Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lê Thế Vỹ - Một tấm lòng son

       Sau hàng loạt Hiệp ước bán nước ký kết giữa Triều đình nhà Nguyễn với giặc Pháp, ngày 6 – 6 - 1884, Hệp ước Pa-tơ-nốt - Hiệp ước cuối cùng dâng nước hoàn toàn cho thực dân Pháp được ký kết.

Tuy nhiên, một số triều thần trung nghĩa bất khuất vẫn mưu đồ chống giặc giữ nước. Đứng đầu là Tôn Thất Thuyết - sau cuộc tập kích vào đồn quân đội Pháp đóng tại Mang Cá đêm mồng 4 – 7 - 1885 bị thất bại, Tôn Thất Thuyết đã phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở ở vùng Cùa để lập căn cứ kháng chiến lâu dài.

Nơi đây, nhà vua đã hạ chiếu truyền hịch “Cần vương”. Tầng lớp sĩ phu và nhân dân Quảng Trị đã nhiệt tâm hưởng ứng, dấy động lên một phong trào chống Pháp sôi nổi. Trong đó có cử nhân Lê Thế Vỹ.

1. Lê Thế Vỹ - Thuở thiếu thời

Lê Thế Vỹ còn có tên là Lê Quang Vỹ - sinh năm Mậu Ngọ (1858) - trong một gia đình phú hộ tại làng Tường Vân, Phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.

Thân sinh ra ông là Lê Quang Nhuận - huý là Dị - vốn là một sinh đồ hay chữ nhưng không màng khoa cử công danh, mà chỉ vui sống với mảnh vườn thửa đất, với cảnh sắc thiên nhiên, gió nội hương đồng nơi thôn dã.

Mẹ ông là chánh thất Nguyễn Thị Hương, một phụ nữ đảm đang nhân hậu, sống giữ nếp tam tòng, tứ đức cổ xưa.

Phong cách và nếp sống gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng yêu nước thương nòi của ông.

Thuở nhỏ, Lê Quang Vỹ đã có tư chất thông minh hiếu học và rất thảo kính với ông bà cha mẹ. Tính tình đôn hậu thuần phác, giàu lòng nhân ái; biết thương yêu giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn và bạn bè đồng môn.

Không muốn để con mình chịu ảnh hưởng lối sống xa hoa kiểu cách vào lòn ra cúi nhốn nháo ở chốn cung đình, nên mặc dầu có đủ điều kiện, gia đình vẫn không gọi ông vào Trường Quốc Tử Giám mà rước một thầy đồ xứ Nghệ về dạy ông và con em nghèo khó trong làng.

Năm 18 tuổi, Lê Thế Vỹ đã là một sinh đồ xuất sắc, văn hay chữ tốt có tiếng trong hàng tổng. Thầy đồ xứ Nghệ phải tấm tắc khen ngợi: “Vỹ học hết chữ của thầy rồi”.

Năm 1878 (20 tuổi), thể theo lời khuyên của thầy, gia đình thuận cho ông vào kinh tu học. Sau hai năm dồi mài kinh sử, năm 1880, ông thi đỗ Cử nhân ưu hạng tại kinh khoá Canh Thìn thuộc triều vua Tự Đức thứ 33.

Chính trong thời gian tu học ở Quốc Tử Giám, Lê Thế Vỹ đã nhận rõ sự suy sụp của triều đình nhà Nguyễn nguy cơ mất nước chẳng bao xa. Trong những lúc đàm luận với bạn bè, ông thường than thở: “Khoa cử mà làm gì, nếu không đem chí hướng và tài năng ra cứu nước cùng dân diệt xâm lăng trừ bạo nghịch”. Những lúc ấy ông thường ngâm vịnh hai câu Kiều: “Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu” như để tự răn mình và nhắc nhở bạn đồng khoa.

Lê Thế Vỹ đã từ chối không ra làm quan mà trở về làng mở trường dạy học chữ Nho với hoài bão đem sở học và chí hướng của mình truyền thụ lại cho lớp con cháu hậu sinh. Ông thường lấy câu: “Quốc gia hưng vong/ Thất phu hữu trách” mà nhắc nhở răn dạy học trò. Nghe tiếng ông, học trò từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình, Hà Tĩnh cùng tìm đến xin nhập học. Có người sau này đỗ đến Hoàng Giáp, làm quan trong triều giữ các chức Hường Lô Tự Khanh, Ngự Sử mà vẫn tôn kính ông một số khác mở trường dạy học ước mong thực hiện hoài bão của thầy.

Mặc dầu gia đình khá giả, ông vẫn giữ nếp sống thanh bần, đạm bạc, quần nâu áo vải như những nông dân bình thường.

Lê Thế Vỹ có đủ đức tính Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng khiến cho các bạn đồng khoa, người dạy học, kẻ làm quan thảy đều mến mộ.

2. Cuộc đời cách mạng - Trước ngày có Đảng của Lê Thế Vỹ

Trong những năm khoác áo ông đồ làng dạy học, ông đã thường xuyên bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước trong tỉnh, hưởng ứng phong trào “Cần Vương” mưu đồ chống Pháp, trong đó có các ông:

Nguyễn Hữu Đồng (tức Khóa Bảo) quê ở An Hòa - Huế, trú tại làng Tân Mỹ, Cam Lộ.

Hồ Trọng Bá (tức Cử Bá) quê Mỹ Thứ - Quảng Nam di trú tại làng An Mỹ, Cam Lộ.

Lê Mậu Bảo (tức Ấm Bảo) quê Bích Khê - Triệu Phong

Hoàng Hữu Bính - quê Triệu Phong.

Đội Tề - quê Hải Lăng

Trương Đình Hội và Nguyễn Tự Như - quê ở Gio Linh v.v..

Năm 1908, phong trào chống sưu thuế do sĩ phu khởi xướng ở Quảng Nam đã lan rộng ra Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Hưởng ứng phong trào này, Lê Thế Vỹ đã cùng Nguyễn Hữu Đồng, Lê Mậu Bảo vận động quần chúng nhân dân ba huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Đoàn biểu tình từ các thôn ấp tỏa ra do ba ông dẫn đầu, đông đến hàng ngàn người kéo thẳng vào Tòa Sứ tỉnh Quảng Trị đưa đơn đòi giảm thuế khất sưu. Cuộc biểu tình bị đàn áp, Lê Thế Vỹ, Nguyễn Hữu Đồng và một số nhân sĩ bị bắt. Ông Lê Thế Vỹ bị kết án ba năm tù giam. Nhờ được sĩ phu yêu nước và bạn bè đồng khoa trong tỉnh vận động chống án và bản thân ông kịch liệt kháng án, nên sau mười một tháng bị bắt giam giữ, ông được thả, trở về làng tiếp tục dạy học ẩn náu chờ thời. Ông vận động các bậc phụ huynh gia đình khá giả có con em theo học trường mình tổ chức thành lập hội khuyến học Triệu Phong với mục đích quyên góp giúp đỡ con em nghèo học tập và bí mật đóng góp vào phong trào “Đông Du” đưa học sinh du học nước ngoài do các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đề xướng.

3. Di dân vỡ hoang lập ấp - Xây dựng căn cứ chiến lược Nhà Tằm

Mùa xuân năm Giáp Dần (1914), sau nhiều lần lên quan sát vùng rừng núi Thiện Thiên - một vùng rừng núi liên sơn thuộc hướng Tây Nam huyện Cam Lộ. Phía Tây nối liền với rừng Khe Gió - Đầu Mầu. Phía Nam trải dài tới xoa Rì Rì, Ba Lòng. Cả một vùng núi non hiểm trở trùng trùng điệp điệp. Con đường sơn đạo từ vùng núi Hương Khê - Hà Tĩnh qua Tuyên Hóa - Quảng Bình len lỏi vào Phước Môn - Hải Cụ - Cu Đinh - Ba De xuyên qua Mơng - Bôộng vào Ba Lòng xuống Trấm  - Quảng Trị để vào Nam Đông - Thừa Thiên (con đường này được Tôn Thất Thuyết cấp tốc khai mở vào mùa hè năm 1884 cùng một lúc với xây dựng Tân Sở) rất thuận lợi cho đường dây liên lạc. Có đường 9 thông qua Lào.

Thời ấy, Thiện Thiên vẫn là nơi rừng thiêng nước độc nên triều đình nhà Nguyễn - khoảng năm thứ 10 triều Tự Đức (1857) đã xây dựng nơi đây hội trại giam:  Trại Ba, Trại Bảy - để giam giữ tù hình sự nặng án, sau này thực dân Pháp đã dùng làm nơi giam giữ sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương.

Quan sát họa đồ xong Lê Thế Vỹ gặp Nguyễn Hữu Đồng (bị bắt trong cuộc biểu tình chống sưu thuế năm 1908 cùng Lê Thế Vỹ đã được tha) và Hồ Trọng Bá bàn bạc đặt ra hai kế sách:

Một là: Vận động đưa một số hộ dân làng Tường Vân - vốn có tinh thần quật khởi nhưng nghèo khó vì thiếu đất ruộng canh tác - lên khai hoang lập ấp.

Hai là: Dựa vào dân và địa thế hiểm trở xây dựng căn cứ chiến lược giúp vua Duy Tân khởi nghĩa. Kế sách được thực hiện từng bước.

Được sự đồng tình ủng hộ của hai người bạn thân cùng làng là Tú Hoằng và Nguyễn Văn Khiển, Lê Thế Vỹ đã tích cực vận động dân di dân vỡ hoang lập ấp. Ban đầu chỉ có tám hộ dân, sau lên mười ba hộ rồi đến hai mươi hộ. Giai đoạn đầu đã trải qua biết bao gian nan vất vả: Một mặt do thời tiết khí hậu khắc nghiệt; mặt khác cây cối hoa màu, gia súc chăn nuôi bị chim muông, thú dữ hoành hành. Đói rét, bệnh tật tưởng như khó có thể vượt qua. Với niềm tin sắt đá vào chính bản thân và lòng dân. Với nghị lực phi thường ông đã dốc toàn bộ gia sản của mình chia sẻ với dân bám trụ đến cùng.

Được sự ủng hộ của dân làng Tự Tân kế cận - làng này do một số lái buôn và dân lang bạt tứ chiếng từ Huế - Quảng Bình đến đây vỡ hoang lập ra vào những năm 1880 - 1881 để làm nơi nghỉ chân khai thác và buôn bán lâm sản ở chợ Phiên (chợ Phiên Cam Lộ, nguyên trước ở vùng đất Thiện Thiên) và cũng vừa canh tác tính kế làm ăn lâu dài. Ngoài hạng người trên còn có một số tù giam ở Trại Ba - Trại Bảy, bị an trú nơi đây sau khi mãn hạn án. Tiếng là làng, nhưng chưa có quy cũ, chưa được triều đình nhập bộ, nên vẫn mang dạng trang trại.

Ngót hai năm chung lưng đấu cật vượt mọi khó khăn, công cuộc vỡ hoang di dân lập ấp đã đi vào nề nếp, làm ăn ổn định. Hòa nhập với trang trại Tự Tân thành một làng lấy tên là Tân Tường được triều đình Huế công nhận nhập bộ cho phép đặt chức sắc làng. Lê Thế Vỹ được dân làng tôn là vị Tiền Khai từ đó.

Cũng trong thời gian này, ông đã cùng Nguyễn Duy Trinh xây dựng thêm làng Sơn Nam - vùng rừng núi tiếp giáp Cùa, cách Tân Tường sáu cây số về hướng Đông Nam và cách căn cứ Tân Sở bốn cây số về hướng Tây Nam - đường chim bay, để mở rộng vành đai và tạo thế chân vạc (núc Kiềng) giữa 3 cơ sở: Tân Sở - Tân Tường - Sơn Nam.

Mặc dầu bận rộn trong việc ổn định cuộc sống dân làng, Lê Thế Vỹ vẫn không một phút buông lơi ý đồ giúp vua Duy Tân cùng dân trừ giặc Pháp. Đồng lòng hiệp ý với tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục Hội là thành lập một nền Cộng hoà do cụ Phan Bội Châu đề xướng và lãnh đạo. Lê Thế Vỹ, Nguyễn Hữu Đồng, Lê Mậu Bảo, Hồ Trọng Bá cùng một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đã tổ chức thành lập Hội Việt Nam Quang Phục tỉnh Quảng Trị do Lê Thế Vỹ làm Hội trưởng. Hội đã vận động dân Tân Tường trồng dâu xây dựng trại tằm, kéo kén ươm tơ để dân có nghề phụ làm ăn, vừa che mắt địch để xây dựng tài chánh cho Hội và cũng là nơi tụ tập của một thành viên trong Hội, các nhân sĩ yêu nước, mỗi khi có việc lớn cần mở rộng luận bàn.

Đầu năm 1916, Nguyễn Hữu Đồng vào liên hệ với Hội Quang Phục Quảng Nam và Thừa Thiên, trong đó có Trần Cao Vân, Thái Phiên để phối hợp hành động. Cuối mùa xuân 1916, Nguyễn Hữu Đồng đã ra yết kiến Duy Tân tại Cửa Tùng nhân dịp nhà vua ra nghỉ mát. Ông đã trình bày tình hình chung về hoạt động của Hội Quang Phục Quảng Trị và nói: “Lê Thế Vỹ là người có khí phách, học vấn uyên thâm, hành động cẩn trọng có thể giao phó việc lớn”.

Vua Duy Tân liền hạ mật chỉ giao cho Nguyễn Hữu Đồng giữ chức lãnh binh chỉ huy nghĩa quân Quảng Trị, Lê Thế Vỹ phụ trách quân lương. Ông trở về Tân Tường cùng Lê Thế Vỹ, Lê Mậu Bảo, Hồ Trọng Bá chiêu tập nghĩa quân rèn đúc vũ khí, có thợ Lương ở Cùa, thợ Bỉnh ở Hiền Lương. Nghĩa quân có đến hàng trăm người được trang bị gươm đao, giáo mác, lương thảo tích luỹ hàng lậm, hàng bồ chờ ngày khởi nghĩa. Trại Tằm ở Tân Tường đã thực sự là căn cứ chiến lược. Ở kinh đô cũng được Trần Cao Vân, Thái Phiên và hội viên Hội Quang Phục Thừa Thiên chuẩn bị ráo riết vận động lôi cuốn được 3.000 lính viễn chinh sắp được Pháp chuyển về nước để tham chiến với Đức trong Đại chiến thứ hai 1914 - 1918. Số quân này đã sẵn sàng tiếp ứng.

Đêm mồng 3, rạng ngày 4 – 5 - 1916, Bộ Chỉ huy khởi nghĩa phái tên Nguyễn Văn Trứ - một hội viên Quang Phục tỉnh Thừa Thiên vào báo vua Duy Tân sắp xếp dời khỏi cung để phát lệnh nổ súng. Tên Trứ đã phản bội vào báo với Tòa Khâm Sứ. Thế là bị lộ. 3000 quân viễn chinh bị tước khí giới. Quân Pháp bố ráp phản công. Vua Duy Tân vội rời cung chạy lên Nam Giao - sau xuôi đò về Dương Nổ thì bị bắt. Trần Cao Vân, Thái Phiên và Bộ Chỉ huy cũng bị bắt.

Tại Quảng Trị, Lãnh binh Nguyễn Hữu Đồng, Lê Thế Vỹ, Hồ Trọng Bá và một số nhân sĩ cũng bị bắt. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại ngay từ giờ phút đầu.

Lê Thế Vỹ bị kết án hai năm tù giam, cơ sở Trại Tằm ở Tân Tường bị giặc Pháp phá nát. Một số ít dân làng hoang mang trở về lại quê cũ Tường Vân, còn số đông kiên gan ở lại chờ ông.

Mùa hè năm 1918, Lê Thế Vỹ được tha, sau hai năm bị tù đày giam giữ, chịu mọi tra tấn cực hình. Ông trở về làng cũ Tường Vân lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 3-9-1918 nhằm ngày 20 - 7 năm Mậu Ngọ.

Trước khi mất,  ông đã cho gọi tất cả con cháu dâu rể đến chỉ để trăn trối một lời: “Hãy tiếp tục duy trì, củng cố cơ sở nhà Tằm” và đọc hai câu thơ tâm huyết trong một bài thơ Đường (thể 7 chữ 8 câu) mà ông đã sáng tác sau khi quan sát có ý đồ khai hóa vùng rừng núi Thiện Thiên:

Tân Sở Mai Sơn lưu vạn cổ

Hiếu Giang thử địa vọng thiên thu

“Hai con hãy suy ngẫm hai câu thơ ấy của ta tùy cơ hành động…”

Ông trút hơi thở cuối cùng trong bàn tay tôn kính nâng đỡ của hai người con.

4. Một gia đình - Ba thế hệ tiếp nối nhau phụng sự đất nước

Phan Thị Đạm - Chánh thất của Lê Thế Vỹ là người làng Giáo Liêm, phủ Triệu Phong. Bà sinh được 13 người con, 8 người sinh trước đều mất lúc còn nhỏ, 5 người sinh sau gồm 2 trai 3 gái được nuôi đến trưởng thành. Bà là người thục nữ nhân hậu, đảm đang, có trí trong việc quản lý đời sống gia đình, giúp chồng phụng dưỡng cha mẹ già, chăm sóc dạy dỗ con cái tạo điều kiện cho ông hoạt động vì ích nước lợi dân. Bởi thế, nên con cái đều được học hành thành đạt, nối chí ông phụng sự Tổ quốc, đất nước.

Con trai trưởng: Liệt sĩ Lê Thế Hiếu: tham gia hoạt động trong những ngày đầu có Đảng bị tù đày nhiều phen, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị (1945 - 1946). Đại biểu Quốc Hội khóa đầu tiên (1946). Chủ tịch Ban Liên Việt tỉnh. Bị địch bắt và bắn chết tháng 5 - 1947 tại chợ Cạn trong khi đi công tác. Được Đảng và Nhà nước công nhận Liệt sĩ.

Liệt sĩ Lê Thế Tiết: Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị (1930), Pháp bắt đày lên Lao Bảo và bị tên cai ngục đánh chết ngày 20 – 1 - 1940.

Lê Thị Quế: Một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên tỉnh Quảng Trị (1930), bị bắt tù nhiều lần, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Trung ương, cán bộ lão thành cách mạng.

Lê Thị Uy: Cán bộ cơ sở Đảng thời kỳ 1930 - 1945

Cháu nội ông, Lê Thế Tế (con Lê Thế Hiếu), Cục trưởng Cục Tổ chức.

Liệt sĩ Đại tá Lê Thế Diễn: Cán bộ cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh năm 1972.

Lê Thị Diệu Muội: Nguyên Bí thư tỉnh Quảng Trị (1942) - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương, cán bộ lão thành cách mạng.

Cử nhân Lê Thế Vỹ là một sĩ phu yêu nước hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ quốc bằng một tấm lòng son, cho dù chí cả chưa thành nhưng con cháu của ông luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân.

Cam Lộ ngày 30-8-2005

N.T.T

Nguyễn Trọng Tân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

22 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground