Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhân dân Cam Lộ với Chính Phủ vì khát vọng hòa bình

Bên cạnh vị trí chiến lược hết sức quan trọng, việc Bộ Chính trị chọn xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) tại thôn Tân Hòa còn xuất phát bởi truyền thống yêu nước, kiên trung, một lòng theo Đảng của người dân Cam Lộ...

Cam Lộ là vùng đất bán sơn địa, nhân thuần, vật hậu. Trong mọi hoàn cảnh, người Cam Lộ luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, xả thân vì nghĩa lớn. Với tấm lòng sắt son nghĩa đồng chí, tình đồng bào nên từ xưa, đất và người Cam Lộ luôn có một vị trí nhất định trong lịch sử phát triển của quê hương, đất nước.

Như một sự trùng phùng thú vị của lịch sử, trên vùng đất được chọn là thủ phủ của CPCMLTCHMNVN nguyên xưa cũng chính là thủ phủ của đạo Cam Lộ, còn gọi là thành Vĩnh Ninh. Triều Nguyễn đã chọn nơi đây làm thủ phủ dựa trên các yếu tố như thuận lợi về hệ thống giao thông, nằm ở vị trí án ngữ vùng biên giới giáp với Ai Lao. Nhân dân trong vùng có truyền thống yêu nước nồng nàn vì Cam Lộ vốn là đất thờ vua, đánh giặc, giữ nước vang danh trong sử sách… Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nhân dân Cam Lộ không những trực tiếp đóng góp công sức, tài lực trong việc xây dựng Tân Sở, bảo vệ an toàn lộ trình vua Hàm Nghi đi qua và thời gian sống ở địa phương, mà ngay từ đầu đã nô nức hưởng ứng Phong trào Cần Vương kể từ khi có bài Hịch Cần Vương. Hàng ngàn thanh niên Cam Lộ hưởng ứng Chiếu Cần Vương, tham gia nghĩa quân chống Pháp, đóng góp cho phong trào nhiều tướng lĩnh kiên cường. Trong kháng chiến chống Mỹ, là hành lang chiến lược Bắc - Nam có vị trí vừa là nơi hội tụ, vừa là nơi lan tỏa giá trị yêu nước…, địa bàn Cam Lộ thực sự là chỗ đứng chân của bộ đội chủ lực tấn công địch trên mặt trận Đường 9, giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa (tháng 7/1968), tấn công nổi dậy giải phóng quê hương vào ngày 2/4/1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972… xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ trụ sở CPCMLTCHMNVN trong các năm 1973 - 1975…

Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ trở thành địa chỉ đỏ, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh - Ảnh: H.T

Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ trở thành địa chỉ đỏ, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh - Ảnh: H.T

Đầu năm 1973, những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng gồm xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn, ván, từ miền Bắc chuyển vào với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 4 ngày thành lập CPCMLTCHMNVN (6/6/1969 - 6/6/1973). Ngày 6/5/1973, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ vui mừng cùng với toàn tỉnh tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở CPCMLTCHMNVN tại thị trấn Cam Lộ. Sau buổi lễ khởi công, hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, thi công liên tục suốt ngày đêm. Về phía huyện Cam Lộ, Huyện ủy và UBND cách mạng huyện đã tổ chức, vận động nhân dân đóng góp sức lực, nỗ lực cùng với các đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành việc xây dựng trụ sở của Chính phủ đúng tiến độ đề ra. Được sự hỗ trợ của Ty Giao thông tỉnh, phòng Giao thông huyện đã huy động lực lượng lao động tu sửa tỉnh lộ 71 và các đường liên xã, liên thôn, bắc lại cầu Lim (Quật Xá), tổ chức các chuyến đò ngang, đò dọc phục vụ việc đi lại của nhân dân trên sông Hiếu, đồng thời vận chuyển được một khối lượng hàng hóa, vật liệu đáng kể phục vụ công trình xây dựng trụ sở CPCMLTCHMNVN, xây dựng trụ sở cơ quan huyện… Sau 25 ngày thi công (từ ngày 6/5 đến ngày 30/5/1973) với thời gian thần tốc, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng như dự kiến.

Mặc dù được tiến hành xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở Chính phủ vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như: điện, máy nước, vườn hoa, cây cảnh... Người dân Cam Lộ lúc bấy giờ vừa tạm rời khỏi hầm hào, bước lên mặt đất để tham gia bảo vệ xóm làng, khôi phục sản xuất với một không khí náo nức trước cuộc sống mới. Trước hôm lễ mít tinh diễn ra, người dân khắp nơi, từ vùng Cùa ra, từ Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thủy lên, từ Ba Thung, Quật Xá, Đâu Bình… về, mọi người đều dậy từ sớm, nấu bánh chưng, xôi, nắm cơm mới, phần thì ăn, phần dành mang theo bởi đường xa, đi bộ đến với buổi mít tinh cho kịp. Ngày 6/6/1973, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức gần khu trụ sở Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CPCMLTCHMNVN và khánh thành trụ sở làm việc mới tại Cam Lộ. Những cụ già râu tóc bạc phơ, trang trọng trong lễ phục khăn đóng áo dài đen, các chị phụ nữ rạng rỡ trong những tà áo dài truyền thống, các em thiếu niên, nhi đồng khăn quàng đỏ thắm trên vai… nô nức tham dự lễ kỷ niệm và nghe Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nói về mục đích, ý nghĩa của ngày kỷ niệm lịch sử, tình hình và nhiệm vụ mới.

Mặc dù là vùng giải phóng nhưng khu trụ sở CPCMLTCHMNVN nằm trong tầm pháo của địch. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cam Lộ đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại để cùng những đơn vị khác bảo vệ các hoạt động Chính phủ một cách an toàn và tham gia các hoạt động ngoại giao, mít tinh, quần chúng để ủng hộ CPCMLTCHMNVN… Về hoạt động văn hóa - thông tin: Bản tin của huyện 1 tháng ra 3 kỳ, cùng với việc phát hành tờ báo Quảng Trị giải phóng và các loại báo, tạp chí của Trung ương về tận cơ sở, phát triển các cụm thông tin cổ động  khắp các xã nên đã kịp thời thông tin những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp nhân dân nắm tình hình, thời sự và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của huyện, của xã. Từ năm 1973 trở đi, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia nhiệt tình, hào hứng. Huyện đã tổ chức hai lần hội diễn văn nghệ quần chúng từ xã lên huyện để chọn tiết mục xuất sắc đi dự hội diễn toàn tỉnh tại thị xã Đông Hà; đồng thời xây dựng nhà truyền thống cách mạng xã Cam Chính, đón nhiều đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu tội ác của đế quốc Mỹ và tinh thần chiến đấu, hy sinh của đồng bào Cam Lộ. Ngoài phong trào văn nghệ quần chúng tại chỗ và hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động, huyện còn đón nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương, các tỉnh, thành phố ở miền Bắc (khi các đoàn đó vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị) biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở các địa bàn trong huyện, tạo không khí phấn khởi, hào hứng, xóa bỏ mọi tàn dư văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng nền văn hóa, văn nghệ cách mạng vui tươi, lành mạnh. Việc huy động hàng chục vạn lượt người đi dự các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn ở tỉnh, huyện, xã là một dịp nêu cao thắng lợi và biểu dương thành tích của quân và dân ta trên cả 3 mặt: tiến công, nổi dậy đánh địch phản kích và xây dựng vùng giải phóng…

Mặc dù bị hoang tàn đổ nát vì chiến tranh, nhưng chủ trương của Đảng bộ Cam Lộ là bằng mọi cách khắc phục hậu quả chiến tranh, tổ chức lại sản xuất để chi viện cho tiền tuyến góp phần giải phóng miền Nam, tạo hậu phương vững chắc, tạo thế đứng cho bộ đội quân giải phóng để tiến quân đánh địch. Sau buổi lễ, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực sản xuất, sẵn sàng chiến đấu ở Cam Lộ dấy lên mạnh mẽ. Tất cả đều náo nức, tươi mới như chưa hề có đạn bom, gian khổ chất chồng đã đi qua trên mảnh đất này. Toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân Cam Lộ ra sức thi đua sản xuất, chiến đấu, nỗ lực trên nhiều phương diện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của CPCMLTCHMNVN, đồng thời góp phần cung cấp các nhu cầu thiết yếu khác để phục vụ theo yêu cầu của Chính phủ.

Trong khôi phục, phát triển kinh tế, huyện ủy và UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân vừa đẩy mạnh khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích, vừa coi trọng thâm canh, trước mắt lấy sản xuất nông nghiệp làm trung tâm, trong nông nghiệp lấy cây lương thực làm chủ yếu và coi trọng các ngành, nghề khác… Thực hiện chỉ thị của UBND cách mạng tỉnh, huyện ủy Cam Lộ đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch khai hoang do Chủ tịch UBND cách mạng huyện làm trưởng ban, trưởng phòng Nông nghiệp huyện phụ trách thường trực chỉ đạo. Trước khi bước vào vụ sản xuất, Huyện ủy thường chủ trương cho các chi bộ, đảng bộ, các đoàn thể nhân dân học tập tình hình và nhiệm vụ mới, làm cho mọi người xác định được vị trí, trách nhiệm của mình trên mọi lĩnh vực. Chính quyền cách mạng hỗ trợ máy cày, máy bơm, lưỡi cày, lưỡi cuốc, phân bón, giống, cây con, trợ cấp trước cho nông dân về gạo, tiền, nón, vải nhựa… nhằm động viên mọi người hăng hái, phấn khởi tập trung vào sản xuất.  Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, giai cấp nông dân trong huyện đã phát huy truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau trong cách làm ăn sinh sống, tự nguyện tổ chức các tổ đổi công, vần công, tập đoàn sản xuất.

Theo Lịch sử đảng bộ huyện Cam Lộ (1930 - 2000), trong vụ sản xuất đông xuân 1973 - 1974, toàn huyện đã lập được 236 tổ đổi công và 28 tập đoàn sản xuất (chiếm 78% số hộ nông dân toàn huyện). Trong vụ sản xuất đông - xuân 1974 - 1975, số tập đoàn sản xuất tăng lên 44 đơn vị, toàn huyện có gần 90% số hộ nông dân vào làm ăn theo tổ đổi công, tập đoàn sản xuất. Nhờ biết tổ chức sản xuất theo hình thức tổ đổi công, tập đoàn sản xuất và có sự hỗ trợ tích cực về vật chất, kỹ thuật của huyện, của tỉnh, giai cấp nông dân Cam Lộ từng bước vượt qua khó khăn gay gắt, hậu quả nặng nề của chiến tranh, tiến hành gieo cấy đúng thời vụ. Diện tích gieo trồng năm 1974 đạt 1.867,45ha, so với năm 1973 vượt 787,45 ha. Tổng sản lượng lương thực năm 1974 đạt 1.294 tấn lúa, 5.700 tấn màu (khoai, sắn, ngô). Kết quả đó không những giải quyết được nhu cầu lương thực trong khu vực nông nghiệp mà trong năm 1974 toàn huyện còn có 644 tấn lúa dự trữ, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước 171 tấn lúa (kể cả màu quy ra lúa).

Ngoài cây lương thực, huyện còn chú trọng phát triển cây lạc, ớt… Trong năm 1974, toàn huyện đã bán cho Nhà nước 3.000 thúng lạc vỏ. Bên cạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được chú trọng khôi phục, phát triển. Theo số liệu thống kê đến ngày 15/10/1974, toàn huyện có 2.450 con bò (trong đó 1.047 bò cày); tăng so với năm 1973. Kết quả đó đã góp phần giải quyết sức kéo trong sản xuất, tạo nguồn thực phẩm cho cán bộ, bộ đội và nhân dân. Về lâm nghiệp, huyện đã đề ra phương hướng nhanh chóng khôi phục lại màu xanh cho quê hương bằng biện pháp phát động phong trào Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Từ năm 1973 - 1975, giai cấp nông dân Cam Lộ đã có những nỗ lực lớn, đưa lại hiệu quả khả quan, góp phần tích cực cùng toàn tỉnh thực hiện hậu cần tại chỗ. Nổi bật về mặt này có các xã: Cam Chính, Cam Giang, Cam Thanh, Cam Nghĩa, Cam Mỹ…

Đi đôi với việc phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: mộc, rèn, nề, đan lát, khai thác nguyên vật liệu tại địa bàn cũng được phục hồi, kịp thời đáp ứng một phần nhu cầu về gia dụng và xây dựng lại nhà cửa của nhân dân. Lĩnh vực Thương nghiệp - Tài chính đều phát triển nhanh. Trong một thời gian ngắn đã xây dựng được 1.684 m2 cửa hàng, kho và nhà ở. Các chợ mang tính truyền thống của huyện như: Chợ Phiên, chợ Cùa, chợ Sòng… đều được nhân dân đóng góp công sức dọn dẹp vệ sinh, san lấp hố bom, hố pháo, làm lại lều quán, xây dựng đình chợ…  

Được sự hướng dẫn của Ty Ngân tín tỉnh, cán bộ ngân tín của huyện đã giúp UBND cách mạng huyện trong việc tổ chức lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về tiền tệ, tín dụng và thanh toán, kết hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan thực hiện tốt chính sách kinh tế và tài chính của Mặt trận dân tộc giải phóng và CPCMLTCHMNVN, đồng thời kiểm soát đối với các hoạt động kinh tế, các ngành, nhằm tăng cường quản lý tài chính. Ngành Y tế đã mở các cuộc vận động quần chúng ăn chín, uống sôi, đào hố rác, nạo vét, tu sửa các bến sông, giếng nước, làm nhà tắm công cộng, mở các đợt tiêm phòng dịch tả, thương hàn, dịch hạch, khám bệnh, phát thuốc cho hàng vạn lượt bệnh nhân. Mạng lưới y tế phát triển nhanh chóng, sâu rộng đến tận từng thôn, xóm.…

Sau năm 1975, khi CPCMLTCHMNVN hoàn thành vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Như vậy, từ khi bắt đầu khởi công xây dựng, đến khi CPCMLTCHMNVN hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với đất nước; Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ đã cùng các đơn vị khác bảo vệ sự an toàn của khu trụ sở Chính phủ và các hoạt động của Chính phủ để “trái tim” cách mạng miền Nam đã đập những nhịp đập mạnh mẽ chung với đất nước, với thời đại. Sau gần 50 năm ngày ra mắt trụ sở CPCMLTCHMNVN (6/6/1973 - 6/6/2023), khu trụ sở nằm trên tuyến lửa năm xưa, nay trở thành Di tích Văn hoá quốc gia, hằng ngày mở cửa đón du khách mọi miền. Xác định vai trò của huyện Cam Lộ trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cam Lộ đã làm hết sức mình để đầu tư, tôn tạo, trùng tu… nhằm phát huy giá trị ngang tầm với vai trò quan trọng và ý nghĩa lịch sử của di tích. Đồng thời từng bước xây dựng, hoàn thiện sớm trình cấp có thẩm quyền công nhận nơi này là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt… để trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau.

QUANG MINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 345

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground