Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Luật tục và tri thức bản địa của người Pakô trong việc ứng xử với tài nguyên thiên nhiên

 

Phần 2: Quyền sở hữu và quan hệ sở hữu đối với tài nguyên rừng

Theo quan niệm cổ truyền của ông bà để lại thì tài nguyên rừng bao gồm các loại như: rừng thiêng, rừng ma, rừng đầu nguồn, rừng khai thác sản xuất... Tất cả thuộc sự quản lý của cộng đồng, có nghĩa là thuộc sở hữu cộng đồng làng bản. Ở đó cá nhân với tư cách là thành viên của bản làng chỉ có quyền sử dụng khai thác ở một chừng mực nhất định đối với loại tài nguyên rừng được khai thác sản xuất và cấm tuyệt đối việc khai thác sản xuất đối với các loại rừng thiêng, rừng ma... Trong quan niệm của đồng bào núi rừng là cái nhà muôn loài; trong đó con dân làng là những người uống nước chung nguồn, ở cùng núi. Vì vậy việc phá rừng như phá nhà mình; đốt rừng như đốt nhà mình. Rừng chia ra làm nhiều loại như rừng thiêng, rừng ma, rừng đầu nguồn là những nơi có các vị thần trú ngụ, ở đây cây cối rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ lâu đời; lại là nơi đầu nguồn của các sông suối. Những khu rừng đó do các vị thần quản lý, nghĩa là nó không của riêng một cá nhân nào mà thuộc về cộng đồng dân bản. Ở đó cấm khai thác gỗ, cấm phát rẫy, không được chăn thả gia súc hay săn bắn thú bằng lưới với quy mô lớn và đặc biệt là cấm ngặt việc đốt lửa... Cá nhân nào vi phạm vào những điều cấm sẽ bị phạt nặng. Luật tục quy định, tội phá rừng Ma (Ktrưng), rừng Thiêng (Trừng xa) là tội nặng nhất về khía cạnh tín ngưỡng; sẽ bị phạt trâu, dê, lợn, gà, rượu... để cúng thần Rừng (Yang Arưih), thần Núi (Yàng Coh), thần Đất (Yang Cute), thần Trời (Yang Piloong). Trong tâm thức của đồng bào những khu rừng đó là của tự nhiên có các vị thần ngự trị và cai quản, chính các vị thần là chủ sở hữu tối cao. Những hành vi chặt phá xâm phạm trái phép đến rừng thiêng đồng nghĩa với sự xúc phạm đến các vị thần (Yang) là người nắm quyền cai quản những khu rừng và vì vậy thần sẽ trừng phạt trực tiếp dân làng bằng những hình phạt nặng nề như dịch bệnh, lũ lụt, mất mùa... Xét trên khía cạnh luật tục, việc lý giải và những quy định này đậm màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng, tức là “thiêng liêng hoá” nhưng về mặt tri thức bản địa lại có ý nghĩa, giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ quyền sở hữu cho cộng đồng.      Đối với rừng đầu nguồn, chỉ được phép khai thác với tư cách là tập thể bản làng và phải sử dụng vào mục đích chung như làm cột đâm trâu, các công trình chung của bản làng như nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng). Lúc đó làng phải làm lễ cúng trâu, dê, lợn... như một hình thức xin phép thần linh chuyển giao quyền sở hữu. Theo luật tục các thành viên trong làng phải có nghĩa vụ thực hiện, trách nhiệm bảo vệ những khu rừng đó khi có hành vi xâm phạm, phá hoại hay xâm lấn rừng. Luật tục cũng quy định một số trường hợp cho phép cá nhân được chặt gỗ ở rừng đầu nguồn, ví dụ như dùng để đóng thuyền, nhưng cá nhân đó phải là người tài giỏi trong nghề sông nước và cây gỗ đó tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích khác như bán, cho, hoặc trao đổi, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Trong trường hợp dùng để làm nhà hay đóng quan tài phải xin phép chủ làng. Khi được sự đồng ý phải tổ chức lễ cúng với ý nghĩa chịu phạt. Đây là quy định có tính chất bắt buộc, với ý nghĩa là lễ đền bù xin thần linh tha lỗi. Loại gỗ này cá nhân cũng không được cho, trao đổi mua bán với ngoài bản nếu không sẽ bị làng phạt.

Đối với rừng được phép khai thác sản xuất, cá nhân được quyền tự do phát rẫy, chặt gỗ, săn bắn theo ý muốn nhưng phải chịu sự quản lý của chủ làng, cá nhân chỉ có quyền khai thác và phải có ý thức bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Trong trường hợp này, cây rừng ai cũng chặt được; Dây mây ai cũng lấy được; Rau ai cũng hái được; Củ rừng ai cũng đào được; Trái cây trong rừng ai cũng hái được... Nhưng theo tục lệ ông bà lưu giữ lại thì ăn trái không được chặt cây; khoai đào lấy củ xong phải trồng dây lại. Luật tục còn quy định những điều tưởng rất nhỏ nhặt nhưng rất nghiêm túc; ví như cây trong rừng có người làm dấu là cây có chủ. Ai tự ý chặt, đồng nghĩa với việc ăn cắp cây của người ta; hay mùa lúa bắp chín vào rẫy không được huýt sáo, vì huýt đồng nghĩa với việc kêu chim muông về phá hoại hoa màu. Trong luật tục người Pako không tồn tại hình thức thừa kế hay trao đổi, mua bán rừng. Đối với người ngoài làng, muốn khai thác rừng phải xin phép chủ làng; trong trường hợp tự ý vào rừng của bản khác khai thác sẽ bị xử phạt. Khi có những hành vi vi phạm đất rừng, chủ làng sẽ là người đứng ra tổ chức xử phạt, cúng lễ với tư cách là người đại diện dân làng và thay mặt các vị thần quản lý khu rừng đó. Những người ngoài làng có quan hệ hôn nhân với người trong làng hoặc đã được tiếp nhận vào cư trú trong làng thì sẽ được hưởng quyền lợi giống như các thành viên khác của làng. Nếu người trong làng phạm tội bị đuổi khỏi làng, họ bị tước hết mọi quyền lợi. Những quy định này phản ánh tính chất cộng đồng và cộng đồng trách nhiệm trong quyền lợi và quan hệ sản xuất của luật tục người Pako. Ngoài ra, chủ làng phải có trách nhiệm chỉ ra ranh giới của những khu rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn để dân bản biết. Đó chính là những dấu hiệu quy ước có tính chất cấm cử. Cũng như chỉ ra những ranh giới, không gian rừng thuộc làng mình và làng khác bằng các dấu mốc như con đường, khe suối, đồi núi, cây cổ thụ...

Đối với những khu rừng đầu nguồn ở xa các nơi cư trú, có quy mô rộng lớn, giàu tài nguyên, nơi tiếp giáp ranh giới chung giữa các làng, quyền sở hữu khai thác, sử dụng, quản lý thuộc về cộng đồng của liên làng bản (thường hai làng trở lên). Mọi việc khai thác, sử dụng liên quan đến những khu rừng, đều phải được sự đồng ý của chủ các làng. Thường việc khai thác nguồn lợi của rừng đó đều bị nghiêm cấm. Trong những trường hợp đặc biệt như lấy gỗ làm cây nêu, cột đâm trâu, làm nhà... đều phải được sự bàn bạc thống nhất giữa các làng. Ở những khu rừng có chung ranh giới giữa các làng, cứ định kỳ 3 năm một lần, dân làng phải tổ chức lễ cúng liên làng vào ngày 20-5 Âm lịch. Mỗi làng phải nộp lễ vật một con dê trắng, một con dê đen; một con trâu trắng, một con trâu đen; một con lợn trắng, một con lợn đen. Nếu làng này đông dân phải sang làng khác mượn đất xin làm rẫy thì lễ vật phải nộp gấp đôi. Lễ cúng thường tổ chức ở vùng đất bằng gần khu rừng hoặc sông suối. Bàn thờ được dựng ba tầng tre nứa với những vòng hoa, cây cối tượng trưng xung quanh bàn thờ. Tầng thứ nhất, người ta dọn thịt dê, trâu; tầng thứ hai dọn thịt lợn; tầng thứ ba dọn thịt gà cùng các lễ vật rượu, cơm, nước... Chủ các làng cùng cúng xin thần linh phù hộ, còn các thành viên khác của các làng ngồi xung quanh bàn thờ. Sau khi cúng xong mọi người cùng ăn uống vui vẻ.

Đối với các nguồn lợi của rừng, luật tục của người Pako có những quy định chặt chẽ về vi phạm cũng như hình phạt, xác định quyền sở hữu và các quan hệ sản xuất. Cụ thể khi tổ chức đi săn cả làng (hay một nhóm tập thể), thú săn sẽ thuộc về sở hữu chung của cả làng (hay một nhóm người). Ở đây tính cộng đồng được phản ánh khá rõ trong tổ chức săn bắn cũng như trong phân chia sản phẩm. Tất cả những ai tham gia đều được hưởng quyền lợi, được chia phần số lượng ít hay nhiều tuỳ thuộc vào công sức đóng góp và vũ khí đóng góp (như chó săn, giáo mác, lưới, gậy gộc, cung tên...) Cách thức săn bắn này cho thấy tính chất bình đẳng trong cộng đồng. Sản phẩm săn bắn tập thể, không một cá nhân nào được quyền chiếm hữu định đoạt. Trong trường hợp nếu cá nhân nào chiếm làm sở hữu riêng mang bán trao đổi, theo luật tục quy định, phải trả lại sản vật đó và phạt lợn để cúng Yang, vì nếu không lần sau thần sẽ phạt không cho làng săn được thú. Số thịt nộp phạt cũng được phân chia theo phần người có công, theo phần người có vũ khí đáng được hưởng. Đối với việc đi săn cá nhân, thú săn được thuộc về cá nhân đó vì vậy họ có quyền bán, trao đổi hay tặng cho người khác kể cả người ngoài làng. Nhưng nếu trong quá trình săn bắn, cá nhân đó sử dụng vũ khí của làng thì phải chia cho làng; nếu chiếm hữu hết sẽ bị dân làng lên án và lần sau làng sẽ không cho sử dụng vũ khí của làng và không được đi săn cùng làng. Trong khi săn bắn, đuổi thú, thú bị thương chạy vào rẫy người khác hoặc sang rừng làng khác, con thú đó vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân người đi săn, nhưng phải báo cho chủ rẫy, chủ làng khác biết và phải trình bày sự việc để tránh hiểu nhầm. Thường khi tìm được thú, đồng bào hay chia phần để tỏ rõ mối hoà hiếu đoàn kết. Trường hợp xảy ra tranh chấp, đồng bào sẽ giải quyết trên cơ sở các chứng cứ, ví như truy theo vết máu từ đâu, nếu đúng thì phải trả lại con thú săn và xin lỗi. Cũng có trường hợp khi đến làng khác tìm nhưng không thấy do làng khác tìm được và chiếm giữ; nếu người mất thú săn biết được thì theo luật tục quy định: nếu là thú lớn, người mất thú sau khi khai báo cho chủ làng mình, bấy giờ chủ làng có quyền phạt làng bên một lợn, một gà, một sợi dây cườm cùng với trầu cau. Nếu người bắt được thú trong trường hợp này không chia cho làng bên mà mang về gia đình thì bị phạt một lợn (đối với thú to) một gà (nếu là thú nhỏ) cho người làng mất thú. Ở đây ta thấy có sự phân biệt rõ ràng đối với chủ thể vi phạm quyền sở hữu: làng (tập thể) lấy thú bị phạt nặng hơn; cá nhân (gia đình) bị phạt nhẹ hơn. Như vậy trong quy định của luật tục người Pako, ta thấy đồng bào đã chú ý đến các bằng chứng, với tình tiết cụ thể cho từng mức độ vi phạm.

Cũng như những sản phẩm thu được từ săn bắn, những sản vật thu được từ hái lượm bằng chính sức lao động của mình như: măng, nấm, đoác, đót, quả rừng, rau rừng, mật ong, chim muông... cá nhân toàn quyền định đoạt. Nhưng nếu sản phẩm của cả tập thể thì phải chia đều, không được chiếm dụng riêng. Hình thức xác định quyền sở hữu đối với các nguồn lợi này được quy ước như đối với tổ ong có ba cách làm dấu (chot- nam) để xác định quyền sở hữu: chặt một nhát dao vào dưới gốc cây đó cắm que chỉ thẳng lên tổ ong hoặc là cắm một que xuống đất, trên đó có một que chỉ về hướng có tổ ong. Đối với cây gỗ tốt: chặt mấy nhát dưới thân cây, nếu sử dụng làm hòm thì khắc dấu hòm hoặc chữ thập... Đây là những hình thức xác định quyền sở hữu phổ biến nhất đối với những sản vật rừng chưa thể khai thác được ngay. Khi có những dấu hiệu này tức là đã xác định quyền sở hữu cụ thể, và không ai có quyền xâm dụng đến. Quy ước có vẻ giản đơn song được mọi thành viên dân bản tôn trọng một cách tuyệt đối. Nếu vi phạm, trong trường hợp vô tình, phải trả lại cho người phát hiện trước, hoặc thoả thuận đồng ý chia đôi vì một bên là người có công phát hiện, một bên là người có công khai thác; trong trường hợp cố tình thì phải trả lại hoặc đền bù. Khi không thoả thuận, giải quyết được để xảy ra tình trạng tranh chấp, người đến sau phải trả lại, hoặc bồi thường, chịu phạt khi người phát hiện trước chứng minh được là mình đã đánh dấu. Nếu cả hai không chứng minh được thì chủ làng sẽ xử chia đôi. Ở một số vùng người Pako còn làm dấu bằng cách cho một nắm lá vào chỗ chặt để có thêm chứng cứ minh chứng về thời gian; người phát hiện trước lá sẽ khô hơn người phát hiện sau, chủ làng sẽ căn cứ vào đó để giải quyết.

Như vậy, trên nguyên tắc cơ bản của luật tục người Pako, sở hữu tối cao là toàn cộng đồng dân bản, ở đó chủ làng là người nắm quyền quản lý thống nhất đối với mọi nguồn tài nguyên, và sản vật rừng thuộc phạm vi làng xác định, không có quan niệm đất vắng chủ hay vô chủ; rừng vắng chủ hay vô chủ. Mọi tranh chấp, vi phạm quyền sở hữu sẽ giải quyết trên nguyên tắc chủ làng là người có trách nhiệm xét xử các vi phạm với tư cách là đại diện quyền sở hữu cộng đồng, quyền quản lý tập thể. Chủ làng có nhiệm vụ chỉ ra các ranh giới sở hữu, quy định quyền hạn sử dụng khai thác, nhưng chủ làng không có quyền bao chiếm sở hữu riêng đối với tài nguyên thiên nhiên rừng. Như vậy trong luật tục Pako sở hữu tập thể là hình thức sở hữu tối cao với các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt mọi tài nguyên thiên nhiên và rừng nói riêng. Những quy định có tính chất luật tục này là cơ sở cho việc xét xử các vi phạm đối với quyền sở hữu mà các thành viên khi tham gia vào các mối quan hệ sản xuất phải có nghĩa vụ tuân theo. Hầu hết ở các bản làng, dân bản đều có tính tự giác cao, lòng tự trọng và danh dự được coi trọng nên những quy định mang tính luật tục được thực hiện một cách tự nguyện. Về nội hàm, luật tục không mang tính cưỡng chế, truy cứu trách nhiệm mà chỉ đóng vai trò giáo dục, điều chỉnh và tự điều chỉnh.Trong quan niệm của đồng bào, tội lỗi có xét xử phạt mới tránh được tội lỗi. Họ ví: lửa cháy có dập lửa mới tắt, nước vỡ đắp nước mới đọng lại, cũng như mình lấm bùn có tắm mới sạch bùn, nước đục có lọc nước mới trong... Ngoài ra nó còn được lồng ghép vào các yếu tố tâm linh, được “thiêng hoá” và chính yếu tố này đã làm tăng thêm tính nghiêm ngặt của nó.

Trên những ý nghĩa vừa bàn, luật tục với việc xác định quyền sở hữu, các quan hệ sở hữu với tài nguyên rừng đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc vừa đảm bảo quyền sở hữu tối cao cho cộng đồng và quyền sở hữu cho các cá nhân trong tập thể các bản làng. Tuy cổ điển, nhưng nó là những bài học quý báu giúp chúng ta cân bằng sinh thái, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên rừng.

 

(Kỳ sau: Bảo vệ tài nguyên sông suối) 

 

 

Anh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground