Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người hát "Xa khơi" đã về cõi xa xôi

V

ào chính Ngọ ngày Valentin 14.2.2008, Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân đã tạ thế tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi. Ngày những đôi tình nhân gặp nhau lại trở thành ngày vĩnh biệt một giọng hát vàng, hát những tình ca tầm vóc hay vào hạng bậc nhất Việt Nam. Chợt nhớ lại đầu xuân 2001, cả nước cũng nghiêng mình thương tiếc NSND Lê Dung.

Tân Nhân sinh năm 1932 tại Mai Xá, Gio Linh, Quảng Trị. Bà tham gia cách mạng từ năm 1945 khi còn là một nữ sinh 13 tuổi. Năm 1949, bà vào Đoàn văn công Quân đội mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Sau kháng chiến chống Pháp, bà tập kết ra Bắc và trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn Ca Múa Nhân Dân Trung Ương.

Có lẽ vì quê ở Quảng Trị, nơi có vĩ tuyến 17 với con sông Hiền Lương chia cắt hai miền Nam - Bắc một thời dài, nên Tân Nhân đã có được một sự cảm thụ đặc biệt khi tiếp cận với những bản tình ca tầm vóc viết về sự chia cắt của lứa đôi ở hai miền trong những năm tháng này. Tình ca “Câu hò bên bến Hiền Lương” (Hoàng Hiệp- thơ: Đằng Giao) đã được Tân Nhân hát như rút ruột rút gan “từ nỗi nhớ cồn cào từ bờ Bắc hướng vọng bờ Nam…” Ở Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới tại Helsinki (Phần Lan), khi hai đoàn Việt Nam và Mỹ gặp nhau, cô gái Mỹ Linda nắm tay Tân Nhân thốt lên nỗi nhớ khi xa mẹ. Tân Nhân đã nói với Linda: “Bạn vừa xa mẹ có 10 ngày mà đã thấy nhớ. Mình xa mẹ mình mười bốn năm rồi, không biết nỗi nhớ lớn thế nào”. Nói rồi Tân Nhân cất tiếng hát “Bên ven bờ Hiền Lương. Chiều nay ra đứng trông về- đôi mắt đượm tình quê…” Nỗi nhớ cháy bỏng đốt thiêu trong giọng hát Tân Nhân đã khiến những thanh niên Mỹ khóc nức nở.

Nhưng “Câu hò bên bến Hiền Lương” mới là sự khởi đầu cho giọng hát vàng Tân Nhân. Năm 1962, cầm tình ca “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, người bạn học cùng trường Đồng Khánh khi xưa- đột nhiên vụt nhọn trong ký ức Tân Nhân một mối tình éo le đầu đời với một kết cục chia tay đầm đìa nước mắt. Cái ám ảnh tan vỡ, thất lỡ đó đã nằm sâu tận đáy lòng nghệ sĩ nhiều năm tháng thì bỗng chốc trào dâng không cưỡng được khi Tân Nhân gặp “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Có cảm giác như là nhạc sĩ đã viết cho chính nỗi trắc ẩn của đời mình, Tân Nhân đã làm rực sáng “Xa khơi” trên làn sóng Đài phát thanh, trên sàn diễn một thời không thể nào quên. Nỗi cách chia nhìn thấy thật rõ ràng ở sông, ở núi, ở đất, ở người nhưng lại thật mơ hồ giữa biển Bắc và biển Nam. Có thể nào khi tay ta vớt lên ướt át một chút nước biển Bắc mà dám chắc là không hoà vào đó một ít mặn mòi biển Nam. Bởi vậy để nói lên khát khao thống nhất thì có lẽ tiếng ì ầm xa gần của biển là rõ ràng nhất. Nguyễn Tài Tuệ đã đắc địa khi đưa vào “xa khơi” những ví, những dặm xứ Nghệ vào giai điệu. Còn Tân Nhân thì đã thể hiện “trên nốt” nỗi nhớ da diết này. Trong giọng hát vàng của bà, những đợt sóng dịu dàng dập dềnh bên con thuyền đã được diễn tả bằng những nốt luyến, nốt láy hoa mỹ điêu luyện. Những đợt nắng chiều báo hiệu một đêm xa khơi cũng được giọng hát vàng Tân Nhân làm nhạt dần trong hoàng hôn ca từ và nhá nhem giọng hò. Rồi bất chợt ngọn nắng chiều rực lên khao khát cần ra khơi, cần xoá đi giới tuyến. Những đảo phách, những luyến ba đã được Tân Nhân tài tình thể hiện đưa con thuyền thương nhớ ra với đại dương chất ngất vô bờ bến.

Tân Nhân là một nghệ sĩ được trời cho cả thanh và sắc. Từ thuở bà vào học Đại học âm nhạc, là Uỷ viên chấp hành trẻ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá II, đến khi đi tu nghiệp tại Sofia (Bulgarie) về rồi công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, tới khi đã về hưu, bà vẫn còn có vẻ đẹp mê hồn và giọng nói tiếng Pháp rất “Pa-ri-giêng”. Nhưng người nghệ sĩ tài sắc ấy lại có một cuộc sống hết sức bình dị, đạm bạc và chan hoà với mọi người, sự bình dị và khiêm nhường của một tầm vóc lớn được hun đúc lên bởi những tháng năm chiến tranh thăng hoa thành một sức mạnh phi thường.

Bây giờ, trong một ngày của tình yêu chất ngất, bà đã yên lòng ra đi thanh thản ở tuổi “nhân sinh thất thập”, để lại cuộc đời ấn tượng một giọng nữ cao thánh thiện và vĩnh cữu.

N.T.K

 

Nguyễn Thụy Kha
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground