Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một thuở "Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam"

T

heo lời giới thiệu và chỉ dẫn tận tình của các đồng chí cán bộ hội Cựu chiến binh (CCB) Vĩnh Linh tôi tìm về thôn Đặng Xá xã Vĩnh Lâm để gặp gỡ thương binh - CCB Trần Đình Kính, một trong những cán bộ chiến sĩ dũng cảm kiên trung của đơn vị đặc công thuộc lực lượng Công an Vũ trang (CAVT) bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh sau hiệp định Giơ-ne-vơ, người nổi tiếng một thời vào sinh ra tử trên các chiến trường Vĩnh Linh và Gio Cam, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong những năm tháng “Ăn cơm bắc, đánh giặc Nam” thời kháng chiến chống Mỹ.

Qua khỏi cầu Châu Thị, đến cổng chào làng Đặng Xá rẽ trái vài trăm mét thì đến nhà bác Trần Đình Kính. Sau phút giây bỡ ngỡ, vợ chồng bác Kính niềm nỡ, thân tình mời tôi vào nhà. Khi hiểu rõ mục đích ý nguyện cuộc viếng thăm của tôi là muốn tìm hiểu những nhân chứng lịch sử cùng những chiến công của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm tháng thực hiện phương châm chiến lược thông minh linh hoạt: “Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” nhằm chi viện, chia lửa cùng quân dân Quảng Trị trung dũng kiên cường, tuyến đầu của miền Nam Thành đồng Tổ quốc. Theo dòng ký ức, tôi như được quay ngược thời gian trở về quá khứ cách đây hơn 60 năm với biết bao sự kiện đã in đậm trong tâm khảm của mình. Bác Kính bắt đầu câu chuyện thật cô động và súc tích.

Bác Kính sinh ra và lớn lên ở thôn Long Hà xã Linh Quang, nay là thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh. Năm 1950 khi vừa 14 tuổi bác đã được tuyển chọn, kết nạp vào đội du kích bí mật của xã, hoạt động chiến đấu trong vùng giặc Pháp chiếm đóng. Năm 1954 hiệp định Giơ-ne-vơ tạm chia nước ta thành hai miền Nam Bắc, bác được lệnh tập kết ra  Bắc, tham gia du kích và dạy bình dân học vụ ở xã Vĩnh Thành. Năm 1958 bác xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Lý nữ dân quân đất tuyến ở Đặng Xá, Vĩnh Lâm. Năm 1959 khi vợ sắp sinh con đầu lòng, bác xung phong nhập ngũ cầm súng trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược. Bác được biên chế vào lực lượng CAVT bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh, sau đó được chọn về đơn vị trinh sát đặc công trực tiếp thực hiện phương châm chiến lược “An cơm Bắc đánh giặc Nam” rất sáng tạo, thông minh của quân và dân Vĩnh Linh lúc bấy giờ.

Với dã tâm xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm đã chà đạp, xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng trắng trợn tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” chúng hô hào lấp sông Bến Hải để Bắc tiến; rồi lập ấp chiến lược ở miền Nam để tách cá ra khỏi nước, tách Việt cộng ra khỏi dân chúng để dễ bề tiêu diệt lực lượng cách mạng. Chúng ban hành  Luật 10/1959, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật hòng thực hiện mưu đồ đen tối, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu...

Từ năm 1962, Mỹ nguỵ tăng cường hoạt động tình báo, gián điệp đẩy mạnh việc chia rẽ khối đoàn kết, mua chuộc các dân tộc thiểu số chống phá cách mạng. Chúng đưa đến Quảng Trị hàng chục gián điệp CIA do tên Đại tá cố vấn tình báo Mỹ Ha-kin đội lốt linh mục chỉ huy, mang danh nghĩa đi truyền đạo Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở phía Bắc đường 9 miền Tây Quảng Trị. Chúng đóng trụ sở ở ấp chiến lược Ba Trăng (Cam Lộ). Hàng ngày tên Đại tá tình báo này được một trung đội lính xuyên sơn và chó béc- giê bảo vệ, hộ tống cẩn mật đi vào các bản làng Vân Kiều, Pa Cô tuyên truyền mị dân. Chúng cấp phát kẹo bánh, đường sữa, hàng hoá Mỹ cho đồng bào, lựa chọn phần tử trẻ ham thích hưởng thụ vật chất, mua chuộc huấn luyện họ thành gián điệp đi dọc Trường Sơn ra Bắc nắm bắt tình hình, chụp ảnh đường Hồ Chí Minh, hoạt động của đoàn 559 để cung cấp cho CIA với mưu đồ dùng người Việt đánh người Việt. Thời kỳ này phong trào cách mạng ở Gio Cam, Hướng Hoá mới hồi phục- bác Kính kể- Bộ tư lệnh Công an vũ trang giao nhiệm vụ cho phân đội 3 đặc công chúng tôi phải tiêu diệt toán tình báo này, nhất là tên Đại tá cố vấn Mỹ đội lốt linh mục. Đơn vị chúng tôi ba lần cải trang thành tiều phu đi chặt củi, đốn gỗ bí mật ra vào điều tra nắm bắt tình hình địch. Xuất phát từ Hồ Xá chúng tôi phải đi bộ suốt đêm, vượt qua hai con sông Bến Hải và Cam Lộ mới đến nơi tập kết. Cuối tháng 12/1963 đơn vị hỗ trợ tôi mang 35kg thuốc nổ TNT để làm bộc phá. Chúng tôi có sáng kiến cài 5 kíp nổ vào 1kg TNT để tăng gấp 5 lần sức công phá lên thành 175kg mới san bằng được công sự ngầm xây bằng bê tông, cốt sắt kiên cố, nửa chìm nửa nổi là đồn trú của tình báo Mỹ được bảo vệ rất cẩn mật, với nhiều lớp hàng rào thép gai, lính gác, chó béc - giê, mìn 3 càng nhằm ngăn chặn quân ta đột nhập. Chúng tuần tiễu, lùng sục thường xuyên liên tục xung quanh lô cốt kiên cố của Đại tá tình báo Mỹ tưởng chừng một con chuột cũng khó lọt vào. Trong đêm đông giá buốt cuối năm chúng tôi vượt sông Bến Hải, rồi băng rừng, lội suối tìm mọi cách lọt vào ấp chiến lược Ba Trăng. Đúng 12 giờ đêm hôm ấy tôi và đồng chí Chất đã dùng chiến thuật đặc công, tàng hình bò trườn luồn lách bất ngờ áp sát lô cốt nửa chìm nửa nổi của Đại tá cố vấn Mỹ rồi ép chặt quả bộc phá nặng 35 kg có cài 5 kíp nổ để tăng  sức công phá lên 5 lần. Đặt xong quả bộc phá tôi vừa bò lui ra xa khoảng hơn 15m thì đồng chí Hồ Sỹ Chất quay điện, một tiếng nổ rung trời chuyển đất lay động núi rừng. Chiếc lô cốt được xây bằng xi măng cốt thép rất kiên cố bị biến thành đống gạch vụn vùi thây tên Đại tá cố vấn cùng với một số tên xâm lược và tay sai bán nước khác. Đây là chiến công lớn đầu tiên của lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh thực hiện thắng lợi phương châm “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, góp phần đánh bại âm mưu thâm độc dùng người Thượng đánh phá cách mạng của bọn Mỹ, ngụy lúc bấy giờ. Chiến công đã mang lại niềm vui lớn, tăng lòng tin vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cho quân dân Gio Cam nói riêng và Quảng Trị nói chung.

Kể đến đây, bác Kính chững lại nhìn qua sông Bến Hải, nơi có ấp chiến lược Ba Trăng năm nào đã khắc dấu ấn đậm nét không thể nào quên trong những năm tháng vào sinh ra tử, rồi lại tiếp tục câu chuyện về trận đánh cầu Đuồi, cũng thuộc huyện Cam Lộ nối liền đường 76 với quốc lộ 9 tạo thành hệ thống đường giao thông huyết mạch vận chuyển binh lính, khí tài, đạn dược của Mỹ nguỵ nhằm càn quét, chiếm giữ miền Tây Quảng Trị, cắt đứt đường Hồ Chí Minh ngăn chặn nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhiều cuộc chuyển quân bằng thiết giáp M113 và M118 của Mỹ nguỵ đã vượt qua cầu Đuồi đánh phá tiêu diệt các đơn vị bộ đội hậu cần, quân y Trị Thiên và các cơ quan đoàn thể Gio Cam đóng ở đây. Có lần quân địch đã bí mật bao vây càn quét rú Thiện Chánh tiêu diệt một đơn vị hậu cần quân y của Trị Thiên và Gio Cam. Bộ chỉ huy quân khu Trị Thiên quyết định cần phải khẩn trương đánh sập cầu Đuồi, cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng của địch. Một đơn vị công binh B5 nhận nhiệm vụ đánh cầu nhưng bị bại lộ vì địch canh giữ bảo vệ cầu rất nghiêm ngặt, một số chiến sĩ bị thương vong. Từ đó địch càng đề cao cảnh giác tăng cường binh lính, phương tiện bố phòng bảo vệ cầu cẩn mật suốt ngày đêm. Thu đông 1964 việc đánh sập cầu Đuồi càng trở nên cấp thiết. Lần này phân đội đặc công của  Công an vũ trang Vĩnh Linh lại được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt này. Tổ đặc công chúng tôi gồm các chiến sĩ: Chất, Kính, Kỳ, Mãng do đồng chí Nguyễn Thanh Hà chỉ huy. Mỗi chiến sỹ mang vác 50 kg thuốc nổ được gói thành một quả bộc phá và cài 15 kíp nổ để tăng sức công phá lên gấp 5 lần. Từ Vĩnh Linh chúng tôi xuyên màn đêm, bí mật luồn rừng vượt núi đến bờ sông Cam Lộ. Khi cách cầu gần 2km, ba chúng tôi là Kính, Kỳ, Mãng lội xuống sông vơ bèo, rều rác từ trên nguồn trôi về ngụy trang cẩn thận che mắt địch, rồi theo dòng nước chảy xuôi đến chân cầu. Có những lúc bọn địch canh giữ cầu bắn thăm dò nhiều loạt đạn vào các cụm rều rác, củi mục, cành cây khô trôi vật vờ trên mặt sông nhưng rất may là tổ đặc công chúng tôi không ai bị thương vong gì. Hơn 12 giờ đêm, vừa bơi đến chân cầu ba chúng tôi buộc chặt 3 quả bộc phá vào 3 trụ cầu rồi bơi vào bờ, đồng chí Chất làm nhiệm vụ cuối cùng là quay bình điện. Một tiếng nổ đinh tai buốt óc rung chuyển cả một vùng đồi núi rộng lớn. Bởi vì sức nổ của 150kg bộc phá được cài 15 kíp nổ thì sức công phá lên  gấp 5 lần. Toàn bộ 3 vài của cầu Đuồi kiên cố đổ sập xuống dòng sông Cam Lộ. Hơn 10 phút sau quân địch ở Đông Hà, Tân Lâm mới hoàn hồn bắn súng và pháo sáng loạn xạ, hú họa vô mục tiêu. Tổ đặc công chúng tôi lợi dụng ánh sáng pháo dù của quân địch để rút lui về vùng rừng núi an toàn chẳng ai bị thương tích gì. Tổ đã lập được chiến công xuất sắc: đánh sập cầu Đuồi, cắt đứt đường giao thông huyết mạch của quân thù gây khó khăn trở ngại lớn cho chúng trong vận chuyển quân lính, vũ khí, lương thực, nhất là việc đi lại của đoàn xe thiết giáp M113 và M118 chi viện tiếp tế cho các đơn vị và căn cứ quân địch chốt chặn, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Tiếp đến tháng 7 năm 1964 cấp trên lại giao nhiệm vụ cho tổ đặc công chúng tôi gồm 4  cán bộ chiến sỹ là: Hồ Sỹ Chất, Trần Đình Kính, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Văn Bằng phải tìm mọi cách đột nhập đánh vào trụ sở Đài phát thanh nguỵ quyền quận Trung Lương đặt tại đồn cảnh sát Xuân Mỵ được quân địch bảo vệ cẩn mật bằng hàng rào thép gai có cài mìn định vị với nhiều lính gác và chó béc-giê canh phòng nghiêm ngặt suốt ngày đêm tưởng chừng không có cách nào lọt vào được. Hàng ngày tên ác ôn kiêm phát thanh viên Ngô Phương chửi rủa miền Bắc, vu khống bịa đặt nói xấu Bác Hồ, Mặt trận và quân giải phóng miền Nam rất thậm tệ. Vận dụng kinh nghiệm quý giá của những lần đột kích bí mật thành công trước đây chúng tôi đã bất ngờ đột nhập vào đồn cảnh sát Xuân Mỵ phá nát Đài phát thanh, giết chết tên ác ôn- phát thanh viên chống cộng khét tiếng Ngô Phương, mang lại sự bình yên và  phấn khởi cho nhân dân hai bờ giới tuyến.

Sau vụ tên Phương và đài phát thanh Xuân Mỵ bị trừ diệt, địch nghi ngờ đặc công miền Bắc vượt sông Bến Hải đột nhập vào diệt ác trừ gian, nên chúng tăng cường phục kích dọc giới tuyến, tuần tra lùng sục  suốt ngày đêm. Tối hôm đó đơn vị chúng tôi được giao tiếp nhiệm vụ vào Nam điều tra nắm bắt tình hình địch ở địa bàn Gio Linh. Ba chúng tôi gồm Kính, Khoa, Tùng do tôi phụ trách được một du kích xã Trung Giang dẫn đường, có thuyền nhỏ của cơ sở chở qua sông Bến Hải. Khi lên bờ Nam đi được 300m, thì lọt vào trận địa phục kích của địch. Tôi đi trước và phát hiện được địch cách 15m, liền lệnh cho  cả tổ tản ra nằm xuống. Lập tức địch bắn xối xả vào đội hình của ta, chúng tôi bắn trả lại. Bắn nhau khoảng 5 phút, quân địch  hô: “ Bắt sống cộng sản”. Tôi bò tới từng đồng chí ra lệnh không bắn, chuẩn bị lựu đạn. Chờ khi địch đứng dậy chạy ra bắt sống thì mỗi người chúng tôi ném lựu đạn. Địch chết và bị thương một số tên, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Theo quy ước từ trước, tôi hô “Tiến...” tức là rút lui an toàn! Ra đến bờ sông, bật tín hiệu, thuyền bờ Bắc sang đón về, không ai bị thương vong, đến nay cả ba anh em chúng tôi vẫn còn sống. Khoảng nửa giờ sau, xe địch từ Đông Hà chở hàng trăm tên lính ra rải từ Hiền Lương về đến Thuỷ Bạn mai phục suốt đêm, đến sáng chúng dàn hàng ngang lùng sục tìm dấu vết của quân ta, nhưng không có kết quả gì vì chúng tôi đã trở về bờ Bắc an toàn .

Cuối năm 1965, tôi được cấp trên điều về đồn CAVT Cửa Tùng làm công tác Liên hợp khu phi quân sự để đấu tranh trực diện với cảnh sát nguỵ Sài Gòn là những phần tử chống Cộng, chống hiệp thương thống nhất đất nước quyết liệt nhất, ngoan cố nhất trong các tầng lớp nguỵ quân, nguỵ quyền can tâm làm tay sai bán nước cầu vinh. Với phương châm “Tích cực tuyên truyền binh vận tranh thủ mọi lúc mọi nơi” chúng tôi đã vận động cảm hoá được nhiều cảnh sát nguỵ Sài Gòn tự nguyện thực hiện “Án binh bất động” không chống phá cách mạng, không làm hại nhân dân, không gây trở ngại cho tuyến đường vận tải tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam vượt qua sông Bến Hải. Ngay cả những tên đồn trưởng, đồn phó cảnh sát nguỵ như Đỗ Nhật, Ngô Văn Cầu được chúng tôi tuyên truyền giác ngộ cũng giữ thái độ trung lập, không chống phá cách mạng nên đường giao liên tiếp vận qua lại hai bờ sông Bến Hải giảm bớt trở ngại, thương vong. Nhiều lần vận chuyển vũ khí tối tân vào cho đơn vị đặc công hải quân đánh tàu địch ở quân cảng Cửa Việt lập nhiều chiến công. Đơn vị đặc hải này được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Giữa năm 1966, Mỹ nguỵ tăng cường ném bom bắn phá hai bờ giới tuyến quyết ngăn chặn, cắt đứt đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, nhất là đường qua bến đò B Tùng Luật, Vĩnh Giang. Tôi được đề bạt làm đồn trưởng Công an vũ trang Cửa Tùng. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo và dân quân xã Vĩnh Quang hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyến giao liên, đưa đón hàng ngàn cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại giới tuyến được an toàn.

Bước sang năm 1968, Mỹ nguỵ tăng cường đủ loại máy bay kể cả B52, nhiều loại đại bác đặt ở Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, Cửa Việt, dội mưa bom bão đạn quyết hủy diệt để biến lũy thép Vĩnh Linh nói chung và Cửa Tùng nói riêng thành một vành đai trắng. Lũy thépVĩnh Linh nói chung, Cửa Tùng nói riêng không còn sự sống, không còn cây cỏ, chỉ còn lại một vùng đất trơ trụi chồng chất hố bom. Chúng tôi cùng dân quân Vĩnh Quang đào hầm chữ A và địa đạo để tránh bom đạn, bám đất giữ làng “Một tấc không đi, một li không rời” quyết tâm bảo vệ vững chắc luỹ thép Vĩnh Linh - Tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền nam thần đồng Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong năm 1968 Cửa Tùng đã bị 18 lần tốp B52 ném bom rải thảm để huỷ diệt sự sống. Riêng ngày 1/5/1968 máy bay địch ném bom toạ độ làm sập cửa hầm địa đạo gây chết ngạt hơn 20 cán bộ và nhân dân. Không quản hiểm nguy tôi đã lao xuống địa đạo cõng được sáu người bị ngất xỉu lên mặt đất chăm sóc phục hồi sức khoẻ. Lần cuối cùng tôi xuống vác được cô nữ dân quân Nguyễn Thị Rát, khi leo lên bậc thứ 13 thì cả tôi và cô ấy gục ngã, ngất xỉu. Sau đó chúng tôi được các anh bộ đội cõng lên mặt đất lúc 10 giờ, mãi đến 14 giờ chiều chúng tôi mới hồi tỉnh lại, thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Đến nay sáu trong bảy đồng chí dân quân được tôi cứu thoát hôm đó vẫn còn sống. Nắm bắt được thông tin trên, phóng viên mặt trận đã viết bài biểu dương tôi lên báo. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi và Huy hiệu của Người vào tặng tôi. Cuối năm 1968 tôi được tặng danh hiệu chiến sỹ quyết thắng CAVT (nay là Bộ đội biên phòng); một thời gian sau đó đồn CAVT Cửa Tùng cũng đã được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong gần 20 năm cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược, góp phần giành độc lập tự do, thống nhất đất nước tôi đã cùng đồng đội vào sinh ra tử trên các chiến trường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nên tôi đã được khen thưởng nhiều lần như: Danh hiệu chiến sỹ quyết thắng; Chiến sỹ thi đua; Dũng sĩ diệt Mỹ; Chiến sỹ giỏi cùng nhiều Huân chương các loại...

Kể đến đây bác Kính lại đăm chiêu, nghĩ ngợi chưa nói nên lời. Tôi mạnh dạn, chân tình chia sẻ:

- Khi đồn công an Cửa Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thì cá nhân bác có được tặng danh hiệu gì không?

Nghe tôi hỏi, bác Kính sực tỉnh trở về với thực tại và bác khiêm nhường trả lời:

- Trước đó mấy tháng tôi bị thương, khi điều trị xong được trên điều về phân đội đặc công để tiếp tục nhiệm vụ: “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” cho đến ngày Quảng Trị được giải phóng nên tôi không được đơn vị cũ xem xét, đề nghị khen thưởng. Mà nhắc lại chuyện này làm gì? Trọn cuộc đời chúng tôi, những anh em“Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” ngày ấy nhận nhiệm vụ ra đi, nào ai nghĩ tới việc khen thưởng. Riêng tôi đã được Bác Hồ trực tiếp gửi Thư khen và Huy hiệu của Người là tặng thưởng thiêng liêng, cao quý nhất trong đời rồi còn gì...

Tôi kính cẩn, vòng tay cúi đầu cảm phục ngưỡng mộ người CCB “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Ghi lại câu chuyện này là ghi lại lịch sử dân tộc và quê hương đất nước. Tôi muốn nhắc nhở các thế hệ con em rằng hãy khắc sâu trong tâm khảm, không thể nào lãng quên để: Lớp cha trước lớp con sauTrở thành đồng chí chung câu quân hành.

 

N.X.P.

 

Nguyễn Xuân Phùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground