Vào thời điểm này tỉnh Quảng Trị có một nguồn nhân lực dự trữ khá lớn là 1.600 học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sơ tán đang học tập tại Tân Kỳ, Nghệ An. Tên gọi là Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhưng theo học tại trường có đầy đủ con em tất cả huyện thị của tỉnh Quảng Trị. Trong số này có gần một nửa số học sinh đã đủ tuổi gọi nhập ngũ, đang học lớp cuối cấp 3 có thể đào tạo cấp tốc trở thành cán bộ nòng cốt ở cơ sở.
Trong khi các sư đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng bảo đảm ào ạt hành quân áp sát mặt trận để chuẩn bị chiến dịch xuân hè 1972, tiến công giải phóng Quảng Trị thì các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ tuyển quân cũng lặng lẽ lên đường đi bộ 300 cây số ra Trường cấp 3 Vĩnh Linh ở Tân Kỳ, Nghệ An. Ngày 30/3/1972, khi tiếng súng mở màn chiến dịch nổ ở Quảng Trị thì danh sách tuyển quân tại Trường cấp 3 Vĩnh Linh cũng mở ra trang đầu tiên.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng và sự phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở trường, chỉ sau 15 ngày phát lệnh tuyển quân, 181 học sinh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong số này có rất nhiều đơn viết bằng máu. Đây là đợt tuyển quân quy mô lớn nhất trong lịch sử của Trường cấp 3 Vĩnh Linh thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hơn ba mươi lớp, lớp nào cũng có học sinh tình nguyện nhập ngũ, bình quân mỗi lớp có sáu học sinh xung phong lên đường trở về chiến đấu, công tác, xây dựng quê hương Quảng Trị. Ngày 15/4/1972 được ghi trong lý lịch mỗi người là ngày nhập ngũ.
Theo chủ trương, sau khi tuyển quân, khoảng 200 học sinh đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa vào Ban B thuộc Ban Thống nhất Trung ương để đào tạo chương trình sơ cấp về quản lý chính quyền cơ sở, nội dung chương trình thời gian huấn luyện do khung cán bộ của Ban B phụ trách. Sau ba tháng đào tạo cấp tốc, lực lượng này sẽ về Quảng Trị bổ sung cho Ty An ninh Quảng Trị và tăng cường lực lượng cán bộ ở hơn 130 xã phường trong toàn tỉnh.
Sau một đêm hành quân cấp tốc bằng ô tô dưới sự đánh chặn quyết liệt của không quân và hải quân Mỹ, từ Tân Kỳ, đội hình hành quân vượt qua các trọng điểm Truông Bồn, phà Bến Thủy, ngã ba Đồng Lộc, đèo Ngang,… Rạng sáng ngày 1/5/1972, đoàn quân 181 chiến sĩ mới đã đến vị trí tập kết ở hai xã Tiến Hóa và Châu Hóa huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, đúng lúc tin vui đến từ quê nhà: Sau hơn một tháng tiến công, Quân giải phóng đã đập nát tuyến phòng thủ vòng ngoài mạnh nhất miền Nam của Mỹ ngụy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Vào đến Ban B Quảng Bình, Đoàn Văn công Khu ủy Trị Thiên trên đường từ Hà Nội vào chiến trường đang nghỉ dưỡng tại đây đã tuyển năm đồng chí bổ sung đội ngũ diễn viên của đoàn. Số còn lại 176 đồng chí được biên chế thành 5 H, (mỗi H tương đương một trung đội) bước vào huấn luyện ngay. Nội dung chương trình huấn luyện gồm hai phần: Huấn luyện chính trị và huấn luyện quân sự. Trong đó huấn luyện chính trị là chính, huấn luyện quân sự là những nội dung cơ bản về kỹ thuật sử dụng vũ khí bộ binh, không huấn luyện về chiến thuật.
Có thể do mục đích là để đào tạo nguồn cán bộ tiếp quản xây dựng chính quyền thôn, xã vùng mới giải phóng nên trong chương trình chính trị, ngoài các bài về đường lối chung của Cách mạng miền Nam, chương trình dành thời gian và nội dung chính cho việc tìm hiểu về các tổ chức đảng phái phản động và thủ đoạn hoạt động của lực lượng Phượng Hoàng, biệt đội Thiên Nga...
*
Sau ba tháng khẩn trương huấn luyện, cuối tháng 7 năm 1972, tất cả 176 chiến sĩ mới trong trang bị, vũ khí của cán bộ dân chính đi B, hành quân vào Quảng Trị. Lúc này, trên chiến trường Quảng Trị, sau thất bại nặng nề phải rút chạy về phía nam sông Mỹ Chánh, được sự hà hơi tiếp sức của quân đội Mỹ, ngày 28/6/1972, quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 72, với mục tiêu đầy tham vọng: “Tái chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, đuổi quân Cộng sản về phía bắc sông Bến Hải, khôi phục lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa như trước ngày 30 tháng 3 năm 1972”.
Sau khi tung toàn bộ lực lượng tổng trừ bị chiến lược gồm: Liên đoàn biệt kích dù, Sư đoàn nhảy dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, với sự yểm trợ tối đa về hỏa lực phi pháo của Mỹ, quân đội Sài Gòn đã tái chiếm vùng đồng bằng, ven biển huyện Hải Lăng và một số xã ở nam huyện Triệu Phong, tiến sát thị xã Quảng Trị.
Trước diễn biến mới của chiến trường, Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định chia 176 chiến sĩ dân chính thành hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất gồm 23 đồng chí được bàn giao cho Ty An ninh giải phóng Quảng Trị thưc hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng giải phóng như kế hoạch; Bộ phận thứ hai gồm 153 đồng chí giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị để bổ sung cho hai Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh là K10 Đặc công, K14 Bộ binh và Đại đội 18 Thông tin, đây là các đơn vị đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ đầu chiến dịch. Bước sang giai đoạn hai, quân số hao hụt nhiều chưa có lực lượng bổ sung.
Đúng lúc này, Tiểu đoàn 14 đang làm nhiệm vụ trực tiếp chốt giữ khu vực Vân Tường, Long Quang, Linh An, tiếp nhận 75 đồng chí bổ sung. Tiểu đoàn 14 biên chế 35 đồng chí vào Đại đội 2, là đại đội chủ công, phòng thủ tại chốt Long Quang và 20 đồng chí vào đại đội 4 hỏa lực, số còn lại được biên chế về Trung đội trinh sát và Trung đội thông tin của Tiểu đoàn.
Với lực lượng mới bổ sung, Tiểu đoàn 14 đã được tăng cường về xung lực đáng kể, góp phần quan trọng cùng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 Quang Tây, Sư đoàn 320 B (nay là Trung đoàn 64 Sư đoàn 390 Quân đoàn 1) xây dựng chốt Long Quang thành chốt thép chặn đứng các cuộc hành quân mang tên “Sóng Thần” do Lữ đoàn 147 thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy, không cho chúng nống ra cảng Cửa Việt và uy hiếp tỉnh lộ huyết mạch 64 từ Cửa Việt đi Thành Cổ.
Ngày 22/7/1972, địch điều Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 369 từ hướng Chợ Cạn xã Triệu Sơn đánh lên Long Quang xã Triệu Trạch. Gặp sự đánh trả quyết liệt của Tiểu đoàn 14 tỉnh đội Quảng Trị, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 và du kích Triệu Trạch thì chúng co cụm về bãi cát Long Quang, cao điểm 11 phía đông làng Linh An. Từ đây chúng liên tục mở các cuộc hành quân nhằm vào Long Quang với ý đồ bứng bằng được “cái gai thép” trên đường tiến ra Cửa Việt.
Di tích lịch sử quốc gia Chốt thép Long Quang - mắt xích quan trọng bảo vệ vòng ngoài phí đông Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh IT
Mức độ đánh phá khốc liệt của địch được một sĩ quan Thủy quân lục chiến kể lại: “Hải pháo từ các chiến hạm ngoài khơi bắn vào các điểm tình nghi của địch suốt ngày đêm. Pháo binh 175 ly từ Phong Điền tăng cường quấy rối, đặc biệt 12 khẩu đại bác 155 ly, 54 khẩu đại bác 105 ly cơ hữu của Sư đoàn Thủy quân lục chiến được lệnh tác xạ không ngừng một phút, pháo thủ chỉ được thay nhau ngủ vài giờ đồng hồ... Đạn bắn không cần đếm, hàng trăm xe vận tải dài chở đạn suốt ngày đêm trên lộ trình Đà Nẵng - Quảng Trị; đạn pháo để dọc lề đường quốc lộ 1 hàng cây số. Các xe của Tiểu đoàn pháo binh cứ chạy ra vác về, khỏi phải làm phiếu lãnh. Tại điểm tiếp liệu Mỹ Thủy, sà lan chở đạn cũng đổ đầy bờ biển. Chưa bao giờ các pháo thủ được bắn thả ga như vậy. Trong 48 giờ đồng hồ 4 Tiểu đoàn pháo binh đã bắn đi 60 ngàn trái đạn. Có thể nói không thước đất nào là không có đạn rơi…”.
Mặc dù vậy nhưng những tân binh nhập ngũ từ Trường cấp 3 Vĩnh Linh được bổ sung về Tiểu đoàn 14 đã nhanh chóng thích ứng với chiến trường ác liệt thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, bản lĩnh, bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin quyết thắng.
Sau khi chiếm lại Cổ Thành 15/9/1972, Mỹ ngụy dồn mọi nỗ lực để đánh bật chốt Long Quang bằng mọi giá. Trước tình hình đó, không chỉ ngoan cường đánh địch giữ chốt, Đại đội 2 đã chủ động luồn sâu đánh tập kích nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, ngăn chặn phạm vi mở rộng của chúng. Ban ngày chiến đấu giữ chốt, ban đêm luồn sâu vào sau lưng địch đánh địch ở cao điểm 11, khu vực Phường Lang, đường 8, Chợ Cạn và các vị trí địch tập trung binh lực chuẩn bị xuất phát tấn công, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.
Trong quá trình chốt giữ ở chốt thép Long Quang từ tháng 7 đến cuối tháng 10/1972, Tiểu đoàn 14 đã đọ sức với hầu hết các Tiểu đoàn của Lữ đoàn lục chiến 147, 158, 369, Thiết đoàn xe tăng 20 cùng với sự yểm trợ tối đa của hải quân, không quân hiện đại của Mỹ ngụy; phối hợp cùng quân và dân xã Triệu Trạch đánh 84 trận, tiêu diệt 637 tên địch, bắn cháy và phá huỷ 17 xe tăng, phối hợp bắn rơi 3 máy bay, bắt sống 1 Trung đội địch thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Thực tế chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tân binh ra đi từ Trường cấp 3 Vĩnh Linh: Nguyễn Văn Quế, Phan Văn Pha, Trần Bá Kháng, Nguyễn Thành Việt, Nguyễn Văn Duy, Dương Chim,...
Đầu tháng 11/1972, sau gần hai tháng củng cố, bổ sung quân số, trang bị, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B đã trở lại mặt trận cánh đông Quảng Trị tiếp tục chiến đấu. Tiểu đoàn 14 bàn giao chốt Long Quang lại cho Trung đoàn 48, rút về tuyến sau củng cố để bước vào giai đoạn chiếm đất giành dân tiến tới ký kết Hiệp định hòa bình Paris.
Cũng như Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 10 Đặc công tiếp nhận 65 tân binh từ Trường cấp 3 Vĩnh Linh bổ sung vào thời điểm sau 6 tháng liên tục chiến đấu mỗi đại đội của Tiểu đoàn 10 chỉ còn chưa đầy 20 tay súng. Đúng lúc ấy, các đại đội 11, 24, 36 mỗi đại đội được bổ sung 20 đồng chí.
Vừa huấn luyện kỹ chiến thuật binh chủng đặc công vừa vận dụng thực hành chiến đấu, các tân binh nhanh chóng tham gia ngay các hoạt động tác chiến của Tiểu đoàn: Luồn sâu lót sát vào hậu cứ của địch, tập kích Sở chỉ huy, trận địa pháo, kho vũ khí, hậu cần của Sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy. Tiêu biểu là các trận: Tập kích trận địa pháo Trà Trì, Trà Lộc; tập kích địch co cụm ở cao điểm 11 Linh An; tập kích trận địa pháo Ngô Xá, trận địa pháo Tam Hữu… Tên tuổi của Trần Văn Thiên, Lê Hữu Phước, Nguyễn Quang Lưỡng, Lê Phước Đạc, Hồ Ngọc Minh, Trương Công Kiệm, Nguyễn Xuân Hoa, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Xuân Thư, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Văn Thìn cùng nhiều đồng chí khác gắn liền với những chiến công oanh liệt, sống mãi trong lòng cán bộ chiến sĩ trong Tiểu đoàn 10 Đặc công anh hùng.
Những đồng chí của Trường cấp 3 Vĩnh Linh về Đại đội thông tin 18 của tỉnh đội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu thông suốt từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tới các tiểu đoàn, đại đội trực thuộc đến các huyện thị trong tỉnh trong suốt quá trình đánh địch phản kích tái chiếm.
Hai mươi ba chiến sĩ bổ sung cho Ty An ninh giải phóng Quảng Trị là những đồng chí được chọn lọc về sức khỏe, phẩm chất chính trị, là con em cán bộ, nhân dân ở phía nam của tỉnh tập kết ra Vĩnh Linh nay rời ghế nhà trường bước vào một mặt trận chiến đấu mới, đấu trí đấu lực thầm lặng mà quyết liệt: bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mới giải phóng.
Theo nhận định của Tỉnh ủy Quảng Trị, nếu quân chủ lực thua trận buộc rút khỏi Quảng Trị thì bọn tàn quân, bộ máy ngụy quyền tan rã tại chỗ sẽ được Mỹ ngụy bố trí cài cắm lại vùng giải phóng, bí mật hoạt động phá hoại ngầm chờ thời cơ. Trong đó các đảng phái phản động và tổ chức Phượng Hoàng, Thiên Nga là lực lượng đặc biệt nguy hiểm.
Chương trình Phượng Hoàng do Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện ở miền Nam trước năm 1975 thường được gọi bằng cái tên "chiến dịch ám sát" là sự tiêu biểu của những hành động tàn bạo, xâm phạm nhân quyền mà CIA và các tổ chức của nó đã tiến hành. Theo thống kê của Mỹ, chỉ trong năm 1969, 19.534 người bị gán cho mác Việt Cộng đã bị "vô hiệu hóa" (từ sử dụng trong chương trình Phụng Hoàng, thực chất là ám sát và thủ tiêu). Chính lực lượng này đã gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân dân ta với chủ trương khét tiếng phi nhân tính: “Giết nhầm hơn bỏ sót”.
Đặc biệt là Biệt đội Thiên Nga do Cục tình báo Trung ương Mỹ trực tiếp đào tạo, được thành lập sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968. Đây là lực lượng thuộc khối đặc biệt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia ngụy quyền Sài Gòn. Lực lượng này chỉ tuyển chọn những cô gái trẻ đẹp, làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau. Phạm vi hoạt động từ thành thị đến những vùng nông thôn xa xôi. Hai nhiệm vụ chính của lực lượng Thiên Nga là hoạt động thu thập thông tin tình báo và thâm nhập vào các tổ chức hạ tầng cơ sở cách mạng để lũng đoạn.
Vừa bước vào chiến trường, 23 chiến sĩ An ninh giải phóng đã nhanh chóng hòa nhập cùng lớp đàn anh kỳ cựu của Ty An ninh Quảng Trị tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị. Vô hiệu hóa các tổ chức, đối tượng phản cách mạng trong vùng giải phóng.
Sau Hiệp định hòa bình Paris, lực lượng An ninh Quảng Trị trong đó có các học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhập ngũ đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác Trung ương đến vùng giải phóng Quảng Trị. Trong hai năm 1973 - 1974 đã có 45 đoàn khách quốc tế; 109 đoàn khách Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, báo chí trong và ngoài nước đã đến thăm, trình quốc thư Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Đặc biệt, trong đó có đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cu Ba do đồng chí Phi-đen Cát-xtrô dẫn đầu (tháng 9/1973), đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Tổng Bí thư Gioócgio Mácse dẫn đầu đã đến thăm vùng giải phóng vào sáng ngày 14/11/1973. Tất cả các đoàn đến và đi được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
*
Cho đến ngày Hiệp định Paris có hiệu lực 28/1/1973 thời gian phục vụ tại ngũ của 181 học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhập ngũ ngày 15/4/1972 mới chỉ có 9 tháng, nhưng gần một nửa đã hy sinh và bị thương trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Số còn lại nhanh chóng trưởng thành cán bộ chỉ huy Tiểu đội và Trung đội. Đánh giá chung về chất lượng lớp chiến sĩ này, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thoa, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Trị năm 1972, nhận xét: “Một lớp chiến sĩ tuyệt vời, có trình độ văn hóa, lòng dũng cảm và giác ngộ chính trị cao, trong suốt thời gian dài chiến đấu ác liệt không có trường hợp đào ngũ. Sự có mặt kịp thời của họ ở tuyến đầu mang lại sức mạnh chiến đấu cho các đơn vị nhận quân, góp phần quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng của lực lượng vũ trang địa phương Quảng Trị”.
Với thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, hàng chục đồng chí đã kinh qua thử thách trong chiến đấu, với nền tảng văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của đơn vị được cử đi học bổ túc hoặc đào tạo thành sĩ quan chỉ huy để thực hiện được mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Số ở lại đơn vị tiếp tục là nòng cốt của các đơn vị K10, K14, C18, An ninh Quảng Trị, là lực lượng dày dạn kinh nghiệm, có bản lĩnh và ý chí kiên cường tham gia chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn quê hương, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Sau năm 1975, đa số anh em chuyển ngành hoặc phục viên về xây dựng quê hương. Khoảng 40 đồng chí được chọn đào tạo trở thành sĩ quan phục vụ quân đội lâu dài, 22 đồng chí tiếp tục phục vụ trong lực lượng Công an. Các đồng chí này tiếp tục có mặt trên chiến trường Campuchia, Lào và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tiếp tục lập nhiều thành tích tô thắm truyền thống của Trường cấp 3 Vĩnh Linh và quê hương Quảng Trị anh hùng.
*
Thấm thoắt đã 50 năm kể từ ngày Tuổi mười tám áo chưa sờn đã chật / Bước vụng về nhưng rắn chắc hăng say, nay lứa học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhập ngũ ngày 15/4/1972 đã chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hy”. Ngồi tính sổ cuộc đời hơn 100 người đã ngã xuống trên chiến trường ba nước Đông Dương, ngã xuống trên biên cương phía Bắc, ngã xuống do những cơn sốt rét rừng quái ác, ngã xuống do vết thương tái phát, do những căn bệnh hiểm nghèo do di chứng chất độc da cam…
Hơn 70 người còn sống hôm nay có một Thiếu tướng Công an, 12 Đại tá Công an và Quân đội, vài chục sĩ quan Quân đội, Công an từ Thiếu úy đến Thượng tá, vài người là lãnh đạo cấp Sở, một người là Nghệ sĩ Ưu tú…
50 năm giải phóng Quảng Trị, nhắc lại một thời oanh liệt hào hùng của quê hương, trong đó có phần đóng góp bé nhỏ của 181 học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh thế hệ chúng tôi sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra trận chấp nhận hy sinh để cho mảnh đất Quảng Trị có được ngày hôm nay.
Xin thắp nén hương thơm vái vọng linh hồn bạn bè đã ngã xuống!
Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, lớp chiến sĩ trường cấp 3 Vĩnh Linh thăm lại chiến trường xưa Thành Cổ - Ảnh T.P.T