Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Quốc sách hàng đầu" nhìn từ phong trào quần chúng

T

rong chiến lược đổi mới và tăng tốc của đất nước, cùng với khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo được xác định là “quốc sách hàng đầu”. Có nhiều cách tiếp cận ý tưởng này trong đó có một cách là tổ chức được phong trào quần chúng hưởng ứng và thực thi “quốc sách” này.

Người xưa đã tổng kết chí lý rằng: “Thiên hạ chi bản tại quốc. Quốc chi bản tại gia. Gia chi bản tại thân” (nghĩa là: Gốc của mọi người là ở nước. Gốc của nước là ở gia đình. Gốc của gia đình là ở mỗi thành viên).

Như vậy, để thực hiện giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, chủ trương đó phải trở thành “gia sách”, “tộc sách” và sự lựa chọn ưu tiên của mỗi cá nhân.

Ý tưởng đó đã được cụ thể hóa bằng phong trào đã được cả nước đồng tình hưởng ứng và sự thực là đã trở thành một phong trào quần chúng vừa rộng vừa sâu. Nếu như tháng 12/2004 cả nước có 1.500.000 gia đình và 1.000 dòng họ đăng ký phấn đấu thì đến tháng 10/2007 đã có 4.000.000 gia đình và 30.000 dòng họ đăng ký (đã có 1.500.000 gia đình và 16.000 dòng họ được công nhận đạt chuẩn). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá:“Đây là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đầy hương sắc của XHHT đang từng bước được xây dựng ở nước ta”. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét: “Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đời nào cũng có những gia đình vẻ vang, dòng họ vinh hiển nhờ vào sự học” và mong rằng ngày nay phải “ngày càng đông đảo hơn”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Học tập liên tục, học tập suốt đời là con đường duy nhất đúng để phát triển” và kêu gọi “mỗi gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học phải là một hạt nhân trong cuộc vận động xây dựng cả nước thành XHHT”.

Vươn mình đi lên cùng cả nước, tỉnh chúng ta đã có được những thành quả đáng tự hào. Như chúng ta đã biết:

Quảng Trị là một tỉnh đã phải chịu nhiều thách thức ngặt nghèo trong tiến trình lịch sử bởi sự xáo trộn, chia cắt, bởi binh đao khói lửa chiến tranh và bởi thiên tai nặng nề. Nếu “còn da lông mọc- còn chồi nảy cây” là ý chí để thích ứng thì sự học đã được coi trọng như một cách thức để phát triển. Cách đây 505 năm (1502), trong điều kiện thật vô cùng khó, sự thành công vẻ vang của ông Bùi Dục Tài, “đột phá khai khoa” trở thành “niềm tự hào không chỉ xứ Châu Ô mà là toàn bộ xứ đàng trong” đã là một minh chứng. Nghiên cứu hàng trăm hương ước của các làng quê Quảng Trị, ta biết rằng: Cách đây hơn 400 năm, người dân quê Quảng Trị đã coi trọng sự học đến mức nào khi xây dựng quy chế “học điền” và vinh danh những người đỗ đại khoa. Trong thời hiện đại, các nhà chính trị, các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các nghệ sỹ lớn… Quảng Trị đều đã học trong điều kiện đầy khó khăn để trở thành những tài năng xuất chúng, đóng góp xứng đáng cho đất nước, quê hương. Bước vào thời kỳ xây dựng XHHT, phong trào học tập trên quê hương ta đã có những chuyển động thật sự đáng mừng. Nếu việc học trước hết phải bắt đầu từ mỗi cá nhân thì điều đáng mừng trước hết là những gương sáng đam mê, vượt khó trong học tập đã xuất hiện khá phổ biến trên tỉnh ta. Trong hàng ngũ viên chức, trong 5 năm qua đã có 7 học vị tiến sĩ, 70 bằng thạc sĩ và hàng trăm bằng cử nhân đã được cấp cho những tấm gương ý chí và cầu tiến đó. Xúc động và tự hào biết bao khi những con em mồ côi, tật nguyền, thiếu thốn mọi bề do nghèo khó mà vẫn đạt thủ khoa, á khoa trong kỳ thi vào đại học. Câu chuyện của một học sinh người dân tộc, bị teo cả 2 chân từ 3 tuổi, đi bằng 2 tay, vẫn trèo đèo, lội suối đi học và đã giành được tấm bằng cao đẳng tin học. Rồi chuyện một học sinh rất nghèo thi vào 2 trường đại học lớn nhất nước được 27 điểm nhưng không có tiền nhập học, vui vẽ để làm phụ thợ nề để năm sau lại thi với điểm rất cao vào đại học. Rồi nữa là chuyện một học sinh nghèo đến mức không mua được sách giáo khoa phải học nhờ sách của bạn mà thi đại học đỗ 29 điểm. Đặc biệt là câu chuyện của gia đình Trần Thị Kim Oanh- bố mẹ chết khi 3 chị em đều còn bé, ngỡ rằng có một cách nào đó để tồn tại đã là quý, thế mà với sự cưu mang của cộng đồng và sự nỗ lực của chính họ, chị đầu đã học xong đang dạy Đại học, một chị đã học xong về làm việc tại Trung tâm y tế huyện và Kim Oanh đang là sinh viên năm thứ 4 khoa công nghệ thông tin (kết quả năm thứ 3 chỉ có 3 môn 9 còn tất cả đều 10)… Đó là những câu chuyện thật đã làm xúc động biết bao người. Tỉnh ta với dân số ít lại còn nghèo nhưng 3 năm gần đây mỗi năm học sinh đạt giải quốc gia 40-52 em mà hầu hết là học sinh nghèo là điều thật đáng quý. Trong 5 năm, Hội Khuyến học tổ chức “tiếp sức đến trường” cho 444 sinh viên nghèo khó nhất nhập học đại học thì đã có 70% em học khá giỏi, 7 em được kết nạp Đảng khi đang học, 3 em được đào tạo tiếp ở nước ngoài… Có thể nói: Ở mức độ khác nhau nhưng đó điều là những gương sáng thật đáng trân trọng và thật có ý nghĩa. Đó vừa là minh chứng về sự tăng trưởng của nhu cầu học vừa là tấm gương kích thích, cổ vũ cho sự học của mọi người.

Tiếp sau sự nỗ lực của chính mỗi người là vai trò của tổ ấm gia đình. Bác Hồ đã từng nói đến “gia đình học hiệu” (giáo dục gia đình) và quả thật “trường nhà” có vị trí thật to lớn. Bác dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội… gia đình tốt xã hội mới tốt”. Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, viết “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách”. Với “tổ ấm” này, từ thai nhi, rồi qua tuổi mầm non, đến suốt đời mỗi con người được khôn lớn, chính cha mẹ là người thầy đầu tiên. Với tình cảm yêu thương, nền nếp gia phong, những dạy bảo ân tình đến việc tạo mọi điều kiện về vật chất và khích lệ về tinh thần mà mỗi người trưởng thành. Vị trí to lớn của “gia đình học hiệu” làm cho cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học có một tầm quan trọng rõ rệt trong việc xây dựng XHHT. Tỉnh chúng ta đi lên khi với gần 29% hộ nghèo. Hướng các gia đình vào sự học lại càng có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển. Với truyền thống hiếu học, cuộc vận động lớn này đã được nhân dân tỉnh ta ủng hộ ngay từ đầu. Con số đăng ký cũng như con số được công nhận sau mỗi năm một lớn dần. Đến cuối năm 2007 đã có 60.854 gia đình đăng ký và đã có 27.239 gia đình được công nhận đạt chuẩn (đạt hơn 20% tổng số hộ, có huyện đạt tỉ lệ rất cao như Vĩnh Linh: 40% tổng số hộ). Điều rất đáng mừng là không chỉ ở miền xuôi mà nhiều gia đình bà con Pacô, Vân kiều cũng đã nhiệt tình tham gia; không phải chí có một số gia đình có điều kiện về vật chất mà nhiều gia đình thuộc hộ nghèo đã được công nhận. Huyện miền núi Hướng Hóa còn nâng lên với danh hiệu gia đình tú tài và gia đình cử nhân. Chỉ riêng việc một số gia đình dân tộc Pacô, Vân kiều được công nhận gia đình cử nhân (tức 100% thành viên có trình độ đại học) đã là một sự kiện đầy ý nghĩa. Đây không đơn giản là một nguyện vọng tốt đẹp mà trong thực tế là một chuỗi ngày dài phấn đấu cam go và đầy hy sinh của những người làm cha, làm mẹ. Đó là hình ảnh người mẹ với một gánh nước chè xanh, tần tảo nuôi 6 người con học thạc sỹ và cử nhân ở thị xã Quảng Trị. Đó là hình ảnh người mẹ không còn đôi chân, tận tụy làm hương thắp chỉ hơn 10.000đ/ngày vẫn lo cho con cái học giỏi ở Đông Hà. Đó cũng là những người mẹ ở Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa, Cam Lộ, Hải Lăng, Vĩnh Linh… dù chồng không còn, một mình bất chấp mưa nắng, nhọc nhằn nuôi lớn những học sinh giỏi. Chính từ “cái nôi” này mà vấn đề số lượng cũng như chất lượng của trường học được phối hợp để xử lý cụ thể.

Điểm mới chính là: Không chỉ lo cho con cái học mà cha mẹ cũng cố gắng học (qua sách, báo, ti vi, các lớp tập huấn tại trung tâm học tập cộng đồng). Và khi đã học, có kiến thức thì việc xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu cũng được đẩy mạnh; quan hệ bà con, làng xóm được ứng xử theo các quy chuẩn văn hóa. Trong cấu trúc của XHHT, “gia đình học hiệu” là một thành tố quan trọng bên cạnh hệ thống giáo dục nhà trường và hệ thống giáo dục ngoài nhà trường. Với hơn 20% gia đình được công nhận gia đình hiếu học của tỉnh ta rõ ràng là một cơ sở đầy lạc quan để tiếp tục phát triển.

Sau tổ ấm gia đình là tổ chức dòng họ. Đây là một hình thức tổ chức khá đặc biệt dựa trên huyết thống với các quy mô khác nhau. Với đặc trưng đó, từ trước tới nay, sinh hoạt dòng họ vốn có tính thiêng liêng và là tình cảm sâu sắc nhưng chủ yếu nặng về hiếu nghĩa, thờ cúng tổ tiên. Mặt khác, trong một cộng đồng có nhiều dòng họ, nếu không có định hướng đúng và chuẩn xác, rất có thể dẫn đến những bất hòa mất ổn định khi đề cao thái quá sự thành đạt của dòng tộc mình. Phong trào khuyến học từ dòng họ ở tỉnh ta được chính thức phát động từ 2002. Điều cần ghi nhận trước tiên là sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều dòng họ. Số lượng càng ngày càng lớn, quy mô và cách thức hoạt động ngày càng mở rộng và phong phú. Về số lượng, chưa có một điều tra chính thức tổng số dòng họ toàn tỉnh nhưng theo ước tính có thể khoảng trên 1.000 thì đến cuối 2007 đã có 965 dòng họ lập được ban khuyến học. Tất cả các dòng họ có ban khuyến học đều đã tổ chức sưu tầm, hệ thống truyền thống học hành từ xưa cũng như hôm nay của dòng họ, đã xây dựng khá công phu quy chế hoạt động và tổ chức trang trọng lễ ra mắt. Về huy động quỹ, ngoài việc huy động đóng góp tại chỗ đã có nhiều cách để huy động có hiệu quả  con em thuộc họ tộc ở ngoài huyện, ngoài nước và cả nước ngoài. Vì vậy, đã có dòng họ huy động đến 250 triệu đồng (họ Trần Văn ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh) và mức phổ biến ở các họ là 20-30 triệu đồng. Về hoạt động, ngoài việc phát thưởng cho học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo, tiếp sức khi vào cao đẳng, đại học, có dòng họ đã xây dựng được thư viện dòng họ cho con cháu tham khảo, hợp đồng giáo viên ngoại ngữ dạy con cháu từ tiểu học… Những dòng họ khuyến học xuất sắc như họ Trần Văn (Vĩnh Linh), họ Trương Quang (Gio Linh), họ Nguyễn Văn (Hướng Hóa), họ Thái (Cam Lộ), họ Hồ (Đông Hà), họ Lê Bá (Triệu Phong), họ Nguyễn (Hải Lăng)… thực sự là những khích lệ to lớn cho sự học của quê nhà. Thực tiễn phong trào đã giải quyết tốt 2 vấn đề rất cơ bản khi tổ chức hoạt động.

Một là: Đã cân đối hợp lý giữa truyền thống hiếu nghĩa (thờ phụng tổ tiên) và hướng tới tương lai (khích lệ, hỗ trợ sự học). Câu khẩu hiệu của một số dòng họ thật có ý nghĩa là “Lười học, bỏ học, hư hỏng là bất hiếu” được kết hợp với những hoạt động cực kỳ thiêng liêng khi các cụ trưởng tộc, trong hương trầm nghi ngút, tuyên khen con cháu học giỏi, ngoan ngoãn có tác dụng thật sâu sắc.

Hai là: Mỗi quan hệ giữa “trong” và “trên” đối với cộng đồng. Các dòng họ đã tôn vinh truyền thống hiếu học và thành đạt của dòng họ mình, nhất là với các dòng họ khoa bảng nhưng xác định dòng họ mình ở trong cộng đồng, là một phần của cộng đồng và có trách nhiệm góp phần xây dựng cộng đồng. Khẩu hiệu của họ Hồ (Đông Thanh) là:“Mỗi gia đình họ Hồ là một gia đình văn hóa trong một cộng đồng văn hóa” đã chứng minh điều đó. Nhiều dòng họ khi khen thưởng con cháu thuộc dòng họ đã kết hợp khen thưởng cho con cháu của dòng họ khác, cũng như giúp đỡ con cháu dòng họ mình cũng giúp luôn một số cháu khó khăn ở dòng họ khác đã tạo nên nghĩa tình tốt ở cộng đồng.

Với tất cả những đóng góp đó, tổ chức khuyến học dòng họ đã và đang là một đóng góp độc đáo, tạo thêm sự phong phú và những hiệu quả thiết thực cho việc xây dựng XHHT vậy. Sau nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ là sự chuyển động của các cộng đồng. Khi 100% xã, phường, thị trấn và hơn 90 % thôn bản đã hình thành được tổ chức khuyến học, đã có rất nhiều cách làm cụ thể tác động đến sự học của toàn dân. Từ “tiếng kẻng khuyến học” tại Hải Lam (Gio Linh) đến các ngày hội khuyến học ở Cam An (Cam Lộ), từ việc đưa các lớp dạy kỹ thuật vào TTHTCĐ ở Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đến việc đưa nội dung phổ cập tin học cho cán bộ và thanh niên ở TTHTCĐ Hải Thượng, Lao Bảo, từ phong trào quần chúng mạnh mẽ ở Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Hải Thái (Gio Linh), Triệu Trạch (Triệu Phong), P1 (Tx. Quảng Trị), P3 (Đông Hà), Triệu Nguyên (Đakrông), Hướng Phùng (Hướng Hóa), Cam An (Cam Lộ), Hải Tân (Hải Lăng)… đến các hoạt động lớn tập trung với quy mô cấp huyện diễn ra khắp tỉnh… tất cả đó không chỉ tạo ra bầu không khí, tạo ra định hướng mà thực sự đã làm tăng trưởng nhu cầu học hành, xây dựng được nhiều quy ước, thiết chế phục vụ cho việc học tập của nhân dân. Con số 346 TTHTCĐ được xây dựng và gần ¼ lượt người lao động tham gia học là chuyển biến tích cực đáng khích lệ.

Logíc của đời sống là: Khi ý Đảng trở thành lòng dân là cơ sở vững chắc cho mọi thắng lợi. Khi “quốc sách” trở thành sự lựa chọn ưu tiên của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư thì “quốc sách” trở thành tình cảm và ý chí hành động của cả xã hội. Thành quả của đoạn đường đầu trên “mặt trận” khuyến học cho chúng ta niềm tin về sự hình thành xã hội học tập trong một tương lai gần của tỉnh ta - và đó chính là một vẽ đẹp văn hóa mới và cũng là một động lực cho sự phát triển của quê hương Quảng Trị anh hùng vậy.

T.S.T

 

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

1 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground