Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngân vọng tiếng hò...

Người Quảng Trị thường cho rằng giọng mình nặng, khó nghe, không được thanh lịch như Hà Nội hay ngọt ngào như Sài Gòn. Thế nhưng chính chất giọng ấy, phương ngữ ấy khi được thông qua “chất xúc tác” từ âm nhạc lại trở nên quyến rũ lạ kỳ.

Cần có sự nghiên cứu để đề nghị đưa Hò Giã gạo Quảng Trị  vào danh mục Di sản văn hóa  phi vật thể Quốc gia  - Ảnh: Trúc An

Cần có sự nghiên cứu để đề nghị đưa Hò Giã gạo Quảng Trị vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Ảnh: Trúc An

Có lẽ không ngạc nhiên khi tác giả Văn Long - thành viên của đoàn công tác tỉnh Hòa Bình đã sững sờ đến mức kinh ngạc khi nghe giọng hò Quảng Trị cất lên trong đêm trăng sáng trên bãi biển Cửa Tùng: “Ôi! Giọng hò Quảng Trị làm xao xuyến lòng tôi. Có phải một phần của mảnh đất miền Trung, đoạn giữa chiếc đòn gánh đặt trên vai họ suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước đã sinh ra câu hò Quảng Trị cùng biết bao danh nhân, những tên làng, tên núi, tên sông,.. Ôi! Những câu hò sao mà giản dị, thiệt thà và yêu đời đến thế…” (“Điệu ví Mường và câu hò Quảng Trị”, Tạp chí Cửa Việt số 5 (tháng 2/1995).

Hò là một loại hình dân ca cổ truyền của người Việt. Trong nghệ thuật diễn xướng dân ca cổ truyền gồm các làn điệu (thể điệu) như: nói, ngâm, hò, hát, lý; trong đó, hò chiếm ưu thế về số lượng lớn và thể bài. Hò chủ yếu có mặt ở miền Trung và miền Nam, là tiếng hát gắn liền với động tác lao động, có thời gian trình diễn khá lâu, trong đó phần lớn liên quan đến lao động như việc đồng áng, chèo thuyền, kéo lưới trên biển hay trên sông,...

Ở Quảng Trị, hò là một loại hình văn hóa phi vật thể ra đời khá sớm và hiện diện ở hầu khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Trị như: làng Đại An Khê (xã Hải Thượng), làng Diên Sanh (xã Hải Thọ) huyện Hải Lăng; làng An Lưu (xã Triệu Sơn), làng Gia Độ (xã Triệu Độ), làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung) huyện Triệu Phong; làng Mai Xá (xã Gio Mai), làng Hà Trung (xã Gio Châu), làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) huyện Gio Linh; làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), làng Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm) huyện Vĩnh Linh, thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị),... Các điệu hò Quảng Trị có giai điệu hay, lối ca hát tự nhiên và đặc biệt là tính phổ biến rất cao trong cộng đồng của các điệu hò. Theo các nhà nghiên cứu nhận định, lịch sử hình thành và nguồn gốc dân cư vùng Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng, về cơ bản là những cư dân từ vùng Nghệ Tĩnh di cư vào. Chính vì thế, phương ngữ Nghệ Tĩnh và phương ngữ Bình Trị Thiên có những đặc điểm khá giống nhau dù mỗi vùng có những nét khu vực nhất định. Cụ thể, về mặt ngữ âm, các nhà Việt ngữ cho rằng: hai vùng Quảng Trị và Thừa Thiên có âm vực thuộc loại cạn và hẹp nhất nước. Do ảnh hưởng của giọng nói địa phương nên các điệu hò nơi đây cũng mang sắc thái riêng của vùng đất. Như vậy, rất rõ ràng, chính “chất giọng” rất riêng của người Quảng Trị đã làm nên hồn cốt cho các điệu hò.

Vì sao ở Quảng Trị, những điệu hò một thời được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống với tiếng hò ru con êm êm trong những mái nhà đơn sơ, hò chơi vơi trên những cánh đồng lúa chín mùa thu hoạch, hò bảng lảng dọc triền sông…? Hò là một tiểu loại của dân ca, được cấu thành dựa trên ba yếu tố cơ bản, có quan hệ mật thiết với nhau đó là làn điệu, ca từ và môi trường diễn xướng. Ba yếu tố này được chi phối bởi sự tương tác giữa chủ thể biểu đạt và khách thể tiếp nhận. Hội đủ các yếu tố và sự tương tác đó, hò mới thực sự có đầy đủ sức sống trong môi trường văn hoá, xã hội.

Arnold J. Toynbee từng nhận định rằng: “Những miền nằm trên miền biên giới đều có sinh lực mạnh mẽ”. Điều này có thể soi rọi rõ ở Quảng Trị - nơi giữ vai trò là miền biên viễn - là “Ô Châu ác địa”, nơi đầy rẫy lam sơn chướng khí, nhưng đồng thời ẩn chứa nguồn sinh lực dồi dào. Chính môi trường đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, khí chất con người nơi đây, thể hiện trên nhiều giác độ, mà diễn xướng dân gian là một trong những biểu hiện tiêu biểu. Đồng thời, việc sinh tồn trên những tiểu vùng địa lý đặc thù, từ những đồi núi đến đồng bằng, cồn cát ven biển, cùng với môi trường nước phong phú, đa dạng, hình thành từ những dòng sông lớn, nhiều thế hệ cư dân trên vùng đất Quảng Trị đã thẩm thấu cảnh sắc thiên nhiên, cảm nhận những khó khăn cũng như những ưu đãi của môi trường sinh thái. Từ đó, họ hình thành nên lối ứng xử rất riêng. Điều thú vị là cảnh sắc, con người và một phần lối ứng xử của người Quảng Trị được phản ánh qua lời ca tiếng hát, mà đặc sắc nhất là các làn điệu dân ca.

Về tín ngưỡng dân gian, các vùng ven sông, cửa sông, ven biển, hồ nước lớn trên vùng đất Quảng Trị tồn tại khá nhiều đền thờ với các thần tích mà các tư liệu cổ đã chép. Văn học dân gian Quảng Trị có đầy đủ các thể loại vốn có trong văn học dân gian như: truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện trạng, tục ngữ, ca dao, hò, vè, hát, lý,… Bên cạnh đó, việc ca múa từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng cư dân nơi đây. Từ giữa thế kỷ XVI, Dương Văn An trong tác phẩm Ô châu cận lục đã nhận định phong tục vùng Thuận Hóa: “Xuân sang thì mở hội, bến sông la liệt người qua lại. Hạ tới thì bày cuộc giấu thăm, rộn ràng ca múa… Lễ tế sùng bái tiệc chay, làm rất tốn phí. An táng thì múa hát trước linh cữu, gọi là tiễn vong… Nơi ca vũ thì thổi kèn đánh trống chỉ nội một đêm… Việc cúng tế cầu đảo thì dùng cỗ gà. Mở đầu tiểu lễ là nghi thức hát xướng”.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Đỗ Văn Bình cho biết, từ nhiều năm trước, Sở VH-TT&DL tiến hành sưu tầm các điệu hò Quảng Trị. Năm 2019, đơn vị chủ trì thực hiện đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh về đề tài này. Qua kết quả nghiên cứu, thống kê, phân tích đánh giá cho thấy Quảng Trị là nơi hình thành, lưu giữ và đang thực hành rất nhiều điệu hò. Dựa trên các tiêu chí nhận diện cơ bản và tên gọi phổ biến, ở Quảng Trị có những điệu hò sau: hò giã gạo, hò ru con, hò đưa linh, hò nện, hò chèo đò, hò tập chèo, hò kéo buồm, hò đẩy nôốc, hò mái nhì, hò mái ba, hò mái đẩy, hò mái duỗi, hò mái ô, hò đập bắp, hò đạp nước, hò đập đất, hò đẵn gỗ, hò kéo gỗ, hò bài thai, bài chòi, hò cấy lúa, hò xay lúa, hò quết vôi, hò ru em, hò hô dậy, hò hụi, hò khoan, hò lơ,… Về loại hình hò có thể chia thành: hò lao động, hò trên cạn, hò sông nước, hò nghi lễ (hò chèo cạn/hò đưa linh), hát ru (hò ru em)…

Nếu như lý thiên về tâm tình với chủ đề chính là các sự vật, hiện tượng, cảnh trí (lý chiều chiều, lý hoài nam, lý năm canh, lý hành vân, lý qua đèo, lý tình tang,…) thì hò lại gắn với cuộc sống thường nhật của người lao động, thể hiện ngay ở tên gọi (hò đập đất, hò cấy lúa, hò đẵn gỗ, hò kéo gỗ, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò xay lúa, hò hụi, hò giã gạo…). Chức năng lao động của hò thể hiện bằng nhịp điệu khẩn trương, các điệu hò hướng sự tập trung của người vào sự nhịp nhàng, đều đặn của động tác (tay chèo thuyền, tay chày giã gạo, tay vồ đập đất,...). Ngoài ra, tính chất chức năng giao duyên của hò cũng nổi bật với nội dung lời ca tiếng hát thể hiện sự giao duyên, tình yêu đôi lứa.

Là người đồng chủ nhiệm đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của các điệu hò Quảng Trị”, ông Đỗ Văn Bình cho biết thêm: “Hò Quảng Trị có nhiều cách gọi tên và phân loại, phản ánh sự phong phú và tính phổ biến: Dựa trên môi trường thể hiện, có thể phân thành hò trên cạn và hò dưới nước; dựa theo loại hình lao động có thể phân thành hò giã gạo, hò xay lúa, hò đẵn gỗ, hò đập bắp, hò đưa linh, hò ru con...; dựa theo địa phương nơi hình thành, có tên gọi các điệu hò gắn với tên làng như hò Như Lệ, hò Thượng Xá,...; dựa theo nhịp điệu, có thể phân hò Quảng Trị thành 2 loại hò có nhịp (hò giã gạo, hò hụi, hò đưa linh,...) và hò không nhịp hoặc nhịp tự do (hò Như Lệ, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò ru em,...). Dựa vào chức năng, có thể phân thành 3 loại là hò nghi lễ, hò sinh hoạt vui chơi và hò lao động sản xuất. Hò Quảng Trị có giá trị rất đặc sắc như: hò giã gạo, hò mái đẩy, hò Như Lệ - một điệu hò chỉ có ở Quảng Trị, hò đập bắp Thượng Xá…”.

Bên cạnh hò chèo cạn, làng Tùng Luật (Vĩnh Linh) còn lưu giữ nhiều điệu hò  đặc trưng của Quảng Trị. Ảnh: Hồ Thanh Thoan.

Bên cạnh hò chèo cạn, làng Tùng Luật (Vĩnh Linh) còn lưu giữ nhiều điệu hò đặc trưng của Quảng Trị. Ảnh: Hồ Thanh Thoan.

Hò giã gạo xuất hiện ở nhiều cộng đồng, nhiều vùng văn hóa, bởi một điều đơn giản, hoạt động giã gạo là hoạt động tất yếu và phổ biến của cư dân nông nghiệp trồng lúa, đặc trưng nhất là ở các tỉnh miền Trung, tuy nhiên hò giã gạo của Quảng Trị mang đặc trưng riêng biệt nhờ các đặc điểm sau: Được xây dựng trên điệu thức Nam đặc trưng của vùng Trị Thiên (giống với hò giã gạo ở Thừa Thiên Huế); có môi trường diễn xướng gắn với cả lao động (giã gạo), giải trí và sân khấu hóa (mượn cớ giã gạo để hò); có hai hình thức xướng và xô; có sự tham gia của cả nam và nữ; có nội dung đối đáp, trả lời từ hai phía; có cấu trúc hoàn chỉnh 3 đoạn: chào hỏi/mời chào, vào cuộc/đâm bắt/tỏ tình và chia tay/tạ từ; có nội dung lời hò phong phú, đa dạng; có tính ứng biến, thích ứng, phóng tác cao trong thang âm, điệu thức và ca từ với nhiều thể thơ khác nhau; có sự biểu đạt folkore đặc trưng và tổng hợp, thể hiện qua lời hò, làn điệu, ngôn ngữ, thể thơ, cử chỉ, môi trường trình diễn,… Trong đó, có thể xem chính lời hò, ngôn ngữ là một trong những đặc điểm làm nên “hồn cốt” riêng của điệu hò.

Các điệu hò Quảng Trị nhìn chung có nhịp có giai điệu tương đối đơn giản. Do xuất phát từ môi trường lao động, có chức năng hỗ trợ các động tác trong khi vừa làm vừa hát, cho nên yếu tố nghệ thuật không được đặt lên hàng đầu, lời ca, điệu nhạc không cần phải trau chuốt cho mượt mà. Thông thường, giai điệu của các điệu hò được xây dựng trên các dạng thang âm, điệu thức xác định. Từ đó, giai điệu được tiến hành dựa trên các bậc của thang âm, và chịu sự chi phối đáng kể của thanh điệu lời thơ, ngữ điệu địa phương. Các điệu hò Quảng Trị được xây dựng trên các dạng thang âm, điệu thức chịu sự chi phối đáng kể của thanh điệu lời thơ, sự ảnh hưởng của ngữ điệu tiếng nói địa phương Quảng Trị. Giọng Quảng Trị có âm vực hẹp, trong đó, thanh sắc, thanh ngã không được phát âm cao lên như trong giọng Bắc, thanh nặng cũng không quá trầm, là yếu tố tạo nên những làn điệu mang bản sắc riêng. Vì vậy, có thể nói giá trị nghệ thuật còn được thể hiện qua ngôn ngữ thể hiện đặc trưng. Thế nên, nhiều người địa phương khác rất ấn tượng khi lần đầu nghe Hò Quảng Trị bởi lẽ xứ Quảng Trị là đất đai khô cằn sỏi đá, nắng rát gió Lào, nhưng con người và dân ca, hò thì lại mượt mà, tha thiết, rung động lòng người bằng ngôn từ hò chân thực, sinh động. Do thường xuyên phải đối diện với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, nên dân ca, hò như là cách họ vươn lên, quên đi mọi khó khăn, từ sự kết tinh giữa tinh thần vươn lên và cảm xúc qua những bài hò lao động, được diễn đạt bằng giai điệu mượt mà, trau chuốt giàu sức biểu đạt, ẩn dụ.

Giá trị của điệu hò Quang Trị còn được phản ánh qua sự phong phú của nội dung các bài hò. Trên cơ sở một giai điệu, con người đã sáng tạo, ứng tác hoặc ghép các bài thơ dân gian (ca dao) vào đó để diễn xướng trong các hoàn cảnh khác nhau, tạo nên quy luật “một giai điệu - nhiều lời ca”. Các bài hò có ca từ là những bài ca, bài thơ dân gian, theo thể thơ lục bát và song thất lục bát (biến thể), dễ nhớ, dễ thuộc, dễ gieo vần, được lồng ghép vào một cái sườn giai điệu có sẵn. Hầu như mỗi ca từ đi với một nốt nhạc, nếu có luyến láy, thì đó là do thanh điệu của giọng nói bắt buộc hơn là do yêu cầu của âm nhạc cần phải có.

Các bài hò Quảng Trị thường có cấu trúc 3 phần: phần mở đầu, phần chính và phần kết; các phần được đánh dấu bởi sự hiện diện hò cái đảm nhận phần xướng và hò con đảm nhận phần xô. Trong khi phần xướng đóng vai trò chính, thể hiện toàn bộ nội dung của bài hò, thì phần xô chỉ là phụ họa, hưởng ứng theo phần diễn xướng của hò cái bằng những hư từ (từ không có nghĩa) như hò ơ, hò khoan, dô khoan... hoặc đơn giản chỉ là những tiếng ơ ngân dài. Vì vậy, nội dung các điệu hò Quảng Trị, ngoài phản ánh giá trị nghệ thuật diễn xướng, còn phản ánh giá trị văn học dân gian, tư tưởng và thực trạng xã hội, tình cảm và giá trị con người, đời sống vật chất và tinh thần, trong từng giai đoạn lịch sử.

Hò Quảng Trị từng vang vọng nơi miền sơn thượng với bao thác ghềnh hiểm trở, đến miền đồng bằng phì nhiêu, bao la bát ngát, cho tới tận những nơi cửa biển hay ngoài khơi xa sóng to gió cả... Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, do môi trường diễn xướng truyền thống không còn tồn tại, nên các điệu hò đã dần thoát khỏi thể loại hò lao động để đi vào trình diễn trong môi trường nghệ thuật, giải trí, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của đa số quần chúng. Mặt khác, do các trào lưu, thị hiếu và thị trường âm nhạc mới xâm nhập ngày càng nhiều, cho nên số lượng người thực hành và tiếp nhận các loại hình dân ca truyền thống ngày càng ít đi. Thêm vào đó, hò cũng như đa số các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung, thường được tồn lưu dưới dạng truyền miệng, truyền nghề bởi các nghệ nhân - những người thực hành và am hiểu giá trị của các điệu hò, thì hầu hết đã già, nhiều người đã qua đời, hoặc những người còn sống cũng đã phai mờ trong trí nhớ. Trải qua thời gian của chiều dài lịch sử, các điệu hò trên đất Quảng Trị đang bị lãng quên và đứng trước nguy cơ bị mai một. Thực trạng này đặt ra sự cấp thiết của việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát huy loại hình hò, trong bối cảnh xã hội đương đại, không chỉ đối với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn mà cả chính cộng đồng - là chủ nhân, là người nắm giữ trọng trách bảo lưu và truyền dạy cho các thế hệ sau.

BÁT NHÃ

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground