Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày và đêm trên vùng đất giới tuyến

S

au những trận đánh dữ dội vào Đầu Mầu, Cồn Tiên, Dốc Miếu... đại đội hai đặc công chúng tôi gần như xóa sổ. Trong những trận quyết chiến điểm ấy hầu hết anh em đều nằm lại trên các cao điểm. Trong trận Cồn Tiên các đồng chí: Thanh, Tâm, Chẩu Lục, Nguyễn Trọng Sen... trong Ban chỉ huy đều nằm lại trên đỉnh Cồn Tiên. Khi biết bộ binh và xe tăng của ta chưa vào kịp để cùng làm chủ các cao điểm. Trước cảnh bốn bề địch vây và cán bộ chiến sĩ đang nằm gọn giữa hai mươi ba lớp rào kẽm gai, với đủ thứ mìn gài, đủ bom pháo và đạn từ trên máy bay trút xuống. Lúc đó chiến sĩ thông tin mới nhận được điện của mặt trận B5: "Đơn vị nhanh chóng đưa thương binh, liệt sĩ ra ngoài" thì đã muộn. Số còn lại trở về với đồng bào nơi đóng quân như: Trần Quang Lộc, Nguyễn Thế Bỉnh, Nguyễn Văn Nguyên, Âu Dương Lâm và Trần Khắc Dương... các mạ, các chị mang quà đến thăm cứ hỏi: Mấy đứa mô cả rồi? Chúng tôi đành trả lời là: Các đồng chí đó đang ở lại trong bờ Nam hoặc đã chuyển đi đơn vị khác (để giữ bí mật thương vong, trước khi ra bắc Bến Hải anh em chúng tôi đều được quán triệt trả lời như vậy).

Là lớp chiến sĩ thuộc thế hệ sau, được huấn luyện kỹ càng ở tiểu đoàn 31 đặc công Quân Khu 4 và hành quân từ Hương Sơn, Hà Tĩnh vào Vĩnh Linh. Chỉ huy chúng tôi hành quân chủ yếu là những người sót lại sau chiến dịch các mùa khô 1965, 1966 và 1967. Đó là các đồng chí Nguyễn Văn Ngôn, Cao Nựu, Nguyễn Viết Lơn, Nguyễn Hồng Dẫn, Mai Tuấn, Nguyễn Văn Hưởng và những cán bộ chiến sĩ đại đội hai còn lại.

Khi cả tiểu đoàn hành quân vào dốc Sáu Độ, Thượng Hòa, Vĩnh Long đội hình đã phải "khom thấp" dưới vòng lá ngụy trang để che mắt địch từ Cồn Tiên, Dốc Miếu. Dọc theo kênh nước La Ngà, đội hình chúng tôi qua đò Gia Phúc, tiếp cận với đồng bào Vĩnh Lâm. Đến nơi anh em lẹ làng tập hợp đội hình tại sân kho hợp tác xã Lâm Xá. Tôi còn nhớ như in lời của phó tiểu đoàn trưởng Cao Nựu chỉ vào Cồn Tiên mờ xa từ chân trời phía nam: "Địch của chúng ta đã ở đó rồi, mọi động thái lúc này đều phải thận trọng; cấm không được bộc lộ lực lượng. Bí mật bất ngờ lúc này là yếu tố quyết định để chúng ta giành thắng lợi không chỉ cùng phối hợp với toàn chiến trường mà còn để trả thù cho đồng đội chúng ta đã hy sinh trong những trận trước!". Bất giác tôi lại nhớ bài thơ truyền thống đại đội hai" mà Trần Hậu Thư (Thư quê Thạch Đài sau này hy sinh tại khu tập trung Tân Tường) cây văn nghệ của đơn vị thường lên ngâm trước mỗi buổi sinh hoạt, trong đó có đoạn:

"...Các đồng chí Thanh Tâm, Chuẩn Lục, Nguyễn Trọng Sen

Những con người tất cả vì chiến thắng,

Trước quân thù chỉ biết xông lên...!"

II.

Quán triệt nhiệm vụ xong, đại đội ba và đại đội mười một trinh sát được bổ sung về tiểu đoàn 33 hành quân lên Bãi Hà. Còn đại đội hai chúng tôi được đặt tên mới là K12 (sau này tôi mới biết trong mạng lưới tình báo giới tuyến của ta lúc bấy giờ cũng có một biệt danh là K12 nằm trong chuyện: "Những người thi hành án tử hình" của Lê Minh Tâm) cùng với K11 nằm trong đội hình đoàn 31 (Sông Hồng). Đơn vị có nhiệm vụ đánh địch trên khu vực tứ giác và mặt trận phía đông. Vì vậy nơi ăn ở, hậu cứ để huấn luyện, củng cố sau từng trận đánh, từng chiến dịch, nhất định phải dựa vào đồng bào giới tuyến. Có thể nay ở xã này, mai ở xã khác "lai vô ảnh, khứ vô hình" đúng như lời Bác dạy và phải thực hiện cho được những điều "đặc biệt" đã được Bác Hồ khen tặng và giao nhiệm vụ cho binh chủng.

Bấy giờ vào trong các ngõ xóm, các hộ gia đình, dù họ đang ở trong địa đạo, trong các nhà hầm, (nhà nửa nổi nửa chìm, có lối xuống hầm chữ A dưới lòng đất) tuy tài sản không có chi nhưng nhà nào cũng có câu khẩu hiêụ:

"Dù cho bão táp mưa sa

Khách lạ đến nhà phải báo công an"

Câu này hồi đó đã trở thành câu cửa miệng của nguời dân Vĩnh Linh. Vậy đấy - họ cảnh giác đến mức dù mới đi làm về hay vừa vào Nam khiêng cáng thương binh, liệt sĩ - hay vào bắn tỉa địch trên các chòi gác Cồn Tiên, Dốc Miếu, dù mưa gió rét mướt, dù đường tối lầy lội, hễ có khách đến nhà là họ tự giác dẫn khách đưa giấy hành trình đến báo công an. Đăng ký nạp giấy xong, được phép của nhà chức trách họ mới yên tâm đưa khách về nghỉ qua đêm. Nhìn thái độ bên ngoài của người Vĩnh Linh, thoạt đầu ta hơi khó chịu bởi cái nhìn xét nét từ đầu đến chân của khách; rồi hỏi - rồi đối chiếu chứng minh thư với đặc điểm hiện hữu trên mặt, trên thân thể của mình. Khi vào gặp cả nhà đang dùng cơm họ không mời. Ăn xong bữa chủ gia đình mới ra hỏi: Các chú ăn cơm chưa? Nếu mình nói: Thưa bác con ăn rồi là nhịn đói cả ngày, thậm chí còn phải chịu tình trạng "ăn cơm bữa diếp". Còn nếu nói: thưa bọ mạ con đang đói là họ xúm lại lo cơm nước ngay, thậm chí có lúc họ còn "sáo xôi" cho ăn nữa. Chứ khi đang ăn dở, người Vĩnh Linh không bao giờ mời khách dùng cơm cùng gia đình.

Lần đầu tiên tôi và Sơn đến ở và ăn cơm nhà mạ Táo và mạ Cận. Đây là hai người vợ của một người chồng đã quá cố cùng ở chung trong một nhà hầm với vợ chồng anh cả và một bé út tên Sen. Bé Sen lúc đó còn để chỏm, được mạ cưng cho ra "ngồi cộ" với các chú. Đang ăn dở chừng Sen thả đũa chạy vào khóc làm mình làm mẩy với mạ và bỏ ăn. Mạ Táo hỏi: Răng không ngồi ăn với các chú? Sen ngúng nguẩy: Con không ăn nữa vì các chú ăn đũa một đầu mất vệ sinh. Tôi và Sơn được một phen muối mặt! Bởi chúng tôi đều là y tá y sĩ cả. Khi vào chiến trường, lại ở nhà dân, nội bộ anh em nên phiến phiến...ai ngờ hồi đó cả khu vực Vĩnh Linh nhà nào cũng thành nếp: Ăn đũa hai đầu cả. Nói như thuật ngữ bây giờ là cả khu vực đã xã hội hóa dùng đũa hai đầu khi ăn cơm. Không biết giờ đây cái bản sắc riêng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây có còn giữ được nữa không chứ hồi đó tôi và Sơn phải "đo ván", xấu hổ với bé Sen và gia đình đến tận mãi bây giờ.

III

Vào đến giới tuyến, chưa kịp ổn định chỗ ở thì cán bộ đã nhận lệnh vượt giới tuyến vào điều tra đánh bọn địch đang kìm kẹp đồng bào ở làng Quất Xá. Ở đó có một đại đội quân lực Cộng hòa và một trung đội lính mũ nồi xanh của Mỹ đóng tại thôn Quai Mọ. Ngoài ra còn có bọn "dơi nhện", bọn tình báo, an ninh quân đội thường xuyên rình mò ngăn chặn phát hiện ta từ vòng ngoài.

Là chiến sĩ quân y thường xuyên đi với Ban chỉ huy đại đội nên mọi việc diễn ra tôi đều mắt thấy tai nghe. Để vào điều tra đánh được bọn địch, chúng tôi phải ngược sông Bến Hải lên Khe Cau vượt qua dốc Thu Bồn - Một cao điểm luôn nóng bỏng vì bom và đạn pháo cày xới thường xuyên. Bom phốt pho, bom lân tinh cháy suốt ngày đêm. Qua dòng suối La La nước trong xanh mát rượi uống vào mát tận xương tủy. Nhưng bấy giờ bom đạn quân thù đã làm cho vẩn đục. Hồi ấy chỉ sợ pháo chơm nó "nơm" phải tua đầu, sợ bom lân tinh nó "cháy vào tận tủy" chứ chưa có khái niệm sợ chất độc đi-ô-xin nên cứ uống bừa. Hễ khát là uống. Hễ đói là lương khô "mù" trộn sữa bộ pha với nước suối, quấy đều, xúc ăn đại - no lại hành quân. Qua bãi Tân Kim lại sà vào mấy chiếc trực thăng ngắm nghía chiến công vang dội một thời của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Những chiếc trực thăng nằm chềnh ềnh bụng, trơ những cánh quạt lên trời. Nghe nói sau này số người đi nhặt sắt vụn bán, lên tháo gỡ số trực thăng này "vớ của đậm"vì lấy được kim cương và vàng trong các trục xoay...

IV

Dọc đường hành quân chúng tôi được các đội trưởng Nguyễn Văn Keng và Dương Công Nghệ là đội trưởng các đội biệt động giúp đỡ ăn ở tại các kiềng và dẫn đường đi trinh sát (kiềng là chỗ dấu quân trên chiến trường bắc Quảng Trị).

Lên cao điểm 335 đưa ống nhòm nhìn vào Quất Xá mà lòng uất hận. Làng như  một thung lũng, có sông và núi bao bọc tứ bề. Đất đai nơi đây phì nhiêu nhờ phù sa Sông Hiếu. Ơ đây một thời đậu lạc ngô khoai tốt mượt mà, vậy mà bây giờ chúng nó bày trò lập ấp chiến lược theo âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" làm cho đồng quê trở nên hoang vắng. Giữa dòng sông xanh lúc đó không phải là "có con chim chiền chiện nó hót vang lừng" mà là Thị Liễu một tay chân đắc lực của CIA đang trần truồng trên những đôi tay xù xì lông lá của mấy tên quan thầy Mỹ. Có lẽ sau những món tiền thưởng về các nguồn tin tình báo vừa lấy được, bọn Mỹ đang dẫn Liễu ra sông tắm táp để lên xe rép về quận lỵ Cam Lộ hoan lạc với tên thiếu tá Rao quận trưởng...

Mũi trưởng Đặng Thế Bình nhìn nó đang đú đỡn vờn nhau giữa sông nước nghiến răng định bóp cò khẩu AK báng gấp thì được đại đội trưởng Nguyễn Hồng Đơn kịp ngăn lại.

Sau ba đêm điều tra, Ban chỉ huy đại đội các mũi trưởng hạ quyết tâm đánh bọn địch ở Quất Xá vào đêm 24 tháng 1 năm 1969. Trận đó cả đại đội tham gia. Khi thắng trận trở về Vĩnh Linh thiếu vắng mất bảy cán bộ chiến sĩ. Họ phải nằm lại giữa bãi cỏ tranh hoang vắng dưới chân cao điểm 335. Trong số đó có Chính trị viên Nguyễn Văn Hưởng người Kỳ Phương - Kỳ Anh và Nguyễn Văn Ngọ chiến sĩ liên lạc - một con người nhanh nhẹn hoạt bát ngoan nhất đại đội. Trong buồn thương nhưng vừa hành quân ra sông Bến Hải đã nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin "Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 1 đơn vị K12 đã thọc sâu, đánh đau, đánh hiểm tiêu diệt 180 Mỹ - ngụy, làm chủ hoàn toàn trận địa. Đây là chiến thắng mở màn cho chiến dịch mùa khô 1969 trên chiến trường đường 9. Đúng như bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác Hồ:

"Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to..."

Rất tiếc là phát B40 nả trúng nhà Thị Liễu và "mâm hội đồng" nhưng đêm đó Thị Liễu đang trong vòng tay Quận trưởng.

V.

Ngày 19.3.1969 theo yêu cầu của Ban cán sự Do Cam và sự chỉ đạo của mặt trận B5, K12 lại vượt Cửa Tùng vào đánh căn cứ Cồn Tòng, một căn cứ hỗn hợp liên quân Mỹ - ngụy. Lực lượng đặc công được sử dụng hai mũi do đại đội trưởng Nguyễn Hồng Đơn chỉ huy. Du kích Do Hải và dân quân Vĩnh Quang phối hợp chiến đấu với một trung đội tăng cường do xã đội tưởng Nguyễn Văn Lễ chỉ huy. Đơn vị này có nhiệm vụ vừa dẫn đường vừa tổ chức khiêng cáng thương binh liệt sĩ ra ngoài.

Sau hơn mười giờ hành quân và tiềm nhập vào đồn, chúng tôi đã chống rào, bới cát luồn sát tận lô cốt đầu cầu. 1 giờ 35 phút ngày 20 tháng 3 bộc phá lệnh nổ làm vang động cả vùng sông nước cửa biển. Ngay phút đầu, mũi đặc công một do Lê Bá Tố chỉ huy đã diệt gọn căn cứ Mỹ. Còn mũi hai do chờ mãi quá giờ G không thấy nổ súng, Huấn tự động cho quân rút lui khỏi các lớp kẽm gai. Lúc nghe bộc phá lệnh, quay lại phải đánh cường tập nên diệt không gọn. Thấy bọn lính  bảo an to mồm gào thét, Nguyễn Hồng Đơn lệnh mũi dự bị lên đánh chi viện. Lê Bá Tố sau khi chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ phần mục tiêu được phân công lại dẫn quân đánh tạt sang chi viện cho bạn. Trong khi vượt hàng rào vướng chân mũi trưởng Lê Bá Tố vướng mìn hy sinh. Nguyễn Hồng Đơn dùng súng lục bắn tỉa được mấy tên sót lại thì bị một quả lựu đạn bọn chúng tung ra găm mảnh đầy hai bắp đùi. Chiến sĩ AK Nguyễn Văn Chung đang nằm điểm xạ dài thì một viên đạn từ tay lính Mỹ quỳ bắn xuyên từ trán ra gáy. Anh buông súng và lặng lẽ hy sinh! Thấy vậy Nguyễn Hồng Đơn lệnh cho tôi lên diệt ngay tên lính Mỹ và mang bộc phá ống lên phá hủy luôn cả chiếc M113 và chiếc máy ủi chuyên càn quét cày ủi moi hầm bí mật. Làm chủ chiến trường được lúc, chưa kịp thu quân thì bọn Mỹ đã huy động hơn chục xe M113 chở bộ binh đến bao vây.

Theo lệnh của Nguyễn Hồng Đơn chúng tôi mai táng các chiến sĩ ngay dưới chân lớp rào kẽm gai cuối cùng; treo cờ của mặt trận lên cứ điểm và cõng đại đội trưởng rời trận địa. Được lệnh rút khỏi căn cứ vào lúc 3 giờ 15 phút ngày 20 tháng 3 số anh em chúng tôi còn lại bùi ngùi chào vĩnh biệt sáu cán bộ chiến sĩ nằm lại trong căn cứ Cồn Tòng. Đêm đó và cả ngày 20 tháng 3 Nguyễn Văn Lễ xã đội trưởng xã Do Hải phải tấp cát nằm lại trong căn cứ. Nắng đầu mùa ở Cửa Việt làm rốp cả da thịt nhưng Lễ phải chờ bóng đêm buông xuống mới rời khỏi đồn (sau này xã Do Hải và xã đội trưởng Nguyễn Văn Lễ đều được Chính phủ tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân). Trận đó cả trung đội lính Mỹ và đại đội lính Bảo An đều bị diệt gọn. Trực thăng Mỹ lên xuống đến tận chiều ngày 20 mới chở hết số thương vong.

Ra đến Cương Gián chúng tôi được dân quân xã Vĩnh Quang đón tiếp khiêng cáng hộ thương binh vượt Cửa Tùng ra Bắc. Dừng chân trước nấm mồ chung của 123 người dân bị bom Mỹ  sát hại vùi lấp nơi địa đạo. Nhìn tấm bia căn thù ở Tân Lý "Đời đời không quên tội ác của giặc Mỹ", chúng tôi được phần hả giận khi nghĩ tới những quả B40, B41 phụt lửa; những quả pháo tay (gọi B52 chân đất) nổ rền rền trong các nhà hầm Mỹ - ngụy đêm qua là hành động kịp thời để thực hiện khẩu hiệu "Miền Bắc gọi miền Nam trả lời".

Chúng tôi về đến thôn Gia Phúc (Vĩnh Long) trong niềm vui thắng trận song không khỏi bùi ngùi khó nói khi mạ Tròn, mạ Liệt, mạ Dần, bác Ty... chủ nhiệm hợp tác xã đến thăm hỏi: chú Tố, chú Chung, chú Đàm... mô cả rồi? Chúng tôi đành trả lời:

- Thưa bác, các đồng chí ấy đã ở lại trong đó!

Nghe vậy họ lặng lẽ quay mặt lau nước mắt vì họ biết rằng: Lại thêm những người con của Tổ quốc đã hy sinh!

VI.

Vừa ổn định lại biên chế, mười ngày sau được lệnh của đoàn 31 cùng với K11 tập kích vào đại đội địch đóng giả chiến đang đứng chân tại Dốc Sỏi. Bấy giờ K11 có đại đội trưởng Trần Tình - một người nổi tiếng đánh giỏi. Dưới sự chỉ huy của ông cả hai đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tình có dáng người nhỏ nhắn, lanh lợi nhưng đánh giặc gan kỳ hết chê. Quê anh ở Trung Sơn, Do Linh. Cả gia đình anh hầu như hy sinh gần hết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ còn người chị ruột thoát ra khỏi khu tập trung Quán Ngang về vùng giải phóng đào hầm làm kiềng ở Kinh Môn. Ngày ngày chị nấu nước, gói cơm, hái rau rừng, trồng khoai sắn để tiếp đón nuôi bộ đội, du kích khi hành quân qua dừng chân nghỉ lại. Năm 1971 chị đã hy sinh trong một trận bom Mỹ oanh tạc trúng bữa cơm chiều! Và sau đó đại đội trưởng Trần Tình cũng "ra đi" trong một lần vào khai thác lương thực thực phẩm về nuôi đơn vị. Tình hy sinh, Các, Lới và Quốc lần lượt lên thay. Bây giờ Quốc đã là đại biểu Quốc hội khóa 9 và là đại tá chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Bấy giờ K11 người mũi trưởng ga-lăng nhất và đánh giặc dũng cảm lỳ lợm nhất là Dũng. Giờ Dũng cũng đã là đại tá chỉ huy phó  - Tham mưu trưởng của tỉnh đội. Đã mấy lần Dũng cải trang thành lính "Cộng hòa" đi giữa đường phố Đông Hà tìm đến địa chỉ những tên ác ôn khét tiếng cần diệt. Việc Tình và Dũng cùng anh em vào bắt các tên ác ôn giải ra bìa rừng đọc bản cáo trạng xong rồi khử là chuyện cơm bữa. Do gia đình mang nặng mối thù với bọn phản dân hại nước nên "cách khử" bọn này của Tình cũng hơi cá biệt. Cứ vậy anh trả dần những món thù nhà nợ nước. Xong việc các anh thường giải thích với chúng tôi rằng: Đối với những tên ác ôn điệp báo này phải diệt nó như vậy để cảnh báo bọn khác. Nếu còn ôm chân đế quốc rồi trà trộn vào trong dân, giả vờ cùng đi rừng, làm ruộng với dân, để nắm và thanh lọc cơ sở ta, thấy cái giá phải trả như thế ít ra bọn chúng cũng phải co vòi lại hoặc nằm im không dám "cựa quậy".

VII.

Vào những năm 1969-1971 đơn vị chúng tôi phải thực hiện phương châm "hai chân ba mũi" của Mặt trận - nghĩa là bộ đội phải bám dân, bám đất và thực hiện ba mũi giáp công:

- Tiến công về quân sự.

- Tiến công về chính trị.

- Tiến công binh địch vận và hoạt động trên cả ba vùng: Miền núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Tư tưởng chỉ đạo lúc này là: Tấn công để làm chủ - làm chủ để tiếp tục tấn công. Đánh đổ từng bộ phận, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành toàn thắng.

Đã một thời chủ trương của Bộ Chính trị và tổng Quân ủy TW là: "Lôi địch ra đường 9 Khe Sanh" để đánh cho tiện lợi và rẻ tiền. Năm 1971 ta lại nhử địch lên đường 9 Nam Lào, lên Sê-pôn, Bản Đông để đánh gãy xương sống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", dùng người Việt đánh người Việt của Mỹ. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy với ý định chặt đứt yết hầu, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, làm chủ ngả ba Đông Dương hòng chặn đứng hoàn toàn chi viện sức người, sức của của miền Bắc XHCN cho tiền tuyến lớn. Ai ngờ âm mưu địch lại trúng kế ta và thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 báo hiệu sụp đổ hoàn toàn của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

Nói vậy chứ sau tết Mậu Thân (1968) ta vào được thôn ấp, về lại được thành phố, thị xã, gây dựng lại được cơ sở cũng cam go lắm.

Ở các xã Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Mỹ, Cam Lộc, Do Hải, Do Hà... ta vào ra gặp gỡ, thậm chí còn tổ chức mít tinh và làm lễ cầu siêu ngày Bác Hồ đi xa, tuyên truyền về sự nghiệp và thân thế của Người còn dễ. Chứ ở Tân Tường, Quán Ngang, Đông Hà, các khu tập trung đông dân, vào được còn khó khăn lắm. Những nơi này vào  gây lại được một cơ sở, đánh được một trận để có tiếng súng trong lòng địch cũng đến "tróc da trầy vảy". Bọn dơi nhện, bọn lính mũ nồi xanh cài bẫy khắp nơi, chỉ nói riêng một loại mìn clây- mo chúng cài theo kiểu "căng nổ, chùng nổ" mà chúng tôi phải trả giá không biết bao nhiêu đồng đội mới mày mò ra cách cài nguy hiểm của nó để gỡ. Biết cách chống rồi nhưng giữa đêm đông lạnh giá, da thịt tê dại vướng vào dây tơ, dây cước quả khó phát hiện. Do rét tái da, mất cảm giác, hễ đụng mạnh vào dây là mìn nổ ngay. Có lúc một quả mìn mất cả một trung đội như chơi! Những lúc nguy nan: hy sinh và bị thương gần hết - nếu không có đồng bào cất giấu và du kích khiêng cáng dần ra Bắc thì anh em chúng tôi hết khổ. Cũng vì vậy mà không ít lần nhiều đồng đội ở K12 chúng tôi đã sa vào tay giặc như Nghị, như Hiếu, như Toàn, v.v.

Ở Bắc Bình có ông M "cơ sở" của ta. Cơ sở này đơn vị chúng tôi đã từng vào ra, ăn ở như cơm bữa, có hôm vác cả cối 60 và 82 ly nã vào quận lỵ Cam Lộ, vào bốt Cầu Đuồi, chợ Phiên rồi vào hầm ông M nghỉ ăn lương khô chờ tan pháo mới lui quân. Ấy vậy mà năm 1972 khi ta giải phóng Quảng Trị lại thu được tài liệu mật của địch trong đó có đoạn ghi rằng: Việc Việt cộng kết nạp M vào Đảng Cộng sản Việt Nam là một thắng lợi bước đầu. Bây giờ việc bắt hay giết Huyện ủy viên Hiền là dễ như trở bàn tay, nhưng chúng ta phải "tương kế, tựu kế" để cho Hiền và M "chui sâu leo cao vào hàng ngũ Việt Cộng" và duy trì thùng thư mật của M để nắm thông tin. Khi đọc được những dòng này Hiền mới hoảng. Té ra kẻ thù còn nham hiểm hơn cả ông nghĩ. Cũng tương tự như vậy ở Nhật Lệ chúng ta đã kết nạp D vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì bên kia bọn địch cũng kết nạp chị ta vào Đảng Dân Chủ. Khi chúng tôi vào đánh động Bọ Chao, chị là người "cung cấp tình hình về địch" nhưng chính tin chúng tôi đánh Bọ Chao địch cũng biết khá rõ nên cũng đã tập trung dăng bẫy đợi ta vào...

Đêm 20 tháng 7 năm 1969 đơn vị chúng tôi dùng 40 cán bộ chiến sĩ đặc công tiềm nhập vào đến giữa bãi mìn thì địch chủ động nổ súng trước. Cả đơn vị đang dán mình giữa 13 lớp rào đủ kiểu, vội xông lên đánh cường tập...làm chủ được căn cứ trong vài chục phút rồi phải lui quân vì bọn địch đã vây bủa tứ bề. Lúc đó tôi chỉ kịp băng bó bồng bế Nguyễn Văn Hưởng, Âu Dương Lâm và Nguyễn Khắc Dương ra khỏi các lớp rào và bãi mìn là quân địch đã bịt kín cửa mở. Các đồng chí, Tiến, Phú và Hóa được băng bó xong chỉ ra đường, loay hoay thế nào lại sa vào bẫy địch và bị bắt.

Sáng hôm sau D vẫn đóng vai "cơ sở hợp pháp" vận động đồng bào quyên góp tiền mua chiếu cói, hương hoa, vải vóc gói các chiến sĩ đưa ra mép đồn chôn chung một nấm mồ. Tên tuyên úy từ Đông Hà bay ra vẫn cái giọng tâm lý rẻ tiền: "Sống thù chết bạn". Bây giờ ai có dịp qua đường 71 đến đoạn giữa làng Phú Ngạn và Cam Vũ sẽ thấy đài tưởng niệm các chiến sĩ đặc công K12 của chúng tôi hy sinh năm ấy. Còn chị D một người phụ nữ - một người vợ có chồng tập kết ra Bắc, trước có công, sau có tội - trước là đảng viên của ta, sau là đảng viên Đảng Dân Chủ của Thiệu đã trở thành nạn nhân của chiến dịch "bôi lem" của Mỹ - ngụy...

Chiến dịch mùa khô 1972 mở ra dữ dội cuốn bung phòng tuyến Mắc-na-ma-ra và đẩy quân địch lùi khỏi sông Mỹ Chánh như một cơn gió lốc. Các cao điểm 544, Động Tranh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Cửa Việt, Ai Tử, thị xã Quảng Trị, căn cứ Diên Sanh v.v... bị cuốn phăng như lũ quét.

Sau cơn bàng hoàng, quân địch hồi tỉnh lại, được Mỹ Thiệu bơm sức chúng mới lấn dũi ra đến nam bờ sông Thạch Hãn và từ đó diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt suốt 81 ngày đêm trên Thành cổ Quảng Trị.

Cơ bản bà con ta bị địch tập trung vào các ấp chiến lược, được đưa ra vùng giải phóng rồi chuyển dần ra chung sống với đồng bào Vĩnh Linh. Bấy giờ Vĩnh Linh, Do Linh, Cam Lộ đã trở thành hậu phương chiến lược cho cuộc chiến đấu phía trước. Vì vậy nơi đây bị đánh phá quyết liệt hơn bất cứ nơi đâu. Hàng ngàn trận bom Mỹ đánh phá hủy diệt vào hậu phương. Bom phá, bom phạt, bom xuyên, bom đào, bom bi, bom lá - pháo chùm, pháo chụp, pháo chơm từ biển lên, từ trên máy bay trút xuống rung chuyển rền rền mặt đất và gây ra hàng ngàn cái chết cho nhân dân. Những quả bom đào gây nên đau thương và thảm họa nhất là ở  xã Cam Mỹ (nơi này sau ký hiệp định Pa-ri được Chính phủ CMLTCHMNVN chọn làm khu Chính phủ đón tiếp khách cả nước và quốc tế). Đó là một chiếc hầm vuông kiên cố được xây dựng thành hội trường dưới mặt đất để họp bị trúng bom. Đúng là một ngày đen tối! 56 cán bộ của huyện và các xã đang về họp bàn cách phòng tránh, cứu tế cho dân và chuẩn bị tinh thần đánh địch bảo vệ vùng giải phóng thì loạt bom tọa độ đã xới tung toàn bộ khu hầm. Cả 56 người đang họp bị dập nát tan tành.

Giờ đây mỗi dịp qua miền đất Quảng Trị, nhìn những cánh rừng cao su, rừng tiêu của nông trường Quyết Thắng, Bến Hải ở Vĩnh Linh: rừng cao su, bạch đàn ở Dốc Miếu trải dài đến Cồn Tiên, miếu Bái Sơn và bắt gặp các nghĩa trang liệt sĩ từ Hồ Xá, nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, nghĩa trang Thành Cổ, Hải Trường, Hải Chánh v.v... Những dãy bia hàng hàng, lớp lớp có thể là hữu danh, có thể là vô danh nhưng máu thịt của đồng chí, đồng bào chúng ta không phải ở đó mà đã thấm sâu trong lòng đất Quảng Trị. Máu thịt của người đã biến thành màu xanh của lá, sắc màu của hoa, thành những thân cây chắc khỏe và những cánh đồng vàng trĩu hạt...

Chúng tôi thường tâm sự với nhau rằng: Cả nước phải làm gì hơn để bù đắp cho Vĩnh Linh, cho miền đất giới tuyến Quảng Trị - một mảnh đất đứng mũi chịu sào vì cả nước, với cả nước. Cũng ở đó lực lượng  và trí tuệ cả nước đã đọ sức với một kẻ thù hùng mạnh nhất của thế kỷ XX. Nhưng đồng thời Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị cũng phải làm sao cho xứng với máu xương của con em cả nước và của chính Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã phải ngả xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Máu xương để lại trên vùng đất giới tuyến nếu không bị phân hủy hóa thành đất và nước, thành cỏ cây hoa lá, thì thịt xương chiến sĩ có thể sắp đầy từ Khe Sanh, Hướng Hóa đến Đông Hà, Ai Tử ra tận đến Vĩnh Linh và nhất là trên tuyến hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra dày khoảng vài gang. Nhìn rừng cây khu tứ giác tốt tươi từ đường 77 (sát Bến Hải) đến đường 71 tôi cứ se lòng! Phải chăng trong cái mượt mà của cỏ cây hoa lá...có một phần máu thịt của con em họ hàng, đồng đội tôi. Mảnh đất Quảng Trị không chỉ dừng lại ở nơi ( cỏ non tơ Thành Cổ) mà cỏ cây hoa lá nơi nào cũng thắm máu đồng bào và chiến sĩ!

Quảng Trị! Làm sao có thể tả hết được cái khó khăn trăm đường, cái đau thương vô hạn. Là người lính đặc công chiến đấu trên vĩ tuyến 17 làm sao tôi quên được cái chết của cả trung đội 3, của Trần Quang. Đó là lúc trung đội Quang đã điều tra xong bốt số 8 (trên đường 9) vượt sông Hiếu Giang qua bến Tam Lang ra đến Đồi Cày thì trời sáng không thể vượt đường 73 được giữa ban ngày, Quang phải cho anh em trụ lại giữa những lùm cây lúp xúp còn sót lại. 8 giờ ngày 5 tháng 10 năm 1969 xe tăng và bộ binh địch từ Đông Hà ra, từ miếu Bái Sơn ào xuống. Máy bay L19, trực thăng, quần đảo, cả trung đội đang nép mình trong các lùm lách thì bất ngờ một viên đại 20 ly găm toác đùi chiến sĩ B40 Nguyễn Văn Giai. Đau không chịu nổi, Giai phải ôm đùi nhảy cò kêu cứu...Vậy là cả đoàn xe tăng và bộ binh địch lồng lên như hổ đói phát hiện ra mồi, vây bủa kẹp chặt lấy cả trung đội.

Sau một giờ càn quét nó đã bắt được cả trung đội (trừ tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Năm) sắp thành hàng, tra tấn đánh đập rồi dùng dao găm rạch da, rạch áo đặc chủng từng người. Chúng moi gan mổ bụng, tiếp đó nó đặt xác lên đường lần lượt cho xe tăng nghiền nát từng người một. Máu và xương của đồng đội tôi rải đều theo mắt xích xe tăng in hằn trên nền đất đỏ ba zan!

Chỉ còn lại thi thể của Quang - một cán bộ trung đội điển trai, trắng trẻo nhất đại đội vừa được chuyển Đảng chính thức, hăm hở cầm quân vào trận thì bị bắt và bị hành hạ cho đến chết.

Nó đặt Quang nằm ngữa giữa đường 73, gài mìn khắp xung quanh và dưới lưng Quang. Xong chúng đặt con át bích lên rốn Quang rồi rút quân (đó là chưa kể trước đó bọn chúng đã bày trò quay phim, chụp ảnh lấy tư liệu để về khoách trương chiến quả).

Người cuối cùng sót lại của trung đội là Nguyễn Văn Năm. Quê anh ở Nam Chung, Nam Đàn nơi quê Bác. Năm sống sót được là nhờ gặp may. Thấy địch phát hiện được đội hình dấu quân. Năm nhanh chóng trườn xuống suối cạn lấy rong rêu phủ lên người ngụy trang và ngâm mình chịu nạn đỉa rúc, chịu căng thẳng cả một ngày dài. Chờ mặt trời xuống núi, Năm luồn rừng về báo cáo với đơn vị. Hôm sau chúng tôi vào chỉ còn lại mình  thi thể Quang nhưng không còn nguyên vẹn. Bởi muốn an toàn khi lấy được xác Quang, phải khéo léo gỡ mìn vòng ngoài, sau đó phải dùng dây kéo nhích Quang rời chỗ cho mìn nổ - xong xuôi mới ẳm được xác Quang lên cáng.

Mùa đông năm 1969, sau dịp Bác mất, chúng tôi mất trắng một trung đội ở đồi Cày thì ngày 5 tháng 3 năm 1970 chúng tôi vào đánh tan một đại đội lính Bảo An đứng chân ở làng Cam Vũ. Đánh thắng địch để trả thù cho đồng đội và phá lỏng sự kìm kẹp đồng bào của bọn bình định, nhưng trận đó trung đội phó Bùi Giáo không may bị sa tay giặc. Quân địch thấy Giáo chững chạc trong bộ áo rằn ri, lì lợm không hé răng khai nửa lời, nó thắt dây vào cổ rồi dùng xe rép kéo Giáo dọc theo đường 71 đoạn từ ngã Tư Sòng qua chợ Phiên lên quận lỵ Cam Lộ. Bọn chúng vừa đi vừa gọi loa để cảnh báo dân chúng: nếu ai theo Việt Cộng cũng sẽ bị hành hình như thế. Sau khi kéo lên, kéo về đã chán, thân xác người chiến sĩ đặc công Bùi Giáo chỉ còn vài mảnh da thịt dính xương và lua tua mảnh áo rằn ri sót lại bên người, nó mới chịu giao lại cho dân làng Tam Hiệp chôn cất Giáo.

Kẻ thù "của chúng ta" như Cao Nựu nói với chúng tôi trong ngày mới tới Vĩnh Thủy - nơi quê hương của anh hùng Trần Thị Khuê "địch của chúng ta" là thế đó.

Khi hoạt động ở Cam Thủy chúng tôi bắt gặp bao con người đáng quý. Có bác tên là Trắc, tuy tuổi cao nhưng bác giỏi nghề trinh sát. Lúc nào vào thôn ấp Bí thư Thứ hay xã đội trưởng 5 đều gọi Trắc lên trước. Đi trước gỡ mìn mãi rồi bác cũng ớn vì thấy lính ta toàn vấp ngã và hy sinh thường xuyên. Có lần Thứ gọi, bác bảo: "Trắc mô mà Trắc mãi, được một Trắc chứ mấy Trắc mà khi mô cũng kêu Trắc lên trước..."

Thực tình giữa cái sống và cái chết trong các đêm đông giá lạnh, chúng tôi cũng thương bác lắm. Không biết bây giờ bác còn khỏe nữa không? Ở Cam Hiệp, Cam Vũ có o Tuyết, o Sạn, o Mĩa, con ông Đồng, ông Nhơn suốt năm nằm hầm ngủ bụi luôn xả mình cứu dân trong lửa đạn, họ đều là những người anh hùng chưa được mang tên.. Đáng tiếc năm 1972 cả Sạn và Mĩa đều đã hy sinh!

Đoạn kết.

Những điều tôi nhớ và viết lại theo yêu cầu của tạp chí Cửa Việt. Bạn trẻ có thể tin hoặc không tin thì tùy, song những ai đã có mặt trên vùng đất Vĩnh Linh - những ai đã từng sống và chiến đấu trên vùng đất giới tuyến đều khao khát ước có một ngày tự do để về dạo chơi trên đất  Hồ Xá, để "tán" cô mậu dịch viên mua chiếc khăn tay hay chiếc áo mi-ô. Ra Vĩnh Tú "coi trạng Vĩnh Hoàng" để xem "bầy quạ từ trong quả dưa bay ra phủ đen trời Hồ Xá...".

Chuyện xưa thì kể vậy, chứ từ ngày Mỹ đem bom đạn ra tàn phá đòi "Bắc tiến" và "lấp sông Bến Hải" thì chúng tôi chẳng thấy có đàn chim trời nào. Người giới tuyến chỉ thấy quạ sắt đủ hình đủ kiểu: Từ B52, F105, AĐ6, C113, cánh cụp cánh xòe, thần sấm, con ma, trực thăng vận, chiến xa vận, OV10, L19... kết hợp với "mắt thần" của hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra cùng hàng vạn lượt lính Mỹ cày xới lùng sục suốt ngày đêm trên mảnh đất này. Đêm đêm đứng trên đồi Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy nhìn vào nam sông Bến Hải thấy từng luồng đạn đỏ lừ từ trên trời tuôn xuống như những con rồng lửa. Từng chùm pháo chơm chụp xuống, từng loạt bom tấn đào lên, từng loạt đạn của "vua chiến trường" nổ chí chát theo điệp khúc: "sập hầm" - "sập hầm"... hỏi ai không ớn lạnh xương sống và nổi cả da gà. Lính đặc công chúng tôi cứ đến tuần trăng tối, thấy cán bộ mang xắc lên E bộ họp là lại đoán  hàn đoán nhiệt trận này sẽ đánh nơi đâu? Sau trận trở về ai còn, ai mất! Nói thật, nhiều lúc sợ sốt vó. Nhưng kỳ lạ thay khi đã vượt qua sông Bến Hải - vào hẳn trong Tứ Giác lại thấy rất bình thường. Vào càng sát đồn địch và sống hẳn trong lòng thôn ấp lại thấy an toàn hơn. Chồng con họ bị bắt đi quân dịch - có lúc anh em và cả cha con họ thành hai chiến tuyến là chuyện thường tình. Khi mình vào bà con vẫn che chở, nuôi dưỡng và giấu mình với người thân họ theo địch là chuyện không hiếm. Tỉ như chị H ở Bích Giang có chồng làm xã trưởng lại có chân trong mâm hội đồng và trong đoàn bình định nhưng chị lại là cơ sở của ta, luôn cung cấp toàn bộ sơ đồ và cả quy luật hoạt động của địch, chị còn bày cách "đánh úp cho gọn" và nếu được chị chỉ mong các chú "bắn cho què" để ông trở thành phế binh về sống với vợ con.

Bây giờ ta đi trên đường phố Đông Hà, Quảng Trị, hay vào lễ hội Festival ở cố đô Huế đẹp đến mộng mơ... Nhưng rồi có lúc ta cảm thấy dửng dưng vì đã lãng quên tháng năm nơi trận mạc.

Hồi ở "trên xanh" đêm đêm nhìn về đồng bằng thấy những quầng điện sáng và những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy trong đêm ai cũng mơ ước một ngày v! Ngày về làm chủ thành phố, đô thị, làm chủ đồng bằng.

"Tự Do" hai tiếng thiêng liêng đã trở thành điều mơ ước của bao đồng chí, đồng bào. Song phần đông những con người thèm khát "Tư Do" đến cháy bỏng ấy lúc kết thúc chiến tranh đã vĩnh viễn nằm lại trong chiến trận.

- Ôi! Quảng Trị đau thương và anh dũng!

Ôi! Giới tuyến đậm mãi tình người!

Những tên đất tên người đã trở thành huyền thoại hơn cả những điều lâu nay ta tưởng.

Một bộ chỉ huy 270, một BTLMT B5, một BTLQ K4 và QK Trị - Thiên - Huế; những trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn đến  các đội biệt động nhỏ bé - chuyên thọc sâu, đánh đau, đánh hiểm, đánh "nở hoa" trong lòng địch. Những con người ấy, những bài ca ấy, những loài hoa ấy nở rộ theo năm tháng trên chiến trường Quảng Trị chẳng biết bao giờ các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học làm tròn bổn phận "nhân chứng lịch sử" và là "người thư ký trung thành của thời đại".

        N.T.T

Nguyễn Thanh Triết
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 114 tháng 03/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground