Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ giọng ngâm thơ Châu Loan

N

ăm 1954, cuộc kháng chiến trường kỳ suốt chín năm chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta đã kết thúc.

Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, từ tháng 7.1954, nước ta tạm chia hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Kể từ đó, cầu Hiền Lương trở thành nơi tiếp giáp, đối mặt giữa hai lực lượng ta với địch, giữa hai chế độ xã hội chủ nghĩa với thực dân đế quốc nô dịch.

Thuở ấy tôi và các bạn cùng lứa lên tám, chín tuổi nghe người lớn từ giới tuyến ra kể: nào là cầu gỗ Hiền Lương 7 nhịp sơn hai màu, hai đầu cầu có hai cột cờ cao vút. Trên cột cờ phía bắc Hiền Lương lá cờ đỏ sao vàng to hàng trăm mét vuông thật vĩ đại và hoành tráng. Trông lá cờ phần phật tung bay, trong lòng ai cũng phơi phới tình yêu Tổ quốc, tin ngày Nam Bắc sum họp. Còn bờ phía Nam, cờ “ba que” của Mỹ ngụy nhìn mà đã ghét, bởi nó là biểu tượng của lũ bán nước, hại dân, chia cắt giang sơn. Chúng tôi nghe người lớn tả lại hệ thống phóng thanh của hai bên đều phát cực mạnh bằng những chùm loa cỡ bự để tuyên truyền. “Tiếng nói Việt Nam” phát từ radio thì tôi nghe nhiều rồi nhưng nghe qua chùm loa lớn như thế thì quê không có. Hấp dẫn nhất là nghe kể cảnh hai đầu cầu Hiền Lương có hai người công an đứng gác: một bên là công an nhân dân một bên là lính tay sai của giặc Mỹ. Hình ảnh đối mặt của hai “phe” có súng đạn trong tay mà không bóp cò vào đầu nhau, khiến lũ trẻ thường đánh trận giả dưới đêm trăng như chúng tôi cứ thắc mắc hoài “Tại sao lại như thế” và chúng tôi giả định: “Nếu mình có súng đạn trong tay như chú công an kia thì dứt khoát phải “đòm” ngay vào đầu thằng giặc, chứ đứng yên sao được? Nghe tranh luận vậy, cha mẹ chúng tôi giải thích cặn kẽ rằng: đó là quy ước của hai bên và có ủy ban Quốc tế giám sát...

Trăm nghe không bằng một thấy, tốp trẻ con trong làng Thuận Trạch chúng tôi cứ mong sao có dịp vào Hiền Lương tận mắt ngắm cảnh ấy mới thỏa lòng.

May thay... ngày 2.9.1959, tôi và một đứa bạn chí thân cùng xóm được cha mẹ thay việc chăn bò để chúng tôi được thoải mái xem hội đua thuyền trên sông Kiến Giang. Khoái chí hơn nữa là chúng tôi đều được thưởng một ít tiền ăn quà tết Độc lập. Cơ hội có một không hai đã đến... Tôi và Trà Khương, bạn chí thân cùng xóm, theo mấy anh chị thanh niên cuốc bộ một mạch vào thị trấn Hồ Xá rồi tuột thẳng vô cầu Hiền Lương từ lúc mờ sáng. Nhờ có “động cơ đốt trong” là thấy cho được cảnh cầu Hiền Lương, nên chúng tôi mở hết tốc lực “guồng bộ” trên ba mươi cây số từ Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) vào đến bắc cầu Hiền Lương (Thuộc Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong một ngày chưa tối.

Được trạm kiểm soát khu phi quân sự giới tuyến cho phép, chúng tôi đứng cách chân cầu Hiền Lương không xa, ngắm toàn cảnh đôi bờ Hiền Lương đúng như người ta từng kể trước đó.

Đêm ấy chúng tôi được các chú công an cho nghỉ lại ở trạm khách. Do lạ nhà, uống nước chè đậm và không khí ngày lễ nên chẳng ai ngủ được, tất cả thức chong nghe đài “tiếng nói Việt Nam” phát qua hệ thống loa cực mạnh nghe rất sướng tai. Đặc biệt đêm ấy có tiếng thơ. Nghệ sĩ Châu Loan ngâm nghe xúc động quá ! Bấy giờ, tôi chưa đủ trình độ để nhớ và phân tích cái hay của bài thơ và giọng ngâm, mà chỉ cảm xúc tự nhiên bởi những lời ngọt ngào sâu lắng lọt vào tai, ngấm vào tâm hồn một cách êm ái thiết tha đến ứa lệ. Đại ý bài thơ do nghệ sĩ Châu Loan trình bày: Đôi trai gái yêu nhau tha thiết, chưa kịp cưới thì anh phải lên đường ra Bắc tập kết .Chị ở lại miền Nam chờ đợi sau hai năm hiệp thương tổng tuyển cử, Nam Bắc nối liền họ đoàn tụ, nên duyên chồng vợ. Nhưng ngày hẹn qua lâu lắm rồi mà vẫn “chàng Ngưu ả Chức” vời vợi xa... hỏi lỗi này tại ai? Nghe xong tiếng thơ, mấy chú công an cùng các anh chị thanh niên làng tôi có mặt trong phòng khách trầm trồ xuýt xoa khen hay. Các chú công an còn kể rằng: Bà con mình ở bên kia sông Bến Hải mỗi khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát, nhất là nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ là mọi người lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhiều người còn nhắn sang bên này yêu cầu phát lại để ghi, để nhớ và truyền khẩu cho nhau đến thuộc lòng. Các chú còn kể thêm: Có lần một cảnh sát ngụy đi tuần chung với công an ta, đã thốt lên “nghe Châu Loan ngâm thơ, bọn tui rớt súng lúc mô không biết”.

Chuyến đi “lén” vô xem cầu Hiền Lương, ở lại qua đêm của tôi và thằng Khương đã làm cho gia đình một phen “thói tim” vì tưởng rằng xem đua bơi trên sông nước giữa ngày hội dễ sa sẩy... Chiều 3.9, thấy chúng tôi  trở về vẻ phờ phạc do cuốc bộ đường dài, cha mẹ mắng yêu rồi xoa đầu và hỏi ngay “vô Hiền Lương có chi hay, tụi bay kể nghe coi!” tôi và Khương tranh nhau kế để “xóa tội”.

Tiếng ngâm thơ của nghệ sĩ Châu Loan đọng mãi trong tôi. Từ đó tôi mê đài Tiếng nói Việt Nam đến quên ăn, quên ngủ.

Năm 1963, đủ tuổi nghĩa vụ quân sự là tôi nhập ngũ ngay. Thật may là tôi được một người bà con tặng chiếc đài be bé xinh xinh, nó theo tôi suốt quãng đời quân ngũ. Chiếc radio ấy là người thầy đầu tiên giúp tôi trở thành thông tin viên báo, đài, vươn lên đạt giải cao cuộc thi viết chuyện kể ở đại đội. Được bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi viết ngày càng tốt hơn cho nhiều chuyên mục trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đài báo địa phương.

Thế rồi tôi được trên điều động ra đảo Cồn Cỏ làm chính trị viên đại đội ra-đa trong những năm tám mươi của thế kỷ trước. Cái đài cũ tôi đã tặng người bạn cùng làng, cùng nhập ngũ trong đợt đồng chí ấy được điều vào B5 chiến đấu. Đồng chí đã hy sinh ở cảng Cửa Việt.

Tôi được cấp trên cấp một cái radio hiệu Trung Quốc. Chẳng biết do tôi, chính trị viên, truyền sự “mê say nghe đài” sang cả đơn vị nên anh em “nghiện” theo, hay trong bầu huyết quản của cán bộ, chiến sĩ đã thấm sâu “tiếng nói Việt Nam - tiếng của lòng mình” mà ai cũng háo hức mỗi khi nhạc hiệu cất lên. Nhờ chăn nuôi, trồng trọt gây vốn sắm đủ cho mỗi bộ phận một radio, mà những ngày bão to, sóng lớn báo chí không ra kịp, đơn vị tôi vẫn thông hiểu tình hình mọi mặt, củng cố tư tưởng, giữ vững ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi biển đảo.

Mỗi lần vào đất liền họp ở vùng 3 Hải Quân, tôi có dịp qua bến Cửa Tùng nơi đặt trạm “tiền phương” của đơn vị. Ngắm quê cảnh Vĩnh Giang, nơi sinh thành nghệ sĩ Châu Loan. Tôi còn được nghe bà con ở đây kể chuyện xưa: hai thanh niên cùng dòng họ đứng gác hai đầu cầu với sắc phục: một bên là công an cách mạng, một bên là lính ngụy Sài Gòn... thì ý tưởng phải viết một bài thơ về người nghệ sĩ ngâm thơ “thần tượng” càng thôi thúc tôi, bởi ngay trong lần thăm Hiền Lương thuở ấy tôi muốn viết lắm rồi mà không đủ năng lực, rồi lớn lên theo công việc quân cơ cuốn đi, đành lỗi hẹn với chính mình...

Đến tháng 9 năm 2000 dù đã trở thành cựu chiến binh nhưng tôi có cơ may, trở lại Vĩnh Giang, rồi qua cầu Hiền Lương lấy tư liệu làm báo...bỗng nhiên như vọng đến giọng ngâm thơ của chị Châu Loan văng vẳng bên tai... tôi thầm kêu lên “nhớ lắm chị ơi” tôi ghi vội những vần thơ vừa thoáng nghĩ ra, vào sổ tay. Về đến nhà, tôi bật đèn gọt giũa lại bài thơ “Nhớ lắm chị ơi” và bỏ ngay vào hòm thư của trạm bưu cục gần nhất, dẫu biết rằng dịp kỷ niệm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam đã qua mấy ngày rồi. Không ngờ bài thơ tôi viết vội trên cầu Hiền Lương, được ban biên tập chỉnh sửa trọn ý, vừa lời, gói gọn cảm xúc và nghệ sĩ Vương Hà ngâm thật xúc động. Bài thơ như sau:

NHỚ LẮM CHỊ ƠI

Mỗi lần qua bến Hiền Lương

Lòng tôi xa xót nhớ thương một người

Châu Loan ơi chị đâu rồi

Câu hò dịu ngọt trong tôi ngân hoài

Ngày ấy nước còn chia hai

Cầu gỗ bảy nhịp sơn hai loại màu

Tôi - công an gác đầu cầu

Bên kia anh lính mái đầu còn xanh

Chỉ vì đất nước chiến tranh

Mà trẻ hai xóm đứng canh hai đầu

Nhưng chung trên một chiếc cầu

Đêm trăng lắng đọng những câu mái nhì

 “Hò ơ . . em tiễn anh đi

Hai năm gặp lại, ta ghi hẹn ngày

Nào ngờ gió quất, mưa bay

Anh đành lỗi hẹn, vì ai hỡi nàng ?...”

Trên đài giọng chị mênh mang

Anh lính bên ấy nhìn sang bên này

Tôi nghe lòng cứ ngất ngây

Nhớ mình là lính đêm nay gác cầu

Câu hò ngắn lại đêm thâu

Tay càng chắc súng, trên đầu sáng sao

Mỗi khi đến bên chiếc cầu

Tim lôi quặn thắt nhớ câu mái nhì. . .

Để có đứa con tinh thần ấy, tôi đã phải “thai nghén” tròn 41 năm.

Tôi thiết tha yêu Đài tiếng nói Việt Nam

Tôi kính yêu nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan và tất cả những người làm nên “tiếng nói Việt Nam”.

Đài còn đó và không ngừng lớn mạnh, “Tiếng nói Việt Nam” ngày càng tha thiết, sống động, vang xa. Nhưng Châu Loan đâu rồi?

Nhớ,

Nhớ lắm

Chị ơi?...

 

   C. K.N

Châu Kim Nâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 134 tháng 11/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground