Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những giọt dầu thắp sáng ước mơ xanh

M

ột lần đọc các tư liệu về Phật giáo, tôi đã gặp một câu chuyện thật xúc động. Chuyện xảy ra vào thời Đức Phật còn tại thế. Có một bà cụ già đi ăn xin nhưng rất nặng lòng hướng Phật. Vào một ngày lễ trọng, bà quyết tâm xin đủ tiền mua một chai dầu để dâng. Dù số tiền chưa đủ nhưng quá cảm kích trước lòng thành của bà, chủ hiệu đã tặng bà chai dầu đó. Khi lễ tất, các sư thổi đèn thì 99 đèn được thổi đều tắt nhưng cây đèn thứ 100 – cây đèn chứa dầu từ chai dầu của bà cụ - không sao tắt được. Đức Phật nói: “Các thầy không thổi tắt được đâu, vì ánh sáng ấy là tấm lòng thanh tịnh của người dâng”. Đức Phật hỏi bà về mong muốn ở kiếp sau, bà chân thật trả lời: “Con chỉ mong kiếp sau được giác ngộ để được đổi đời”. Và đúng như luật nghiệp báo, kiếp sau bà đã trở thành Phật Quang Đăng.

Giọt dầu là biểu trưng nhỏ nhoi và khiêm tốn nhưng tấm lòng thì thật to lớn và cao cả. Ngẫm lại 10 năm đồng hành với Tổ Phật tử Chính Tâm – Chùa Quán Sứ Hà Nội cùng làm khuyến học ở Quảng Trị, tôi thấy có một sự tương đồng thật đáng cảm kích.

Đạo phật giải thích mọi sự biến đổi của sự vật trong mối quan hệ: Nhân - Duyên – Quả và theo luật nghiệp báo, luân hồi: Nhân duyên hợp thì sinh, khởi; nhân duyên ly tán thì hoại, diệt. Vì nhân duyên hợp mà Tổ Phật tử Chính Tâm đã “kết” với Quảng Trị và cũng vì vậy mà Quảng Trị đã đón Tổ trong vòng tay thân thiết, tin cậy.

Cũng như nhiều người khác làm khuyến học, tôi đã hơn một lần xúc động trước tấm lòng xã hội. Đó là một tổ chức thiện nguyện, một doanh nghiệp; đó là một đồng chí lãnh đạo, một thầy giáo, một vị sư, một cán bộ hưu trí, một gia đình hảo tâm… Thậm chí có 2 người ở Sài Gòn trước khi mất, yêu cầu gia đình đưa toàn bộ tiền phúng điếu về Quảng Trị làm khuyến học. Tất cả đó thật cao cả và đáng kính trọng. Nhưng từ đáy lòng, không riêng tôi mà nhiều người Quảng Trị vẫn dành cho Tổ Phật tử Chính Tâm một sự trân trọng và tình cảm đặc biệt.

Đương nhiên họ không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là một tổ chức chính trị hay nghề nghiệp mà chỉ là một tập hợp tự nguyện của gần 100 tấm lòng thiện nguyện cùng đi chùa Quán Sứ. Họ ở độ tuổi hầu hết từ 50 đến 65 tuổi nên khá từng trải về cuộc sống cũng như “độ chín” trong ứng xử. Tổ Phật tử Chính Tâm có số đông là phụ nữ nên bầu không khí thật nhẹ nhàng và tình cảm. Số đông tổ viên chỉ tạm đủ sống và một số ít thì thuộc diện nghèo, phải làm cấp dưỡng, xe thồ để có thu nhập. Điểm lớn và chung nhất của Tổ là quyết tâm hành đạo từ bi. Nghĩa là, như Đức Phật giảng: “Tâm từ là tâm sẵn sàng hiến tặng niềm vui cho tha nhân. Tâm bi là tâm sẵn sàng làm vơi đi nỗi khổ đau đang có mặt”. Vì vậy, mỗi người xem việc hành thiện là nghĩa vụ tự thân ở mọi lúc, mọi nơi. Buổi đầu, trả lời câu hỏi của tôi: “Vì sao chọn Quảng Trị để hành thiện”, chị tổ trưởng Trịnh Thị Lân nói: “Vì nhân duyên”. Không thỏa mãn với câu trả lời quá chung, tôi đã có tìm hiểu và biết rằng: Ít ra là có ba nguyên nhân cụ thể:

Một là: Những người hành đạo từ bi bao giờ cũng chọn nơi nghèo khó, đau thương mất mát. Quảng Trị là nơi bị tàn phá nặng nề nhất bởi chiến tranh và thiên tai, dù hôm nay có nhiều đổi thay những vẫn còn nghèo. Vì vậy, đây là “địa chỉ ưu tiên”.

Hai là: Đã hành thiện thì không chỉ phải đúng mà còn phải trúng. Như vậy thì phải có chiếc cầu nối giữa người giúp và người được giúp. Chiếc cầu tin cậy ấy Tổ tìm thấy là Hội Khuyến học Quảng Trị. Bởi vì như chị tổ trưởng nói: “Chỉ riêng việc Hội chuyển 100% những gì Tổ giúp cho người được giúp mà không giữ lại một phần trăm nào cho Hội là chúng em đã tin lắm rồi”.

Ba là: Mức độ ở mỗi người có khác nhau nhưng ai cũng có “sợi dây kết nối” riêng với mảnh đất này. Có người là chiến sĩ đã từng cầm súng chiến đấu ở Quảng Trị, còn lại ai cũng có những người thân đã từng gắn bó với mảnh đất này (chồng chị tổ trưởng đã từng là chiến sĩ trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, chồng thị tổ phó là sĩ quan pháo binh đã từng là người trực tiếp huấn luyện đội nữ pháo binh huyện Gio Linh…).

Cho nên, “Nhân” (yếu tố bên trong) và “Duyên” (yếu tố ngoại cảnh) ấy đã kết nên quan hệ thật tốt đẹp và bền vững của Tổ với mảnh đất Quảng Trị đau thương và anh hùng này.

Tình cảm đã mặn mà, quyết tâm đã cao nhưng nguồn lực ở đâu? Ban đầu là từ sự đóng góp của mỗi tổ viên (nghĩa là phải tằn tiện trong mỗi buổi đi chợ, dè xẻn trong từng chi phí sinh hoạt…), nhưng không cầu toàn, không nóng vội, cứ bắt đầu từ việc nhỏ, quy mô nhỏ. Theo năm tháng, cùng với nguồn đóng góp của tổ viên, thông qua “giáo hóa”, vận động tập hợp mà huy động thêm tài trợ của những người hảo tâm có điều kiện. Và cứ thế, ngày càng làm lớn hơn, nhiều hơn. Trong 10 năm qua, 10 lần Tổ vào Quảng Trị, chỉ tính riêng tiền xe, tự túc ăn, ở … đã hơn một tỉ đồng (mỗi người tự đóng góp). Trong 10 năm qua, theo nguyên tắc: “Chi tối đa cho việc thiện, chi tối thiểu cho sinh hoạt”, Tổ đã 7 lần tổ chức cầu siêu lớn cho liệt sĩ ở 2 nghĩa trang Quốc gia và Thành Cổ Quảng Trị xây dựng hoàn chỉnh 37 mái âm khuyến học (tức là nhà tình thương nhưng để khuyến học, tặng thêm ti vi, bàn ghế ngồi học, giá sách…), đã tặng dê, tặng lợn để góp phần tăng thu nhập cho gần 500 hộ nghèo (với hộ đặc biệt khó khăn Tổ còn tặng thêm tiền để làm chuồng và mua thức ăn buổi ban đầu). Tổ đã “đỡ đầu dài hạn” (đến hết lớp 12) cho 30 học sinh mồ côi, tật nguyền, nghèo khó đã trao hơn 400 xe đạp, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, chăn màn cho trẻ khó khăn. Tổ cũng đã hỗ trợ kịp thời gạo, mì ăn liền, chăn màn, quần áo cho một số vùng đặc biệt khó do thiên tai… Tổ tự đánh giá là những việc làm được “chưa nhiều, chưa lớn, chỉ hạnh phúc là 100% trúng với địa chỉ cần đến”. Tôi là người đã ngược xuôi khắp các nẻo đường Quảng Trị cùng Tổ, một mặt rất mừng vì người nghèo và trẻ em thiệt tòi quê tôi đã được Tổ cưu mang, giúp đỡ, động viên. Mặt khác luôn cảm kích nghĩ rằng: Trong khi chính các tổ viên chưa giàu có gì (Thậm chí có số khá nghèo) mà làm được nhiều việc phúc đức như vậy là một nỗ lực lớn, có thể nói là phi thường.

Văn hóa Việt Nam tách bạch: Của cho và cách cho. Nếu của cho lệ thuộc vào tiềm lực kinh tế thì cách cho là chuyện của văn hóa, của tấm lòng. Với tôi, của cho như vậy là lớn nhưng ở chiều sâu của lòng cảm kích thì tôi rất ngưỡng mộ cách cho. Bởi vì:

Một là: Động cơ vô cùng trong sáng của người cho. Phật pháp yêu cầu người theo Phật phải thực hiện “Bát chánh đạo” với hai yêu cầu quan trọng nhất là chánh kiến và chánh tư duy thì yêu cầu về chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh tin tấn và chánh định cũng có vai trò to lớn. Triết lý quán xuyến và chỉ đạo việc thực hiện “Bát chánh đạo” là triết lý “Vỗ ngã vị tha” Tổ đã trải qua bao vất vả khi huy động nguồn lực, bao tốn kém, vất vả trên đoạn đường hơn 1.200 km đi về, gặp bao trở ngại khi xa nhà hàng tuần lễ… nhưng bao giờ cũng tươi cười, bao giờ cũng chỉ một câu “Chúng em thấy thanh thản và hạnh phúc lắm”. Còn nhớ lần đầu tiên vào bàn giao “Mái ấm khuyến học” (năm 2004) cho một gia đình người dân tộc ở Đakrông (Cháu Hồ Thị Ốc), khi tôi nói lời cảm ơn thì Tổ không nhận vì cho đó là nghĩa vụ tự nhiên của người Phật tử. Thế rồi, gần 9 năm nay, lúc nào cũng chỉ có một câu “Hãy để chúng em cảm ơn Quảng Trị vì đã giúp Tổ hành thiện thành công”. Tôi hiểu rằng: Chỉ có những người xem quyền lợi, niềm vui và sự phát triển của người được giúp là hạnh phúc của người giúp mới có được sự trong sáng tuyệt vời đó. Triết lý “Vô ngã vị tha”, “Hạnh Bồ Tát” mà tôi đọc được trong sách Phật giờ đây tôi đã thấy khi nó chi phối động cơ hành thiện của Tổ.

Hai là: Đạo phật xem trọng tình thương và bình đẳng khi Đức Phật nói: “Máu nào cũng đỏ, nước mắt nào cũng mặn”, “Chúng sinh nào cũng có Phật tính”, “Thích ca là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tôi đã có hàng trăm cuộc cùng Tổ gặp mặt, chuyện trò, thăm hỏi những đối tượng khó khăn được giúp đỡ. Tôi chưa bao giờ thấy một biểu hiện thương hại, càng không bao giờ có thái độ trịch thượng mà chỉ có một sự tôn trọng, những giọt nước mắt cảm thông và sự sẻ chia chân thành, bình đẳng. Tôi không biết là yêu cầu “chánh ngữ” (trong “Bát chánh đạo”) chi phối toàn Tổ đến đâu nhưng quả thật là chưa bao giờ nghe các thành viên của Tổ có một lời tự khen, tự đề cao những công việc mình đã làm. Thậm chí trong giao lưu kỷ niệm 10 năm đồng hành cùng Hội Khuyến học, chị tổ trưởng còn nói: “Chúng em cũng chẳng nhớ tổng số bao nhiêu nhà, bao nhiêu dê, bao nhiêu lợn, bao nhiêu xe… Chúng em chỉ biết là đã làm xong và làm trúng với đối tượng cần làm”. Số lượng bao nhiêu, Tổ không nhớ nhưng chuyện “phá rào” thì rất nhanh. “Phá rào” tôi nói ở đây là việc phát tâm thêm ngoài kế hoạch, chương trình đã định (định chỉ khánh thành nhà mới xây xong, thấy gia chủ quá nghèo, giải quyết luôn tại chỗ hai triệu đồng để mua lợn giống và làm chuồng; đã định trao 20 xe đạp, thấy các cháu nghèo còn nhiều, phát tâm thêm 10 chiếc…).

Những ngày đầu, có một câu hỏi làm băn khoăn trong tôi: “Đường quá xa, lịch làm việc quá dày, đi lại vất vả mà sao với những người đều đã có tuổi lại hầu hết là nữ mà lúc nào cũng thấy thanh thản, nụ cười rất tươi”?

Nhưng với thời gian, tôi đã tìm được câu trả lời. Đó là sức mạnh tinh thần, bắt nguồn từ một động cơ cao đẹp, một tình cảm thật sự và một quyết tâm lớn lao. Nụ cười bao giờ cũng đáng quý nhưng nụ cười từ sự trong sáng của lương tâm trong thực tế đó thật sự đáng giá.

Ba là: Thời gian cũng là “thuốc thử” là “thước đo” cho các mối quan hệ. Với 10 năm đồng hành với nhiều khó khăn, thách thức là vậy nhưng Tổ không do dự, băn khoăn mà vẫn quyết tâm hành động tiếp với hướng cố gắng để có quy mô và hiệu quả cao hơn. Trong buổi giao lưu kỷ niệm, Tổ đã công bố dự kiến hành động năm 2012 là: “Làm 10 mái ấm khuyến học” (300 triệu đồng). Tôi thấy thấm thía như một triết lý giàu tính Phật “Chỉ cần làm một điều ác đã là quá thừa nhưng có làm 100 điều thiện vẫn là quá ít”. Con số có lúc là tuyệt đối nhưng có lúc chỉ là tương đối. Với Tổ Chính Tâm thì cái tâm chân chính ấy có lẽ cao hơn cả con số. Đó là lý do không chỉ tôi mà còn rất nhiều người Quảng Trị dành cho họ lòng kính trọng và tình cảm sâu xa.

Kết lại bài này, tôi nhớ đến một câu trong nhạc Trịnh Công Sơn, rằng: “Cần biết bao một tấm lòng”. Trong cơ chế thị trường, khi đã có không ít biểu hiện vô cảm, thậm chí mất nhân tính, điều đó càng cần. Tuy nhiên, cũng phải nói: Đã và đang có “một tấm lòng” như Tổ Phật tử Chính Tâm. Nếu lấy “thước đo” của Ăngghen: “Vẻ đẹp chân chính về bản chất không gắn với vụ lợi” thì đây là vẻ đẹp, thậm chí rất đẹp. Mà cái đẹp chân chính thì bao giờ cũng có sự tập hợp, thuyết phục, lan tỏa và khả năng sinh thành.

T.S.T 

 

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 220 tháng 01/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground