Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một đêm với ông Trần Hữu Dực

N

ăm 1987, tôi và anh Nguyễn Văn Trung (hiện nay đã chuyển sang công tác ở đài Truyền hình Huế) có một chuyến công tác ở Hà Nội. Thời này các con đường quá xấu, cầu phà nhiều, phương tiện giao thông cũ nát, nên mỗi khi có chuyến đi xa là cả một nỗi nhọc nhằn. Hai chúng tôi chen lấn, va đập trong một chiếc xe khách cà khổ với hành trình chưa tới 700 km ròng rã trong ba ngày hai đêm; đến lúc trời nhá nhem mới giải phóng được chuyến xe lưu đày ép xác ấy, để được thở bầu không khí đất văn hiến ngàn năm.

Việc đầu tiên là chúng tôi khẩn trương tìm một chỗ trọ. Trời đang sập tối, hai thằng tôi trong bộ dạng nhếch nhác lang thang đến vài nhà trọ hỏi thuê phòng. Không hiểu do lượng khách vượt quá luật cung cầu, hay chủ trọ không tin tưởng vào đạo đức, khi coi tướng hai thằng tôi mà tất cả bọn họ đều từ chối quá mức lịch sự: "Xin lỗi, hết phòng"! Qúa tam ba bận chẳng kết quả gì làm chúng tôi đâm hoảng! Đường phố đã lên đèn, hai thằng tôi với hai cái túi cứ nặng dần bên vai lang thang trong dòng người lạ lẫm, trong đầu nghĩ mông lung. Tôi chợt nhớ đến địa chỉ 16 Lý Nam Đế mà anh tôi có lần nhắc đến; đó là chỗ ở của cậu tôi - ông cậu mà tôi chỉ hình dung qua những bà con bên ngoại một cách mơ hồ, vì cậu đã rời gia đình đi làm cách mạng gần hai mươi năm trước khi tôi có mặt trên cõi đời. Trong thế bí, chúng tôi liều quyết định tìm đến phiền tạm một đêm.

Do dự một lúc, tôi mạnh tay gõ vào cánh cổng. Một cô gái nhỏ đi ra, mà về sau tôi biết cô là cháu nội của cậu, nghe tôi giới thiệu bà con trong quê ra thăm, cô liền mời hai chúng tôi vào phòng làm việc của cậu tôi.

Cảm giác băn khoăn bỡ ngỡ của tôi nhanh chóng biến đi. Qua hình ảnh của cậu cả trong quê, tôi nhận ra ngay người cậu chưa bao giờ gặp mặt của mình. Với phong thái từ tốn của lớp người có tuổi, cậu tiếp chúng tôi nhiệt tình, chu đáo như người cha đón  những đứa con xa lâu trở về.

Sau khi nghe kể lại sơ lược tình trạng chuyến đi và việc tìm chỗ trọ, cậu hiểu lý do chuyến ghé thăm bất đắc dĩ của chúng tôi, cậu bảo: "Nhà bây giờ không có phòng khách riêng, hai cháu chịu khó chật chật một chút để cậu sắp đặt". Rồi cậu nhanh chóng dẫn chúng tôi ra chỗ lấy nước, để tẩy uế cái thân thể tích lũy bụi bẩn của con đường Nam Bắc trong ba ngày qua.

Xong cái việc cần thiết ấy, chúng tôi trở lại khoan khoái quan sát cái phòng làm việc, đồng thời cũng là phòng nghỉ của cậu Trần Hữu Dực -nguyên là Phó Thủ tướng và là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Trung ương. Hai chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghĩ: với những chức vụ quan trọng và bề dày cống hiến cho cách mạng của cậu như vậy, mà chỉ khiêm tốn với diện tích căn phòng chỉ khoảng mười lăm mét vuông. Đọc được suy nghĩ của chúng tôi, cậu chủ động giải thích:

- Đây nguyên là chỗ dành cho những cán bộ phục vụ như cấp dưỡng,  lái xe, còn cậu ở trong căn nhà trước rộng hơn, nhưng bây giờ cậu nhường cho các anh chị có gia đình ở. Đất Hà Nội có đâu mà phân cho đủ. Ô tô cậu cũng đã trả lại cho cơ quan để dùng chung có lợi hơn, tránh lãng phí không cần thiết. 

Chúng tôi ngồi trước cái bàn dài khoảng ba mét, một đầu chồng nhiều tờ báo và những bản tin có đóng dấu chữ: "Tối mật". Phần còn lại cậu dí dỏm bảo đó là giường nghỉ của cậu! Trên tường treo một tấm bản đồ thế giới cỡ lớn 1m - 2m. Cậu bảo: " Dùng nó để theo dõi thời sự thế giới rõ ràng hơn". Quan sát căn phòng, tôi thấy chẳng có vật gì giá trị  nếu chỉ đo lường một cách ngây ngô bằng đồng tiền lạnh lùng vô cảm. Tôi chợt thấy bên cạnh chồng báo là chiếc ra-đi-ô hiệu Philip, to cỡ tivi 21 inch, cũ đến mức phía trước được cấu tạo bằng tấm mặt mây đan như kiểu mặt mây xuất khẩu sang Liên bang Xô Viết trước đây, có một góc đã mục thủng một lỗ lọt viên bi. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cậu giữ cái này làm gì nữa? Thiếu chi loại mới tốt hơn sao cậu không đổi mà dùng?

Đột nhiên ánh mắt cậu tươi lên, ngẩng mái tóc màu mây Thôi Hiệu, nhìn tấm bản đồ như nhìn xa về những năm kháng chiến hào hùng trên chiến khu Việt Bắc, rồi nói chậm rãi:

- Cháu không biết đấy thôi! Nó là vật giá trị nhất của cậu đó. Năm 1954, khi Trung ương dời cơ quan từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đã bảo cậu cầm cái máy này về nghe tin tức để biết mà làm việc đó. Ngó cũ rứa mà nghe vẫn tốt.

Tôi phát hiện phía góc trong căn phòng có chiếc nón màu đỏ móc bên cạnh cái can bóng sẩm màu, trên chiếc nón có ba chữ cái PCT màu trắng. Tôi thắc mắc về ý nghĩa ba chữ PCT và nói đùa: "Cậu cho mạ con cái gậy ấy cho rồi"! Cậu tôi cười giải thích:

- Đó là vật kỷ niệm chuyến đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Đức. Mấy ông nhà báo ngoại quốc ghê gớm! Mình vừa bước xuống sân bay là họ chụp đến phỏng vấn thử tài liền, không cho mình kịp chuẩn bị gì cả. Một anh hỏi cậu:  -Ngài đã đến Đức lần nào chưa? Cậu trả lời họ rằng: - Chân tôi hôm nay mới đến  nước Đức của các bạn lần đầu; nhưng đầu của tôi thì đã đến nước Đức lâu lắm rồi". Có lẽ vì câu nói ấy mà họ đã mời cậu tham gia đoàn Chủ tịch Đại hội với cương vị là Phó Chủ tịch. Lý lịch của cái nón và can là vậy.

Cậu hỏi về công việc của hai chúng tôi, và sau khi biết chúng tôi đang dạy ở trường Quốc Học Huế, cậu tôi bảo:

- Quốc Học là một ngôi trường tốt, các cháu phải yên tâm dạy cho tốt. Cậu là người có vinh dự chủ tọa buổi lễ phát thưởng của trường trong niên khóa 1945-1946, khóa đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, lễ phát thưởng được tổ chức ngay trong Duyệt Thị Đường - nhà hát của vua Nguyễn ở đại nội, lúc này cậu đang làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ.

Rồi cậu kể với chúng tôi những chuyện từ thời tiền khởi nghĩa, cậu hoạt động ở chiến khu Ba Lòng, Trấm...Nhiều khi hai ngày mới có một vắt cơm, nhưng cậu chỉ ăn một nửa, dành lại một nửa vì biết chủ nhà tiếp tế cho cậu đang ở hầm ngoài vườn chẳng có hột cơm nào. Cậu đã nói với chúng tôi bao nhiêu chuyện cho đến hơn một giờ sáng. Chỉ tiếc là lúc này chúng tôi quá buồn ngủ lại không ghi chép gì nên bây giờ không nhớ được một cách đầy đủ những câu chuyện giá trị ấy.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi đang soạn giấy tờ để đi liên hệ với cơ quan công tác, cậu ghé vào và hỏi:

- Các cháu có về ăn trưa không để cậu bảo chuẩn bị, tránh lãng phí, vì tiêu chuẩn của cậu là do nhân dân đóng góp.

Lời giải thích của cậu làm tôi nhớ đến lời dạy thực hành tiết kiệm của Bác Hồ về việc ăn uống. "Bác lưu ý mọi người ăn món nào thì ăn cho hết, món nào không ăn để lại thì để cho tươm tất" (Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp - Phạm Văn Đồng).

Chúng tôi vừa xót xa vừa kính trọng khi nghĩ về các cụ - thế hệ chịu đựng quá nhiều khó khăn thiếu thốn, mà vẫn thanh thản cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Và cũng từ những tấm gương thanh khiết sáng ngời ấy, mà nhìn lại một bộ phận "đầy tớ nhân dân" thuộc lớp chúng ta ngày nay, họ không chỉ lãng phí trên những bàn tiệc sang trọng, mà còn tham ô hàng tỷ đồng góp nên từ mồ hôi, vị mặn nhỏ ra trong quá  trình lao động vất vả của nhân dân. Đó là những kẻ hình như chưa hề biết câu ca dao: "Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Để rồi ngày ngày, họ bị bêu danh trên đài báo, làm phí thêm giấy mực và công sức của bao người phải tiếp tục dọn những đống rác họ thải bừa bãi trong xã hội. Nhân dân sẽ nghĩ gì trước "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" ấy?!

Hôm nay, khi tôi viết những dòng này thì cậu tôi đã thuộc về thế giới vô hình; nhưng những mẩu chuyện cùng với những lời khuyên bảo sâu sắc của cậu trong cái đêm năm ấy, vẫn luôn văng vẳng trong tôi. Nó như cái hành lang vô hình, giúp cho tôi yên tâm với cái việc làm người chèo thuyền, lặng lẽ đưa lớp trẻ sang sông trong suốt ba mươi năm qua, dù con sông đời có những khúc không dễ dàng gì. Thực tế ở những đoạn chông chênh của quá khứ, đã có không ít đồng nghiệp ngậm ngùi từ giã con thuyền của mình, và bây giờ gặp lại nhau, cũng không ít người chậc lưỡi tiếc nuối giá như...!

Xin được mượn trang báo gởi lời cảm ơn chân thành muộn màng đến hồn thiêng của Người Cậu kính trọng của tôi, và xem đây như là nén tâm nhang chân thành xin tha thứ của đứa cháu, vì hoàn cảnh công tác nên không có mặt đưa tiễn Cậu trong phút đi xa.

N.T

Nguyễn Tống
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 117 tháng 06/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground