Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

NHớ anh Bùi Trung Lập

Đ

ã thành lệ, vào dịp này là chúng tôi đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương tưởng niệm các đồng chí, đồng đội đã hiến trọn đời mình cho cuộc sống hôm nay, coi đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, năm nay chúng tôi đi sớm hơn, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 73 ngày thành lập chi bộ Mỹ Trung (1931 - 2004). Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở phía nam tỉnh Quảng Bình. Sau khi dâng hương ở tượng đài, chúng tôi chia nhau đi cắm hương từng ngôi mộ. Đến mộ anh Bùi Trung Lập quê ở Quảng Trị, anh Đỗ Duy Thường, một cán bộ cách mạng lão thành, gọi chúng tôi lại giới thiệu: Đây là người thầy, người bạn chiến đấu của anh thời tiền khởi. Chúng tôi yêu cầu anh nói rõ hơn, anh bồi hồi nhìn làn khói hương nghi ngút rất trang nghiêm, ý chừng chờ người ở cõi âm chứng giám và xúc động kể rằng: “Ngày ấy, sau thời kỳ sôi nổi của Mặt trận Bình dân Pháp (1936 - 1939) Chính phủ Đa-la-đi-ê lên cầm quyền, y ra sức đàn áp phong trào Cộng sản. Chúng thi hàng hàng loạt biện pháp khủng bố rất dã man ở thuộc địa, nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản ở Đông Dương. Dập tắt các phong trào quần chúng do Đảng lãnh đạo. Chúng lập ra các hội đồng kỳ hào, Tộc biểu, tăng thêm quyền lực cho bọn tay sai, sử dụng những tên mật thám gian ác, tổ chức mạng lưới chỉ điểm, nằm sâu trong các bản làng với các thủ đoạn hết sức thâm độc và xảo quyệt. Ở làng nào, bản nào chúng cũng lập thêm các điểm canh, cho tuần đinh canh gác cả ngày đêm. Đoạn đường ngang qua làng Quy Hậu của tôi chỉ dài hơn một km mà có tới ba điểm canh, gây ra không khí căng thẳng, nặng nề, ngạt thở. Ai cũng nơm nớp lo âu bởi tiếng trống, mõ báo động, cảnh bắt bớ, cùm xích luôn xảy ra.

            Địch ráo riết tăng cường như vậy vì vùng này đã có Cộng sản. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung kỳ, chi bộ Đảng Mỹ Trung thành lập từ ngày 17 tháng 11 năm 1931. Họ hoạt động bí mật nên đến lúc này tôi vẫn chưa hay. Tháng 6 - 1940, người anh kế tôi là Đỗ Duy Kế đang học ở Huế về nghỉ hè thì bố tôi giữ lại. Ông nói: Ở trong ấy lộn xộn, tình cảnh dầu sôi lửa bỏng này muốn học cũng không xong, tạm nghỉ, chờ thời cơ. Còn tôi vừa thi xong Pờ-rim-me, ông cũng không cho đi học nữa. Để xem sao đã… Tuổi thanh niên có chút văn hóa, đang nhiều ước mơ, hy vọng, bị nhốt lại trong bốn lũy tre, tôi thấy bức bối, suốt ngày vùi đầu vào các trang sách, bất kể sách gì. Mùa hè năm ấy nóng như thiêu như đốt, gió lào từ Trường Sơn đổ về như quạt phơi lửa vào da, vào mặt. Buổi trưa, điểm canh giữa đường quan vắng người, tôi đem sách ra đó đọc cho đỡ ngột ngạt. Cái điểm hẹp diện tích khoảng 4 mét vuông, mái tranh, phên lá kè, phía trong có cái sạp vạc tre rất thô, chỉ nằm được một người, phía trái là cái cùm bằng gỗ lim to, nặng. Cùm có 6 lỗ tròn, vừa kẹp cứng 6 cái cổ chân. Phía phải dựng cái mỏ khá lớn, dùi dắt một bên sẵn sàng gõ báo động khi nghe tín hiệu.

            Điểm canh này tôi quen ra vào. Trưa nay bổng nhiên thấy trên nẹp tre có ba tờ cáo thị truy nã vượt ngục. Trên tờ giấy có ảnh cỡ 4 x 6 cm khuôn mặt khá rõ, đầu cạo trọc. Một tờ ghi tên Trần Xuân Miên; Một tờ tên Lê Chưởng, tờ thứ ba: Nguyễn Thế Rục cả ba người đều có quê ở Quảng Trị. Dưới mỗi tờ in đậm dòng chữ:“…Ai trông thấy bắt giao nộp hoặc báo với cơ quan Nhà nước sẽ được trọng thưởng; ai chứa chấp, che giấu… sẽ bị phạt nặng…”

            Đọc hết ba tờ giấy ấy tôi rất bàng hoàng. Những gì chỉ nghe đồn đại nay bỗng đến cận kề. Thôn xóm đã nặng nề, giờ càng nặng nề hơn.

            Đang bâng khuâng nghĩ ngợi tôi bỗng thấy có ai đó đứng trước điểm canh. Một người xa lạ, dáng hình thanh mảnh, thấp, nhỏ, mặt xanh, cằm hơi nhọn, tay cầm cây roi tre, trảy sạch gai chỉ để lại mấy lá nhỏ ở đầu ngọn.Tôi đoán là anh lái trâu đi tìm mối nên lờ đi. Thấy trong điểm chỉ có tôi nên anh bắt chuyện:

            - Anh canh ở đây à?

            Tôi trả lời:

            - Không ạ! Trong nhà nóng quá ra đây đọc sách thôi.

            Anh ngước đôi mắt sắc và sáng nhìn tôi vẻ thăm dò. Tôi cũng nhìn lại anh thấy đôi bàn chân lấm đầy bụi, nốt ruồi trên mu chân trái mọc một chùm lông dài trông rất ngộ. Tôi định hỏi anh đi đâu thì anh lên tiếng trước, giọng thân mật:

            - Ra cậu là học trò à? Học ở trường nào?

            - Trường Lệ Thủy.

            - Lớp mấy?

            - Vừa xong lớp nhất.

            - Năm học tới cậu vào trường nào?

            - Nghe nói trong Huế lộn xộn lắm. Thầy tôi không cho đi học nữa, ở nhà làm ruộng.

            - Làm ruộng cũng tốt nhưng con trai mà “chẳng có danh gì với núi sông” thì buồn lắm.

            Không hiểu sao mới gặp lần đầu qua mấy câu trao đổi tôi đã cảm thấy đây không phải là người bình thường rồi. Tôi nhìn ảnh, đối chiếu với các ảnh truy nả thì anh không phải vượt ngục. Anh là ai?

            Hình như anh đoán biết sự băn khoăn của tôi nên khơi chuyện có vẻ thân mật:

            -Này, cậu tên gì?

            - Đỗ Duy Thường - tôi tự xưng.

            - Cậu Thường này! Là học trò chắc cậu thích thơ, tôi đọc cho cậu nghe nhé!

            Không đợi tôi trả lời, anh phát ra một giọng kim nhỏ nhẹ với những âm thanh trong trẻo, lúc lên bỗng, lúc xuống trầm rất diễn cảm. Tôi tưởng như đó là tiếng của núi sông của ngàn xưa vọng về, vừa thiêng liêng vừa huyền bí:

            “Hỡi những con khôn của giống nói

            Những chàng trai quý, gái yêu ơi!

            Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

            Chọn một dòng hay để nước trôi?

           

            Hỡi những con khôn của giống nòi

            Đã từng đau từ thuở trong nôi

            Đã từng thấy Mẹ lăn trong máu

            Lệ đã chua cay ngấm nụ cười.

            .....…

            Phất ngọn cờ lên, tung bước lên

            Với kho hùng khí của thanh niên

            Vang lừng mặt trận rung trăm trống

            Cách mạng quân ta cướp chính quyền!

            ……

            Tôi há hốc mồm ra nghe rất lý thú, nuốt lấy từng lời, hết bài lúc nào không biết nữa.

            Thời ấy, tôi đọc khá nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng chưa bao giờ nghe những câu thơ như thế. Nó là luồng ánh sáng bừng chiếu vào tâm hồn tôi, xúc động vô cùng. Tôi muốn có một hành động gì đó hưởng ứng tiếng kêu gọi của bài thơ. Sau này tôi mới hay đó là tiếng lòng của một người thanh niên Cộng sản. Tố Hữu viết các bài thơ ấy chưa lâu, mà người khách này đã thuộc, đọc ra như trải cả ruột gan. Tôi nghĩ thầm: Chính anh này là nhân vật mà các thầy giáo trong trường mỗi khi nhắc tới cứ dòm trước ngó sau, đề phòng mật thám theo dõi. Tôi đoán anh với những người tù đang bị truy nã cùng một tổ chức rồi hỏi anh mấy người trong ảnh. Anh mỉm cười và nói cho tôi biết về hoạt động của họ. Thế là chúng tôi quen nhau, tôi mời anh ghé vào nhà tôi, anh không vào chỉ hẹn. Khi nào thấy trước cổng nhà có cây roi bẻ đôi cắm vào kẻ cửa thì đến gặp anh ở hàng mưng trước cổng.

            Theo tính hiệu ấy tôi gặp anh mấy lần và chỉ có hai người. Tháng sau anh hẹn tới địa điểm mới có thêm người thứ ba. Không ngờ anh đưa tôi vào nhà  Đỗ Duy Kế anh ruột của tôi. Thì ra cả hai anh em tôi theo anh làm Cộng sản mà chẳng ai bảo với ai. Anh Kế cho tôi biết người quen ấy tên là Bùi Trung Lập, bí danh là Thanh một cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản về chỉ đạo phong trào ở Quảng Bình từ những năm 30.

            Tôi được anh Thanh đưa vào tổ chức với bí danh là Tịnh, có nhiệm vụ chép tài liệu của Đảng như điều lệ Đảng, Đoàn, viết truyền đơn rồi làm đường dây liên lạc với các cơ sở. Bùi Trung Lập theo sát các hoạt động. Lúc ấy ở Quy Hậu mới có ba nhà biết làm nón mà dấu nghề. Anh bày cách vận động họ mở rộng ra cho dân, dùng đó tập hợp quần chúng tuyên truyền cách mạng. Nói là Bùi Trung Lập ở Lệ Thủy nhưng anh thường vắng mặt có khi rất nhiều ngày làm anh em thấp thỏm lo âu, thì ra anh đã đi khắp các huyện, ra cả tỉnh ngoài mà không ai biết anh là Bí thư Xứ ủy. Ngày 23-8-1945, Quảng Bình nổi dậy dành chính quyền, cách mạng thắng lợi, những cán bộ cách mạng công khai, tôi cố ý tìm mà không thấy anh Bùi Trung Lập đâu cả, gần một năm sau mới thấy anh trở lại giữ chức Phó Ban binh sĩ bị nạn, rồi chuyển sang làm chính trị viên đơn vị Bàu Cốc, bộ đội địa phương huyện. Tôi cứ băn khoăn định hỏi cho rõ, nhưng chưa kịp hỏi thì anh đã hy sinh rồi. Suýt nữa thì mất cả mộ”.

            Anh Mai Văn Sạn cũng là đảng viên kỳ cựu kể tiếp:

            “Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ anh Bùi Trung Lập dưới danh nghĩa là lính cần vụ. Tôi cũng không hiểu vì sao làm lính mà anh Bùi Trung Lập vẫn giữ khăn đóng, áo dài… Đóng vào là giống như y lý trưởng, chánh tổng. Với tấm căn cước của ty mật thám anh vào vùng tạm bị chiếm rất dễ dàng. Có lẽ do anh mà bọn tay sai tề điệp bị diệt hết. Khó khăn nhất đối với anh là thời ở nhà lao, giặc khoét hết thịt ở hai mông, nên mất đi sự nhanh nhẹn. Người anh đã nhỏ gầy, lại gầy thêm, không còn linh hoạt trước các tình huống. Đêm ấy, đơn vị về đóng quân ở làng Mai Hạ. Bọn tề điệp báo cho Tây ở các đồn Thượng Phong, Tuy Lộc, Mỹ Trạch bí mật bao vây tấn công hòng giệt gọn. Ta thì mới đánh nhau với chúng hơn  một tháng kể từ lúc chúng đổ bộ (27/3/1947), kinh nghiệm chưa có lại vào thế bị động, nhưng đơn vị vẫn chiến đấu rất ngoan cường, đẩy lùi cả ba mũi tấn công nhờ anh Bùi Trung Lập hô xung phong làm chúng hoảng sợ tháo lui. Nhưng ta không thể trụ lâu trong đình được, chúng nó sẽ tấn công nữa. Chỉ huy cho đơn vị vượt đồng tả ngạn hướng vào Lòi Mưng làng Kẻ Lê để rút vào rừng. Ta rút, địch không dám đuổi theo. Chúng dùng đại liên quét như mưa mà chẳng trúng ai cả. Lên gần Lòi thì vấp phải những luống khoai lang chắn ngang khá cao. Anh em lăn qua dễ dàng. Anh Lập sức yếu bị dây khoai níu lại nên trúng đạn. Thấy anh bị thương tôi lao đến để băng bó cho anh, chưa đẩy được anh xuống rảnh, tôi cũng bị đạn xuyên qua chân. Thì ra chúng đã phát hiện được anh, tập trung hỏa lực bắn rất dữ dội. Lúc ấy, anh em đã vào khuất trong lòi, địch cũng không truy kích, kéo hết về đồn. Đơn vị ra đưa chúng tôi vào nhà mẹ Tái ở Lê Xá. Anh Lập mất nhiều máu, rất khát nước mà không uống được, muốn nói mà không nói được. Đến chiều thì tắt thở. Mất anh là một tổn thất lớn, xót đau vô hạn. Bộ đội che mặt khóc dấu đồng bào. Đồng bào che mặt khóc dấu bộ đội, nhưng chẳng ai dấu nổi cả. Nước mắt cứ lả chả tuôn rơi, vĩnh biệt người chiến sĩ, người đảng viên ưu tú.

            Đến năm 1957, Nhà nước cho xây nghĩa trang, để quy tập mộ liệt sĩ vào đó. Đồng chí Bùi Trung Lập được truy tặng danh hiệu cao quý mà tìm không ra mộ. Hoạt động của anh có cấp trên theo dõi, nhưng mộ anh thì chỉ có đồng đội mới biết thôi. Thời gian trôi qua, xảy ra biết bao sự cố, cất nhầm mộ là điều không hay. Ban Chính sách tìm mãi không ra bởi vì đêm ấy, anh Hải chỉ huy đơn vị cho bộ đội làm lễ truy điệu phát động anh em biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm diệt giặc trả thù. Việc chôn cất đồng chí Bùi Trung Lập chỉ có anh, cùng dân quân lo liệu. Sau đó, anh Hải cũng hy sinh, giờ không biết dân quân nào đi mai táng. May sao còn mẹ Tải vẫn nhớ rõ. Mộ đồng chí Lập chôn ở Kẻ Lê. Lúc đầu không có bia, vì anh Hải sợ địch phát hiện ra, lại đào lên báo thù. Ai chứ Bùi Trung Lập chẳng bao giờ chúng để cho yên. Nhưng sau đó thấy không ổn. Sau này thân nhân của anh ở Quảng Trị ra thăm, các đồng chí, đồng đội đến viếng biết chỗ nào, cho nên phải có bia. Để che mắt địch, bia chỉ khắc ba chữ: Bùi Thị Lập - không có ngày mất, quê quán gì cả. Mộ Bùi Thị Lập rõ ràng đó. Anh được bốc về nghĩa trang Xuân Bồ, một địa danh lịch sử ghi đậm chiến công oanh liệt thời chống Pháp. Thời gian sau, huyện Lệ Thủy thấy nghĩa trang Xuân Bồ chật hẹp, xây lại một nghĩa trang quy mô và đẹp đẽ hơn ở trên đồi chân Trường Sơn, dành ô trang nghiêm nhất phía trên tượng đài cho ba vị anh hùng. Đồng bào, đồng chí long trọng tiễn đưa anh đúng nghi thức của vị anh hùng, từ trong nỗi đau con tim”.

            Tôi nhìn kỹ ba ngôi mộ ấy. Ngôi bên trái tấm bia ghi: Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Thân - huyện Quế Võ – tỉnh Hà Bắc hy sinh ngày 31-10-1974; ngôi chính giữa bia ghi: Anh hùng liệt sĩ Bùi Trung Lập - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - Đảng viên năm 1930 - Quê quán tỉnh Quảng Trị; Ngôi bên phải bia ghi: Anh hùng liệt sĩ Lâm Úy - huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình, hy sinh ngày 20-5-1950 - Trận Xuân Bồ. Phía dưới của ba vị, cả hai bên tả hữu có gần 2.000 ngôi mộ nữa là đồng chí, đồng đội của các anh, hàng lối chỉnh tề, khí thiêng bao phủ như hồn của dân tộc mang đậm khí phách: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.

            Tổ quốc ghi công, nhân dân ơn tặng, xuân này cũng sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người thuộc lớp con cháu của các anh đến dâng hương tưởng niệm, nguyện nối gót anh hùng một lòng theo Đảng phấn đấu cho quê hương đã từng thấm máu thành: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công băng, dân chủ, văn minh”.

                                                                          B.Đ.S

Bùi Đình Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 113 tháng 02/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground