Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhiệm vụ đặc biệt

T

hị đội Hồ Xá nhận được lệnh điều hai thuyền có trọng tải mỗi chiếc thấp nhất là hai tấn rưỡi, lớn nhất là ba tấn cùng tám chiến sĩ giỏi sông nước ra chi viện huyện bạn Lệ Thủy. Ở Thị đội Hồ Xá bấy giờ có thuyền và chiến sĩ giỏi sông nước chỉ có ở trung đội Nam Hải. Ban chỉ huy thị đội phân vân: Thuyền thì có thể huy động được nhưng chiến sĩ Nam Hải vừa tham gia một đợt gùi cõng dài ngày phục vụ chiến trường mới về chưa được nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhưng không điều động họ thì biết điều động ai? Cấp trên giao nhiệm vụ này vì đã biết ở Thị đội có trung đội thuyền chài. Anh Trương Sĩ Nam, cán bộ Thị đội, phụ trách trực tiếp Trung đội Nam Hải, xuống gặp các chiến sĩ Nam Hải để xin ý kiến dân chủ, cùng nhau bàn bạc. Tất cả ý kiến đều bàn vào, cùng thống nhất sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên giao.

Mọi người đều cảm thấy nhiệm vụ này có điều khác lạ, khó hiểu. Từ trước tới nay chỉ có phối hợp lẫn nhau đánh máy bay, đánh tàu chiến, đánh biệt kích ngay trên địa bàn Vĩnh Linh, chỉ chi viện chiến trường miền Nam làm gì có chuyện chi viện ra miền ngoài? Hay là có cuộc chuyển quân, chuyển lực lượng hậu cần lớn cần bảo vệ vùng trọng điểm của các tuyến đường vận tải? Nếu bảo vệ đường vận tải sao phải đưa theo thuyền, phải là dân thuyền chài thạo sông nước? Anh Nam trả lời rằng anh cũng không biết vì bí mật quân sự, cấp trên chỉ mệnh lệnh như thế thôi, làm tới đâu biết tới đó.

Trung đội Nam Hải họp bàn, không cần vận động đã có đủ tám người xung phong nhận nhiệm vụ, trong đó có năm người vừa đi gùi cõng phục vụ chiến trường Nam Quảng Trị mới về. Ai cũng nghĩ rằng, đã là nhiệm vụ bí mật, chắc chắn là nhiệm vụ quan trọng. Ở ngoài đó cũng nhiều lần điều lực lượng giúp trong này gùi cõng phục vụ chiến trường. Đồng chí đồng đội khi cần phải chia lửa cho nhau.

Mệnh lệnh của trên là mang theo lương thực ăn đường, không mang theo vũ khí. Ai cũng nghĩ rằng, vũ khí chỉ đưa vào, không ai đưa ra. Khi chiến đấu sẽ có vũ khí của đơn vị bạn. Đơn vị chi viện bạn ra đi có tám chiến sĩ trong đó có Trần Ngọc Mãi, Nguyễn Hữu Ky, Trần Đức Hội, Nguyễn Hữu Ký… do Võ Mạnh dẫn đường. Võ Mạnh là chiến sĩ của trung đội thuyền chài nhưng là võ sư. Những người ở với ông lâu năm kể rằng: Họ của ông không phải là Võ, vì giỏi võ nên mọi người gọi là Võ Mạnh. Gọi lâu thành quen, mọi giấy tờ tùy thân của ông đều ghi họ Võ. Về sau, con cái của ông đều lấy họ võ: Võ Công Xuất, Võ Công Xử…

Võ Mạnh to con, chắc như gỗ lim. Nhiều lần ông biểu diễn võ công cho dân thị trấn xem. Ông nằm duỗi trên không, một đầu kê lên cối đá, mu bàn chân gác lên một cối đá khác. Trên bụng ông đặt một cối đá. Bốn thanh niên cầm chày giã cối nhưng người ông vẫn thẳng bằng.

Võ Mạnh rất ít nói. Trước khi lên đường, anh em hỏi: “Đoàn sẽ đến đâu ngoài Lệ Thủy?” Võ Mạnh trả lời: “Cứ đi rồi biết”. Trần Ngọc Mãi thường bạo mồm: “Anh không nói cho mọi người biết sẽ đến đâu, ngộ nhỡ trên đường máy bay bắn chết ông chúng tôi quay về à?” Võ Mạnh trừng mắt: “Còn lâu Mỹ mới bắn được tao”.

Đưa thuyền ra Lệ Thủy chỉ có một lối duy nhất là đường biển. Đó là tuyến đường rất nguy hiểm nhưng không có lựa chọn nào khác. Ở tuyến đường này tàu vận tải của hải quân đêm đêm vẫn bí mật đưa vũ khí và các phương tiện hậu cần phục vụ chiến trường vào đổ hàng tại bờ biển Vĩnh Thái. Các thuyền gỗ sẽ chuyển tiếp về kho của khu đội, chuyển thẳng vào Nam hoặc chuyển ra đảo Cồn Cỏ. Quân Mỹ cũng biết được sự vận chuyển của các tuyến này nên tàu chiến và máy bay Mỹ khống chế rất gắt gao. Nếu đi đêm, máy bay, tàu chiến bắn pháo sáng phát hiện được nhất định chúng sẽ đánh chìm. Anh em thống nhất phương án đi ngày, ngụy trang thành thuyền đánh cá ven bờ. Một thuyền bốn người, một thuyền năm người nhưng mỗi thuyền chỉ hai chèo, số còn lại bơi bằng dầm. Khoảng cách giữa hai thuyền xa nhau, tối thiểu là hai cây số. Mỗi khi có máy bay địch xuất hiện số cầm dầm nằm rạp xuống lòng thuyền đắp chiếu ngụy trang. Người chèo mũi vung chài đánh cá, mũi thuyền quay ra phía biển khơi. Mưu mẹo này đã thành công. Hai lần máy bay địch phát hiện, chúng bay vòng quanh thuyền, nghiêng cánh, sà xuống khá thấp nhưng không cắt bom.

Qua hai ngày hai đêm chèo bằng tay. Hai thuyền đã vào sông Nhật Lệ, chèo lên ngã ba Trần Xá, rẽ qua sông Kiến Giang, rồi về Thái Thủy. Đến đây Võ Mạnh nhảy lên bờ, dặn lại anh em: Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn anh em đến nơi. Tôi về. Anh em cứ đợi đấy sẽ có lãnh đạo đơn vị bạn đến giao nhiệm vụ. Thị đội của ta đã có chỉ thị: Bạn giao nhiệm vụ gì cũng phải nhận và hoàn thành tốt. Sau sáu mươi ngày thì về theo đường cũ, theo cách cũ.

Có lẽ Võ Mạnh vào báo cáo ban chỉ huy ở đâu đó, chỉ một lúc sau đã có người ra đón. Người này là một liên lạc, trông dáng dấp cũng rất nông dân. Ông khoác một cây súng trường K44, đội mũ cối, mặc quân phục bộ đội nhưng bỏ áo ngoài quần, đi dép lốp đứt quai hậu. Ông nói rất mộc mạc:

- Tôi là dân quân địa phương. Lãnh đạo bận nhiều việc, gặp các đồng chí sau. Lãnh đạo nói cám ơn các đồng chí đã ra chi viện. Cơm mắm chúng tôi lo. Từ ngày mai các đồng chí bắt tay vào nhiệm vụ: chở đá, xây lò, nấu vôi.

Cả tám anh em tưởng nghe nhầm: - Ông nói cái chi. Chúng tôi ra đây chi viện chở đá, xây lò, nấu vôi? - Dạ, nhiệm vụ đó rất quan trọng! Nhiều vùng ruộng Lệ Thủy chua phèn cần vôi. Chúng tôi không đủ thuyền, không đủ vôi, không đủ người…

- Trời đất quỷ thần ơi. Chúng tôi là lính chiến. Ở trong Vĩnh Linh bắn máy bay không xuể, ra đây nấu vôi cho các ông quẳng xuống ruộng. Các ông thiếu gì người, đàn ông không làm hết việc thì đàn bà. Đàn nào mà chẳng làm được cái việc nấu vôi. Xin kiếu. Ông nói với chỉ huy của các ông, nếu không có việc chi quan trọng thì chúng tôi về.

Ông liên lạc thất thểu về. Anh em bàn tán xôn xao. Ai cũng nản.

- Hèn chi khi ra đi họ không phổ biến làm việc chi. Biết đi nấu vôi, mang kiệu rước tôi cũng không đi.

Mọi người đều muốn bỏ về nhưng nhiều người cũng còn chút băn khoăn là khi đi đã hứa với lãnh đạo nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Trần Ngọc Mãi quyết liệt: - Nếu mọi người ở lại tôi cũng về. Đây không phải là nhiệm vụ chiến đấu nên bỏ về không phải là đào ngũ. Với lại về để chiến đấu có phải đi trốn đâu mà lo.

Trần Đức Hội và Nguyễn Hữu Ký vốn là những chiến sĩ rất kỷ luật. Hai anh cũng không muốn nhận cái nhiệm vụ nấu vôi nhưng khuyên anh em hãy từ từ xem thế nào đã. “Ra đi bọn mình đã hứa với đơn vị ở nhà, với Thị đội, việc gì cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.Khoảng năm giờ chiều, hai cô gái trẻ gánh cơm, mắm, nước chè xanh cho đoàn chi viện. Cơm trắng. Mắm cá mòi kho với thịt lợn thái nhỏ. Canh khế nấu với tôm thịt. Bữa ăn ngon hơn rất nhiều khi còn trực chiến ở nhà vậy mà Trần Ngọc Mãi vốn háu ăn vẫn không màng tới. Cậu ta nhìn gần như không chớp mắt hai cô gái trẻ, tấm tắc: - Chà, con gái Lệ Thủy đẹp quá trời. Không biết nếu mình chấp nhận ở lại nấu vôi mấy cô đó có cấp dưỡng cho đội mình không hè!

Tối đó cán bộ huyện đội ra. Anh giới thiệu mình là thiếu úy, tên là Trần Hữu Quốc. Quốc nói chuyện thân mật với anh em, giọng truyền cảm.

- Chúng tôi biết nhiệm vụ của anh em ở trong Vĩnh Linh rất nặng nề. Vậy mà anh em vẫn ra đây chi viện chúng tôi, huyện đội và nhân dân Lệ Thủy rất biết ơn. Chúng ta chiến đấu chống kẻ thù trên mọi mặt trận. Giáo viên phải thắng giặc trên bục giảng. Công nhân phải thắng giặc trong nhà máy. Nông dân phải thắng giặc trên ruộng đồng. Chiến trường cần rất nhiều gạo. Một hạt gạo từ Thái Bình, Nam Định, từ miền Bắc đưa vào chiến trường thì rất xa xôi. Qua nhiều cầu phà, nhiều trọng điểm địch đánh phá. Không ít xe bị cháy. Bộ đội lái xe hy sinh. Nếu lúa gạo được sản xuất tại đây, phục vụ chiến trường rất gần. Đồng Lệ Thủy được gọi là một vựa lúa. Nhưng bây giờ thanh niên nam nữ ra trận nhiều, thiếu nhân công nghiêm trọng. Dù vậy chỉ thị của trên là không để đất hoang hóa. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.” Đồng Lệ Thủy nhiều nơi bị chua phèn, không có vôi không trồng được lúa. Muốn có vôi phải dùng thuyền lên núi lấy đá vôi. Huyện đã huy động nhiều thuyền vẫn không đủ phải nhờ các tỉnh chi viện trong đó có sự góp sức của các đồng chí. Chiều nay tôi nghe liên lạc nói các đồng chí muốn làm nhiệm vụ quan trọng hơn, tại đây không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn là chuẩn bị vào vụ Đông Xuân. Phải đủ vôi khử chua cho đồng ruộng, biến toàn bộ cánh đồng Lệ Thủy thành cánh đồng năng suất cao, không có một mảnh bỏ hoang. Các đồng chí tự nguyện đến chi viện, không bắt buộc nên có thể ra về bất cứ lúc nào. Nhưng đã đến đây xin giúp cho một việc, sáng mai lên đường sớm chở cho chúng tôi hai thuyền than cám do nhân dân cảng than Thị Cầu Hà Bắc gửi vào cho chúng tôi nung vôi.

Chuyến đi chở than này do thiếu úy Trần Hữu Quốc trực tiếp chỉ huy. Anh em thuyền chài không ngờ Quốc bơi thuyền giỏi và dai sức đến như thế, không khác gì người của sông nước.

Thuyền ngược lên đến cầu Mỹ Trạch, tấp vào bến phía Bắc. Anh em kinh hoàng thấy hai chiếc ô tô Zin 130 lật nghiêng sát mép nước, than đen trào ra, vung khắp một vùng. Anh Quốc cho biết: Hai xe của quân đội chở than đến đây thì bị máy bay Mỹ phát hiện, dội bom. Hai chiến sĩ lái xe, một hy sinh tại chỗ, một bị thương nặng. Cả tám anh em chết lặng trong cảnh thương tâm. Cả hai chiếc xe đều bị dập nát. Trên vô lăng, trên ghế ngồi của tài xế còn thấm đẫm máu đỏ. Bấy giờ anh em bắt đầu nhận thức được, trồng cây lúa, sản xuất hạt gạo cũng là mặt trận cam go đánh giặc.

Thuyền vừa tấp bến trong chốc lát đã có hàng chục người, đa số là nữ, cầm cào, xẻng, rổ rá chạy đến. Nhiều người trong số đó vai khoác súng trường. Họ nhanh tay cùng anh em đội thuyền cào xúc than đổ xuống thuyền, cứ như là ai đã báo trước, họ chờ sẵn.

Chuyến vận tải đầu tiên trong đợt đi chi viện ấy cho anh em thấy tất cả mọi người, cả nước, cùng đồng tâm sản xuất phục vụ chiến đấu. Muốn thắng giặc phải làm nhiều việc, không cứ gì chỉ cầm súng, không thể nói một việc nào đó không quan trọng. Sau chuyến đi này anh em tình nguyện ở lại cùng chở đá, xây lò, nấu vôi cùng nhân dân Lệ Thủy và những đơn vị các tỉnh ngoài cùng chi viện.

Sông Kiến Giang phát nguyên từ phía Tây nam huyện Lệ Thủy. Các sông trên đất Việt thường phát nguyên phía Tây, chảy theo hướng Đông nam nhưng Kiến Giang lại chảy theo hướng Đông bắc vì vậy còn gọi là sông Nghịch Hà. Nghịch Hà là phụ lưu lớn của sông Nhật Lệ, là sông hợp lưu của nhiều sông suối phía Tây. Vì thế hai con thuyền của đội Nam Hải có thể rong ruổi lên nhiều vùng núi có đá vôi, một triền dài Trường Sơn phía Tây huyện Lệ Thủy.

Đến bến nào họ cũng được nhân dân ở đây mà phần đông là đồng bào dân tộc Vân Kiều đã gom đá vôi từ núi về, gùi cõng, chất đống sát bờ sông. Anh em chỉ việc ghé vào chất xuống thuyền. Nhiều lúc công việc này được chị em Vân Kiều giúp sức.

Càng lao vào việc, anh em càng yên tâm, phấn khởi vì nhận thấy họ không đơn độc. Cả nước đang chung tay, đồng lòng trong đánh giặc trên công việc mình làm, trên vị trí mình đứng. Càng cảm phục tài tổ chức và lãnh đạo của Đảng đến từng công việc nhỏ.

Hơn mười ngày lao động cật lực, được lực lượng địa phương phối hợp, anh em đã xây được hai lò vôi, chất đầy đá vôi, củi khô bắt đầu châm lửa. Mọi người phấn khởi lắm, vui như thời đi học nghe trống trường khai giảng. Nguyễn Hữu Ký nói mừng: - Chúng mình là dân đánh cá, bây chừ học thêm được nghề nấu vôi. Biết đâu khi hết giặc, cái nghề này lại giúp anh em mình làm giàu.

Tối đó khi lò đã rực lửa, toàn đội lui thuyền gần hầm trú ẩn sát mép sông nằm ngủ. Ai cũng vui, nghĩ tới mấy ngày nữa sẽ có hai tấn vôi được nấu chín. Nghĩ tới thời gian qua tuy vất vả nhưng được rong ruổi nhiều sông lạch Lệ Thủy. Là dân thuyền chài, họ đã ngược xuôi khắp các nguồn sông hói Quảng Trị nhưng nơi này họ chưa từng đến. Hai bên triền sông rạch nơi thượng nguồn núi rừng trùng điệp, mê hồn. Mỗi miền quê có một sự kì thú riêng, càng đi càng thú vị. Điều bổ ích hơn hết là có thêm nhận thức phong phú về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện mà chính họ đang được là người trong cuộc.

Mọi người đang vui, mỗi người theo đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Đột nhiên tiếng máy bay dội ầm ầm, gầm thét. Bom nổ từng hồi chát chúa. Lửa bung lên rực cả một vùng nơi họ dựng hai lò vôi. Máy bay rút đi cũng nhanh như lúc chúng ào tới. Cả đơn vị chạy đến nơi máy bay vừa dội bom. Cả hai lò vôi tan hoang. Đá và lửa tung tóe, đang nghi ngút khói. Dân làng cũng chạy ra rất đông. Họ mừng vì đơn vị chi viện an toàn. Hai cô gái thường gánh cơm cho đội cũng có mặt. Hai cô xoa tay lên lưng Trần Văn Mãi cười mừng: - Các anh trốn ở mô mà giỏi rứa.

Mãi thường nói lời ngọt với hai cô gái này vậy mà nổi cáu: - Tan hoang hết rồi còn cười được à? Mẹ cha giặc Mỹ, đánh chác kiểu chi mấy cái lò vôi cũng đánh.

Mấy cái lò vôi, công lao nhiều ngày xây dựng tan hoang, anh em ai cũng nản. Nó đã đánh lò vôi thì xây dựng lại, đỏ lửa lên, nó lại đánh. Biết làm như thế nào đây? Họ buộc thuyền dưới bụi cây sát mép nước nằm dài, suốt ngày không hoạt động.

Thiếu úy Trần Hữu Quốc đến làm công tác tư tưởng cho anh em: - Địch phá hai lò vôi của ta nhưng chúng ta mới là người chiến thắng.

Nghe anh Quốc nói vậy, mọi người thấy lạ chăm chăm nhìn mặt anh nghe anh giải thích: - Các đồng chí chắc chưa biết một giờ bay của máy bay phản lực chúng phải tốn hàng chục ngàn đô la. Một quả bom có giá hơn cả mấy chục cái lò vôi của ta. Cả một tốp máy bay, hàng mấy chục trái bom chỉ để đánh hai cái lò vôi. Thử hỏi ai tốn kém hơn? Lò sập nhưng đá vôi không mất, tung tóe ra nhưng vẫn còn đó.

Mọi người chưa bao giờ biết đô la, không biết cái giá của nó. Nguyễn Hữu Ky hỏi:

- Anh cho chúng tôi biết một ngàn đô mua được mấy tạ gạo?

- Nhiều tấn chứ không phải là mấy tạ.

- Ối cha mẹ ơi, thế thì thằng Mỹ quá thiệt.

Trần Hữu Quốc lại nói tiếp:

- Điều quan trọng hơn giá trị kinh tế là chúng mang bom ra, dội xuống đây thì tránh được chúng sẽ dội xuống các đơn vị chiến đấu của mình. Đồng nghĩa với việc mình chia lửa cho các đơn vị bạn. Chúng phá đường chúng ta lấp lại đường. Chúng đánh sập cầu, ta xây lại cầu. Có những cái cầu ta và địch giằng co nhau đánh sập và xây hàng chục lần nhưng đường ra trận của chúng ta vẫn thông suốt. Bây giờ chúng đánh sập hai cái lò vôi, chúng ta không xây lại thì chịu thua nó à?

Nghe nói thua giặc, máu anh hùng nổi lên, Trần Ngọc Mãi nhanh mồm:

- Thua thế nào được. Một Mỹ, mười Mỹ cũng không thua.

Toàn đơn vị cùng dân địa phương gom đá của hai lò vôi bị đánh, lại xây lò, lại lên thượng nguồn chở đá vôi, chở củi khô, lại nhóm lò nung vôi. Những ngày sau đó máy bay không đánh lò vôi.

Khi hai lò vôi của đơn vị sản xuất được mười bốn tấn vôi, thiếu úy Quốc đến thông báo: Nhờ sự giúp đỡ của đơn vị các tỉnh chi viện, nhân dân Lệ Thủy đã đủ vôi cho vụ Đông Xuân tới. (Đó là vụ Đông Xuân 1966). Các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện…

Đại diện nhân dân địa phương ra cám ơn và chia tay đơn vị chi viện. Mãi rất vui vì hai em cũng có mặt. Anh ta lôi dưới lòng thuyền lên hai gói nhỏ tặng hai em làm quà. Anh em không hiểu được quà gì, cậu ta lấy ở đâu ra. Mãi cười: - Hai cái dù pháo sáng.

Hèn nào mỗi đêm máy bay ném pháo sáng trinh sát gần đơn vị, Mãi thường lấp ló ở cửa hầm theo giỏi hướng rơi của pháo sáng. Hết tiếng máy bay là nhào ra khỏi hầm, biến vào đêm tối.

Chia tay hai cô, Mãi hứa: - Hết chiến tranh anh sẽ ra thăm các em.

Đáng tiếc Trần Ngọc Mãi không trở về được Thái Thủy, Lệ Thủy. Anh đã hy sinh trong một chuyến chở hàng vượt tuyến chi viện chiến trường Quảng Trị - Bắc Thừa Thiên Huế.

L.V.T

 

LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground