Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nặng tình với thổ cẩm

TCCV Online - Từng có một thời, người Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông xếp khung cửi vào góc nhà, chái bếp. Nặng tình với thổ cẩm, chị Đoàn Thị Nga (sinh năm 1974) đã “đánh thức” những chiếc khung cửi tưởng chừng bị lãng quên và tìm đường cứu nghề bằng tâm huyết, sự nỗ lực của bản thân…

“Đánh thức” khung cửi

 Tổ ấm của gia đình chị Đoàn Thị Nga nằm nép mình bên những ngôi nhà khang trang ở trung tâm bản Cu Tài 2, xã A Bung, huyện Đakrông. Không trưng bày hàng hóa, cũng chẳng treo biển hiệu quảng cáo nhưng khách mua thổ cẩm đều dễ dàng tìm đến nhà chị. Chính âm thanh lách cách của khung cửi đã chỉ dẫn cho họ đến đây.

 Gần 25 năm nay, hiếm ngày nào, tiếng khung cửi thôi lách cách, kẽo kẹt trong căn nhà bé nhỏ của người được dân bản trìu mến gọi là “cô giáo thổ cẩm”. Đến giờ, chị Đoàn Thị Nga vẫn nhớ như in ngày đầu ngập ngừng bước chân lên bậc thang nhà chồng. Cô gái người A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế bỡ ngỡ trước bao điều mới lạ. Một lần dọn nhà, chị Nga vô tình phát hiện chiếc khung cửi được ai đó xếp lên chái bếp. Mọi kí ức chợt ùa về trong lòng chị.

 Trước kia, mẹ chị Nga vẫn thường nhắc nhủ con gái học dệt thổ cẩm vì đây là nghề truyền thống của người Pa Kô, nếu không học sau này khó giữ lấy gốc. Từ sự chỉ dẫn của mẹ, chị Nga làm quen với khung cửi, rồi say mê lúc nào chẳng hay. Về làm dâu ở đây, chị Nga cồn cào trong dạ khi thấy dân bản Cu Tài 2 dần quay lưng với nghề dệt thổ cẩm. Hầu hết chị em trong bản không còn đủ kiên trì gò lưng bên khung cửi. Lớp trẻ chuộng những trang phục tiện lợi được bày bán nhan nhản ở chợ.

  Hôm đưa chiếc khung cửi từ chái bếp xuống, chị Nga tự hứa sẽ góp sức giúp dân bản Cu Tài 2 giữ nghề truyền thống này. Chị xem đây là “món quà” mà nàng dâu mới gửi gắm để tri ân sự yêu thương của gia đình, dòng họ, bản làng của chồng. Ngay hôm sau, chị Nga đi tìm mua từng gói hạt cườm, cuộn sợi nhiều màu sắc… Trở về, chị ngồi bên khung cửi suốt hai ngày để dệt nên chiếc xấn cầu kỳ, tinh xảo, khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi. Từ đó, hễ rảnh rỗi là chị Nga lại bầu bạn với khung cửi.

 Thấy chị ngồi ở hiên nhà sàn chăm chút từng đường tơ, sợi chỉ, một số người đi qua lắc đầu bảo, thổ cẩm có làm no cái bụng được đâu? Có thời điểm, chị mang tiếng “lười” bởi chỉ chọn việc nhẹ nhàng, chứ ít quăng quật nương rẫy so với một số chị em khác. Tuy nhiên, chị Nga bỏ ngoài tai mọi lời ong, tiếng ve. Ngoài vun vén việc nhà cửa, rẫy nương, chị vẫn chuyên tâm dệt thổ cẩm cho các thành viên trong gia đình. Điều khiến chị Nga ấm lòng nhất là ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các thiếu nữ tìm đến để nhờ chị truyền nghề.

 Chẳng bao lâu sau, ngôi nhà của vợ chồng chị Nga đã trở thành lớp học dệt thổ cẩm. Trọng nghề, yêu người, chị Nga truyền hết những gì mình tích luỹ được. Nàng dâu của bản Cu Tài 2 cũng thường xuyên nhắc nhủ các chị em khác: “Thổ cẩm của người Pa Kô có nét độc đáo riêng nên phải gìn giữ, phát huy. Đừng để người ta nhầm tưởng sản phẩm mình làm ra với thổ cẩm của người Dao, người Thái…”.

 Tiếng lành vang xa, học viên đến học ở nhà chị Nga kín chỗ. Trong lúc đang trăn trở tìm cách tháo gỡ khó khăn, chị rất vui mừng khi được một tổ chức nước ngoài hỗ trợ kinh phí và bố trí nơi dạy nghề. Truyền nghề ở bản xong, được sự động viên của cán bộ dự án, chị Đoàn Thị Nga lại vượt đường sá cách trở, tìm đến những vùng đất xa xôi hơn để dạy dệt thổ cẩm. Nhiều khi chị Nga phải xa chồng, con cả tuần liền. “May mà chồng và con mình đều hiểu nên ủng hộ. Một lần về nhà sau chuyến đi dạy dài ngày, mình rất mừng khi thấy con gái ngồi dệt bên khung cửi. Con bé bảo mỗi lần nhớ mẹ là đem thổ cẩm ra dệt. Lúc đó, nó còn nhỏ lắm, chỉ học lỏm từ mẹ thôi”, chị Nga xúc động kể.

 Tìm đường cho thổ cẩm

 Gắn bó với khung cửi, trước đây, chị Nga hiếm khi nghĩ đến chuyện mưu sinh. Sản phẩm chị làm ra chủ yếu là tự cung, tự cấp. Theo thời gian, chị Nga dần nhận ra, để nghề có sức sống bền bỉ thì trước tiên nghệ nhân phải no cơm, ấm áo. Vì thế, chị quyết tâm biến sản phẩm mình và chị em trong bản làm ra thành hàng hóa. Không quản đường sá xa xôi, chị mang những sản phẩm đẹp nhất đến các bản làng khác để giới thiệu, bày bán. Càng đi, chị càng vui mừng nhận ra vẫn còn nhiều người Pa Kô, Vân Kiều yêu chuộng thổ cẩm và chị có cơ hội để sống với nghề.

 Sau những chuyến đi, chị Nga nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ dân bản xa gần. Làm không xuể, chị vận động những chị em giỏi tay nghề trong xã cùng góp sức. Có thời điểm, các chị phải dệt thổ cẩm xuyên ngày đêm. Nhiều lúc đôi tay như muốn rã ra vì mỏi nhưng không ai cho phép mình làm ẩu. Chị Nga chia sẻ: “Chị em đều hiểu không nên vì đồng tiền mà lại gián tiếp khiến nghề truyền thống và cả thương hiệu mà dân bản gây dựng bấy lâu chết yểu. Ai cũng cố gắng truyền tất cả tình yêu vào từng sản phẩm”.

 Thành công từ bước đầu tiên, chị Nga nghĩ đến chuyện tìm con đường dài, rộng lớn hơn cho thổ cẩm. Thực tế, ngay trên “sân nhà”, thổ cẩm của người Pa Kô đã khó cạnh tranh với những trang phục có giá thành phải chăng, tiện lợi được bày bán ở chợ. Thông thường, người Vân Kiều, Pa Kô chỉ sắm vài bộ thổ cẩm để mặc vào các dịp trọng đại vì thế, lâu lâu họ mới gõ cửa nhà chị. Hiểu điều đó, chị Nga nghĩ, cần làm điều gì đó để thổ cẩm của người Pa Kô cũng được người miền xuôi yêu chuộng. Như cơ duyên sắp đặt, chị Nga tìm ra lời giải trong lần cùng cán bộ dự án nước ngoài ra Hà Nội giới thiệu thổ cẩm của người Pa Kô.

 Tại ngày hội, chị Nga gần như hoa mắt trước những sản phẩm may mặc truyền thống của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hôm ấy, nhiều người đã dừng chân tại gian trưng bày trang phục thổ cẩm do chị Nga tự tay dệt. Không chỉ mua hàng, nhiều người còn ân cần trò chuyện, hỏi han, động viên chị. Có một phụ nữ trẻ trong số các khách hàng khiến chị Nga nhớ mãi. Người này đề nghị chị dệt một chiếc váy thổ cẩm theo kiểu dáng hiện đại để mặc trong những sự kiện quan trọng. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ xuất hiện trong đầu chị Nga: “Tại sao không thổi một luồng gió mới cho trang phục thổ cẩm?”.

 Trở về nhà với nhiều điều học hỏi được, ngoài dệt trang phục thổ cẩm, chị Nga còn mày mò làm ví, túi xách, mũ…Chị cũng chuyên tâm dệt, may nên những trang phục có kiểu dáng hiện đại từ tấm thổ cẩm truyền thống. Chị không ngờ sau khi ra lò, những sản phẩm này lại được rất nhiều chị em ưa thích. Một số phụ nữ miền xuôi tìm đến tận nhà chị Nga để đặt mua. Chị Nga giãi bày: “Nhiều người bất ngờ khi biết những chiếc váy mình dệt suốt mấy ngày chỉ có giá thành xấp xỉ bộ áo quần mà họ đang mặc. Thế nên, họ đặt mua liền mấy bộ, rồi biếu mình thêm ít tiền. Thực ra, mình chỉ lấy công làm lãi, chỉ cần có một cuộc sống vừa đủ để chuyên tâm giữ nghề truyền thống là mình vui lắm rồi”.

 Hôm lần theo tiếng khung cửi tìm đến nhà chị Đoàn Thị Nga, chúng tôi thấy nàng dâu quý của bản Cu Tài 2 đang ân cần xếp áo quần vào chiếc ba lô nhỏ. Thì ra, cậu con út của chị vừa đỗ vào Đại học Khoa học Huế. Mấy ngày trước khi lên đường nhập học, cậu nhờ mẹ dệt cho mình một chiếc áo thổ cẩm thật đẹp để mang theo như một kỷ vật nhắc nhủ bản thân luôn nhớ tới quê nhà. Chị Nga cho biết thêm, cô con gái của mình cũng đã trở thành nghệ nhân dệt thổ cẩm.

 “Mình cũng giống như cây rừng thôi, rồi sẽ già đi, đổ ngã. Sau này, tương lai bản làng, đặc biệt là sự sống còn của nghề dệt thổ cẩm nằm trong tay lớp trẻ. Chỉ mong các con, các cháu cũng yêu thổ cẩm như mình đã và đang yêu mà thôi”, ánh mắt ngập tràn niềm tin, chị Nga chia sẻ.

 T.Q.H

(Nguồn, Báo Quảng Trị)

Trương Quang Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground