Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội rước hến ở làng Mai

Mai Xá là một làng thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh được hình thành khá lâu đời trên vùng đất Quảng Trị. Ở đây có đủ các yếu tố tiêu biểu của một làng quê Việt Nam như: dòng sông, con đò, phiên chợ, cây đa, bến nước, đình làng... Do toạ lạc trên một vùng đất có nhiều cồn bãi, giữa một đồng bằng mênh mông, Mai Xá thuận lợi về giao thương đường thuỷ và khai thác nuôi trồng thuỷ sản.
 

Làng có 99 cái cồn lớn nhỏ như: Cồn Hội, Cồn Mâm, Cồn Tiểu, Cồn Dôn, Cồn Đôống, Cồn Soi, Cồn Dài, Cồn Đôi, Cồn Chùa, Cồn Mũi Viết... Truyền thuyết ở đây kể rằng: Ngày xưa có bầy chim hạc một trăm con từ trên núi bay về, khi hạ cánh xuống làng Mai Xá, chín mươi chín con đổ xuống chín mươi chín cái cồn. Do thiếu một cái cồn mà con hạc còn lại không có chỗ hạ cánh khiến cả đàn bay về phương Nam, đổ xuống làng Thế Lại, vùng đất hai bờ sông Hương, về sau nơi này trở thành kinh đô Huế.

Trở lại Mai Xá, từ một vùng đất có nhiều cảnh quan đẹp, làng Mai Xá còn có những lễ hội truyền thống được hình thành khá sớm như hội Rước hến, hội Đua thuyền, Chèo cạn làng Mai... Đến nay các lễ hội đó đều được giữ gìn và phát huy trở thành những sinh hoạt văn hoá dân gian, được tổ chức hàng năm vào các dịp ngày lễ, ngày tết, cuốn hút nhiều vùng tham gia. Hoạt động đó góp phần làm phong phú thêm truyền thống và bản sắc văn hoá những làng quê Việt Nam trên đất Quảng Trị. Để sưu tầm nghiên cứu giới thiệu cùng bạn đọc chúng tôi lần lượt đề cập đến các phong tục lễ hội tiêu biểu của làng Mai Xá.

Hội rước hến

Nằm ở vùng hạ lưu bắc sông Hiếu cách cảng Cửa Việt chừng 5 cây số về hướng Tây, làng Mai Xá có nghề cào hến khá lâu đời. Thời chiến tranh, từ năm 1975 trở về trước, con hến lấy được chỉ đủ làm thức ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Bởi do địch cấm không cho làm nghề. Chúng sợ người cào hến trên sông lợi dụng đặt thuỷ lôi đánh tàu. Người bán hến rong dễ đưa thư liên lạc cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con từ các trại tập trung trở về xây dựng lại cuộc sống. Việc khai thác tài nguyên nói chung và nguồn lợi thuỷ hải sản nói riêng rất được chính quyền địa phương khuyến khích và tạo điều kiện các mặt như: cho vay vốn phát triển ngành nghề, hướng dẫn kỹ thuật, bảo vệ nguồn lợi nuôi trồng, khai thác, chế biến. Người thích ăn con hến không chỉ giới hạn ở địa phương mà sản phẩm còn đưa sang tiêu thụ tại tỉnh Savanakhẹt của nước bạn Lào. Bà con buôn bán hến của làng Mai Xá còn vào tận từng nhà của người Lào hướng dẫn họ cách luộc con hến sống như thế nào để lấy được nhiều mặt. Phương pháp chế biến các món ăn ngon, hợp khẩu vị như canh hến, bún hến, cơm hến, hến xào, hến xúc bánh đa... nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ đã đưa mức thu nhập của người làm nghề hến khoảng một triệu đồng người/tháng những năm trước, sau tăng lên một triệu năm trăm ngàn đồng. Đây là mức thu nhập cao so với sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ăn nên làm ra từ con hến đã thu hút nhiều người tham gia đã tạo cho Mai Xá trở về với làng nghề truyền thống thực thụ.

Uống nước nhớ nguồn, hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, làng tổ chức lễ hội rước hến. Lễ được tổ chức tại vịnh nước sâu nơi con hến sinh nở. Từ đây, con hến được rước về toạ lạc ở khúc sông trước đình làng, nơi lòng sông rộng, cát mịn bằng phẳng dễ cho khai thác quanh năm. Ở đây có hai con sông lớn là Thạch Hãn và sông Hiếu từ thượng nguồn đổ về cách làng chừng cây số, hai con sông trên nhập thành một gọi là sông cái. Vào tháng chín, tháng mười hàng năm nước sông ngọt, con hến những nơi khác hầu như bị triệt tiêu chỉ để lại bộ vỏ. Riêng đoạn sông cái gần làng con hến sống sót. Bởi mực nước ở đây sâu hơn, đáy sông phẳng, cát mịn, nước dưới đáy có độ mặn, thích hợp với môi sinh. Yếu tố này đã giúp con hến tồn tại, sinh sản phát triển.

Vào mùa đông, dân làng tạm dừng khai thác hến. Lúc này tiết trời lạnh, người làm nghề không thể ngâm mình dưới nước sâu hàng giờ, mặt khác, con hến cũng ít lại. Chờ lúc sang xuân, trời đất ấm dần, khoảng hạ tuần tháng giêng công việc lại bắt đầu khởi sự. Theo thông lệ của làng, bất cứ ai làm nghề gì đều có lễ cầu may. Cào hến là nghề trên sông nước, tuỳ thuộc vào trời đất thiên nhiên, rủi may vô thường, do đó mà lễ hội rước hến rất được những người làm nghề quan tâm. Sau tết Âm lịch vào mùng sáu tháng giêng hàng năm, các thành viên trong làng lại đóng góp tiền của, lễ vật để chuẩn bị cho tổ chức lễ hội rước hến.

Lễ để cúng dâng trời đất, cầu cho mưa thuận gió hoà, sông nước yên bình, con hến sinh sôi nảy nở, năm mới nhiều hơn năm cũ đặng giúp kẻ nghèo có cái nghề sinh nhai. Còn hội là để giải trí đối với người đang sống làm nghề, đồng thời mua vui với những vong hồn rủi ro trận mạc trên sông nước, đắm ghe, đắm tàu mà khuất lấp thân xác không tìm về được.

Lúc đầu, do nặng về tâm linh, bà con chú trọng phần lễ nhiều hơn. Nhưng càng về sau, đặc biệt là sau ngày quê hương giải phóng, càng chú ý đến phần hội. Hội rước hến diễn ra không chỉ quy tụ những người làm nghề tham gia mà còn cuốn hút hàng trăm khán giả hâm mộ từ những nơi khác đến. Trước lễ diễn ra một ngày, tức ngày rằm tháng Giêng, vào buổi tối tại đình làng có lễ yết, lễ yết chỉ có nhang đèn trầu rượu. Lễ này do ông trưởng làng và người chủ hội đứng ra cáo xin thổ thần. Sáng ngày 16 chính thức đi vào hội. Ngay từ sáng sớm tại bến sông đình làng, hàng chục chiếc thuyền nan được trang trí cờ hoa rực rỡ đến đỗ sẵn. Mỗi thuyền cơ cấu ba người, một chèo lái, hai người hai bên chèo chầm. Họ ăn vận đủ sắc màu, giống những người tham gia các đội múa đồng náp ngày xưa trong các lễ hội cung đình. Những người tham gia đầu chít khăn xanh cùng màu với cỏ cây sông nước. Khi xuất phát, họ bơi thuyền thành hàng dọc ngược lên mạn phía Tây làng hơn cây số, dừng lại chỗ hai con sông gặp nhau, địa phương gọi là sông Bời Bời, đây là cái nôi con hến sinh nở và là nơi tổ chức lễ rước hàng năm.

Vào lễ, phần lễ được bày trên cái chòi dựng sẵn giữa dòng sông cách mặt nước chừng một mét, tả, hữu hai bờ khoảng cách ngang nhau. Cái chòi chia làm hai bậc. Bậc thượng có mâm xôi gà, mâm ngũ quả, bình hoa tươi, nhang đèn, trầu rượu và ba cốc nước lã, nước mưa được hứng giữa khoảng không cất vào chai những ngày trước đó. Đây gọi là lễ cúng dường tam thế. Bàn hạ có mâm cơm ba bát, trầu rượu nhang đèn, hạt nổ, muối, gạo, giấy vàng mã, áo binh và ba đĩa cá tôm nướng. Thứ này cúng những vong hồn phiêu tán. Trước khi vào lễ, các thuyền tham dự xếp thành hình bán nguyệt quanh cái chòi. Riêng phía núi không có thuyền đỗ, bởi đấy là hướng tế. Lễ tế bắt đầu bằng ba hồi chiêng trống báo hiệu. Tiếp đó là tiếng dàn trống con ba cái cùng đánh, âm thanh vang vọng khắp dòng sông. Cuối hồi thứ ba thì dàn kèn bóp ba cái gióng lên hoà âm cùng một điệu Nam khách nghe thật bi tráng. Phần nhạc kéo dài chừng năm phút thì dừng lại. Người chủ lễ đầu đội mũ có tai, mặc áo tay rộng màu xanh đứng lên đọc bài điếu cúng, giọng đọc trầm hùng, thỉnh thoảng chiêng trống điểm vào đoạn cuối câu. Khi tuần rượu thứ ba kết thúc, một hồi chuông trống kéo dài. Lúc này, dàn kèn dàn trống lại hoà âm với điệu Nam khách, Bình bán. Các thuyền dự hội chuyển động lướt nhẹ theo hình vòng tròn, nhịp chèo khoan thai, đi quanh cái chòi ba vòng. Vừa chèo họ vừa thả hương thả hoa được kết thành từng bè nhỏ xuống dòng sông và hát dân ca với điệu hò Đưa linh.

Dòng là dòng sông xanh

Sông xanh bốn mùa ư... hư...

Ngày lại ngày trên dòng sông thấm lạnh ư... hư...

Trời đất thiêng sinh con hến nuôi ta

Dân đào tản về nơi này sinh sống ư... hư...

Hò là hò ơ khoan ơ khoan ơ hò ư... hư...

- Về bến mới hến cùng dòng sông nhỏ

Nơi phù sa mát rượi quanh năm

Mong trời đất hãy thương người khốn khó

Hò là hò ơ khoan, ơ khoan ơ hò ư... hư...

- Dòng là dòng sông thương

Tay khua mái chèo ư... hư...

Thạch Hãn đó, đây dòng xanh sông Hiếu

Ngọn nguồn xa nước đổ về khơi

Nhân duyên gặp sinh thành con hến

Hò là hò ơ khoan - ơ khoan ơ hò ư... hư...

- Người xa khuất về lại miền sông nước ư... hư...

Để âm dương cùng hoà hợp bên nhau

Rước con hến về lại mùa sinh nở

Hò là hò ơ khoan - ơ khoan ơ hò ư... hư...

Đoàn thuyền bơi cuối vòng thứ ba xếp thành hàng dọc trở lại ở bến sông đình làng nơi xuất phát. Đi đầu là thuyền của ban lễ hội, thuyền được trang trí khá đẹp, còn gọi là thuyền hoa. Mũi thuyền có dựng tấm pa-nô bằng vải vẽ hình con hến. Trên bàn lễ có ba mớ hến sống đựng trong ba chiếc rá mới bằng tre. Những con hến được trai làng khoẻ mạnh giỏi lặn xúc từ vùng nước sâu nơi con hến sinh nở trước đó. Đoàn thuyền thong thả bơi. Người trên thuyền múa hát theo điệu Kim tiền, Lưu thuỷ hoà quyện trong giọng đàn nhịp trống. Thuyền bơi vài ba mét ông chủ lễ lại bốc một nắm hến rải xuống lòng sông, cứ như vậy cho đến khi về đến bến sông đình làng. Đây gọi là “gieo giống” mùa sau.

Khi đoàn thuyền cặp bến có cúng lễ “hoàn rước”. Lễ hoàn rước kéo dài chừng mười phút, chuyển sang phần hội.

Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian được tổ chức dưới nước, gọi là ngày hội “âm dương giao hoà”. Các trò chơi như: đua thuyền, kéo co, đô vật, thi bơi, thi lặn, đi cầu khỉ, đập om, nhảy bao bố, bắt vịt trên sông ... Tất cả đều diễn ra trong không khí hội hè náo nhiệt.

Qua Lễ hội rước hến ở làng Mai cho thấy đó là một nét đẹp về văn hoá. Bởi nó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của từng lớp cần lao qua nhiều thế hệ.

Rằng con người luôn biết ơn trời đất đã ban phát cho mình thứ sản phẩm ít nơi nào trong vùng có được. Vẫn biết con hến sinh ra là do một quy luật sinh tồn tự nhiên theo tháng, theo mùa và độ mặn ngọt của nước, của môi trường sinh thái ở những khúc sông. Song khi đã ăn nên làm ra từ nguồn lợi nào, con người luôn có ý nguyện báo công với tiền nhân, tổ nghề, chia sẻ buồn vui với những người đang sống và tưởng nhớ những người đã khuất trên sông nước.

V.M.T

Vũ Mạnh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 129 tháng 06/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground