Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Thạch Giang - nhà giáo tận tụy, nhà Hán Nôm xuất sắc

GS. Nguyễn Thạch Giang (1928 - 2017) quê làng Bích Giang, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Với 70 năm công tác từ những năm 50 tại chiến khu Ba Lòng, rồi Khoa học xá Trung ương cho đến sự có mặt đầu tiên tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngữ văn và khoa ngôn ngữ. Từ khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài nghiên cứu và để lại cho đời khoảng 60 công trình lớn nhỏ trong đó có bộ sách 5 cuốn Lời quê chắp nhặt (NXB Khoa học xã hội và NXB Tri Thức) vàTiếng Việt trong thư tịch cổ (2 tập; NXB Văn hóa Thông tin gồm 2.600 trang sách khổ 16 x 24 cm).

1. Một nhà nghiên cứu Hán Nôm xuất sắc về văn hóa thời trung cận đại

Là một nhà giáo nhờ tự học mà am tường chữ Hán Nôm, tinh thông tiếng Pháp, say mê triết học phương Đông, nhưng Nguyễn Thạch Giang vẫn lấy phép biện chứng của chủ nghĩa Marx làm cơ sở lý luận, thẩm định và biện giải những thực tiễn văn học, ngôn ngữ thời trung cận đại Việt Nam. Đối với ông, tư duy triết học biện chứng và phông văn hóa rộng, tạo nên văn cốt chân tài của một nhà khoa học. Ở những công trình, bài viết của ông, người đọc không thấy sự kỳ thị những thành tựu hiện đại ở phương Tây, không vồ vập mọi tri thức thông thái của phương Đông. Đọc những công trình của ông, chúng ta tiếp nhận cái suy lý và cái trực giác, cái hiện thực và cái siêu hiện thực để hiểu những hiện tượng lịch sử trọn vẹn. Nghiên cứu cái cổ, nhưng ông không bao giờ nệ cổ. Nhờ duy lý thực nghiệm mà biết tri thức luôn mang tính tương đối, coi tương đối luận luôn luôn mang tính chất đổi mới của khoa học, nếu không muốn rơi vào sự sao chép, nghèo nàn, trì trệ của lối nghiên cứu bình giảng, mô phỏng, không thấy được cái hay, cái mới của những hiện tượng trong văn học cổ điển. Nghiên cứu Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, các văn nhân trong nhóm ngũ tuyệt ông thường dùng phương pháp tư duy thực nghiệm để tìm ra những giá trị đúng (ngoài cái sai, nay thêm một giá trị nữa là xác suất - tức là vừa đúng vừa sai). Nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông có bài viết: Nhân nghĩa, từ hứng vị siêu hình trong Dịch truyện Nho giáo đến tư tưởng chỉ đạo trong Bình Ngô đại cáo có đoạn: “Ở Nguyễn Trãi nhân nghĩa không còn là khái niệm luân lý đơn thuần, mà đã trở thành một giá trị siêu đạo đức, một phương châm chỉ đạo chiến lược quán xuyến mọi hoạt động trong cuộc kháng chiến bình Ngô và xây dựng đất nước”. Trong Hạ quy Lam Sơn có câu: Nhân nghĩa duy trì quốc thể an (Nhân nghĩa giữ gìn thế nước yên). Nói về sức mạnh dời non lấp biển của Dân, trong bài hịch nói trên, Nguyễn Trãi có nhiều câu trở thành châm ngôn: Nhân nghĩa chỉ cử yếu tại an dân/ Điếu phạt chỉ sư mạc tiên khử bạo/ Dung ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang1. Phát ngôn để tìm ra chân lý của Nguyễn Trãi trong Chiếu răn bảo thái tử là: Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền, lật thuyền cũng là dân. Đối với Nguyễn Thạch Giang là lòng thành, niềm tin, vì theo Nho giáo: “Lòng thành là đầu mối của muôn vật”. Mất lòng thành, niềm tin là mất tất cả.

Về thân thế và sự nghiệp văn học, văn hóa của Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang cũng có những kiến giải công bằng, khoa học. Tư tưởng lớn nhất của thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là chủ nghĩa nhân đạo, triết học xuyên suốt nhiều tác phẩm, trong đó có Truyện Kiều là Phật giáo, tuy vậy sự hạn chế về thế giới quan, về phương thức sáng tác của Nguyễn Du do sự hạn chế của lịch sử thời đại mà ông sống và sáng tác là không tránh khỏi. Liên quan đến chuyện kinh bang tế thế của một thi hào lớn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang cũng có những nhận định cởi mở và cũng có công trong việc sưu tầm, phiên âm, chú giải. Có lần ông kể trong một bài báo: “Từ năm 1951 đến nay (2012) về thân thế, địa danh có liên quan đến văn hào họ Nguyễn kể cả ở nước ngoài chúng tôi đã khổ công khai thác gần như đầy đủ… quá trình nghiên cứu được chúng tôi thâu tóm trong các công trình đã xuất bản: Nguyễn Du - tác phẩm và lịch sử văn bản (1999), Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm (2000), Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm, v.v… Không ai biết về Nguyễn Du mà chúng tôi không tìm đến để học hỏi”2. Cũng xin nói thêm đôi điều về văn hào họ Nguyễn: Nguyễn Du lúc 12 tuổi đã tam trường, rồi nhận chức quan võ ở Thái Nguyên, thì sách vở đâu, thì giờ đâu mà thông Nho, thông Phật. Cụ có đóng góp to lớn đối với kho tàng văn Nôm, tiếng nói qua Truyện Kiều và một số tác phẩm khác, nhưng đối với sự phát triển xã hội, chuyện kinh bang tế thế của một văn hào tầm cỡ, người đời sau ít thấy sự cống hiến rõ rệt3.

2. Một nhà giáo tận tụy với nghề

Nguyễn Thạch Giang là một trong những nhà giáo đầu tiên có mặt ở Đại học tổng hợp Hà Nội. Bấy giờ, do thiếu nhiều giảng viên bậc đại học, Bộ Giáo dục đã tuyển chọn những giáo viên giỏi trung học phổ thông về bục giảng đại học thay thế. Nguyễn Thạch Giang trước khi đứng lớp ở khoa ngữ văn (tiếng Việt) ông đã làm nhiều công việc phục vụ giảng dạy như giáo vụ, phiên dịch tiếng Pháp, tiếng Hán (riêng tiếng Hán Nôm ông đã phải cắp cặp đi học với cụ Trần Lê Nhân - một bậc thâm nho). Ngoài ra, ông được sống và làm việc trong một môi trường văn hóa ở 16 phố Hàng Chuối là nơi cư trú của các giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy đã ảnh hưởng đến tư duy giáo dục. Cải cách giáo dục từ những năm 80 thế kỷ trước đã được đặt ra với phương châm: Vừa giảng dạy vừa nghiên cứuỞ giáo dục đại học, theo ông, việc giao quyền tự chủ trong độc lập nghiên cứu, vừa giảng dạy và thực hành viết những công trình, giáo trình từ nhỏ đến lớn. Đối với ông, từ bấy giờ, nhất là nhiệm kỳ Bộ trưởng Giáo dục là nhà khoa học đa tài Tạ Quang Bửu, ông đã tham gia đề xuất với Bộ trưởng mời chuyên gia giáo dục các nước tiên tiến. Giáo dục là một việc tối quan trọng của quốc gia. Nhìn vào giáo dục, ta có thể lượng định trình độ văn minh của nước đó. Việc dạy việc học đều nhắm những mục đích cụ thể, thiết thực. Học để trở thành công dân tốt. Khi cả nước ai cũng tự giác học tập suốt đời thì đây là nguồn hạnh phúc, an cư lạc nghiệp cho Dân, phồn vinh cho Nước. Từ nền tảng tư duy triết học đó mà những nhiều Nghị quyết Trung ương Đảng đã đề xuất triết lý: Học tập suốt đời, mọi người được học tập, xây dựng xã hội học tập với mục tiêu “dạy và học làm người”. Nhà giáo tận tụy Nguyễn Thạch Giang đã sớm có tư duy thực tiễn về công việc cải cách giáo dục, dù chỉ là công việc hàng ngày: giảng dạy không tách rời nghiên cứu, nghiên cứu bổ sung, làm sinh động các giáo trình, giáo án.

Một trong duyên may hiếm có trong đời của nhà giáo Nguyễn Thạch Giang là những lần gặp gỡ, hầu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông kể: từ năm 1972 trở đi, tôi thường được mời lên hầu chuyện bác Phạm Văn Đồng. Từ chuyện pháp gia và pháp luật học, chuyện vua Hùng và các tập Thế phả, chuyện Thần Nông Hoàng đề và Hà đồ Lạc thư đến chuyện chính trị: hồng và chuyên… Bác thường đặt ra trong khi ngồi dùng bữa với bác, ít khi có chuẩn bị trước, như buổi hầu chuyện ngày 29/3/1993. Xin nêu hai vấn đề quan yếu đến học thuật được Chủ tịch Phạm Văn Đồng lưu ý với khách: Một là, khoa học xã hội là lĩnh vực rất rộng, bao chiếm mọi hoạt động văn hóa, sinh học, tâm lý, tâm linh, v.v… Trong những năm 80 (thế kỷ XX) trở lại đây khoa học xác nhận sự liên kết giữa truyền thống và hiện đại - tiền đồ khoa học của một dân tộc. Nếu truyền thống không nhận diện thật đúng và rõ nét, thì khoa học cũng chao đảo. Thiếu khoa học, các ngành khoa học, văn hóa đi lên khó vững chắc và đúng hướng. Còn truyền thống thì có nhiều giá trị: đúng, sai và xác suất. Trong tuyên bố Venise của UNESCO nhấn mạnh rằng: Công cuộc nghiên cứu liên quan đến nhiều bộ môn khoa học: Khoa học chính xác, khoa học xã hội, khoa học nhân văn và nghệ thuật học. Theo một nghĩa nào đó, sự liên quan giữa các ngành khoa học đã có sẵn trong óc chúng ta do tác động qua lại năng động giữa hai bán cầu não bộ. Hai là, chuyện quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa (Bắc Sử) là chuyện của lịch sử, của triết học, của ngôn ngữ và chữ viết diễn ra cực kỳ phức tạp, nhất là thời kỳ Trung đại ở nước ta. Cả hai vùng văn hóa đã có chung một nền tảng tư tưởng là Nho giáo, nhưng do tiến trình lịch sử, địa - chính trị khác nhau, nên truyền thống, giá trị trong cái tương đồng, có nhiều cái khác biệt - chủ yếu là khác biệt. Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, 100 năm thực dân đô hộ, người Việt ta chỉ quen theo khuôn phép của người, ít có nhà thông thái, sáng tạo. Thư tịch cổ để lại nhiều sai sót ngay cả ở những học giả bách khoa như Lê Quý Đôn. Vấn đề căn cứ là phải dùng cẩm nang khoa học để thẩm định mọi giá trị, trong đó có giá trị con người: Con người sinh học, con người xã hội, con người tâm lý và con người tâm linh, luận đề khoa học cởi mở được ngành tâm lý học phát minh vào những năm 90 của thế kỷ XX.

Là một nhà khoa học say mê phép biện chứng, Nguyễn Thạch Giang đã để lại nhiều công trình có giá trị về tư duy triết học. Tư duy triết học sinh thành tư duy thực nghiệm - sự nổi dậy của tư duy thực nghiệm khi đi vào các hiện tượng khoa học sẽ tìm thấy chân lý. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Sự tranh biện để tìm ra ánh sáng (De la discution jaillit la lumière)”. Trong nghiên cứu khoa học xã hội người ta thường chú ý đến logic và toán học là vì vậy. Cả hai ngành khoa học đều giúp ích cho phương pháp luận. Có lần ông nói với tôi, dù là nhà khoa học thì ai cũng cần đến Descartes, người đặt nền móng cho khoa học cơ bản từ thế kỷ XVII đến nay. Là nhà toán học, vật lý học, triết học nổi tiếng nước Pháp; ông là người báo hiệu thời đại mới, đã xây dựng những nền móng vững chắc cho khoa học hiện đại.

Nguyễn Thạch Giang có quan hệ rộng với các nhà khoa học, giáo sư các Viện nghiên cứu, các trường đại học; các nhà ngoại giao như Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Dy Niên, Trần Tam Giáp và nhiều tri thức Việt kiều, v.v… Từ phương pháp nghiên cứu và phép biện chứng, Nguyễn Thạch Giang đã làm sáng tỏ một số vấn đề khoa học và thực tiễn nằm trong các công trình: giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, văn Nôm, chữ Hán, tiếng Việt trong Thư tịch cổ, v.v… với phương châm nhìn về quá khứ để biết ơn cha ông ta cho di sản hôm nay; quan sát cái hiện tại để biết các thế hệ hôm nay đang làm sáng tỏ cái hôm qua, và sau cùng là hướng về tương lai để có trách nhiệm của mình hôm nay đối với các thế hệ mai sau.

Ông xứng đáng là người đảng viên được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng một vài huân chương kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước.

 

H.S.V

 

______________

Chú thích:

1. Dịch nghĩa: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… Bình Ngô đại cáo là bản tuyên ngôn đại thắng quân xâm lược phương Bắc, Nguyễn Trãi chấp bút sáng tạo theo lệnh của vua Lê Lợi.

2. Xem tạp chí Văn hiến Việt Nam số 2 - 2012.

3. Xem tạp chí Văn hiến Việt Nam số 2 - 2012.

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground