Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phục hồi và phát huy di tích chiến tranh góp phần làm giàu cho Quảng Trị

C

húng tôi rất vui mừng được cùng Bộ Quốc phòng tham gia với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo Du lịch Quảng Trị với chủ đề “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” tại đây hôm nay.

Đây là lần thứ hai trong vòng đúng một năm tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo về du lịch.

Lần trước là du lịch Quảng Trị với “Nhịp cầu xuyên Á”, bàn về phát triển du lịch rất toàn diện, có tính liên vùng, liên quốc gia với sự tham gia của đại biểu đến từ năm nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc. Hội thảo đã rất thành công, có tiếng vang trong ngành du lịch, trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Qua theo dõi chúng tôi thấy lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều việc trên cơ sở kết quả của hội thảo và những vấn đề hội thảo đặt ra

Lần này, tỉnh Quảng Trị có sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ Quốc phòng, của Tổng cục du lịch chủ trì hội thảo, đi sâu hơn vào một chủ đề rất quan trọng của du lịch Quảng Trị là Du lịch thăm lại chiến trường xưa.

Lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, chúng tôi xin hoan nghênh, đánh giá cao và cám ơn Bộ Quốc phòng; Thượng tướng thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch; các tướng lĩnh quân đội; Các bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm đến Du lịch Quảng Trị và Du lịch Việt Nam.

Tôi mới đi công tác về chưa kịp chuẩn bị bài phát biểu, trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi xin khắc họa một số nét mà dưới giác độ du lịch, chúng tôi cho là quan trọng và tâm đắc.

Trước hết, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo ngành du lịch bày tỏ sự kính phục và lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân đội nhân dân việt nam anh hùng, trong suốt 20 năm ròng rã, chiến đấu, hy sinh gian khổ trên tuyến lửa Quảng Trị, trong cuộc đương đầu nghiệt ngã với quân thù, lập nên chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh, để lại một Quảng Trị - bảo tàng sống với một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ, độc đáo, mật độ giày đặc tới gần năm trăm di tích đã được kiểm kê, đánh giá , xếp hạng.

Chúng tôi nhất trí cao với cách đặt vấn đề của đồng chí chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Phúc, phát biểu của Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, của Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội và nhiều bản tham luận tại hội thảo chuyên đề về Du lịch thăm lại chiến trường xưa vào dịp rất có ý nghĩa này- nhân ngày 27-7, ngày Thương binh liệt sĩ.

Phương thức thiết thực nhất để bày tỏ lòng biết ơn, đền đáp những mất mát hy sinh của nhân dân, đồng đội là phục hồi, bảo tồn và phát huy những di tích chiến tranh nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, và đưa di tích thành điểm tham quan, nghiên cứu lịch sử, tìm hiểu nghệ thuật chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, cho đồng bào trong nước và nhân dân bốn phương, phát triển du lịch, làm giàu cho Quảng Trị đã quá nhiều mất mát đau thương mà hiện đang nghèo khó.

Hai mục đích giáo dục truyền thống và thu hút khách đến thăm thống nhất làm một. Nếu di tích không có sức hút khách, nếu một năm Quảng Trị chỉ dừng ở một vài trăm nghìn khách đến, thì phạm vi, đối tượng giáo dục truyền thống sẽ bị hạn chế, mục tiêu làm giàu Quảng Trị cũng khó thực hiện. Vì vậy, theo tôi tính hướng đích của chủ đề hội thảo hôm nay là thu hút khách đến du lịch, tìm hiểu văn hóa lịch sử qua các di tích chiến tranh cách mạng Quảng Trị cần được tập trung làm rõ và có những giải pháp cụ thể để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, đích thực.

Hiện nay, du lịch Quảng Trị mỗi năm đón được 200.000 du khách, trong đó có 40.000 khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng đạt 10-15% năm. Đó là kết quả đáng ghi nhận. Song so với 80 triệu dân cả nước, 15 triệu người đi du lịch hàng năm, so với tổng số trên 3 triệu khách quốc tế đã đến Việt Nam mỗi năm, thì con số đó còn quá nhỏ bé. Khách đến ít thì ta bảo tồn, tôn tạo di tích cho ai xem, ai nghiên cứu, học tập, chiêm ngưỡng. Và với lượng khách như hiện nay, chất lượng dich vụ lại thấp, khách đến trong ngày, không ở lại, không có gì để họ chi tiền, thì Quảng Trị không thể giàu lên từ du lịch được.

Vì vậy, bài toán đặt ra là bỏ tiền của, công sức đầu tư phục hồi di tích phải thu hút được hiều khách đến, phải có hiệu quả cả tinh thần và vật chất để làm giàu cho mảnh đất mà bao xương máu của nhân dân, chiến sĩ đã đổ xuống mới giữ gìn được.

Mục tiêu ấy theo chúng tôi, hoàn toàn có thể đạt được. Quảng Trị cần thiết và có thể đặt ra chỉ tiêu trong những năm sắp tới, có số khách, cả trong nước và quốc tế, đến du lịch tăng gấp năm bảy lần. Phải tính đến hàng vài triệu đồng bào trong nước đến thăm di tích, hàng vài trăm nghìn, và hơn thế nữa, khách quốc tế đến Quảng Trị. Điều này là có cơ sở, không phải là ý muốn chủ quan. Ta đang trong tiến trình hội nhập và mở cửa. Việt Nam là đất nước hòa  bình, ổn định. Vị thế của đất nước đang lên. Việt Nam sắp gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Quan hệ Việt – Mỹ đã sau 10 năm thiết lập đang có chiều hướng phát triển. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất thành công. Sang năm, Tổng thống Buss sẽ thăm Việt Nam. Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC 21…. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đó, bên cạnh thách thức là thời cơ, là cơ hội cần nắm bắt và đáp ứng, rất khác trước cả cách nghĩ và cách làm, là cơ sở để ta đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ lớn hơn. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam với chiến lược phát triển đã rõ, qui hoạch phát triển dài hạn đã được hoạch định, luật Du lịch đã được ban hành, Chương trình hành động Quốc gia về du lịch đang được triển khai có hiệu quả, sẽ thu hút gấp đôi lượng khách đến trong 5 năm tới. Năm 2010, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ là 6 -7 triệu, khách trong nước sẽ là 25 triệu lượt người. Không lý do gì mà Quảng Trị không đón được hàng triệu trong số 30 triệu khách đó.

Để giải bài toán này, theo chúng tôi, có ít nhất bốn việc phải làm, đó là: Cần một kịch bản tốt – tức là có định hướng, có qui hoạch đúng và phù hợp để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch cụ thể, đặc thù, riêng có của Quảng Trị; Một lộ trình phù hợp - trên cơ sở qui hoạch đã rõ, thì đầu tư vào đâu, lúc nào, có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm, cuốn chiếu để khai thác được ngay có hiệu quả, khai thác mà bảo tồn được, phát triển nhanh mà bền vững; Một sự phối hợp liên ngành mà chặt chẽ, ngay từ đầu giữa Văn hóa - Quốc phòng và Du lịch trong việc tái tạo, bảo tồn và khai thác di tích trên cơ sở tôn trọng lịch sử, có hàm lượng văn hóa cao và bảo đảm tính hướng đích là hấp dẫn khách du lịch. Cuối cùng, yếu tố quyết định là một kế hoạch hành động ráo riết, cụ thể của UBND tỉnh, thu hút được các ngành, các cấp, cả cộng đồng, phối hợp với các tỉnh trong vùng vào phát triển du lịch, bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường.

Quảng Trị còn nhiều khó khăn, song theo tôi, để phát triển không nên xoay vào giải quyết trực tiếp khó khăn mà cần tìm cách khai thác lợi thế, tiềm năng phong phú và độc đáo riêng có của mình. Lợi thế lớn hất của Quảng Trị là một thương hiệu đã rất nổi tiếng trong nước và quốc tế với vĩ tuyến 17- sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, hàng rào điện tử Mc. Namara, Đường Chín, Khe Sanh, Tà Cơn, làng hầm Vịnh Mốc, Cửa Tùng, Cồn Cỏ, Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Tòa thánh La Vang và hàng loạt di tích chiến tranh với những trang sử đã thành huyền thoại, tâm linh. Quảng Trị là đầu mối, điểm giao lưu, nhịp cầu quốc tế trên trục hành lang Đông - Tây, con đường xuyên Á với cửa khẩu Lao Bảo - cửa ngõ thu hút khách Đông Dương, Đông Bắc Thái Lan, Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, khách nước thứ 3 đã vào tiểu vùng đến Việt Nam. Quảng Trị nằm giữa những con đường du lịch nổi tiếng như Con đường Di sản miền Trung, Con đường huyền thoại. Miền Trung đang được quảng bá như một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam với mật độ các di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Quảng Trị cần thiết và có thể trở thành điểm thu hút nhiều khách đến, giữ chân khách ở lại lâu, tiêu nhiều tiền. Nếu không có định hướng đúng và cách làm phù hợp thì Quảng Trị dễ có thể là nhịp cầu đi qua. Đường càng tốt khách qua càng nhanh, nằm giữa mà mất chăn, sẽ không tận dụng được ưu thế. Quảng Trị còn nổi trội bởi bãi tắm Cửa Việt, Cửa Tùng. Cần có biện pháp kịp thời để cứa lấy Cửa Tùng, trả lại cho Cửa Tùng thương hiệu “Nữ hoàng của các bãi biển”. Có biện pháp dừng ngay xu hướng chia nhỏ, cắt vụn, tiểu chủ hóa bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt hiện nay để Quảng Trị có những khu nghỉ biển qui mô, có chất lượng, có khả năng thu hút khách đến đông, ở lại dài ngày. Biển Quảng Trị sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách Lào, khách Thái lan và 4 triệu khách nước thứ 3 đã vào Đông Bắc Thái Lan sang Việt Nam nghỉ biển, vì họ đến Cửa Tùng gần hơn đến các bãi biển Thái Lan một nửa đường. Ba loại hình đặc thù của Quảng Trị cần gắn với nhau như một. Khách đến Quảng Trị thăm chiến trường xưa, đi du lịch văn hóa – tâm linh và nghỉ biển.

Tỉnh Quảng Trị đang có kế hoạch xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch. Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng này. Hôm qua tôi có ra thăm đảo. Cồn Cỏ là một huyện đảo quá đẹp để trở thành một khu du lịch đặc thù. Với diện tích 2,5km2 lúc triều cường, 4km2 lúc triều cạn, là qui mô thích hợp để xây dựng khu Resort, khu nghỉ biển lý tưởng. Cán bộ chiến sĩ trên đảo đã có ý thức giữ gìn rất tốt màu xanh, môi trường sinh thái. Hãy giữ nguyên trạng và tác động thật cẩn thận vào thiên nhiên, vào môi trường Cồn Cỏ. Quá trình dân sự hóa, kết hợp kinh tế với quốc phòng đang diễn ra ở trên đảo. Đề nghị Quảng Trị nên xác định kinh tế Cồn Cỏ là kinh tế du lịch. Dân sự hóa đảo cần từng bước, gắn liền với tiến độ phát triển du lịch ở đây. Dân ra đảo là người lao động có văn hóa, có nghề dịch vụ du lịch. Định hướng phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ là du lịch nghỉ biển, cảnh quan sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Lịch sử của một đảo nhỏ, hai lần anh hùng, có những câu chuyện thật như huyền thoại của những người lính trẻ, bị thương đứt bảy đoạn ruột vẫn chiến đấu,vẫn bò xuyên đảo và được cứu sống trong vòng tay đồng đội. Kết hợp nghỉ dưỡng với các loại hình du lịch thể thao trên mặt biển, lặn biển, đi thuyền kính xem san hô, san hô dày, có màu đỏ liền kề quanh đảo. Nghỉ dưỡng ở đảo Cồn Cỏ phải khác hẳn với nghỉ ở các khu du lịch trên bờ. Phải tạo ra, giữ lấy một không gian tĩnh lặng cho du khách đắm mình trong tự nhiên, giao lưu với thiên nhiên. Phải biến Cồn Cỏ, dù sau này đã đông khách, thành một thế giới thanh bình, tĩnh lặng, con người và thiên nhiên hòa đồng, thiên nhiên là chủ thể. Một Cồn Cỏ không tiếng ồn, không ô nhiễm, không tệ nạn. Một Cồn Cỏ không công nghiệp, không chế biến, không bê tông hóa, không nhà cao tầng mà đầy đủ dịch vụ: ăn nghỉ, vui chơi, mua sắm trong các lùm cây. Khách đi bộ, đi xe ngựa, quá lắm là đi xe điện - kiểu xe nhỏ đi trong sân golf, không tiếng động, không khói. Tôi chắc làm được như thế, Cồn Cỏ sẽ rất đông khách. Tương tự như vậy là cách nghĩ, cách đầu tư phục hồi các di tích chiến tranh. Ngành du lịch rất mừng khi được biết Bộ Quốc phòng đã bắt tay vào dự án khôi phục hàng rào điện tử Mc. Namara. Hy vọng dự án sẽ triển khai thuận lợi, hiệu quả, sẽ hấp dẫn khách du lịch, không mắc phải những khuyết tật của các dự án trùng tu, phục hồi các di tích khác. Tôi đi Tà Cơn, không nhận ra Tà Cơn của 10 năm trước. Rất tiếc là sau khi phục hồi, tôn tạo Tà Cơn không còn hấp dẫn khách du lịch như trước nữa. Quảng Trị đã rất công phu xây dựng bảo tàng. Song trong một cự ly không xa, nội dung trưng bày nhiều điểm trùng lặp vỏ đạn, kẽm gai…được tập trung vào một chỗ, bài trí giống nhau. Khách du lịch không muốn như vậy. Người ta muốn trải nghiệm, suy ngẫm trước những di tích như nó vốn có (ngay cả khi được tạo dựng lại). Đến chiến trường xưa, không phải xem bảo tàng mà du khách muốn sờ mó được di tích chiến tranh, sở hữu được (hoặc mua hoặc tặng hoặc tìm kiếm được) một mẫu kẽm gai, chiếc bật lửa, mảnh vỏ đạn để trải nghiệm, lưu niệm.

Trong lĩnh vực đầu tư phục hồi, bảo vệ di tích này, một mặt vừa cần có qui hoạch tổng thể, từng cụm, từng điểm để có bước đi đầu tư tập trung, cuốn chiếu, sử dụng được ngay, vừa cần có một sự phối hợp liên ngành. Tỉnh là đầu mối thích hợp nhất hiện nay, để Quốc phòng, Văn hóa, Du lịch, gắn với nhau trong việc tham gia xây dựng, thẩm định, giám sát triển khai dự án. Du lịch không giỏi giang, giàu có gì nhưng nắm được sở thích, thị hiếu của hàng triệu du khách đủ loại, nên có thể tham gia được ít nhiều. Đã từng có thực tế không đầu tư thì còn hấp dẫn, đầu tư, phục hồi rồi không mấy khách đến thăm. Tôi muốn ở Quảng Trị không mắc phải tình trạng như vậy. Mỗi một di tích, mỗi điểm du lịch cần có định hướng đầu tư chính xác, tạo ra một sản phẩm đặc thù, có các loại hình dịch vụ phù hợp để thu hút khách, như cách đã bàn về Cồn Cỏ ở trên.

Trong khi chưa có tiền, chưa triển khai các dự án đầu tư, thì Quảng Trị cũng có thể bảo vệ và khai thác tốt hơn các di tích, sản phẩm đã có để có thể tăng ngay số lượng khách đến, nâng chất lượng, hiệu quả doanh thu du lịch gấp đôi ba lần, nếu lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, có biện pháp cụ thể. Tour du lịch MDZ là một ví dụ. Các di tích chiến tranh, chiến trường xưa, khu phi quân sự là thuộc Quảng Trị mà lữ hành gom khách, đưa khách đến lại lệ thuộc hoàn toàn vào du lịch Huế. Hãng lữ hành Quảng Trị đã yếu lại chia làm ba, ngồi nhàn chờ khách đến nối tuor, cạnh tranh hạ giá nhau trên sân nhà. Giá tour là 25 USD/khách nay chỉ còn 7USD/khách. 7USD bao gồm cả ăn sáng, ô tô, hướng dẫn, vé vào cửa thì không tài nào bảo đảm chất lượng được. Xe không ra xe. Ăn sáng không ra ăn. Hướng dẫn qua quýt. Khách đến hy vọng rồi lại thất vọng, mong xong ngày để quay về Huế nghỉ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm méo mó hình ảnh du lịch Quảng Trị, khách sẽ giảm, du lịch sẽ thất thu. Vấn đề có thể giải quyết được nếu hai tỉnh ngồi lại bàn, thiết lập trật tự, có các biện pháp cụ thể, từ việc quảng bá hình ảnh, liên kết với các hãng lữ hành từ 2 đầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để đưa DMZ vào chương trình tour, thu hút từ thị trường nước ngoài, đến việc thu gom khách đi lẻ đã vào các tỉnh lân cận đến Quảng Trị, định chuẩn các khâu dịch vụ, không đưa các phương tiện vận chuyển, nhà hàng không đủ tiêu chuẩn tối thiểu vào dây chuyền phục vụ khách, không để hướng dẫn viên không đủ trình độ, không thạo tiếng, không am hiểu lịch sử, di tích tham gia hướng dẫn khách, cần thu hút nhân chứng lịch sử, đồng bào địa phương, cựu chiến binh tham gia hướng dẫn khách, giao tiếp khách… Năng cao chất lượng tour du lịch, sẽ nâng được mức giá. Giá cả phù hợp với giá trị. Chỉ có như thế khách mới hài lòng, sẽ đến nhiều hơn, ở lại tiêu tiền nhiều hơn. Thu nhập từ du lịch Quảng Trị sẽ tăng lên.

Còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt. Quảng Trị đã anh hùng lập nên những chiến công vang dội trong kháng chiến, hy vọng rằng Quảng Trị sẽ lập nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu đẹp quê hương, trong đó kinh tế Du lịch đóng vai trò quan trọng.

“Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau”

P.T

Phạm Từ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 132 tháng 09/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground