Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những mẫu chuyện trong gia đình ngoại

(Trích hồi ký)

1. CỐ NGỰ GIÁO LIÊM

Tôi lớn lên trong nhà bà ngoại, chưa biết mặt ông ngoại và chưa biết mặt cả ba tôi nữa.

Ông ngoại và ba tôi bị thực dân Pháp bắt. Ông bị kết án tử hình, sau xuống án tù chung thân đày đi biệt xứ. Ba tôi bị địch bắt giam ở nhà tù Buôn Mê Thuột. Mọi việc trong nhà đều do bà ngoại tôi lo liệu.

Hôm đám giỗ cố ngoại tôi là cố bà Phan Thị Đạm, trời mưa to gió lớn. Tôi thấy có một ông không già lắm, người đậm, trắng trẻo đẹp lắm, tôi chưa từng thấy. Dì tôi dội nước cho ông rửa chân. Chân ông trắng hồng, nõn nà như chân con gái. Tôi đứng lặng nhìn ông không rời mắt.

Tự nhiên ông xoa đầu tôi và bảo: "Chưa gặp cố bao giờ hè, hắn lạ cố nên nhìn hoài này! Bà ngoại ôm tôi và giới thiệu: Đây là "Cố Ngự Giáo Liêm" là cậu ruột của ông ngoại cháu. Vì chưa biết ông ngoại, tôi không hiểu gì, thầm thì vào tai bà tôi:

Đây là ông Ngự đi câu à? Chả là tôi nhớ câu bà hay ru:

“Chiều chiều ông Ngự ra câu

Cái bể cái chén cái bầu sau lưng”.

Bà tôi cười và bảo: Đây là Cố Ngự của nhà mình. Còn ông Ngự đi câu là của người ta.

Sau này lớn lên tôi mới biết Cố Ngự Giáo Liêm là Ngự sử trong triều nhà Nguyễn - là ông Phan Triệu Khanh mà lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản "Ông Phan Triệu Khanh đã phản đối nhà cầm quyền kết án những cựu chính trị phạm đến nhà ông, lấy cớ những người này đi không xin phép lý trưởng". Phan Triệu Khanh tuyên bố trước Viện Dân biểu: "Nếu nhà nước không ân xá cho mấy người bị án nói trên thì tôi xin từ chức Dân biểu để tạ cái lòng tín nhiệm của dân chúng đối với tôi, chứ không nỡ lòng nào ngồi yên để những người tín nhiệm mình, vì mình mà phải chịu trừng phạt"1. Cố Ngự Giáo Liêm là người ủng hộ cách mạng - cố là em ruột của cố bà Phan Thị Đạm, là cậu ruột của ông ngoại tôi. Sau này gặp ông ngoại, tôi mới thấy ông tôi giống Cố Ngự Giáo Liêm nhiều lắm.

2. BÀ HAI NGHỆ

Trong ngày giỗ cố ngoại, vừa gặp Cố Ngự Giáo Liêm, tôi gặp một bà sư nữ mặc áo nâu sòng đi cùng một cô cháu gái từ Vinh vào giỗ cố. Cả nhà mừng rỡ ai cũng hỏi han tíu tít. Tôi không quen nên đứng lặng gốc giường nhìn ra. Người trong nhà thì vui cười hớn hở còn bà sư thì chắp tay: "Mô Phật, Mô Phật" nước mắt chảy ròng ròng mà không nói câu nào?

Tôi thương bà ấy quá, dù tôi chưa hề quen biết - đầu bà trọc, đội mũ len nâu, mặt thanh tú trắng trẻo, bà đẹp như con gái. Tôi thấy bà bảo cô cháu gái soạn lễ vật ra để đặt lên bàn thờ, mấy dì ra phụ một tay. Nào là cau trầu, trái hồng ngâm, cam quýt,v.v... Chiều tối bà ở lại nhà bà ngoại tôi. Hai bà ngồi chuyện trò với nhau rất vui vẻ, có lúc cùng khóc, có lúc cùng cười. Tôi vẫn để ý bà sư, nhưng mấy lần bà choàng tay ôm tôi, tôi đều tránh ra vì còn lạ.

Mười bơn năm sau (1958), khi tôi học ở Trường miền nam số 6 Hải Phòng, ngày hè cậu tôi cho tôi về thăm bà Hai Nghệ ở chùa Diệc, Vinh, Nghệ An. Cậu cho tôi ở lại với bà một tuần, cậu bận việc phải ra Hà Nội ngay. Thời gian này cậu làm ở Công an quận i số 50 Hàng Trống bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cậu cho đi một tuần thôi nhưng tôi vẫn mang theo sách vở để học. Tôi luôn nhớ lời mẹ dặn: "Chiến tranh tàn phá hết rồi, ba mẹ không còn tài sản gì cho các con đâu, gắng học cho giỏi mai sau mài chữ ra mà sống...". Tôi quyết học để đem về cho ba mẹ tôi tấm bằng đại học và còn làm gương cho bốn đứa em tôi nữa. Lần đầu tiên tôi được ở chùa, cái không khí trong lành tĩnh lặng rất thích hợp cho việc học. Bà thấy tôi luôn cầm sách trong tay bà bảo: "Muốn học giỏi phải đi theo Bà". Bà dẫn tồi đi khắp chùa, lạy Phật và giới thiệu cho tôi từng Đức Phật. Tôi rất thích nghe bà kể chuyện về chùa và các Đức Phật. Đến bữa bà cho ăn cơm chay, có đậu phụ làm chao, lạc rang và rau luộc chấm nước tương.

Bà chỉ kể về Phật mà không kể về mình. Tôi không dám hỏi! Có ngờ đâu lần đầu tiên ở lại với bà cũng là lần cuối cùng. Năm 1959, "bà Hai Nghệ" qua đời... !

Mùa hè 1959, tôi về thắp nhang cho bà ở chùa và di vào Vĩnh Linh thăm cha mẹ. Thương bà Hai Nghệ mẹ tôi khóc nhiều lắm. Đêm hôm đó mẹ tôi mới kề cho tôi nghe về "bà Hai Nghệ".

Bà Hai Nghệ có tên là Phan Thị Quý, người Hưng Nguyên, Nghệ An. Thời kỳ ông tôi xa nhà ra dạy học ở Diễn Châu rồi Thanh Hoá, có một cô gái hay chăm sóc ông. Khi biết ông có người thương, bà ngoại tôi chủ động khăn gói ra tận Vinh để tìm hiểu và bàn với ông tôi: "ông đi xa, tôi bận việc nhà, con cái ruộng vườn, trai bạn không theo ông được. Tôi đồng ý kiếm cho ông người nâng khăn sửa túi lúc xa nhà. ông bà nhất trí ý định đó. Bà ngoại tôi trở về Quảng Trị chuẩn bị làm lễ cưới cho ông tôi, trong lễ cưới đó bà ngoại tôi tự đặt ra hai câu đối bằng chữ Hán, mẹ tôi có đọc cho tôi nghe nhưng tôi không nhớ được.

Hai bức hoành phi này nhờ ông Tú Đàn (bạn thân của ông tôi ở Bích Khê) viết chữ Hán rất đẹp và bà tôi đã đưa hai bức hoành phi này ra tặng gia đình bà Phan Thị Quý ở Hưng Nguyên.

Sau khi cưới vợ hai cho ông tôi, bà tôi cho mẹ tôi đi theo học với ông và ở với ông bà ngoài Diễn Châu - Đình Sò. Từ đó, trong nhà gọi bà là “bà Hai Nghệ”. Ông bà ở với nhau chưa đầy một năm, chưa có con thì ông trở về Quảng Trị để xây dựng phong trào cách mạng Quảng Trị rồi lập Hội Hưng nghiệp ở Quảng Trị.

Năm 1929, ông tôi bị tù. Bà buồn và để thủ tiết với chồng, bà đã đi tu Năm 1936, ông tôi được ra tù. Ông bà tôi và người em của "bà Hai Nghệ" đến chùa ở Nghệ An tìm bà. Cuộc gặp gỡ chỉ trong một buổi sáng, bà mời ông bà tôi và người em của bà dùng bữa cơm chay tại chùa. Bà từ chối không trở lại đời thường và không về Quảng Trị. "Đã gần mười năm ăn chay niệm Phật, ông đi tù, tôi đi tu. Chỉ khác nhau tôi được tự do, không bị tra tấn về thể xác, còn tâm hồn tôi còn cay đắng hơn cả ông. Bây giờ quen cảnh tu hành rồi, tôi không trở lại đời thường được nữa". Bà không mời ở lại. Ông bà tôi trở về Quảng Trị.

Năm 1939, ông tôi đã 47 tuổi, bà ngoại tôi là bà Lê Thị Hảo đã 49 tuổi đời Bà ngoại tôi dòng dõi Nhà Nho, bà thông minh và rất giỏi chữ Hán, tính tình hiền hậu, thương người. Thấy gia đình chỉ có một mụn con trai, cậu tôi hay đau ốm, òi ọp, bà tôi lại một lần nữa tìm vợ cho ông để kiếm thêm chút con trai. Bà tôi đã đi tìm một cô cháu gái gọi bà tôi là "bà cô" làm vợ lẽ cho ông tôi, là bà Lê Thị Dung người Hà Tây. Bà tôi cũng tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. Nhưng cưới xong chẳng được bao lâu ông lại bị bắt vào tù lần thứ hai và đày đi biệt xứ.

Lại một lần nữa, thêm một người phụ nữ thứ ba chờ đợi ông vô vọng! Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lao vào công tác và kháng chiến chống Pháp. Bà Dung cũng không có con với ông như lòng mong muốn của bà ngoại tôi và gia đình. Nhưng bà Dung lại trở thành đồng chí của ông hoạt động cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước. Bà vẫn ở vậy, sống cô đơn cùng với các cháu của bà ở Hà Tây cho đến ngày bà mất 19-7-2001 (29-5 năm Tân Tỵ).

Gia đình ông ngoại tôi là một gia đình lớn, có công danh và giàu có trong làng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi đến kháng chiến chống thực dân Pháp, giặc Mỹ xâm lược, gia đình ông bà không còn lại một thứ tài sản gì.

Hiện nay, còn một nhà bia tưởng niệm trong vườn cũ, những miếu mộ các thế hệ để lại trên xóm Động thuộc làng Tường Vân.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông còn lại với non sông đất nước. Tên ông được lưu danh ở một ngôi trường tỉnh từ lúc kháng chiến chống Pháp ở vùng chiến khu xưa tại Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị năm 1950, tới nay được phục hồi lại ở Cửa. Tên ông được lưu danh trên con đường Lê Thế Hiếu ở Đông Hà (Quảng Trị).

Cuộc đời ông có vậy, hy sinh tài sản, hạnh phúc gia đình, cả vợ con và tính mạng cho sự nghiệp cách mạng. Giờ đây đất nước đã thoát khỏi ách nô lệ, nước nhà được độc lập, thống nhất, toàn dân cơm no áo ấm, lớp đầu xanh tuổi trẻ được học hành. Chắc ở cõi vĩnh hằng ông cũng thoả lòng thoả dạ, vui mừng hoan hỉ lắm!

3. NHŨNG NGÀY NGẮN NGỦI BÊN ÔNG

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông thường ở thị xã Quảng Trị, ít khi ở nhà. Người được gần gũi là cô cháu gái lên 7 tuổi ông ở tù quá dài ngày nên rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên của gia đình nên ông rất đỗi yêu thương. Tối ông bồng lên ngủ bên ông trên giường nệm. Lần đầu tiên tôi biết thành phố có nhà lầu, có giường nệm, có phòng tắm đủ tiện nghi. Ông làm việc trên tỉnh, bà ngoại vẫn ở lại Tường Vân trông coi nhà cửa và người làm muối, làm ruộng.

Nơi ông làm việc có hai chú gọi là cần vụ và có bếp ăn của cơ quan rất đông người. Đến bữa, có người đưa cơm đến cho hai ông cháu nhưng ông thường ăn rất muộn. Ông làm việc rất khuya.

Sáng ông đến phòng làm việc sớm, việc tôi giúp được ông là bưng khay cau trầu đến cho ông khi ông thích ăn trầu. Ở với ông được ít hôm trên tỉnh thì tôi đòi về với bà. Tôi thích đi đò theo dì về Cửa Việt. Trong thời gian này tôi đã học thuộc lòng bài “Hịch Việt Minh” do ông sáng tác. Mỗi lần về nhà, tôi đều đọc cho ông nghe. ông lại thưởng đi tắm nước ngọt bên khe Am Hà Tây.

Có một hôm, trăng mùa thu sáng vằng vặc. Cả nhà ngồi ngoài sân, ông bảo: “Hà lấy khay trầu bên cạnh bàn thờ cho ông”. Tôi vội vào nhà trên tìm khay trầu. Trên bàn thờ có ánh sáng đong đưa lúc mờ lúc sáng. Tôi sợ ma hét toáng lên, khay trầu đổ tung không còn một miếng. Cả nhà chạy vào, bà ôm tôi vào lòng vì tôi còn run, hoảng hết. Ai cũng cười và trêu: “Con gái xứ Cùa nhát gan rứa!”. Bà bảo “ánh trăng đó sợ chi”! Tôi vẫn không hiểu. Sáng hôm sau ông dẫn tôi vào nhà trên và giải thích: “Phía góc nhà trên, ông có đặt một tấm kính to thay cho hai miếng ngói, mục đích lấy ánh sáng vào nhà. Ban ngày có ánh nắng chiến vào! Còn lúc sáng lúc mờ là vì sau nhà có cây mít, gió đưa cành cây mít che miếng kính thì tối và cành cây mít không che thì sáng... hiểu chưa cô gái Cùa?". Từ đó tôi mới biết trên mái nhà ông có tấm kính. Nhân hôm đó ông tặng tôi hai câu thơ vui:

“Chàng nhang báo cáo ma rà

Sơn Nam có một o Hà nhát hung

Chàng nhang báo cáo ma rà

Ông Duệ chùi súng, bà Nga nổi khùng”

Ông ngoại cho ba tôi khẩu súng hai nòng dùng để tự vệ vì xứ Cùa rất nhiều thú rừng, cọp dữ. Ba tôi lại bắn rất giỏi, ông đã bắn được ba con cọp dữ ở vùng này. Nhưng mẹ tôi không đồng tình, chỉ muốn dùng súng tự vệ thôi, đừng sát sinh.

Thời kỳ sau khởi nghĩa ba tôi làm Trưởng ban Tư pháp huyện Cam Lộ. Nhưng khi vỡ mặt trận, ba tôi được điều về làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Cam Lộc (Cam Chính và Cam Nghĩa bây giờ). Lúc này chiến khu tập trung nhiều bộ đội, cán bộ cơ quan. Ba tôi bận rộn nhiều việc lắm, ít khi có nhà.

Cuối năm 1945, ông bà tôi cưới vợ cho cậu tôi là Lê Thế Tế, cùng mợ là Trần Thị +Ôn (người Thành Hội, xã Triệu Vân). Lễ cưới cậu tôi để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Hôm đó trời lạnh mà không mưa, ông tôi trông bộ đồ sang trọng mặc áo khoác dạ màu xanh đậm dài tận gối, đội mũ phớt. Bà cho tôi mặc áo len trắng. Ông ra sân và vẫy gọi tôi: "Hà mau lên nào!". Ông lên ngựa, cậu Toản (cháu bà tôi người Hà Tây) bồng tôi lên ngồi vào lòng ông rồi cậu dắt ngựa đi bộ lững thững, ung dung. Ngồi với ông trên lưng con ngựa màu trắng rất đẹp lại có câu Toản đi bên cạnh, tôi rất bình tâm không sợ gì hết. Tôi nói: "Con ngựa này đi chậm như con bò, hình như nó không chạy được". Ông tôi bảo: "Đi chậm để còn chờ bà con".

Hôm đó bà ngoại ở nhà, ông cháu tôi và cậu Toản đi trước vì đường xa hơn, còn đằng sau nhiều bà con phải qua đò rồi cùng đi. Ông giải thích cho tôi vì sao con ngựa đi chậm như con bò rồi ông hỏi: "Ông đố Hà: Nàng Mị Châu ngồi trên ngựa với vua cha, ngồi trước hay ngồi sau?".

Ông đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện như: Thánh Gióng, Tấm Cám, Trầu Cau, Mị Châu - Trọng Thuỷ và cả nàng Kiều, v.v.. Tôi nghĩ một lúc rồi nói: Nàng Mị Châu lớn hơn cháu nên phải ngồi sau. Nhưng cháu không dại như nàng Mị Châu chỉ đường cho giặc bắt vua cha đâu !

Ông tôi vui lắm, hôn lên trán tôi và nói: "Hà của ông giỏi lắm, làm Cách mạng phải giữ bí mật chứ nhỉ". Mãi chuyện trò ông cháu tôi đã đến nhà cô dâu. Khi xuống ngựa tôi mới biết: quãng đường dài toàn đi trên cát trắng, đường cát, vườn cát, phi lao trồng trên cát... đám cưới đơn sơ và ấm cúng, chiều về có thêm cô dâu rất đẹp.

Sau lần đám cưới cậu tôi, ông lại lên tỉnh và rất lâu tôi không gặp lại. Năm 1946, tôi không được gặp ông. Mẹ tôi bảo: "Ông đắc cử Đại biểu Quốc hội, ông đi Hà Nội rồi". Tôi mong nhớ ông lắm và ước gì được đi ngựa với ông !

Đầu năm 1947, ông có về thăm gia đình tôi ở Sơn Nam và ở lại vài hôm. Tôi nhổ tóc bạc cho ông và nói:- ông cho cháu về mẹ ngoại với. ông bảo: "Lần này không được, ông phải đi công tác. ông ở lại Sơn Nam ngày thứ hai thì gặp một trận giặc càn. Cả làng chạy tán loạn vào rừng, ông cũng dắt tôi chạy, mẹ và em tôi chạy trước rồi. Khi thấy súng bắn quá gần ông kẻo tôi ngồi vào bụi lau lách rậm và dặn đừng sợ, có ông đây! Tôi lại buồn khóc vì sợ quá, tôi thấy mợ Lũi chạy bên cạnh, tôi nói với ông: ông ngồi trong bụi này, cháu chạy theo mợ Lũi đi chỗ khác, tôi không kịp nói gì nhưng trong lòng sợ mình khóc thì giặc bắt ông mất. Cứ thế tôi chạy theo mợ Lũi và dân làng còn ông tôi nằm lại trong bụi lách ấy (dân làng nói có bọn Việt gian chỉ điểm). Bọn giặc la ó, bắn gẫy cây cối lau lách trong rừng đạp lau lách vượt qua cái khe rộng mà làng tôi gọi là "Rào". Từ đó chúng qua làng Minh Hương vào chợ Cùa.

Chiều về nhà, tôi ôm cổ ông mà khóc và nói ông đừng đi nữa, đi đâu cũng nhiều giặc nó bắt ông mất. Ông tôi bảo: "Ông lớn rồi giặc không bắt được ông đâu. Ông đi làm việc mai mốt ông về...". Như để dỗ tôi, ông rút ví ra cho tôi tấm hình và dặn: "Khi nào nhớ ông thì lấy tấm hình này ra gọi: Ông ơi! Thế là đỡ nhớ thôi...". Lần đầu tiên tôi thấy tấm hình, tôi quý vô cùng, cất đâu cũng sợ mất. Tôi lấy mấy tờ giấy trong vở học xếp lại đóng thành quyển sổ nhỏ rồi dán hình ông vào và cất kỹ, đi đâu cũng mang theo. Có ngờ đâu lần đó lại là lần cuối cùng vĩnh biệt ông và tấm hình này đã là kỷ vật thiêng liêng vô giá về sau cho gia đình chúng tôi.

Biết tin ông đã hy sinh rất anh dũng ngày 1 tháng 4 năm Đinh Hợi (1947) tại Gia Đẳng, huyện Triệu Phong, cả gia đình tôi bàng hoàng đau xót vô hạn. Sau khi ông tôi mất, cậu mợ tôi đưa cả gia đình lên Sơn Nam ở với ba mẹ tôi. Bà tôi mang theo một em bé trai 9 tháng tuổi, con dì tôi là Lê Thị Diệu Tỉ (đã qua đời) và dượng là Nguyễn Hữu Khiếu đang công tác xa. Em sinh ra ở thị xã Quảng Trị, được ông đặt tên là Nguyễn Hữu Dụng.

Cả gia đình tôi đang sống trong sự mất mát tang tóc thì địch tiến hành một trận càn khác vào vùng Cùa. Làng Sơn Nam là làng đầu tiên chúng đi qua. Lần này, thanh niên, phụ lão làng tôi bị bắt mấy người cùng những thanh niên các vùng khác. Chúng trói lại thành một chuỗi dắt đến dốc xuống giếng Khe Đo xếp hàng ngồi và bắn chết hết người chết nghiêng ngả mà tay vẫn bị trói xâu lại với nhau. Mợ tôi cũng bị chúng bắn chết trong trận càn đó khi đang mang thai. Cả gia đình tôi tản cư vào rừng sâu cùng bà con làng xóm. Ba và cậu tôi đi công tác vắng.

Giặc càn đi quét lại đất xứ Cùa rất ác liệt, vì ở đây có bộ đội đóng quân, có cán bộ hoạt động. Sau những trận càn và bắn phá của giặc, vùng Cùa của chúng tôi lại nhộn nhịp đông vui, rộn ràng lời ca tiếng hát.

Đến năm 1950, xứ Cùa vui hẳn lên do Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị đã mở Trường cấp II mang tên Trường cấp II Lê Thế Hiếu ở Cùa. Học sinh từ đồng bằng, vùng tạm chiếm đều đến học, kể cả con em Quảng Trị ra Nghệ Tĩnh cũng trở về học ở Cùa. Được đi học trường Lê Thế Hiếu ở Đình Mai Đàn là những ngày hạnh phúc thời thở ấu của chúng tôi.

N.T.B.H

 

 

Nguyễn Thị Bích Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground