Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đồn trưởng công an vũ trang Hiền Lương năm xưa

T

ôi tìm đến nhà ông vào một buổi chiều mùa đông. Căn nhà cấp bốn vừa mới xây cất chừng hai muơi thước vuông nhưng đã thấm nước và ẩm ướt. Ông ngồi đó thẩn thờ nhìn ra cửa. Tôi bước vào nhà cất tiếng chào. Chiếc bàn đã quá cũ, ông chỉ gật đầu, đôi mắt hoang lạnh, cặp kính lão trễ xuống. Ông là Lê Thế Tri - nguyên Trưởng đồn Công an vũ trang Hiền Lương - người có quãng thời gian gần hai mươi năm gắn bó với đôi bờ sông tuyến.

Bây giờ...

Tôi thực sự bàng hoàng khi hay tin ông bị mất trí nhớ. "Tôi bây giờ quên hết rồi cháu ơi. Mới một tháng thôi mà chừ nói sau quên trước. Biết làm răng đây?!"

Căn bệnh tai biến mạch máu não tháng trước đã cướp đi của ông phần nửa sức khỏe và trí nhớ, sống lặng lẽ như một chiếc bóng nơi đầu làng. Chiến tranh, thời gian, bệnh tật và những tháng ngày vất vả mưu sinh đã làm sức ông cạn kiệt, đã phủ một màn sương đục mờ che khuất cuộc đời oanh liệt của ông. Bạn bè ai cũng ái ngại tiếc nuối cho ông. Khi đất nước vừa hết chiến tranh, ông tạm biệt đồng đội để trở về cày cuốc ai cũng bảo: Thế là hết - Lê Thế Tri dũng mãnh một thời!

Năm 1977 ông về nghỉ hưu. Vừa giã từ bộ quân phục với quân hàm thượng úy, ông gánh lấy trách nhiệm của người cha với đàn con nhỏ mà những năm tháng chiến tranh đã làm oằn lưng người vợ tảo tần.

Đất Vĩnh Tú (Vĩnh Linh) nghèo - cũng bởi cái nghèo từ thời cha sinh mẹ đẻ. Gia đình ông "ba đời ăn củ chuối". Ông lạc quan mà rằng: "Có rứa tau mới đi công an, lại được chọn làm người bảo vệ cầu Hiền Lương. Chọn lựa gắt lắm. Vinh dự lắm chớ tưởng". Lương thượng úy về hưu thời bao cấp có đáng là bao. Ông cứ mải mê cuốc đất cát trắng sau đồng, mải mê trồng cây trên đất cát vàng ngoài bãi. Cực nhọc lắm mới nuôi đủ chín miệng ăn (hai vợ chồng với bảy đứa con hột gà hộ vịt). "Rứa mà chúng không thành đạt nổi" - ông thở dài tiếc nuối. Vợ ông - người đàn bà một đời chờ chồng, nuôi con, khuôn mặt phúc hậu, nhẫn nại thì bảo: "Bảy đứa con chừ chỉ một o là giáo viên mầm non. Còn lại thì nông dân và thất nghiệp". Ông cho rằng ông thật sự kém cỏi. Nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Bởi sức lực và tuổi trẻ, trí thông minh và sự tráng kiện ông đã dùng vào việc chiến đấu với kẻ thù. Ra khỏi chiến tranh rồi có quá nhiều người lính kiệt sức như ông. Những ai còn "cơ" mưu sinh thì ít nhất phải gặp thời, được vận, "thiên thời địa lợi" nữa chứ đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như quê ông sống nổi đã là giỏi, nói chi đến chuyện làm giàu.

Bố tôi kể, vào những năm của thập kỷ tám mươi, ta hợp tác với truyền hình Mỹ cùng một số hãng thông tấn để làm bộ phim tư liệu "Việt Nam - Thiên lịch sử bằng truyền hình", trên kịch bản phân cảnh có một trường đoạn về giới tuyến quân sự tạm thời, cây cầu Hiền Lương lịch sử và người Trưởng đồn 54 Anh hùng. Vậy nhưng hẹn hò thế nào đâm lỡ, khi đoàn làm phim đến ông đã đi cuốc đất sau đôộng. Ông bảo: "Đợi chờ kiểu nớ tôi không chờ nổi. Con tôi đang cần tôi hơn, tôi phải cuốc đã chớ!".

Tháng chạp năm 2002, những ngày giáp tết tôi được gặp ông, ngay tại cổng nhà mình. Bố tôi giới thiệu: "Bác Tri đó con ạ!" Tôi mừng rơn: "Cháu sẽ đến nhà. Bác tiếp cháu nghe bác!". Ông cười đôn hậu, nét khoáng đạt mạnh mẽ một thời vẫn còn. "Bác vẫn cuốc đấy chứ?". Nghe tôi hỏi, ông gật đầu: "Nhưng ít thôi". Nghe bố tôi nhắc lại chuyện cũ, ông xởi lởi: "Bây giờ nghĩ lại thấy mình hơi khắt khe. Nhưng quả là thời đó dân Vĩnh Tú (không loại trừ tôi), phải "nai lưng" ra mà cuốc thật cật lực mới đủ ăn, thì việc cáu giận là lẽ thường". Lê Thế Tri là thế - nóng nảy và dứt khoát "cú một" - như cách nói của ông. Trạng Vĩnh Hoàng và máu Vĩnh Hoàng đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của ông rồi. Bố tôi và những ai thân thiết với ông đều nói như vậy. Khi ông về, bố tôi bảo: "Cả một đời cống hiến, ngót bảy mươi tuổi rồi chưa làm nổi căn nhà cho đỡ dột đấy con ạ! Hôm trước bác Tri gái bảo chưa biết chờ đến khi mô".

Vậy mà bảy mươi bảy tuổi, khi vừa cất xong căn nhà cấp bốn có thể coi là to nhất của đời ông - xung quanh vẫn còn che những tấm tôn cũ - thì ông ngã bệnh.

Oanh liệt một thời

Con sông Hiền Lương (người ta quen gọi là dòng Bến Hải và Nguyễn Tuân gọi là sông Tuyến) cả đôi bờ đã in dấu chân ông một thuở. Và chiếc cầu ngày xưa, nơi ông đã cùng đồng đội giữ gìn, bảo vệ cho sự trường tồn không thể cắt chia của đất nước, dân tộc mình - Chiếc cầu ấy bây giờ không còn, mố cũ nay đã bắc cây cầu mới.

Trong sự lẫn lộn của nhớ quên tật bệnh, ông vẫn lặp đi lặp lại ký ức day dứt về một chiếc cầu, ấy là: "Tại sao khi xây dựng, người ta không tính toán kỹ để chiếc cầu ấy vừa là cây cầu vững chắc nối mạch máu giao thông, nhưng vẫn là chứng tích lịch sử của một thời!".

Cả một đời tuổi trẻ của ông gắn bó với cây cầu. Sức lực trí tuệ của ông gắn bó với dòng sông ấy, cây cầu ấy, vùng đất Vĩnh Linh máu lửa ấy đằng đẵng hai mươi năm ròng. 

Những thắng lợi trong cuộc đấu tranh trực diện của ta với kẻ thù ở đôi bờ sông Tuyến từng những năm 1955 trở đi có sự đóng góp công lao đáng kể của ông. Không chỉ được tính bằng những con số, những vụ việc đơn thuần bởi trong cuộc đấu tranh này không chỉ là chuyện một mất, một còn, kẻ chết người sống mà là cuộc đấu tranh cho phẩm giá, lương tri và danh dự của con người. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ nhà nước XHCN ở miền Bắc, tìm mọi cách lung lạc ý chí của những người chiến sĩ cách mạng, chúng rêu rao về sự ưu việt của lối sống Mỹ, sự hiện đại của các phương tiện chiến tranh. Còn ông - người lính công an vũ trang giới tuyến từng ngày, từng giờ đối mặt với kẻ thù gìn giữ hòa bình bằng cuộc đấu tranh pháp lý với những điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ để bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông nói rằng, ông thật sự vinh dự và tự hào hơn hết thảy mọi sự tự hào vì ông đã là một trong những người lính bảo vệ giới tuyến.

Có nhiều cuộc "đối mặt" gay cấn mà nếu không vì định hướng chỉ đạo của cấp trên, mà chỉ vì cái tính nóng như lửa của mình thì có lẽ nhiều khuôn mặt của cảnh sát ngụy ở bờ Nam bị vỡ. Ông bảo với tôi như vậy rồi hồ hởi kể chuyện thằng đồn trưởng Nguyễn Sung ở bờ Nam dương dương tự đắc về những chiếc ly uống nước in hình phụ nữ khỏa thân, về gói thuốc lá...Mỹ và chửi "Mấy đứa cộng sản cút mạ bây về Hà Nội để rộng đường cho lính Việt Nam cộng hòa", điên tiết ông túm ngực áo tên đồn trưởng ngụy dầm xuống nước. Về việc này ở thời điểm đó cũng căng, ông phải viết kiểm điểm về tính nóng nảy. Nhưng ông khẳng định lòng tự trọng, ý thức dân tộc là trên hết.

 Ông kể: "Hắn nói chi chớ: "Uống nước thì uống luôn thân thể đàn bà quá đã. Hút thuốc Marbro thì mê luôn (nói chừng mô hắn lấy gói thuốc lá của hắn đè lên bao Tam Đảo của tôi - thứ thuốc lá ngon nhất của ta thời bấy giờ). Ở ngoài nớ cộng sản mần chi được như ri", rồi cười sằng sặc. Máu nóng nổi lên mặt, tôi cố dằn xuống, giật lẹ gói thuốc Tam Đảo rút một điếu hút rồi kịp đặt đè lên gói thuốc lá Mỹ và cứng cỏi đáp lại: "Các ông uống nước kiểu đó là uống sự tục tĩu. Cũng là người Việt Nam, máu đỏ da vàng nhưng tiếc thay văn minh Mỹ đã tiêm nhiễm cho ông lối sống nhục dục ghê tởm. Quả thực không có nền văn minh nào kinh sợ như nền văn mình mà ông được tiếp nhận".

Nghe ông kể về chuyện đấu tranh bằng gói thuốc lá ở đôi bờ giới tuyến tôi chợt nhớ trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm chi tiết này đã được đạo diễn Hải Ninh khai thác triệt để trong một trường đoạn dài. Hình ảnh của Lê Thế Tri và những chiến sĩ công an giới tuyến ngày ngày đối mặt với kẻ thù là hình ảnh đầy sức thuyết phục về sự điềm tĩnh và ý chí không khuất phục.

Theo gợi ý của nhiều người, tôi tìm gặp đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị - một trong những chỉ huy công an vũ trang giới tuyến sau Hiệp định Giơ-ne-vơ để ngõ hầu biết thêm những chiến tích của thượng úy Lê Thế Tri. Đại tá Hà tiếp tôi cởi mở và nồng hậu. Cuốn sổ tay có thâm niên gần năm mươi năm được mở. Và tôi đã đọc được trong những trang, những dòng chi chít chữ ấy nhiều trang viết về Đồn 54 Anh hùng và thượng úy đồn trưởng Lê Thế Tri.

"...Ngày 28 tháng 4 năm 1962 trung tướng Nguyễn Văn Đôn, Bộ trưởng Dân ý vụ và Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng chiến tranh tâm lý cùng mười ba xe nhà binh chở sáu chục tướng tá Mỹ, ngụy ra quay phim chụp ảnh ở bờ Nam cầu Hiền Lương với danh nghĩa thị sát tình hình. Thực chất đây là sự vi phạm quy chế khu phi quân sự. Đồng chí Lê Thế Tri, Đồn trưởng Đồn 54 đã dẫn lực lượng của ta đứng ra đấu tranh đến cùng buộc chúng phải rút vào Do Linh, công nhận vi phạm quy chế. Nhờ sự đấu tranh không khoan nhượng của Lê Thế Tri và cán bộ chiến sĩ Đồn 54 nên sau khi bị đẩy đuổi chúng quay ngược trở ra Cát Sơn đã bị lực lượng vũ trang Đồn 52 Cửa Tùng lập biên bản chuyển Ủy ban Quốc tế 76.

"...Ngày 15 tháng 5 năm 1962, một phái đoàn Anh - Mỹ do tướng Nguyễn Văn Đôn  và Ngô Đình Cẩn từ Huế ra thị sát cầu Hiền Lương. Cán bộ chiến sĩ Đồn 54 dưới sự chỉ huy của Lê Thế Tri đã đấu tranh kiên cường buộc chúng phải rút lui".

Đại tá Hà cho biết: "Sau hai vụ đó Lê Thế Tri được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba...Có thể khái quát thế này: Lực lượng Công an vũ trang giới tuyến lúc bấy giờ mang trọng trách vô cùng nặng nề, đó là kiên trì giữ vững hòa bình, đấu tranh bằng pháp lý dựa trên các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ và quy chế khu phi quân sự đồng thời giữ vững ngọn cờ giới tuyến - là biểu tượng của hòa bình và khát vọng thống nhất. Từ năm 1959 đến năm 1972 với vai trò là chỉ huy của Đồn Công an vũ trang Hiền Lương đồng chí Lê Thế Tri được coi là một sĩ quan chỉ huy có năng lực, lòng nhiệt tình, nắm vững nguyên  tắc đường lối. Đặc biệt sau khi chiến tranh phá hoại nổ ra với vai trò là đồn trưởng, Lê Thế Tri đã thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường chỉ huy lực lượng chiến đấu bảo vệ nhân dân, giúp đỡ các lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh trả máy bay địch, bảo vệ ngọn cờ giới tuyến luôn tung bay. Lê Thế Tri được coi là con người oanh liệt của một thời oanh liệt."

Tổng kết cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, Đồn Công an vũ trang Hiền Lương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hình ảnh người lính công an vũ trang bảo vệ chiếc cầu lịch sử trên dòng sông Hiền Lương những tháng năm chiến tranh mãi mãi được khắc ghi bằng bức phù điêu đứng hiên ngang sừng sững nơi đầu cầu. Đi khắp một vùng Vĩnh Linh tiếng tăm oai hùng của Lê Thế Tri sau gần ba mươi năm vẫn rờ rỡ sáng, vẫn được truyền nhau nghe. Nhưng đó là tiếng tăm của thế hệ ông. Còn bây giờ gần như lớp trẻ không biết gì về ông cả. Họ cũng chỉ nghe sơ sơ về cái giới tuyến quân sự tạm thời và cuộc đấu tranh gay go phức tạp của ta với kẻ thù ở đôi bờ sông Tuyến. Nhưng họ chỉ nghe sơ sơ thôi còn hiểu thì thật ít ỏi.

Còn ông, hẳn không ai có thể ngờ một Lê Thế Tri trí dũng là thế, sức vóc là thế bây giờ già nua tật bệnh. Sau thời trận mạc tuổi trẻ và sức lực ông gửi lại cho cuộc chiến tranh. Người vợ đã già bởi một đời lầm lũi nuôi con gánh vác. Đàn con đông không thành đạt nổi vì mưu sinh nhọc nhằn ở cái xứ sở "ăn cơm bữa diếp". ở tuổi "cổ lai hi" ông mới cất nổi cho mình một căn nhà cấp bốn mà căn bếp vẫn còn trống trơ. Lương thượng úy về hưu chỉ đủ cơm canh ngày tháng đâu đủ để chữa bệnh. Nghe tin có một ông thầy thuốc đông y giỏi châm cứu có thể chữa lành căn bệnh mất trí nhớ cho mình ông tha thiết nhờ tôi giúp "Nếu người ta chữa cho tôi khỏi bệnh, tôi hứa sẽ kể hết mọi chuyện cho cháu nghe".

Còn tôi, tôi viết bài này bởi trách nhiệm của hậu thế. Vì vậy, nếu cho tôi một điều ước, tôi không ước cho mình mà tôi ước cho ông - ông sẽ có sức khỏe, trí nhớ của ông sẽ được phục hồi. Bởi vì ông Lê Thế Tri là một chứng nhân của lịch sử.

         K.H

Khánh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 116 tháng 05/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground