Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người nữ biệt động thành và nỗi nhớ quê hương

C

ái xóm nhỏ ấy có một người phụ nữ nói trọ trẹ giọng miền Trung. Chuyện đó không có gì là lạ, bởi cũng đã từng có nhiều cô gái ở các tỉnh trong ấy lấy chồng về vùng đất này rồi. Nhưng, lạ là ở chỗ người phụ nữ ấy năm xưa đã từng là một nữ chiến sĩ biệt động thành dũng cảm mà cuộc đời chị còn chất chứa bao nỗi buồn đến tận bây giờ chưa dứt. Người phụ nữ đó là chị Lê Thị Giỏi, ở khu 9, làng Vĩnh Tường, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao -  Phú Thọ.

Khi tôi đến, chị Giỏi đang xách thùng tưới cho những luống rau trước nhà. Ở cái tuổi gần sáu mươi, chị vẫn giữ được phoóc người cao lớn và đường bệ khác thường. Một vóc dáng ít thấy ở người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé khác. Nhìn thân hình cao lớn ấy của chị, tôi thầm nghĩ: phải thế thì chị mới có thể đối đầu ngang dọc được với bọn Mỹ - ngụy chứ. Thế nhưng tôi cũng được biết rằng cái thân hình oai vệ ấy hiện đang phải mang bao nhiêu vết thương từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến tận bây giờ. Mặc dù cao lớn nhưng chị Giỏi lại rất duyên. Duyên từ cách nhìn cho đến cách nói chuyện. Duyên đến mức ai cũng muốn ngồi nghe chị nói mãi. Dù mái đầu đã bạc nhưng nét duyên ấy vẫn còn phảng phất nơi chị. Vừa nói chuyện với tôi, chị Giỏi vừa ôm đầu kêu đau. Những hôm thời tiết thay đổi mảnh đạn trong đầu lại không để chị yên. Chị Giỏi bảo: "Nếu mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên đành phải để nguyên như thế!"

Biết tôi đang có ý định viết về mình, chị Giỏi khuyên tôi đừng nên viết, bởi như chị nói: Chiến công của chị có gì đâu mà viết. Chị bị thương vào đầu nên quên nhiều lắm, sợ nói không đúng, đồng đội đọc được họ cười cho thì thật xấu hổ. Như năm vừa rồi, đâm lẩn thẩn đổi cho người ta ruộng tốt còn mình lấy ruộng xấu, về bị mọi người cười cho mãi. Tôi hiểu, đó chỉ là cách nói khiêm tốn của chị.

Lê Thị Giỏi sinh năm 1947, trong một gia đình cách mạng ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Phần lớn thời gian còn nhỏ, Giỏi chỉ được sống cùng bà và mẹ mà không được biết mặt cha. Bởi khi Giỏi vừa mới được vài tuổi thì cha chị, ông Lê Văn Thí, đã tham gia kháng chiến chống Pháp và ông luôn biền biệt xa nhà. Năm 1954,  chưa kịp trở về đoàn tụ với gia đình, ông lại phải đi tập kết ra Bắc. Kể từ đó, ông và vợ con thất lạc tin tức của nhau. Và cũng chính vì thế gia đình chị Giỏi đã phải biệt ly cho đến tận bây giờ.

Sinh ra trên một vùng quê nghèo khổ, nơi được mệnh danh là túi bom trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như có một phép màu nhiệm, cô bé Giỏi vẫn lớn thật nhanh và mau chóng trở thành một cô gái rắn rỏi, gan góc. Do có cha và chú tham gia cách mạng, hàng ngày những người trong gia đình Giỏi phải ra "trình diện" trước chính quyền ngụy. Nhưng có hề chi, việc làm đó của chúng lại có tác dụng ngược lại đối với lòng yêu nước vốn dĩ đã có sẵn trong dòng máu Giỏi. Mới mười một, mười hai tuổi, cô bé đã đi làm liên lạc cho các chú cán bộ. Năm 1966, vừa tròn 19 tuổi, Lê Thị Giỏi đã được lựa chọn vào lực lượng nữ biệt động thành Quảng Trị. Theo như lời Giỏi kể thì khi ấy, ở mảnh đất cỗi cằn quê chị, mỗi người có quyền lựa chọn một trong hai con đường đi cho cuộc đời mình: Con đường thứ nhất: Đàn bà con gái có thể đi theo Trần Lệ Xuân, đàn ông có thể đi theo Ngô Đình Diệm. Còn con đường thứ hai là con đường đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ. Và Lê Thị Giỏi đã chọn con đường thứ hai ấy - con đường mà cha và chú chị đã đi.

Gia nhập lực lượng nữ biệt động thành, Lê Thị Giỏi được giao làm tiểu đội trưởng phụ trách một tiểu đội gồm mười hai nữ biệt động. Dưới sự chỉ huy của Giỏi, hàng đêm, đơn vị của chị đã bí mật tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ vào các mục tiêu quan trọng của địch tại khu vực thành Quảng Trị. Đánh xong, đơn vị lại rút vào rừng ngay. Trong suốt một thời gian dài, những trận đánh của các cô gái đã làm tiêu hao không ít sinh lực địch, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế Mỹ và ngụy càng điên cuồng đổ quân đánh phá ác liệt Quảng Trị hơn nữa khiến nơi đây gần như trở thành vùng đất chết. Nhưng Giỏi và những cô gái xứ Quảng vẫn bám trụ tại quê hương đánh giặc. Năm 1967, sau nhiều đợt bom và sau những trận phản kích của giặc, tám trong số mười hai người ở tiểu đội của Giỏi hy sinh. Giỏi chẳng may cũng bị thương. Tiểu đội chỉ còn lại bốn người và do hoạt động bị lộ nên sau khi vết thương lành, Giỏi và những người còn lại đã gia nhập lực lượng vũ trang Quảng Trị. Chuyển sang đơn vị mới, Giỏi tiếp tục tham gia nhiều trận đánh quan trọng khác. Chị kể: "Chủ yếu là đánh vào ban đêm. Hầu như đêm nào cũng đi. Đánh xong lại rút vào rừng ngay để bảo giữ bí mật và để bảo toàn lực lượng!". Với những thành tích nổi bật trong những năm chỉ huy đội nữ biệt động thành, Giỏi đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba và nhiều lần được cấp trên khen thưởng. Những buổi lễ trao Huân chương và giấy khen cho chị thường được tổ chức ngay ở trong rừng, và sau mỗi trận đánh. Thế nhưng, bây giờ các loại giấy tờ khen thưởng không còn nữa. Vì rằng, chị Giỏi đã bỏ những tấm giấy khen và Huân chương ấy ra khỏi ba lô lấy chỗ để súng đạn. Giỏi bảo: "Ba lô thì chật chội, có chỗ đâu mà bỏ giấy khen với bằng khen. Sau khi được tặng, mình chỉ giữ vài bữa rồi phải bỏ đi để còn lấy chỗ chứa súng đạn chứ!"

Năm 1968, Giỏi bị thương lần thứ hai. Lần này, chị bị thương rất nặng vào đầu và được đưa ra Bắc điều trị tại trường thương binh Phú Thọ (trường K100). Và chính tại nơi đây đã xảy ra  hai sự kiện quan trọng trong đời chị: Chuyện thứ nhất liên quan đến mối tình của chị với anh cán bộ giao thông Lê Nặc - người sau này sẽ là chồng của chị. Ấy là, trong thời gian Giỏi nằm viện, anh Nặc thỉnh thoảng lên thăm người thân cũng nằm viện gần chỗ chị. Tại đây, những nét duyên thầm kín đáo nơi người con gái xứ Quảng gan dạ và dũng cảm đã chinh phục trái tim anh Nặc. Khoảng thời gian đó tuy ngắn ngủi nhưng đã sớm nhen lên một tình yêu đẹp giữa hai người và tình yêu đó còn đẹp hơn nữa cho đến khi họ gặp lại nhau sau này. Và sự kiện thứ hai chính là việc Giỏi đã được gặp người cha thân yêu của chị sau bao nhiêu năm trời xa cách. Thời gian đó, người cha của Giỏi, ông Lê Văn Thí khi nghe tin người con gái duy nhất của mình đang điều trị vết thương ngoài Bắc đã lặn lội lên tận Phú Thọ để tìm con. Và cuối cùng, năm 1971, tại ngôi trường ấy, cha con họ đã được gặp nhau. Cuộc gặp đầy cảm động đó tưởng chừng sẽ đem lại niềm vui cho gia đình họ. Nhưng không! Ông Thí chưa hết vui mừng vì người con gái duy nhất của ông đã trưởng thành và đi tiếp con đường mà ông đã chọn thì lại phải đón nhận một sự thật phũ phàng. Đó là việc bà Mai Thị Gion - người vợ từng chung thủy đợi chờ ông bao nhiêu năm nay đã đi lấy chồng. Sự chia cắt trớ trêu và không đáng có ấy cũng do bởi chiến tranh. Trong những năm cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, bà Gion hay tin ông Thí đã hy sinh. Vì vậy bà quyết định đi bước nữa. Hoàn cảnh đặt mọi việc vào sự đã rồi nên sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông Thí trở vào Nam và cũng đành đi xây dựng gia đình mới. Từ đó cho đến khi kết thúc chiến tranh, mọi tin tức về người cha của mình, chị Giỏi không nhận được nữa.

Năm 1972, sau mấy năm điều trị ngoài Bắc, Giỏi lại trở về quê hương tiếp tục công tác. Trở vào lần này Giỏi hay tin hai người bạn gái của mình lại hy sinh nốt, và như vậy, tiểu đội nữ biệt động thành chỉ còn lại vẻn vẹn hai người là Giỏi và một người nữa mà đến giờ Giỏi cũng không biết người đồng đội ấy của chị hiện đang ở đâu, còn hay đã mất. Chị chỉ nghe mang máng là người ấy đang sống ở trong Nam. Còn cụ thể là sống ở đâu thì chị cũng không được rõ. Cũng như thể chị không thể biết được rõ địa chỉ của cha mình và của các em con riêng của cha chị (nếu có).

Trở về quê hương lần này, Giỏi làm việc tại Ban Hậu cần của văn phòng Huyện ủy Hải Ninh. Đến năm 1973, trong cuộc trao trả tù binh tại sông Bến Gót theo Hiệp định Paris, Giỏi gặp lại người thương của chị, anh cán bộ giao thông vận tải năm xưa. Lúc này, cô gái biệt động thành từng vào sinh ra tử ấy càng khiến trái tim chàng trai đất Bắc thêm rung động và hơn nữa thời gian mấy năm trời xa cách cũng đã đủ chứng minh tình yêu chung thủy của hai người. Và rồi cuối năm đó, họ tổ chức lễ cưới.

Sau giải phóng, Lê Thị Giỏi theo chồng về quê hương đất Tổ. Chị có một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan. Những năm đất nước đang còn trong thời kỳ bao cấp, cũng giống như bao gia đình khác, gia đình chị Giỏi cũng phải vất vả lo cho từng bữa ăn. Chính vì thế mà nhiều người trong làng xã còn nhớ mãi cái chuyện chị Giỏi một mình đánh lại được mấy tên trấn lột. Số là hôm ấy chị đi đong gạo tiêu chuẩn về để nấu cho các con ăn. Khi về thì trời đã trưa, đường lại vắng vẻ nên có hai tên côn đồ xông ra bắt nạt định bắt chị phải để lại chiếc xe đạp và toàn bộ số gạo cho chúng. Chị Giỏi van xin thế nào chúng cũng nhất định không tha. Cùng đường, chị không nhân nhượng với chúng nữa và buộc lòng chị đành phải giở những bài quyền đã học từ ngày còn đánh Mỹ-ngụy ra để dạy cho bọn chúng. Quá bất ngờ vì bị một người phụ nữ đánh cho thua, những tên trấn lột lại quay lại van xin chị và hoảng sợ bỏ chạy. Đó là câu chuyện nhỏ của hai mươi năm về trước. Còn chuyện mà bấy lâu nay vẫn đang luôn canh cánh trong lòng chị Giỏi thì lại khác. Đó là việc chị vẫn chưa tìm được người cha đẻ của mình kể từ sau lần gặp gỡ ấy. Ngoài người cha, chị còn có một người chú ruột cũng đi bộ đội từ ngày chị còn rất bé. Chị không biết hai ông còn sống, hy sinh hay đã mất vì tuổi già, bệnh tật. Và nếu còn sống thì hiện giờ hai ông ở đâu. Kể từ sau khi bà mẹ của Giỏi mất (1992), Giỏi và các con đã nhiều lần viết thư về trong quê, nhưng không thấy ai liên lạc trở ra cả. Chị Giỏi bảo quê chị những năm chiến tranh nhiều nhà trúng bom chết hết. Những người còn sống thì ly tán, phiêu bạt khắp nơi nên không biết anh em họ hàng bên nội của chị còn những ai. Mãi cho đến cách đây mấy năm, chị có nhận được bức thư hồi âm của một người trong họ. Sau đó chị có viết thư trở vào Quảng Trị để hỏi thăm những tin tức về cha chị nhưng từ đó đến nay vẫn biệt vô âm tín. Chị Giỏi và anh Nặc hiện giờ đã lên ông lên bà cả rồi. Anh chị rất muốn đi một chuyến về Quảng Trị để thăm lại mảnh đất quê hương - nơi một thời bom đạn mà chị đã từng sống và chiến đấu để có điều kiện tìm lại những người thân thích của mình, nhưng đành bất lực. Với đồng lương ít ỏi của anh và nguồn trợ cấp thương binh hạng 2/4 của gia đình chị cũng tạm đủ sống. Nhưng anh chị còn phải lo tiền học, lo công ăn việc làm cho các con đang tuổi lớn. Ngoài ra, số tiền ít ỏi ấy còn phải dùng để mua thuốc điều trị vết thương cho chị mỗi khi trở trời nên dù muốn đi tìm cha, dù nhớ quê hương đến gay gắt nhưng cũng đành chịu. Ước nguyện trở về quê hương đành phải gác lại. Nói với tôi những chuyện ấy chị Giỏi đã khóc.

Tôi ngồi nhìn người nữ biệt động thành mái tóc giờ đã điểm bạc và hiểu rằng ở vào cái tuổi ấy người ta ai cũng muốn trở về nơi mà mình đã ra đi và ai cũng muốn đi tìm lại gốc gác cội nguồn của mình để khỏi phải ân hận lúc cuối đời. Chị Giỏi tuổi trẻ đã dành hết sức lực của mình cho việc đánh giặc giải phóng quê hương nên đối với chị, giờ đây những tình cảm ấy là thực sự thiếu thốn. Với quê hương và với cha, chị đã xa trên dưới ba mươi năm rồi. Nỗi lòng đó, nếu ai đặt mình vào hoàn cảnh của chị tất sẽ hiểu. Chẳng thế mà chị đã mềm yếu khóc khi nói với tôi những chuyện đó. Trong khi chị chưa bao giờ mềm yếu trước mặt quân thù cả.

Nếu có độc giả nào đọc được những dòng này và biết được những thông tin gì về người cha của chị, ông Lê Văn Thí (và các con riêng của ông) hiện đang ở đâu, xin báo giúp để cha con chị được đoàn tụ.

Địa chỉ của chị: Lê Thị Giỏi (Lê Nặc), khu 9, làng Vĩnh Tường, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao - Phú Thọ.

  T.H

Thảo Hương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 121 tháng 10/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground