Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ngày lịch sử

C

uối giờ làm việc của một ngày đầu tháng 9 năm 1973, tôi nhận được một mảnh giấy với nội dung ngắn gọn là phải có mặt tại Ty An ninh tỉnh Quảng Trị vào lúc 17 giờ cùng ngày để Trưởng ty gặp.

Cầm mảnh giấy trong tay, tôi không khỏi lo lắng là cái gì sẽ xẩy ra sau mảnh giấy này?

Những ngày trước đó, với tư cách phụ trách bộ phận cổ động, nhiếp ảnh của Ty Thông tin văn hóa, tôi đã làm những gì cần làm của yêu cầu một cuộc gì đó vô cùng quan trọng và bí mật… thế mà bây giờ lại “Bị” gọi đến gặp Trưởng ty An ninh? Tự kiểm điểm, tôi thấy không có gì sai trái, công việc những ngày qua là vô cùng tốt đẹp. Những khó khăn của công việc được tháo gỡ dần. Ví dụ: trong tình hình quá khó khăn về vải mộc để căng panô vẽ áp phích, Ty Thương nghiệp đã xoay chạy giúp, bột màu vẽ đã có Ty Văn hóa thông tin Vĩnh Linh giúp, mẫu các cổng chào đặc biệt đã có họa sĩ Trần Thanh Lâm vẽ…, chỉ có một việc là không có sơn để sơn cổng chào. Tôi đem tặng hơn 20 tấm ảnh trắng đen cở 18cm x 24cm do tôi chụp cho Công ty đại tu cầu Đông Hà, trong đó có một ảnh nối 6 phim về cầu Đông Hà đã bị Mỹ tàn phá, số ảnh còn lại là tôi đã chụp quá trình đại tu cầu của Công ty. Quý trọng những tư liệu đó, Công ty Cầu 10 đã giải quyết giúp Ty VHTT tỉnh Quảng trị gần 50 cân sơn các loại, từ đó, Ty mới có thể hoàn thành đúng thời hạn trên yêu cầu về việc lập một hệ thống cổng chào đặc biệt đẹp, các cụm panô cổ động từ Cam Lộ ra đến Nam cầu Hiền Lương để sớm đón một vị khách lớn nào đó là do tôi nghĩ vậy. Việc Công ty Cầu 10 giải quyết như thế là rất tình nghĩa và hoàn toàn hợp lý vì chúng tôi đã cử người đi khắp nơi kể cả ra “Bắc” như Vĩnh Linh, Đồng Hới để mua sơn mà cũng không có. Tôi nghĩ việc này chẳng có sai trái, còn việc Công ty ủng hộ thêm vật liệu của 5 gian nhà cũ thì cũng không có gì rắc rối vì Công ty sắp ra Bắc, đó là kỷ niệm còn lại của Công ty đối với Ty VHTT tỉnh Quảng Trị và giá trị của bộ ảnh đã tặng về cầu Đông Hà.

Vậy là cái gì khác sẽ đến? Suy nghĩ miên man nhưng vẫn khẳng định là mình không có tội tình gì, tôi lên gặp đồng chí Lương Bình – Phó trưởng Ty phụ trách công việc của chúng tôi – cũng là người lãnh đạo tâm đắc của anh em thời bấy giờ. Đồng chí Lương Bình khuyên tôi bình tĩnh và nên đi ngay cho đúng giờ hẹn.

Ngồi trước bàn làm việc của vị Trưởng ty an ninh theo chỉ dẫn của viên hạ sĩ quan thường trực, vốn trước đó, đến nơi này là rất quen thuộc. Đồng chí Thủy, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ty An ninh là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều quan tâm đến “cánh” anh em chúng tôi; thế mà giờ đây, tôi lại phải thăm dò thái độ của đồng chí đó.

Vài phút nữa mới đến 17 giờ, tôi đang quan sát xung quanh thì một câu hỏi – vâng – một câu hỏi rất quen thuộc: “Sỹ Sô đến rồi à?” Tôi dạ một tiếng rồi chìa tay bắt tay đáp lễ khi thấy đồng chí Thủy đã đưa tay trước. Những gì làm tôi không ổn định, nhanh chóng bị đẩy lùi, niềm tin lại đưa tôi về với suy nghĩ: Chắc chắn có nhiệm vụ mới, đột xuất, quan trọng và có lẽ rất bí mật.

Tôi được mời uống trà ngon – hương vị của Thủ đô. Đồng chí Thủy qua loa vài câu thăm hỏi, khích lệ rồi giao nhiệm vụ: “Ngay sau đây, Sỹ Sô về chuẩn bị máy móc, phương tiện nghề nghiệp sang đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy sẽ báo Ty biết sau. UBNDCM trưng tập Sỹ Sô kể từ hôm nay….”

Nỗi lo lắng lại đến: Nhiệm vụ gì mà nghê gớm thế này? Tôi nghĩ vậy và dự đoán theo lối nghề nghiệp: Có lẽ đón một nguyên thủ quốc gia nào chăng?

Tôi vừa đến đồng chí Hồ Sỹ Thản – Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ luôn: “Kể từ bây giờ, chú ở lại đây với tôi” – đồng chí chỉ một cái giường đã chuẩn bị sẵn và nói: “Chú nằm giường đó, (một giường đối diện với giường của đồng chí trong cùng một phòng lái xe ở giường phòng ngoài). Khi nào tôi cầm mũ là chú xách máy móc phương tiện nghề nghiệp ra xe, Bốn sẽ lái xe đưa chúng ta đi – đi đâu, đến đó mới biết.”

Nhiệm vụ không rõ ràng nên vô cùng căng thẳng nhưng dù sao tôi cũng thêm tin mình và coi đây là thêm một vinh dự trong nghề nghiệp.

Làm theo lời dặn của đồng chí Bí tư Tỉnh ủy, 3 ngày qua, tôi như một cái máy. Ăn cũng không yên ăn, ngủ cũng không yên ngủ, lúc nào cũng thấy thấp thỏm… chờ đợi và chờ đợi…

Dò dẫm, tôi biết bên ngoài, nhiều công việc dồn dập, quyết liệt, nhất là các đơn vị bảo vệ trị an của Ty An ninh và các đơn vị bộ đội trên các cao điểm, trên các chốt, lực lượng rà phá bom mìn phải gánh chịu những tổn thất do hậu quả bom đạn giặc Mỹ để lại. Các phường, xã thuộc Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng hội họp nhân dân, bầu những đại biểu tiêu biểu đi dự mít tinh – chắc chắn sẽ có một cuộc mít tinh gì đặc biệt đây – tôi nghĩ vậy.

Lúc này, các vùng giáp ranh từ Tích Tường, Như Lệ đến Cửa Việt, không khí nhiều nơi, nhiều lúc khá căng thẳng vì hành động lấn chiếm của Việt Nam cộng hòa.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy lúc nào cũng như lửa đốt trong lòng. Có lần, chúng tôi ra đến nam sông Bến Hải rồi lại vào, có khi ra đến quận Gio Linh lại vào, đã khó hiểu lại càng khó hiểu thêm.

Lại một đêm tháng 9 qua đi, giờ đầu của một ngày mới đồng chí Hồ Sỹ Thản chồm dậy cầm điện thoại khi chuông báo chưa dứt… Đặt điện thoại xuống, sửa lại tư trang, tay cầm mũ cối đứng dậy, tôi quan sát và làm theo thói quen cùng ra xe. Đồng chí Bốn đưa chúng tôi đến trụ sở Tỉnh ủy, qua trụ sở ủy ban, các đồng chí Lê San – Chủ tịch UBNDCM tỉnh, đồng chí Lê Hành – Chủ tịch mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh cùng nhập đoàn xe ra phía cầu Hiền Lương.

Trong đêm tối, ngoài ánh sáng nối nhau thành vết dài của 3 xe chạy ra, thỉnh thoảng mới gặp 1 xe ca ngược chiều với biển số của Công ty ôtô 1 -5 chở đầy khách, ai nấy áo quần gọn gàng, nhiều màu sắc đẹp đẽ như những người đi hội. Càng đến gần nam cầu Hiền Lương, đàng đông trời càng hửng sáng dần của bình minh một ngày mới.

Khi đoàn xe dừng lại trước đồn An ninh Biên phòng thì đã gần 4 giờ sáng ngày 8/9/1973. Hai hàng rào danh dự lê tuốt trần dăng găng tay trắng nuốt đứng chờ sẵn. Đồng chí Hồ Sỹ Thản đại diện chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN tại khu Trị Thiên – Huế - Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị cùng đồng chí Lê San (tức Lê Bổ); đồng chí Lê Hành (tức Lê Xích) và các sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang tỉnh đã sẵn sàng, bên kia cầu phao có ánh đèn một đoàn xe con nối đuôi nhau vượt qua sông qua bờ nam Hiền Lương. Khi đoàn xe sắp dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng đến chiếc thứ 3, cánh cửa cùng mở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thủ tướng Phidel Castero bước xuống, lần lượt bắt tay, ôm hôn các đại diện quân - dân - chính Đảng khu Trị Thiên – Huế. Mọi người xúc động đến như ngừng thở. Không khí qua nhanh, theo kế hoạch của các tướng lĩnh bảo vệ, mọi người lên xe vào thủ phủ của Cộng hòa MNVN, thủ phủ được tạo thành mới trong vòng 24 ngày trên một vùng đất rộng của quận Cam Lộ cũ. Chính phủ CMLTCHMNVN mới ra mắt dân chúng ngày 6/6/1973.

Đoàn xe rời khỏi Hiền Lương, đồn An ninh Biên phòng bừng sáng dưới ánh bình minh ngày lịch sử của tình hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.

Với công việc nghề nghiệp, tôi được anh em bảo vệ chỉ định lên xe thứ 2 của đoàn xe (tức là chiếc xe chạy trước kề chiếc xe đưa hai Thủ tướng).

Đoàn xe dài đưa hai nguyên thủ Quốc gia lướt nhanh trên quốc lộ IA qua Đông Hà, ngược đường 9 đến Cam Lộ, qua hai hàng quân danh dự đã tề chỉnh trong quân phục màu rêu đá, găng tay trắng, AK chắc tay, lê sáng quắc – bồng súng chào. Đoàn xe dừng lại trước tiền sảnh của Hội trường Chính phủ CMLTCHMNVN. Trên 40 phóng viên quay phim, nhiếp ảnh, tin, đài, các hãng báo chí, thông tấn trong nước và quốc tế đã lăm lăm tay máy, tay bút để ghi nhận giây phút lịch sử trọng đại của mảnh đất lịch sử này.

Trong khoảnh khắc này, tôi ghi được hình ảnh đồng chí Phidel choàng tay ôm trung tướng Trần Nam Trung và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản như cuộc gặp lại của những anh em ruột thịt sau quãng thời gian cách trở xa nhau.

Bữa điểm tâm qua đi giây lát, đoàn xe lại dừng bánh đưa hai Thủ tướng, quan khách, tướng lĩnh tiến lên phía tây Cam Lộ.

Hai hàng cây của khu Chính phủ xòe những cành xanh non, rung rinh trước gió như vẫy chào đoàn xe đưa hai Thủ tướng và quan khách lên cao điểm 241 Tân Lâm.

Bình minh trải đều trên đường 9 như thảm sáng đón khách quý phương xa. Một ngày thu trong xanh, nắng bám bánh xe lăn đều trong gió thoảng, trong tiếng chim ca như khúc hát bình minh ngày hội. Chẳng mấy chốc, đoàn xe đã rẽ trái, giã từ đường 9, tiến về trung tâm cao điểm 241. Đèo dốc quanh co nhưng êm ả, xe lướt trong ánh bạc của bông lau. Chỉ một thoáng, đồi đất đỏ trải trước tầm mắt, cao điểm được nổi bật hơn bằng lễ đài trang trọng ghép các loại ri sắt, ri nhôm, hai bên lễ đài những băng đỏ chữ trắng thắm đẹp các khẩu hiệu ấm áp tình hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.

241 kể từ khi trung tá Phạm Văn Đính – chỉ huy Trung đoàn 56 ngụy Sài Gòn phản chiến, trở về với quân giải phóng; hôm nay, trên mảnh đất bom đạn Mỹ cày xới này mới thực sự nở hoa: Hoa của muôn màu áo đẹp, hoa của lớp lớp tà áo dài khoe sắc dưới rừng cờ, biểu ngữ và chân dung lãnh tụ; hoa của hàng ngàn huân chương chiến công và các loại huân chương khác lấp lánh trên những lá quân kỳ đỏ thắm trong tay những chiến sĩ danh dự trước những hàng quân thẳng tắp; hoa của lòng người vùng giải phóng Quảng Trị ôm thắm nhân nhụy của tình hữu Việt Nam – Cu Ba! Cu Ba – Việt Nam. 241 – một ngày lịch sử.

Trời nắng dịu, những tràng pháo tay ran lên như sấm dậy khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN – thay mặt chính phủ CMLTCHMNVN từ khán đài đưa cao tay vẫy chào nhân dân và tiếng vỗ tay ngớt dần khi Chủ tịch sôi nổi đọc diễn văn chào mừng Thủ tướng Phidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các quý khách Cu Ba đã đến thăm Chính phủ CMLTCHMNVN và vùng giải phóng Quảng Trị. Lại những đợt vỗ tay dài nối tiếp sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ VNDCCH giới thiệu Thủ tướng Phidel  và các vị khách quý Cu Ba, Thủ tướng Phidel – nhà hùng biện lừng danh thế giới chính thức nói chuyện với cán bộ, quân, dân, vùng giải phóng Quảng Trị. Không một mảnh giấy cầm tay. Thủ tướng Phidel đã nói suốt gần 1 giờ rưỡi đồng hồ về chiến công của quân dân Miền nam đã tập kích chiến lược thắng lợi mùa xuân 1968 và nhất là mùa xuân 1972 – giải phóng Quảng Trị, buộc đế quốc Mỹ phải chịu ký hiệp định Pari 1973. Thủ tướng nói đến cuộc kháng chiến của Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược luôn luôn được sự cổ vũ lớn lao của bạn bè năm châu, đặc biệt, Thủ tướng nói đến tình cảm của nhân dân, Đảng, Chính phủ Cu Ba đối với nhân dân Việt Nam nói chung và với nhân dân, mặt trân dân tộc giải phóng MNVN nói riêng. Mỗi lúc dừng ngắt ý của Thủ tướng là mỗi lần pháo tay rầm vang núi đồi Tân Lâm – 241.

Thủ tướng Phidel Castro kết thúc cuộc nói chuyện bằng những khẩu hiệu chúc cách mạng Việt Nam thành công rực rỡ, nhanh chóng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi các tầng lớp nhân dân Quảng Trị, nhân dân các vùng giải phóng MNVN. Hai Thủ tướng ôm hôn thắm thiết lần lượt các vị trong Chính Phủ CMLT và các vị lãnh đạo địa phương thay mặt quân dân chính đảng các vùng giải phóng.

Tôi đã chụp được tấm ảnh chân dung bán thân thủ tướng Phidel từ trên dễn đàn của cuộc mít tinh này. Tấm ảnh này có nhiều đồng nghiệp khi xem cứ tưởng tôi có dịp may mắn được gần và chụp Thủ tướng trong điều kiện có chuẩn bị. Trong muôn lớp sóng tay vẫy chào, từ loa phóng thanh, tiếng Thủ tướng Phạm Văn Đồng vang lên: Vi va Cu Ba! Vi va Việt Nam! Vi va Phidel, Viva Hồ Chí Minh. Đồi núi truyền đi âm vang dậy trời, đất của rừng người đồng thanh điệp khúc những câu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vui sướng đến chảy nước mắt khi Thủ tướng Phidel cao lớn, nhanh nhẹn tiến đến trước các hàng quân nắm lấy cán quân kỳ gắn đầy huân chương lấp lánh của binh đoàn Khe Sanh chiến thắng phất mạnh như một nghệ sĩ múa hùng tráng nhịp nhàng trong khúc nhạc pháo tay của cuộc mít tinh. Hình ảnh tuyệt vời của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cu Ba làm cho tôi liên tưởng đến những gì mà đế quốc Mỹ đã và đang gieo cho cách mạng Cu Ba. Và cũng lúc này, tại Châu Mỹ la tinh cách mạng Vênêzuêla đang mặc cả sự đánh đổi giữa tên đại tá Mỹ do du kích Vênêzuêla bắt với Nguyễn Văn Trổi của Miền nam Việt Nam mà Mỹ ngụy đã bắt, nhưng kẻ thù luôn luôn lật lộng, sau khi tên đại tá Mỹ được thả, bọn Mỹ ngụy đã xử bắn người anh hùng chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Trổi…

Cuộc mít tinh đã chấm dứt lâu rồi mà Phidel vẫn chưa giã từ được với đại biểu nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị. Tôi có chụp không ngắm máy một bức ảnh như để đánh đố tìm Phidel trong biển sóng nhân dân Quảng Trị trên cao điểm 241 Tâm Lâm.

Vọng vang núi đồi Quảng Trị: Viva CuBa - Viva Việt Nam; Viva Hồ Chí Minh – Viva Phidel…

Công việc được sắp xếp sẵn theo khoa học thời chiến, xe các loại lần lượt đưa nhân dân phân tán sau khi chính tay hai thủ tướng đã nắm bắt để vừa giã từ lưu luyến, vừa truyền hơi ấm hữu nghị thực sự đến nhiều cán bộ, nhân dân đại diện các vùng giải phóng của CHMNVN.

Các tướng lĩnh của CHMNVN chính thức dẫn đường đưa hai Thủ tướng và các vị khách quýCuba thăm cao điểm 241. Đường dẫn đã cắm vè để tránh lựu đạn, các loại mìn có thể còn sót sau một thời gian đã dày công rà phá. Lối đã cắm vè là lối đã an toàn. Khắp cao điểm, từ hầm chỉ huy Sở đến tận từng khẩu “Vua chiến trường (chiến lợi phẩm thu được khi giặc Mỹ bỏ chạy). Đâu đâu hai Thủ tướng và các vị khách cũng đi, cũng được nhìn nhận tận nơi ở đó đều chứng minh thành quả của chiến tranh nhân dân mà chính nhân dân Miền Nam đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp đó hai Thủ tướng và các quan khách đã đến thăm từng đơn vị quân giải phóng đã có nhiều chiến công trong cuộc công kích năm 1968 và cuộc giải phóng Quảng Trị 1972.

Đoàn xe đưa hai Thủ tướng và quý khách trở về giữa muôn vàn tiếng hô Viva Cu Ba, Viva Việt Nam, Viva Phidel, Viva Hồ Chí Minh của nhân dân vẫy chào hai bên đường về khu Chính phủ.

Mọi diễn biến nhanh chóng đến mức độ tưởng chừng không có thời gian để hai Thủ tướng nghỉ, ấy thế mà đâu vẫn vào đó. Thủ tướng Phidel đã có nơi nghỉ trưa thích hợp. Để có sự thích hợp ấy trước đó cũng đã có chuyện vui: Nhà khách cứ tưởng giường có sẵn là nằm được, nhưng khi được thông tin về chiều cao của Phidel nhà khách đã nhanh chóng triển khai đóng một chiếc giường đẹp có chiều dài đến 2,1m. Ai có thể nghỉ rằng chính nơi đây khi đào nền xây móng công binh đã phải tháo gỡ trên 450 quả mìn các loại của căn cứ quận lị Cam Lộ này chỉ chưa đầy 4 tháng. Và giờ đây, tại khu Chính phủ, nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị đã có đặc sản của địa phương đưa đến tặng hai Thủ tướng và các vị khách; một số chiến lợi phẩm có giá trị lịch sử cũng được cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đưa đến làm quà tặng trong chuyến thăm hữu nghị lịch sử này của Thủ tướng Phidel Castro và các vị khách Cu Ba.

Bắt đầu buổi chiều, khi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các chị trong Chính phủ CMLTCHMNVN vẫy tay chào từ giả và đưa tiễn thì chỉ một lúc đoàn xe dừng lại đột ngột trên đường 9 giữa thị xã Đông Hà như một đòn bất ngờ đối với những tướng lĩnh bảo vệ. Hai Thủ tướng cùng các vị khách Cu Ba dưới sự hướng dẫn của đồng chí Hồ Sỹ Thản Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Phương Thạc Chủ tịch UBNDCM thị xã Đông Hà đã đi bộ gần 2 cây số. Thủ tướng Phidel thú vị khi ghé qua lô cốt do thực dân Pháp xây dựng để án ngự đường 9 năm 1947 mà dưới chân lô cốt là lúc nhúc các loại xe tăng, thiết giáp còn mang nhãn hiệu Hoa Kỳ trong cuộc xâm lược này của đế Quốc Mỹ. Đây là biểu tượng của nấm mồ chôn chung hai tên đế quốc xâm lược. Giáng phủ phục của các phương tiện chiến tranh này của Pháp, Mỹ lại là biểu hiện chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Dọc đường qua thị xã hai Thủ tướng đã tận thấy những nỗ lực của cán bộ, nhân dân vùng giải phóng Đông Hà trong khôi phục sản xuất, cải thiện đời sống và nhất là được chứng kiến những công trình đầy hứa hẹn trong cuộc chiến đấu còn tiếp diễn để hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Tổ quốc đã giao phó cho nhân dân Miền Nam nói chung, cho nhân dân vùng được giải phóng nói riêng của tỉnh Quảng Trị. Phidel đi, chúng tôi phải chạy mới kịp.

Từ giã quân dân thị xã Đông Hà, hai Thủ tướng cùng các vị khách đến thăm các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ đã giải phóng Dốc Miếu. Hai Thủ tướng và các vị khách đã tận thấy mọi ngõ ngách của dinh lũy cố thủ của cụm pháo quái ác mà thực dân Pháp trước đây cũng như đế quốc Mỹ vừa qua đã coi đó là căn cứ pháo binh bất khát xâm phạm nhất là sau khi cứ điểm này nằm trên tuyến hàng rào điện tử Macnamara. Chiến công trên cao điểm Dốc Miếu là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của chính đảng Mác xít Lênin nít Việt Nam

Những đoạn phim cuối cùng của tôi chụp ngày lịch sử này là cuộc tiễn biệt trên bờ nam cầu Hiền Lương cuối ngày 8/9/1973. Khi hai Thủ tướng và các vị khách quý lần lượt bắt tay, ôm hôn lưu luyến các vị tướng lĩnh các đồng chí lãnh đạo địa phương: Hai thủ tướng với đồng chí Hồ Sĩ Thản, đồng chí Lê San, với đồng chí Lê Hành và đặc biệt là các cuộc tiếp xúc thăm hỏi cuối cùng của hai Thủ tướng với các sĩ quan, chiến sĩ bảo vệ và một số bà con Gio Linh, Quảng Trị.

Một niềm vui đối với tôi, có thể nói là tự hào khi được xem trên báo Nhân Dân mấy ngày sau đó được thấy tấm ảnh: “Đảo Cồn Cỏ - chiến hạm trên Thái Bình Dương” tôi chụp năm 1969 trong đợt công tác trên đảo đã trở thành quà tặng mà Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh trao Thủ tướng Phidel Castro.

Những gì tôi đã chụp là những gì tôi đã thấy và giờ đây trở thành những trang chữ của một ngày lịch sử đầy ấn tượng và rất sâu sắc; là một trong những chuyện bất ngờ, bí mật trong cuộc chiến đấu chưa yên trong cuộc đời cầm máy của tôi.

 

S.S

 

SĨ SÔ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 204 tháng 09/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground