Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ngày hành hương về Thành Cổ

T

rong ánh bình minh sớm mai, những giọt sương non đang còn đọng lại trên những cánh hoa phượng vĩ đầu mùa.Dọc các con đường dẫn vào thành cái nắng đã lóa mặt người. Những dòng người hướng về mảnh đất thiêng này càng đông hơn, làm cho cuộc sống nơi này rộn ràng và nhanh hơn thường lệ.Có đoàn hàng chục người trong bộ đồng phục được đính lô gô tên một công ty trách nhiệm hữu hạn. Có đoàn chọn những chiếc mũ xinh xắnđínhthương hiệu một mặt hàng tiêu dùng nổi tiếng, với lễ vật hương hoa cùng cán bộ thuyết minh tiến về đài tưởng niệm. Có đoàn vài chục em học sinh dã ngoại tham quan hành hương với những giờ học lịch sử không bàn ghế, bục giảng, thầy cô để nghe về lịch sử cuộc chiến 81 ngày đêm anh dũng kiên cường của quân và dân ta bảo vệ Thành Cổ. Các em chăm chú say sưa đến lạ. Có những đoàn khách nước ngoài cũng “nhập gia tùy tục”, khi nghe người phiên dịch thuyết minh về sự khốc liệtcủa chiến tranh trên mảnh đất thiêng này họ đã cảm nhận được những đau thương mất mát mà con người Việt Nam đã gánh chịu trong cuộc chiến chống Mĩ. Trong những đoàn người hành hương ấy dễ nhận ra nhất là những người đã từng trực tiếp hay gián tiếp chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong 81 ngày đêm. Bởi họ trong sắc phục màu lính lặng lẽ đi bên nhau không nói gì, chỉ đôi mắt như những ống kính quay phim “lia” về bốn phía tường thành. Rồi bỗng dừng lại với những kí ức như những thước phim quay chậm về một thời chiến đấu hào hùng oanh liệt, người mất người còn và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

Vượt hơn năm trăm cây số từ thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh, người Cựu chiến binh Nguyễn Đức Trọng thuộc Trung đoàn 27, Sư đoàn 320, đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị chia sẻ: “Tôi chiến đấu ở mặt trận Triệu Đông nhưng Thành Cổ là nơi tôi và đồng đội thường phải đi qua khi nhận lệnh. Ngày ấy, hầu như Thành Cổ chỉ còn lại những tường gạch vụn như một vùng “trắng” mà bọn chúng ngày đêm vẫn cứ oanh kích, phản công nhằm tái chiếm lại vùng đất quan trọng  này. Mỗi lần qua đây, nghe tiếng đạn bom của giặc oanh kích, lòng tôi quặn thắt bởi những đồng đội mình nhiều người nằm lại nơi đây mãi mãi không về”.Đôi mắt rưng rưng ông nhìn về phía bắc thành, nơi con sông Thạch Hãn xanh trong một thời nhuộm đỏ máu đồng đội, ông tâm sự:“Trở lại đây sau bốn mươi năm chiến tranh, chứng kiến sự hồi sinh của một đô thị trẻ, lòng tôi dâng tràn một cảm xúc khó nói nên lời. Tôi và những người may mắn còn sống sẽ nguyện cầu cho đồng đội đã anh dũng hy sinh được siêu thoát, tiếp tục phù hộ độ trì cho mảnh đất này vững chải trên con đường phát triển”. Khi biết tôi là người Quảng Trị, một số Cựu chiến binh cùng đoàn đã có những cái bắt tay thật chặt, trên gương mặt của họ rạng ngời nụ cười như người thân xa nhà lâu ngày gặp lại và tôi một lần nữa tự hào về họ, về những anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương ngã xuống để Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

Trong không gian ảo mờ hương khói quyện hòa giọng đọc trầm bổng da diết sâu lắng của chị thuyết minh làm lay động lòng người về một lá thư viết vội gửi gia đình và người thân của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trước khi xung trận và biết sẽ mãi mãi không về. “… Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi “đã đi nghiên cứu trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột. Lớn lên trong vòng tay mẹ khi còn trứng nước, chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ phải đi thăm bố rồi… Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi…. Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…. Em  thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo lời anh căn dặn. Hàng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm… Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về, đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh. Từ thị xã hỏi thăm về “Nhan Biều 1” nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng……..”. Đọc lá thư đến đây, hàng trăm khách hành hương đã nhòe những dòng nước mắt lăn dài trên má... Ngoài những di thư thiêng liêng để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng của người dân đất Việt, còn đó những hình ảnh sống động về sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã hủy diệt sự sống con người trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972 mà mỗi du khách đến đây không khỏi ám ảnh. Bức di thư thiêng liêng còn là tiếng vọng vào hồn thiêng dân tộc của thế hệ tuổi hai mươi “ra đi bảo tồn sông núi”, bảo vệ chân lí sáng ngời mà Bác Hồ đã khẳng định là “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, để khi đến Thành Cổ, nhà thơ Trần Bạch Đằng đã viết bốn câu thơ mang tầm thời đại về cuộc chiến khốc liệt trên đất này rằng: Hễ có Việt Nam có Cổ Thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất từng giây mỗi lá cành.

  Bốn mươi năm trôi qua, chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, màu xanh của sự sống đã phủ dày lên đất này như một điều kỳ diệu. Thành Cổ - Tháp chuông – Quảng trường – Bến thả hoa ở đôi bờ sông Thạch Hãn, tạo thành một quần thể di tích cách mạng quan trọng trong các tour du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Với các hạng mục hiện có, Thành Cổ Quảng Trị chưa ngang tầm của một di tích “đặc biệt quan trọng”, chưa đủ để làm cho các thế hệ hôm nay và du khách cảm nhận hết thiên anh hùng ca bất tử đã được quân và dân ta viết nên tại mảnh đất thiêng liêng này. Để trở thành một địa chỉ đỏ hành hương về nguồn của người dân đất Việt, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Dự án tổng thể đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị giai đoạn hai. Dự án giai đoạn hai với đầy đủ các hạng mục công trình quyện hòa giữa cổ kính và hiện đại mà vẫn đậm nét “Cõi thiêng Thành Cổ”. Trong đó “Khu tả thực 81 ngày đêm đánh địch phản kích” có ý nghĩa hết sức quan trọng của di tích đặc biệt này. Nó sẽ tái hiện lại toàn cảnh chiến cuộc 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. “Cảnh chiến trường ác liệt”, “Cảnh cuộc sống - chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân và dân ta”, “Chân dung người chiến sĩ”, mà khi du khách tham quan hành hương được chứng kiến tận mắt sức huỷ diệt kinh hoàng của chiến tranh trong 81 ngày đêm ấy.

Ông Nguyễn Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ: “... Để dự án được triển khai cần một nguồn kinh phí rất lớn mà các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, các mạnh thường quân, các tổ chức cá nhân, tập đoàn kinh tế... chung tay xây dựng thì dự án sẽ sớm thành công. Bấy giờ Cõi thiêng Thành Cổ mới trở thành một không gian tâm linh thiêng liêng, xứng tầm các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên đất này”.

Ngoài trung tâm tượng đài Thành Cổ thì nơi này cũng cần mở rộng không gian thiêng trên đôi bờ sông Thạch Hãn để khách hành hương thế hệ hôm nay và mai sau có thêm góc nhìn về mảnh đất một thời máu lửa. Bởi đoạn sông này được xem như nghĩa trang tầm quốc gia, “Nghĩa trang không mộ”...

Đi giữa rừng mai chiều Thành Cổ, tôi nghe trong gió ngàn vi vu vọng về những câu thơ của nhà thơ Phạm Đình Lân như một lời nhắn nhủ.

... Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào

 

... Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng. 

 

Lê Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 214 tháng 07/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground