Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ những giai điệu Khe Sanh thuở ấy

T

rong diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến một địa danh ở Việt Nam gây nên bao nỗi kinh hoàng cho lính Mỹ ở thời chiến tranh. Đó chính là Khe Sanh – một thung lũng thuộc tỉnh Quảng Trị, ở bên đường 9 cách biên giới Việt – Lào chừng 10km.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Khe Sanh đã được gọi là “Khe tử” của lính Mỹ. Nếu trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân Pháp ở thung lũng Điện Biên Phủ mang lại hòa bình cho miền Bắc Việt Nam qua Hiệp định Genève, thì trận nghi binh chiến lược ở thung lũng Khe Sanh từ ngày 24/1/1968 để tạo điều kiện cho toàn miền Nam tổng tấn công nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968 đã dẫn tới sự nhóm họp của Hội nghị bốn bên tại Paris vào mùa thu 1968. Năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh (1968 - 2013), bài viết này nhằm tổng kết lại thành tích đóng góp của đội văn nghệ thuở ấy, nhằm góp phần thôi thúc cảm hứng cho các nhạc sĩ hôm nay viết về Khe Sanh qua cuộc thi sáng tác ca khúc về Khe Sanh do Báo Lao Động tổ chức.

Ngay sau khi lính Mỹ ồ ạt vào miền Nam, từ mùa xuân 1967, lính thủy đánh bộ Mỹ đã có mặt ở Khe Sanh, xây dựng một phòng tuyến thép cùng sự yểm trợ của máy bay ném bom.

Những cuộc chiến đấu tại mặt trận đường 9 – Khe Sanh đã bắt đầu diễn ra từ dạo ấy. Giữa nhiều văn nghệ sĩ vào chiến trường, ở mặt trận đường 9 – Khe Sanh đã xuất hiện hai nhạc sĩ quân đội là Huy Thục và Lê Lan. Ở đây, với biệt danh Lê Anh Chiến (tên con trai đầu lòng) Huy Thục đã viết “Tiếng hát trên đường quê hương”: “Ai đã đến miền quê em Quảng Trị - Thừa Thiên – qua đường 9 tình Gio Linh lắng nghe giọng hò – mừng vui nghe tin thắng trận – sông Ba Lòng bay bổng lời ca…”. Còn Lê Lan thì viết “Đường về Khe Sanh”: “… Đây Khe Sanh chôn vùi giặc Mỹ - bao xác quân thù tràn ngập thung sâu…”. “Đường về Khe Sanh” trở thành tên của tập ca khúc thời chống Mỹ do NXB Mỹ thuật – Âm nhạc ấn hành 17.150 bản vào tháng 12/1968. Sau sáng tác này, Lê Lan bị ốm thập tử nhất sinh, phải nằm lại bệnh xá “Rừng khách” – một khu rừng đầy hố bom, vết đạn. Huy Thục tiếp tục bươn chải theo những người lính. Tin chiến thắng “Một thắng 20 của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” ở đồi Không Tên bên suối La La đã khiến Huy Thục hứng khởi viết ngay trong hai ngày thì hoàn thành “Ơi! Dòng suối La La”. “Ơi! Dòng suối La La” ra đời lại kích thích Lê Lan vừa vượt qua cái chết trở về và cũng hưởng ứng đồng nghiệp bằng ca khúc “Tiểu đội ta đạt ba danh hiệu”. Ca khúc được viết khá vui nhộn, hài hước, đậm chất lạc quan của người lính. Trong ca khúc, Lê Lan đưa vào khá nhiều tên gọi các đơn vị lính Mỹ như “Kỵ binh bay”, “Trâu điên”… lính đánh thuê “Rồng xanh”… hay những tên gọi không lực Mỹ như “Phượng hoàng bay”, “Chim ưng”, “Thần sấm sét”, “Con ma”, “Chuồn chuồn”… và ca ngợi cách đánh gần, “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Ca khúc “Tiểu đội ta đạt ba danh hiệu” được in trong tập ca khúc “Dân ta đánh giặc anh hùng” do NXB Mỹ thuật – Âm nhạc ấn hành 20.150 bản vào tháng 9/1968 (chỉ ngay sau hai tháng Mỹ rút khỏi Khe Sanh).

Bên cạnh hai nhạc sĩ quân đội, có một nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam là Văn Dung cũng có mặt ở đường 9 – Khe Sanh vào thời điểm này. Anh đã viết ngay “Giải phóng quân ta ra đi” để ca ngợi những đoàn quân vượt Trường Sơn vào chiến trường. Đấy là bản hành khúc độc đáo, bởi đã xuất hiện trong giai điệu cao trào đến 5 nốt trắng của 5 ô nhịp 2/4: “Đi - giải - phóng - miền - Nam”. Sau đó, khi viết “Tiến về Khe Sanh”, Văn Dung cũng dùng thể hành khúc, nhưng lại khác biệt, bởi được viết bằng nhịp 1/4: “Khe Sanh rực cháy bốt đồn giặc tan – đồn làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây – Trời Tà Cơn reo vui khắp bóng cờ sao bay”.Nhịp 1/4  này còn đi theo Văn Dung 3 năm sau khi anh viết “Bài ca đường Chín chiến thắng”: “Khe Sanh năm xưa anh đã về đây…” sau chiến thắng đường 9 – Nam Lào. “Tiến về Khe Sanh” cũng được in trong tập ca khúc “Đường về Khe Sanh” cùng Lê Lan. Huy Thục sau “Ơi dòng suối La La”, lại tiếp tục bươn chải trong mùa mưa năm 1967. Sau trận Gio An, lấy hình ảnh người Vân Kiều vừa tải đạn vừa đánh đàn Ta Lư đón tin chiến thắng, anh đã viết ra “Tiếng đàn Ta Lư” thật đặc biệt. Ngày 6/9/1967, “Tiếng đàn Ta Lư” được hoàn thành ngay tại đại đội 1 công binh khi vừa mở đường xong. Bài hát viết trong tầm bom đạn lại thánh thót, nhịp nhàng chất dân ca Vân Kiều với nhịp nhanh, tươi sáng. “Tiếng đàn Ta Lư” trong mùa xuân 1968 với tiếng hát Tường Vy loang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực sự là một nguồn năng lượng lớn thúc giục những người lính ở mặt trận Khe Sanh làm nức lòng cả nước. Cuối xuân 1968, Tường Vy đã trình diễn “Tiếng đàn Ta Lư”báo cáo Bác Hồ và tác giả bài hát được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì vào tháng 6/1969. Cùng với các tác phẩm trên, Huy Thục còn viết hành khúc 1 đoạn tặng đại đội đánh cao điểm 1009 Động Tri, “Trung đoàn dũng sĩ Gio An”, rồi ca cảnh “Khe Sanh” với 11 đoạn hạt. Đến năm 1968, anh lại viết “Cô gái Pa Kô đi tải đạn” cho nghệ sĩ Ngọc Minh làm nhạc múa.

Cùng với các nhạc sĩ kể trên còn có những ca khúc khác cũng xuất hiện vào thời điểm chiến đấu tại Khe Sanh, suốt 6 tháng ròng từ mùa xuân đến hết mùa hè. Ca ngợi toàn cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1968, trong đó có mặt trận Khe Sanh, Tân Huyền viết “Kèn chiến thắng gọi ta đi”. Ca ngợi người lính đường dây có “Đường dây ai rải” của Văn An. Ca ngợi người pháo thủ có “Nghe tiếng pháo Khe Sanh” của Đức Nhuận. Ca ngợi nữ du kích đánh xe tăng có “Nữ du kích Trị - Thiên đánh xe tăng” của Thái Quý. Còn Huỳnh Văn Yên thì dùng nhịp hò khoan chèo thuyền trên sông Ba Lòng ca ngợi chiến thắng qua “Chèo thuyền trên sông Ba Lòng”. Trần Hoàn khi ấy ở tuyên huấn Khu ủy Trị - Thiên với bút danh Hồ Thuận An cũng viết “Sét nổ vang trời Trị - Thiên – Huế”. Tác giả Minh Tân thì hóm hỉnh ví von qua ca khúc “Con cá biển vui nhảy lên rừng”.

Thua trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Thua ở “Chiến tranh cục bộ” mà đặc biệt là trận nghi binh chiến lược Khe Sanh và trận tổng tấn công và nổi dậy ngay giữa đô thị Sài Gòn, Mỹ lại chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đường 9 – Khe Sanh lại thêm lần vang lên bài ca chiến thắng khi đánh tan quân đội Việt Nam cộng hòa suốt một dải từ Đông Hà đến Bản Đông (Nam Lào) mùa xuân 1971. Trước đó, Huy Du đã tấu lên “Bài ca đường 9” (thơ Xuân Sách) như một dự báo. Đến khi tin chiến thắng loang ra cả nước, toàn cầu, trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam đã thường xuyên vang lên những giai điệu đường 9 – Khe Sanh. Trần Chung thì có “Từ Đông Hà qua Bản Đông”, còn Văn Dung với nhịp 1/4  thì hân hoan trong “Bài ca đường 9 chiến thắng”: “Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn – em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn”. Hoàng Hiệp qua thơ Phạm Tiến Duật cũng nồng nàn lãng mạn: “Từ nơi em đưa sang bên nơi anh – những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến – như tình yêu nối dài vô tận – Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn…”. Doãn Nho qua thơ Hữu Thỉnh thì tạo ra một “Xe tăng ca” sừng sững: “Một con đường đất đỏ như son – một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng – một ý chí bay ra đầu ngọn súng – một niềm tin chiến thắng trong trận này”. Trọng Loan với nhịp hò giã gạo cũng rạo rực một “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”vừa tha thiết, vừa tự hào. Bước sang năm 1972, sau ngày 30/3/1972, khi quân ta tràn qua cầu Hiền Lương xóa đi vĩ tuyến 17 chia cắt thì toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Những người lính đi theo nhịp hành khúc của Tân Huyền trong “Những bước đi chiến thắng”.

Sau 81 ngày đêm trụ bám Thành Cổ, ta lấy Thạch Hãn làm giới tuyến mới. Mùa mưa năm 1972, tôi vừa đi công tác dọc Khe Sanh đường 9 vừa nghe rộn rã “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” của Phương Nam: “Đàn theo ta đi tải gạo nuôi quân – trong gian khó đàn với ta hòa tính tang tình…” và “Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công” của Chu Minh: “Băng đèo vượt dốc ta đi vượt mưa bom bão lửa đánh Mỹ, ta không chia mùa…”. Đến khi Hiệp định Paris được ký kết, lính lại nhẩm theo ca khúc mới của Trần Hoàn mang tên “Chiều trên Gio Cam giải phóng”…

Từ ngày thống nhất đất nước, những người trở lại Khe Sanh Quảng Trị nhiều nhất là Tân Huyền, Văn Dung, Huy Thục. Tân Huyền sau khi chưng cất nỗi xót thương mùa hè đỏ lửa qua “Cỏ non Thành Cổ” thì đã nhắc đến Khe Sanh qua “Em ru Quảng Trị”: “Em ru Quảng Trị - từng lời yêu thương – ru chiều Khe Sanh – lãng đãng màn sương…”. Văn Dung thì thầm qua “Màu xanh từ đất lửa”: “Bước quân đi ngày nào điệp trùng – qua vòng vây đường 9 Khe Sanh”. Còn Huy Thục thì lặng trầm trong “Chiều Đakrong”. Hồng Đăng tuy năm 1972 cũng đi cùng Tân Huyền, Chu Minh, Văn Dung, nhưng chỉ viết hợp xướng về Trường Sơn. Đến khi thanh bình, về thành phố Đông Hà, anh cũng gửi tình cảm của mình qua ca khúc “Nắng gió Đông Hà”: “Một vùng đồi đất đỏ - mọi người đều thân quen – Cửa Việt và Cồn Tiên – Khe Mây và Khe Gió…”. Đức Trịnh là người lính cuối thời chống Mỹ, nhưng khi đến Quảng Trị, nhìn thấy những nghĩa trang Khe Sanh, Trường Sơn, Đông Hà, Quảng Trị… nhạc sĩ đã cảm khái lên một miền tư tưởng của một thời dâng hiến hy sinh ở đây. Đó là “Miền xa thẳm”lắng động và ngân nga: “Xa thẳm một miền xa thẳm tiếng gọi hồn thiêng núi sông”. Hoàng Hữu Lộc cũng đã từng có những năm tháng du kích và bộ đội và hiện đang ở Quảng Trị. Có lẽ vì muốn mang đến cho mọi người một Khe Sanh hôm nay – một Khe Sanh thị trấn của huyện Hướng Hóa, một Khe Sanh lãng mạn bên cửa khẩu Lao Bảo – nên anh đã viết “Nghiêng chiều Khe Sanh”. Bằng nhịp điệu nhạc nhẹ slow – rook – một nhịp điệu chỉ có ở thời thanh bình dành cho tuổi trẻ - Hoàng Hữu Lộc đã vẽ ra một Khe Sanh hôm nay dường như đã che khuất hẳn một Khe Sanh khốc liệt thời chiến tranh.

Cảm giác nghiêng của vùng đất đỏ bazan thuộc Bắc Trường Sơn còn cho ta ngấm đầy mình âm hưởng của thanh bình đến mức có thể quên hẳn những tháng năm đau thương mất mát mà nghiêng xuống Khe Sanh hôm nay và tương lai bằng một thế hệ trẻ đã trưởng thành trong một thời đại mới.

Từ năm 1972 đến hết 1973, tôi thường có mặt ở Khe Sanh để làm nhiệm vụ khảo sát cho đường dây thông tin chiến lược xuyên Trường Sơn. Lúc này Khe Sanh đã là đại bản doanh của Sư đoàn 473 bộ đội Trường Sơn. Trận chiến đã đi qua, những vết tích của đau thương mất mát còn ngổn ngang đầy thung lũng. Khe Sanh đã khiến cho cuốn từ điển “Chiến tranh ở Việt Nam” do Mc Namara chủ biên đã mất đến một trang rưỡi mô tả (trang 264 và nửa trang 265). Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl – từng là lính thủy đánh bộ tham chiến ở Khe Sanh thời xuân 1968 – đã tâm sự rất nhiều về những ngày khủng khiếp đó với tôi. Biết đâu, để hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc về Khe Sanh này, tôi sẽ viết một ca khúc tặng anh để nhớ tuổi mười tám của những người lính Mỹ ở thung lũng tử địa này. 

 

Nguyễn Thuỵ Kha
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground