem và cổ vũ, còn khán giả thì tự do, không cần có vị trí định hình như các sân vận động. Những tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng hòa cùng với tiếng trống giục rộn rã để động viên cho cả hai đội trong quá trình thi đấu.

Suốt cả cuộc chơi, tuy không có trọng tài như các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... , không có luật lệ riêng, không dùng còi làm tín hiệu và cũng không có lễ khai mạc, bế mạc trịnh trọng nhưng rất trật tự, cao thượng, đoàn kết. Nếu kết thúc trận đấu, có bên thắng cuộc thì giải thưởng cho đội thắng rất đơn giản, chỉ là một khoản tiền ít ỏi để uống nước hoặc món quà nhỏ của bà con nông thôn như mứt, bánh, hoa quả... Các cụ trong làng kể lại rằng ngày xưa thì khác, giải thưởng khoảng 8 quan tiền, trị giá bằng một con trâu. Tuy vậy, sau cuộc chơi, cả hai đội đều được làng mời uống những ly rượu nồng để lấy lộc đầu xuân và những cái bắt tay thân thiện, vui vẻ.

Một trò chơi chỉ diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ nhưng sự chuẩn bị thì rất công phu, chu đáo, chủ yếu là các vị bô lão của làng phải lo liệu từ những ngày trước đó, rất nhiều bà con, người thân của làng đi làm ăn, sinh sống ở khắp nơi về thăm quê, đoàn tụ gia đình trong dịp Tết đã đến chia vui và ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần cho ban tổ chức hội cù.

Hội ném cù dân gian truyền thống của làng Cẩm Phổ không đơn thuần thể hiện tinh thần thi đấu thể thao, thượng võ của vận động viên mà còn mang ý nghĩa cùng với các trò chơi dân gian truyền thống khác trên đất Quảng Trị. Sau khi kết thúc, các đại biểu, khách mời cùng khán giả ra về, còn lại các vị bô lão, cán bộ thôn cùng ngồi lại rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn cho hội cù năm sau. Hy vọng rằng những trò chơi dân gian này mãi mãi được bảo tồn và phát huy. Để lưu giữ bản sắc văn hóa của một làng quê và tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên đã dày công tìm kiếm, sáng tạo, sắp đặt.

H.T.T

HỒ THANH THOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 235 tháng 04/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground