Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghề làm giấy ở làng Phổ Lại

 
Làng Phổ Lại nằm bên bờ Nam của Hói Sòng, trên địa phận hành chính thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ; phía Đông giáp làng Kim Đâu; phía Tây giáp làng An Bình; phía Bắc giáp làng An Xuân và Cẩm Thạch; phía Nam giáp làng Cam Lộ. Phổ Lại là một làng được hình thành khá muộn so với nhiều làng vùng Cam Lộ, Đông Hà vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Công lao khai khẩn, dựng đặt hương hiệu thuộc về họ Nguyễn có gốc từ vùng Hải Dương ngoài Bắc.
 

Nằm giữa chợ Phiên và chợ Sòng - hai trung tâm thương mại nổi tiếng sầm uất của Quảng Trị có từ ngày xưa, lại sát với các trục đường thuỷ, bộ nên ngay từ khi mới hình thành, làng Phổ Lại đã hội đủ các điều kiện để trở thành nơi sản xuất, giao lưu, trao đổi và luân chuyển giữa các luồng kinh tế - thương mại trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, Nam - Bắc trên con đường thuỷ qua Hói Sòng, Hiếu Giang, đường bộ qua thượng đạo xuyên sơn nối rừng với biển và qua đường Thiên Lý nối liền các làng xã trong địa phương, khu vực và trên cả nước. Đó là yếu tố “cần” và “đủ”, là cơ hội để nhân dân làng Phổ Lại phát triển các nghề thủ công truyền thống. Những thành phẩm do làng Phổ Lại làm ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu tự cung, tự cấp mà đã trở thành các loại hàng hoá cung cấp, buôn bán, trao đổi cho nhân dân khắp vùng.

Làng Phổ Lại từ xưa đã nổi tiếng với hai nghề thủ công truyền thống là nghề làm giấy và tôi vôi. Cho đến nay, nghề tôi vôi tuy không được nhân dân làng Phổ Lại phát triển sản xuất nhiều như trước, nhưng vẫn đang còn một số hộ gia đình duy trì nung ở quy mô nhỏ. Riêng nghề làm giấy đã mai một và không còn từ sau năm 1975. Tuy vậy, khi nhắc đến làng Phổ Lại, nhiều người dân Quảng Trị vẫn truyền tụng và nghĩ ngay đến nghề làm giấy cổ truyền. Hình ảnh thân quen về nghề làm giấy của nhân dân làng Phổ Lại còn được lưu giữ qua tên gọi của chiếc cầu bên cạnh làng: Cầu Phường Giấy.

Nghề làm giấy ở làng Phổ Lại có được là do những lưu dân ở làng Tuy Lộc (Quảng Bình) di dân vào đây sinh sống, lập nghiệp và truyền dạy lại nghề. Lúc mới vào định cư, họ lấy tên làng là Tuy An, cái tên vừa mang gốc gác của quê cha đất tổ vừa cầu mong sự an bình, nhàn hạ với cuộc sống sung túc, ổn định trên vùng đất mới. Làng Tuy An nằm ở phía Bắc con hói Sòng và đó cũng chính là ranh giới giữa làng Tuy An và làng Phổ Lại. Mặc dù cho đến nay, làng Tuy An đã sáp nhập chung vào làng Phổ Lại; tuy vậy, mọi phong tục, tập quán, lề lối của làng từ xưa đến nay vẫn được bảo lưu và không hề lệ thuộc vào làng mới.

Nghề làm giấy bổi phải trải qua nhiều công đoạn vừa tỷ mẩn vừa nặng nhọc, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật khá công phu. Bên cạnh chất lượng của nguyên liệu để làm ra sản phẩm thì sự chu tất, nghiêm khắc, cẩn trọng của người thợ trong từng công đoạn cũng chính là bí quyết để làm nên thương hiệu của làng giấy Phổ Lại.

 Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó hoặc cây dưới. Tuy vậy, vỏ cây dó vẫn là nguyên liệu tốt và thường được người sản xuất giấy chú trọng hơn. Đây là hai loại cây gỗ, thân cứng và có lớp vỏ khá dày. Loại cây này thường được mọc ở các vùng đồi, núi phía Tây Quảng Trị, các tộc người thiểu số Bru - Vân Kiều và Tà Ôi sau khi khai thác, thu gom được các loại vỏ cây trên thường đưa về bán ở các phiên chợ Sòng, chợ Phiên Cam Lộ gần sát làng Phổ Lại để dân làng thu gom mua về sản xuất giấy. Sau này, khi nghề làm giấy phát triển mạnh và đã trở nên nổi tiếng, một số làng người Việt vùng Cam Lộ cũng đã biết trồng các loại cây trên để cung cấp nguyên liệu cho nghề làm giấy làng Phổ Lại.

 Cây dó có hai loại: dó bù và dó niệt. Cây dó bù thường có thân cao lớn, lá to và tròn, vỏ dày, có nhiều bột dó nên được người sản xuất giấy ưa chuộng. Cây dó niệt có thân nhỏ, lá dài và vỏ mỏng hơn. Khi khai thác các loại vỏ cây dó, người ta thường bóc, tách để lấy phần vỏ, ít khi phải chặt hạ cả cây vì vỏ cây dó nhanh hồi phục để cho tiếp đợt khai thác lần sau.

Vỏ cây dó, cây dưới sau khi mua về cần ngâm nước cho mềm khoảng độ hai ngày, sau đó vớt ra ngâm với nước vôi trong (phần nước lắng trong phía trên của dung dịch vôi hoà tan), bó vỏ dó thành những bó nhỏ để nhúng vào nước vôi đặc trong các chum, ang, vại lớn. Từ đó xếp vỏ dó vào các vạc, nồi lớn và đun sôi khoảng 5 - 7 canh giờ sao cho vỏ dó chín nhừ là được, lúc vỏ dó đã mềm thì vớt ra rửa sạch nước vôi.

Làm bìa là công đoạn nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ, đây cũng là một khâu quan trọng quyết định chất lượng của giấy sau này. “Làm bìa” chính là lột lớp vỏ lụa màu xanh phía ngoài vỏ dó. Sau khi làm bìa, phần ruột trắng phía trong của vỏ dó lại được tiếp tục ngâm với nước vôi cho thật bở để đưa vào cối giã. Phần vỏ lụa màu xanh phía ngoài cũng được dùng làm giấy moi, đó là loại giấy thô, chứa nhiều xơ dùng để gói hàng hoá và cung cấp cho các làng nghề làm quạt giấy.

Giã vỏ dó là công việc nặng nhọc, đòi hỏi người có sức khoẻ tốt nên thường được nam giới đảm nhận. Cối giã thường được làm bằng gỗ hoặc bằng đá, giống như cối giã gạo nhưng lớn và nặng hơn nhiều, với mục đích giúp cối khỏi di chuyển khi giã. Chày giã được đẽo từ gỗ lim, gỗ mít là những loại gỗ tốt, thân cứng; đầu chày thường được bịt bằng kim loại có thể bằng đồng hoặc sắt để tạo mặt nghiền tốt hơn. Khi giã, do số lượng vỏ dó bỏ vào vừa phải nên tiếng chày thường đanh và vọng rất xa, tiếng “căng cụp, căng cụp” rộn vang khắp vùng. Quá trình giã sẽ làm cho vỏ cây dó xơ, tơi ra để lại bột gió. Giã đến khi bột dó dẻo, quánh chặt vào đầu chày thì lấy ra và tiếp tục giã cối khác.

Bột dó sẽ được đãi sạch chất bẩn, các loại cặn bã, sau đó bỏ vào chum, vại ngâm với nước sạch, đánh cho nhuyễn để tạo độ kết dính. Từ xa xưa, người dân làng Phổ Lại đã biết dùng chất dẻo từ vỏ cây bời lời để pha chế, đến khi hỗn hợp bột dó vừa trắng nhuyễn và có độ kết dính vừa phải thì đưa vào xeo giấy.

Xeo giấy (tráng giấy) là công đoạn nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo, tỉ mẩn, là công việc chủ yếu của người phụ nữ. Khuôn xeo được làm bằng gỗ hoặc bằng các thanh tre thẳng đóng ghép với nhau thành hình chữ nhật hoặc hình vuông và thường có kích thước như khổ giấy cần làm. Trong khuôn xeo có liềm xeo. Liềm xeo là những tấm mành mỏng được đan bằng tre khá dày. Khi xeo giấy, người thợ đổ dung dịch bột gió vào khuôn xeo, cầm khuôn xeo nghiêng qua nghiêng lại làm sao cho bột gió phải tráng một lớp mỏng và đều trên liềm xeo. Khi nhấc khuôn xeo, nước trong sẽ tự chảy còn lại một lớp bột giấy dó mỏng tráng kết đều trên liềm xeo. Xeo giấy xong xếp thành từng chồng ngay ngắn, ép thật kỹ bằng phương pháp đè chặt, sau đó xếp gỡ ra từng tờ và hong khô, lúc này sẽ có tờ giấy.

Tuỳ vào chất lượng vỏ cây dó cùng các thao tác kỹ thuật như: ngâm, ủ, giã, đãi chất bẩn... trong các công đoạn làm giấy để có được chất lượng thành phẩm. Nếu vỏ dó non, các công đoạn và thao tác kỹ thuật làm đúng và đạt yêu cầu thì tờ giấy sẽ trắng, mịn và dai. Các loại giấy tốt dùng để viết chữ, các loại không đạt yêu cầu thì cung cấp cho các làng nghề làm quạt giấy, làm hàng mã hay gói hàng hoá ở các phiên chợ.

Bên cạnh nghề làm giấy và tôi vôi của nhân dân làng Phổ Lại, từ xưa, quanh khu vực này còn tập trung nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: làng Phổ Lại phường với nghề hàng mã làng Cẩm Thạch với nghề làm bún; làng Phú Hậu, An Xuân có nghề đúc đồng, chạm và trang trí đồng, bạc làm vật trang sức khá nổi tiếng; làng Lâm Xuân với nghề dệt chiếu cói; làng Đông Hà với nghề rèn cổ truyền; làng làm quạt giấy Phương Ngạn... Họ quần tụ sinh sống cùng nhau, cùng nhau buôn bán, trao đổi tại chợ Sòng, chợ Phiên - những nơi nổi tiếng sầm uất của thương trường Quảng Trị ngày trước. Một số nghề nay đã mai một, nhưng rất nhiều làng nghề vẫn tồn tại và phát triển mạnh cho đến bây giờ.

Bên cạnh những cư dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì những làng nghề và ngành nghề thủ công truyền thống là nét văn hoá đặc sắc, là di sản văn hoá phi vật thể quý giá của người dân Quảng Trị từ bao đời nay. Các làng nghề truyền thống là nơi bảo lưu những nét tinh hoa cổ truyền, nơi để các nghệ nhân đua tài, khoe sắc; nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình lao động sáng tạo; nơi cung cấp, buôn bán trao đổi hàng hoá… Tuy hiện nay một số nghề thủ công truyền thống đã bị mai một dần và ngày càng đi vào quên lãng do những tác động mạnh mẽ, trực tiếp của nền công nghiệp hóa, nhưng vẫn còn đó những người có tâm huyết, thiết tha, nuối tiếc với nghề, họ muốn trao truyền lại nghề cho con cháu để lưu danh mãi mãi.

C.T.V

 

Cái Thị Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 201 tháng 06/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground