Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người Quảng Trị

Nhắc đến Quảng Trị, nhiều người, nhất là trước kia cứ hình dung đó là mảnh đất chiến tranh khốc liệt, thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa gió Lào. Một mảnh đất thiên nhiên khắc bạc, chinh chiến triền miên thì chắc hẳn con người cũng khô khan, thậm chí khó gần. Vậy nên câu hỏi: người Quảng Trị như thế nào bật ra thì cũng là một lẽ tự nhiên.

 

Định nghĩa hay dù chỉ đưa ra một khái niệm mang tính tương đối cho những ai thích khái quát về những phẩm tính của người Quảng Trị thật không dễ, thậm chí bất khả thi. Người viết bài này đã nhiều lần hỏi một số nhà văn, nhà nghiên cứu am hiểu Quảng Trị rằng bản sắc văn hóa Quảng Trị là gì, tính cách con người Quảng Trị tựu trung có thể nói trong mấy câu, mấy từ liệu có được không. Câu trả lời rằng là quá khó. Tuy nhiên có thể tìm một cách tiếp cận đơn giản hơn từ những con người và câu chuyện cụ thể.

 

Tôi nhớ năm trước trong một lần phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hoan, nguyên UVTƯ Đảng, Phó trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị về Đập Trấm (công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn thời Bình Trị Thiên) đã nhận được một câu trả lời rất đáng suy ngẫm. Ông từng là chỉ huy trực tiếp công trường thủy lợi này cách đây 40 năm, vào thời kì gian khó nhất sau khi đất nước mới vừa thống nhất. Thành công và hiệu quả lâu dài của Đập Trấm thì thời gian và thực tế đã minh chứng, không cần nói thêm nhiều. Tuy nhiên khi phóng viên băn khoăn về những trường hợp có công, lớn hơn nữa là xả thân để cứu các công trình thủy lợi nhưng nay vẫn chưa (hay không) được nhà nước công nhận thì ông điềm đạm trả lời: “Ngày ấy chúng tôi làm việc hết mình với tinh thần vì quê hương, vì việc chung, nào mấy ai để ý đến chuyện khen thưởng, rồi giấy chứng nhận này kia. Còn bây giờ muốn làm chế độ thì phải theo quy định, với nhiều thủ tục, kể cũng thiệt thòi cho nhiều anh chị em. Nhưng tôi thấy nhiều thế hệ chỉ biết cống hiến, hi sinh mà không hề so bì, đòi hỏi. Đó cũng là điều mà xã hội cần nhìn nhận...”. Phẩm giá này đúng là không chỉ của riêng người nơi nào, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh hay những thời điểm nguy nan, gian khó nhưng có lẽ với những người Quảng Trị thứ thiệt thì nó hiển hiện sáng ngời mà giản dị. Nếu không thì làm sao lí giải thời kháng chiến chống Pháp, đi dân công tiếp lương, tải đạn ở chiến khu Xoa-Ba Lòng từng chuyến mươi ngày, nửa tháng vất vả và nguy hiểm đủ đường, xong việc cứ muốn nghỉ ngơi, nhưng khi nghe nói chuyện đánh Tây thì ai nấy lại bừng bừng khí thế xung phong đi tiếp. Cũng như trong cuộc chiến với Mỹ, cứ đồng bào Quảng Bình và nhất là vào đến Vĩnh Linh thì trăm người như một “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Và chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) nở như bắp rang cũng là từ trong đạn bom, khói lửa chiến tranh. Văn nghệ bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, theo nghĩa này thì những tác phẩm như bài thơ “Cô lái đò” của Lương An, “Biệt động đội đường số 9” của Hồng Chương, hay các bài hát “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương thời chống Pháp; rồi ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp thời đánh Mỹ đã nói đến một Quảng Trị bền gan, son sắt- thủy chung. Mà lạ thật, số phận lịch sử cứ vận vào mảnh đất và con người Quảng Trị, cả chuyện chia cắt đất nước, rồi mẹ đợi con, rồi vợ chờ chồng cũng vậy, cứ như binh đao tao loạn chỉ quanh một khúc sông mà níu kéo nghìn trùng.

 

Nhân nói chuyện văn nghệ thì cũng muốn nhắc lại đôi điều như là một lời tâm sự. Chính nhạc sĩ Phạm Duy khi về lại Việt Nam đã khao khát tìm về thăm lại “Bà mẹ Gio Linh” dẫu lúc ấy ông đã ngoài tám mươi tuổi. Cảnh cũ nhiều thứ đã không còn mà người xưa hầu như đã mất nhưng chính nhạc sĩ muốn tìm về một thời trai trẻ mang đầy hào khí dân tộc, trong đó có mình, muốn tìm lại những kỉ niệm với người Quảng Trị. Vì chính nơi đây, tác giả đã viết nên một trong những tác phẩm lay động lòng người, bởi ca khúc “Bà mẹ Gio Linh” là một điếu văn bi tráng bằng âm nhạc đã dựng lên một tượng đài lẫm liệt dáng vóc và tâm hồn Quảng Trị bằng âm thanh khi mà cảm xúc cuộn dâng, nói như Nguyễn Du đã viết: “Sáu dây chảy máu năm đầu ngón tay”.

Người Quảng Trị có câu “Biết ăn thì no, biết nằm co thì ấm”. Không chỉ là chuyện đi làm Đập Trấm với nhiều sáng kiến đào đất, xúc đất, chuyển đất đại loại như “trạc dắt” đan bằng tre khi mà cả công trường chủ yếu hoạt động nhờ chân tay nhưng đầu óc lại nảy ra sáng kiến. Đó là công trình thủ công có độ bền đáng kinh ngạc và phát huy hiệu quả to lớn, lâu dài trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng hai mươi năm sau đó, sau khi tái lập tỉnh năm 1989, lại gặp khó khăn khác, lần này không phải là thủy lợi mà là văn hóa, cụ thể hơn là nghệ thuật sân khấu kịch nói. Bấy giờ là thời kì hoàng kim của sân khấu thể nghiệm mà nhiều người quen gọi là sân khấu nhỏ của những năm cuối thập niên 80 và đầu 90 thế kỉ trước. Nói sân khấu nhỏ vì nó ít nhân vật, sân khấu không hoành tráng nhưng nội dung, vấn đề đặt ra thì không phải loại xoàng. Kịch bản phải hay, diễn viên phải tinh, đạo diễn phải có nghề mới mong làm nên cơm cháo. Nói sân khấu nhỏ mà không hề nhỏ, trái lại còn lớn là vì thế. Sở Văn hóa thông tin (VHTT) Quảng Trị hồi ấy mới chia tỉnh, nghèo mọi thứ, kể cả con người mà bây giờ ta hay nói chữ là “nguồn nhân lực”. Hôm rồi trò chuyện với nhà văn Xuân Đức mới thật tỏ tường. Quảng Trị lúc mới “ra riêng” thiếu thốn đủ bề nhưng khát vọng thì không nhỏ, hơn nữa đạo diễn gạo cội có Xuân Đàm, kịch tác gia có Xuân Đức, diễn viên tài sắc có Kim Quý rồi Chánh Phùng nhưng chỉ ngần ấy con người thì khó lòng làm nên một vở kịch. Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc đầy thử thách nhưng cũng quá hấp dẫn gọi mời thì không thể chối từ. Đạo diễn Xuân Đàm, Giám đốc Sở VHTT nói với Phó giám đốc Sở là nhà văn Xuân Đức: “Cậu viết ngay cho tôi một vở kịch, nhớ là chỉ có hai nhân vật, một nam, một nữ, còn vì sao mà chỉ có hai thì ông biết rồi đấy, vì chỉ có hai diễn viên: Chánh Phùng và Kim Quý, liệu cơm mà gắp mắm”. Nhà văn Xuân Đức im lặng làm theo, nhưng nghĩ cả ngày cả đêm cũng không tài nào ra một vở kịch như thế. Sáng ra, gặp đạo diễn Xuân Đàm, ông nhăn nhó “thương lượng”: “Anh phải cho tôi một nhân vật nữa, một nhân vật thôi, nếu không thì bó phép”. Giám đốc trả lời: “Thôi được, tôi cho ông thêm một nhân vật, nhân vật nữ, vì chỉ còn có Tiểu Hoa nữa thôi”. Vật vã sáng tạo, nhà văn Xuân Đức viết xong vở kịch “Đợi đến bao giờ”, sau đạo diễn Xuân Đàm đổi tên cho có vẻ tếu táo, câu khách là “Chuyện đời thường vớ vẩn”. Rồi cả “đoàn kịch” lên đường bằng chiếc xe cà tàng U-oát đến hội diễn. Tỉnh nghèo, kinh phí eo hẹp, phương tiện thiếu thốn, diễn viên hiếm hoi vậy mà thành công vang dội. Vở kịch đoạt huy chương vàng, rồi diễn viên cũng được huy chương vàng, huy chương bạc khiến giới sân khấu cả nước trầm trồ thán phục. Thừa thắng xông lên, các huy chương vàng nối tiếp nhau vào các kì hội diễn tiếp theo khiến Quảng Trị trở thành địa chỉ vàng của sân khấu nhỏ.

 

Xứ sở khói lửa, đạn bom một thời mà nỗi đau hậu chiến còn dai dẳng dài lâu. Nhưng một chị Trần Thị Bé ở phố Đông Hà từ đời thường trở thành nguyên mẫu của bộ phim “Đời cát” cũng biểu hiện cho tinh thần không cam chịu hoàn cảnh ngặt nghèo, hay “đại sứ bom mìn” Phạm Quý Thí quê lúa Hải Lăng. Chỉ là nông dân và nạn nhân bom mìn nhưng ông đã đứng cao hơn số phận, trở thành diễn giả có tiếng truyền thông chống bom mìn, chống chiến tranh, đi khắp thế giới và đã từng được nhiều quan chức các nước, cả đến nguyên thủ quốc gia tiếp kiến một cách trọng thị. Những bài học sống động từ đời thường như thế có sức lan tỏa khắp cộng đồng.

 

Và tinh thần chinh phục này đã được trao truyền như ngọn đuốc thế vận hội thể thao đến với lớp trẻ hôm nay. Những học sinh tham gia “Đường lên đỉnh Olympia” do VTV tổ chức được xướng danh với những cái tên đạt quán quân như Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, rồi Á quân Lê Thanh Tân Nhật đã làm rạng danh giáo dục Quảng Trị, được cả quê hương hồi hộp dõi theo và vỡ òa xúc động. Sự nghiệp chấn hưng đất nước nhất thiết phải bắt đầu và quan trọng nhất bằng con đường khai trí, chấn dân khí và sự học phải đi đúng quỹ đạo của nó mới thành công và canh tân Tổ quốc Việt Nam.

 

Người ta vẫn nói không ai mang nhà trên lưng, mang quê trên vai. Nhưng có vẻ câu này chỉ đúng với nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì nên xem lại. Tôi có dịp gặp muôn vàn Quảng Trị vì nhiều lẽ khác nhau đã rời xa cố quận. Cách đây chừng ¼ thế kỉ, tôi cầm giấy giới thiệu của báo Quảng Trị đi vào Lâm Đồng để viết hai kỳ kí sự “Người xa xứ” đăng ở hai báo địa phương nơi đi và đến. Tôi còn nhớ như in khi vào huyện Đạ Tẻh để tìm hiểu đời sống của những người Quảng Trị đi kinh tế mới. Cuộc sống lúc ấy dù còn lắm khó khăn nhưng người dân vẫn nhắc nhau nhớ về nguồn cội. Những tên làng, tên xã đọc lên đã thấy bóng dáng quê nhà: xã Quảng Trị, xã Triệu Hải. Bà con kể rằng cứ tết đến là cầm nén hương hướng về quê cha đất tổ mà khấn vái cầu an cho gia đình mình và cho cả làng xưa, xóm cũ. Cũng như sau này tôi gặp bà con Quảng Trị trên những vùng cao su ở Long Khánh (Đồng Nai) ở Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Chỉ cần nghe tiếng Quảng Trị mộc mạc râm ran là như thấy quê nhà trước mặt.

 

 

P.X.D

 

Nguồn: Báo Quảng Trị

 

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground