Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tác nghiệp trong hang đá Cù Bai

T

rong cuộc đời làm phóng viên phát thanh của tôi có lẽ một trong những chuyện đáng nhớ nhất là cuộc tiếp xúc với tên đại úy tù binh ngụy Nguyễn Văn Thọ trong một hang đá ở Cù Bai, mùa xuân năm 1971.

Tháng hai năm ấy, để thực hiện học thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của Ních- xơn, nhằm “thay màu da xác chết” Mỹ- ngụy mở cuộc hành quân lớn Lam Sơn 719 trên đường 9 – Nam Lào. Ngày 8 tháng 2, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Mỹ- ngụy huy động sư đoàn 1 bộ binh, sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến, 4 thiết đoàn xe tăng thiết giáp và lữ đoàn lỵ binh số 1 vượt qua biên giới Việt- Lào đánh lên phía Tây Lao Bảo. Mấy ngày sau, đài ta liên tiếp đưa tin chiến thắng dòn dã của quân dân ta trên chiến trường đường 9 – Nam Lào. Cánh quân bắc đường 9 của địch bị đánh tơi tả. Tình hình diễn biến trên chiến trường như sau:

Trung đoàn 88, sư đoàn 308 đánh thiệt hại nặng d21 biệt động quân tại điểm cao 316 ở làng Sen. Trung đoàn 102/f308 sau 5 ngày bao vây đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 39 biệt động quân tại điểm cao 500. Trung đoàn 64/f320 diệt 2 đại đội dù tại điểm cao 456. Tiếp đó, trung đoàn 36/f308 cùng một bộ phận trung đoàn 64/f320 diệt gọn thiết đoàn 17 và tiểu đoàn 8 dù ngụy tại Bản Đông.

Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin chiến thắng chung của quân đội ta trên chiến trường đường 9 – Nam Lào, trong đó có tin tên đại tá Nguyễn Văn Thọ bị bắt, dư luận trong nước cũng như quốc tế hết sức chú ý tới sự kiện này. Đây là lần đầu tiên một tên đại tá bị bắt làm tù binh.

Báo chí và đài phát thanh phương Tây trước sự kiện này, đưa tin ỡm ờ nửa nạc nửa mỡ, khi thì báo tin Thọ đã chết, khi lại nói Thọ đang bị mất tích, mục đích làm rối trí người nghe.

Về phía ta, đài cũng chỉ đưa tin một lần sự kiện tên đại tá Thọ bị bắt, sau đó chẳng có tin bổ sung.

Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng là giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ, gặp đồng chí Lê Hòa là trưởng phòng phát thanh binh vận, trao đổi ý kiến: “Tên đại tá Thọ bị bắt đã trên 10 ngày mà chúng ra chẳng có tin tức gì thêm. Đài cần phát đi tiếng nói trực tiếp của Thọ để trực tiếp trả lời điều nghi vẫn trong dư luận mà báo chí phương Tây đã nêu lên là: “Có thật đại tá ngụy Nguyễn Văn Thọ đã bị bắt làm tù binh không?”. Bên các anh làm công tác binh vận cố gắng tiếp cận tên Thọ xem sao”.

Trưởng phòng Lê Hòa đồng thời nhận được chỉ thị của Tổng cục Chính trị là phải khai thác tên tù binh này để phục vụ cho công tác binh vận. Yêu cầu tiến hành ba bước. Đầu tiên, tên tù binh phải xác nhận (có ghi âm) việc nó bị bắt. Tiếp đó để cho nó phát biểu về sự đối xử của quân đội ta đối với tù binh. Bước ba, về lâu về dài, ghi nhận ý kiến của đối tượng về tình hình quân đội ngụy Sài Gòn.

Đồng chí Lê Hòa gọi tôi đến, bảo:

- Cậu đã quen hoạt động chiến trường, lại quen thể loại phỏng vấn, vậy hãy vào trong ấy tiếp cận tên đại tá Nguyễn Văn Thọ ở trại tù binh, ghi âm lời phát biểu của nó, mang về ngay để phục vụ cho công tác phát thanh.

Tôi nhận lệnh, lên đường vào ngay chiến trường.

Tới nơi, tôi trình giấy giới thiệu của Tổng cục Chính trị với Bộ Tư lệnh chiến dịch. Chính ủy Lê Quang Đạo vốn là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thủ trưởng trực tiếp của Cục Binh vận chúng tôi. Ông nói với tôi:

- Sĩ Nho vừa là nhà đài vừa là cán bộ binh vận, thử tiếp xúc với tay Thọ xem có khai khẩu nó được không. Kể từ ngày bị bắt, hắn không hề mở miệng tiếp chuyện bất cứ ai. Nhiều lần cán bộ cơ quan mặt trận đến lấy cung, hắn chẳng trả lời câu nào. Có đồng chí sư đoàn trưởng nói với tôi rằng nếu không vì chính sách tù hàng binh của mặt trận thì anh đã cho nó ăn mấy cái tát. Sĩ Nho hãy cố gắng nhé.

Bộ tư lệnh Mặt trận bố trí một chiếc xe thiết giáp đưa tôi đến nơi giam giữ Nguyễn Văn Thọ. Đang giữa chiến dịch, máy bay quân địch quần đảo, ném bom bắn phá lung tung, nhưng đồng chí Lê Quang Đạo chỉ thị rằng không thể ngồi chờ đến đêm, xe phải xuất phát ngay buổi trưa hôm ấy. Tôi ngồi trong xe thiết giáp, bốn bề bịt bùng chẳng nhìn thấy gì dọc đường.

Tuy nhiên, những đoạn xe trườn qua núi đá xóc nẩy người, hoặc chạy trên suối cạn, nghe âm thanh là lạ, tôi vẫn có cảm giác nhận biết. Đặc biệt khi chiếc xe lủi trong rừng già, máy bay đến bắn phá, ném bom trong khu vực, tiếng nổ ập vào làm choáng cả tai. Đi vào vùng máy bay địch thả mìn lá, mìn vướng nổ, mìn cóc dày đặc mới thấy ưu thế của xe bọc thép. Khoảng hơn năm giờ chiều, xe dừng trước sân đồn biên phòng Cù Bai, giáp biên giới Việt - Lào. Ban chỉ huy đồn cho người dẫn tôi tới ngay nơi giam giữ tên đại tá ngụy. Đặc điểm của đồn Cù Bai là tọa lạc trên một vùng núi đá vôi, vách dựng đứng, có nhiều hang đá ăn sâu vào núi. Tới một hang đá chênh vênh, người dẫn đường vào báo cáo với trạm gác. Một chiến sĩ chỉ cho tôi cửa vòm hang, nơi có tù binh. Đi đường xa khá mệt, nhưng tới được nơi cần tới, tôi khoai khoái trong lòng. Chẳng vội vã gì, tôi ngồi xuống ngoài cửa hang, nhác thấy trên ổ lá bên trong có bóng người. Tôi mặc kệ, thông thả châm một ngọn nến rồi lấy lương khô mang theo trong túi dết ra ăn. Sẵn bình tông nước chè xanh, tôi tu vài ngụm. Được một lúc, ra vẻ tình cờ, tôi quay đầu vào trong hang, nhận ra tên tù binh vóc dáng đậm đà, râu ria xồm xoàm đang ngồi im lặng nhìn ra phía tôi. Tôi vội lên tiếng:

- Anh Thọ đấy à!

 Nói rồi, tôi dịch ra một chút, giơ chiếc bình tông ra, vẫy tay bảo:

- Anh lại đây, chúng ta cùng uống nước, hút thuốc ăn lương khô!

Nguyễn Văn Thọ bất giác chồm dậy, đi về phía có ngọn nến. Có lẽ lâu lắm rồi, hắn mới thấy ngọn nến sáng trong hang. Tôi bẻ một thanh lương khô. Thọ nhấm nháp ngon lành. Tôi lấy ca nhôm rót nước chè xanh trao cho hắn. Hắn không từ chối. Đến khi tôi mở gói thuốc lá Điện Biên ra thì mắt Thọ sáng hẳn lên. Hắn châm thuốc hút ngon lành. Tôi mở đầu câu chuyện:

- Từ ngày anh bị bắt, đài báo bên phía các anh đưa tin lộn xộn, chẳng ai biết là anh còn sống hay đã chết.

Thọ vẫn im lặng.

Tôi tiếp tục:

- Cứ binh tình thế này thì vợ con anh hẳn đứng ngồi không yên, hoang mang phải biết.

Câu nói dường như chạm vào nỗi niềm nung nấu bấy lâu nay, kể từ ngày bị bắt, nên tên Thọ ngửng phắt đầu trân trân nhìn tôi. Tôi mở túi dết, lấy ra một tập báo xuất bản từ Sài Gòn, chỉ từng bài cho Thọ:

- Anh xem, người ta nói về anh thế này, hỏi vợ con anh không hoang mang bối rối sao được.

Thọ kéo tờ báo tới gần ngọn nến chăm chú đọc. Mỗi lúc, trán cứ nhíu lại. Tôi hỏi đột ngột:

- Vợ con anh hiện ở đâu, làm gì?

- Vợ tôi hiện ở Sài Gòn, làm chủ một cửa hàng gỗ.

Tôi hỏi luôn:

- Anh có muốn nhắn tin gì cho vợ con không?

Thọ trố mắt nhìn tôi:

- Làm sao mà nhắn tin được trong hoàn cảnh này?

- Anh muốn nhắn tin thì chúng tôi sẽ giúp, còn làm sao là chuyện chúng tôi lo.

Thọ đồng ý ngay. Tôi mở túi xách tay lấy máy ghi âm. Thông thường chúng tôi dùng máy ghi âm Liên Xô. Chuyến đi này, tôi được ưu tiên dùng máy Nhật, gọn nhẹ hơn nhiều. Tôi mở máy. Thọ lúng túng không biết nói gì, cứ nhìn tôi có ý dò hỏi. Tôi nói sơ cho Thọ biết cách nhắn tin.

Thọ liền lên tiếng nói vào máy. Hắn xưng cấp bậc, số sĩ quan và nhắn tin cho vợ con yên tâm, rằng kể từ ngày hắn bị bắt, hắn được ăn uống và đối xử tử tế.

Bước đầu, chỉ yêu cầu như vậy thôi. Tuy nhiên, lúc nghe lại, tôi thấy giọng Thọ còn lúng túng, chưa gây hiệu quả dứt khoát, truyền cảm. Tôi bảo Thọ nói lại. Thọ làm theo, lần này nói năng tự tin, rành mạch.

Chúng tôi lại ngồi hút thuốc uống nước. Tôi hỏi:

- Năm nay anh Thọ bao nhiêu tuổi?

- Tôi sinh năm 1931.

- Anh học đến đâu?

- Năm thứ tư bậc Thành chung.

Tôi chốt lại để củng cố tư thế nói chuyện:

- Thế cũng phải. Anh kém hơn tôi hai tuổi, học đệ tứ, còn tôi đang theo học ban tú tài.

Chúng tôi cứ thế ngồi nói chuyện đời, không hề đả động đến chuyện chiến trận vừa qua. Tôi tự nhủ, công việc của một phóng viên phát thanh coi như xong, đối tượng đã chịu khai khẩu. Bây giờ với tư cách một sĩ quan binh vận, mình thử khai tâm tên sĩ quan ngụy cao cấp xem sao.

Tôi ướm hỏi Nguyễn Văn Thọ:

- Anh có biết vì sao một sĩ quan tốt nghiệp trường Đà Lạt chỉ được coi là sĩ quan trù bị, không bao giờ được phong hàm đại tá, riêng anh được phong không?

Không chút ngần ngại, Thọ nói rõ từ ngày nhập vào quân đội Liên hiệp Pháp cuối năm 1954, anh ta đã trãi qua trận mạc như thế nào, được khen thưởng ra sao. Tôi gạt đi:

- Những điều anh kể thì báo chí bên các anh đã vạch ra hết rồi, kể cả những điều xấu mà anh không kể chúng tôi cũng đã biết. Tôi muốn hỏi thử trí thông minh của anh một chút đó thôi.

- Sao lại thông minh? Ông nói gì tôi không hiểu. Theo ông thì vì cớ gì?

Tôi tự chỉ vào ngực mình nói:

- Anh được đặc cách phong đại tá vì đối thủ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là chúng tôi: Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đến đây Nguyễn Văn Thọ tỏ ra ngạc nhiên thật sự. Tôi hỏi:

- Tôi hỏi anh, thời thuộc địa, Pháp có phong tướng, phong tá cho người Việt Nam không?

- Không. Chỉ đến đại úy là cao nhất.

- Đúng. Sở dĩ Mỹ đặc cách phong lên đại tá là để thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, để thay đổi màu da xác chết như chúng nói. Mỹ cố thúc các anh đứng vững để chúng rút quân nhẹ nhàng. Đấy, lý do Mỹ phá lệ phong hàm là như thế đó.

Nguyễn Văn Thọ không nói gì, nhìn lãng đi chỗ khác.

Sau khi thu thanh ghi âm xong, tôi lại lên xe thiết giáp trở về chỉ huy sở Bộ Tư lệnh tiền phương. Sau đó, tôi trở ra Hà Nội ngay. Trưởng phòng Lê Hòa mừng lắm, một mặt báo cáo lên cấp trên, một mặt điện thoại báo tin vui cho Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo chỉ thị cấp trên, trưởng phòng Lê Hoà dẫn tôi lên báo cáo trực tiếp chuyến công tác với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào và phó Chủ nhiệm Phạm Ngọc Mậu. Các đồng chí rất vui.

Sau đó, lời nói trước máy ghi âm của Nguyễn Văn Thọ được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, càng củng cố độ chính xác và độ tin cậy của bản tin trước đó không lâu về việc tên đại tá bị bắt làm tù binh. Các cơ sở binh vận của ta ở Huế báo tin rằng ngay sau ngày mở chiến dịch Lam Sơn 719 Mỹ - ngụy mở một phòng thông tin ở cố đô để khoe khoang thắng lợi. Các bản tin chiến thắng của Đài tiếng nói Việt Nam đã đập tan luận điệu lừa bịp của địch. Nhất là sau khi nghe tiếng nói trực tiếp của Nguyễn Văn Thọ phát trên đài, sĩ quan và binh lính ngụy càng xôn xao bàn tán.

Mấy tháng sau chuyến đi công tác vào chiến trường, tôi có dịp đi thăm trại tù binh Sơn Tây. Tôi đến lúc Nguyễn Văn Thọ đang tưới hoa ngoài vườn. Vừa thấy tôi, Thọ liền đặt chiếc ôdoa xuống đất, chắp hai tay vái thay lời chào. Tôi hỏi một câu chung chung:

- Anh vẫn khỏe chứ?

Thọ không trả lời vào câu hỏi của tôi mà hỏi nhỏ một câu dường như anh ta suy nghĩ từ lâu:

- Những điều ông nói dạo trước, bây giờ tôi ngẫm ra thấy đúng.

Bốn năm sau khi Nguyễn Văn Thọ bị bắt, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tôi có dịp đi công tác tại trại tù binh sĩ quan cao cấp ngụy ở Âu Lâu (Yên Bái). Ở đây ngoài Nguyễn Văn Thọ, tôi có gặp và chuyện trò với viên Trung tướng ngụy Vĩnh Nghi.

Tôi hỏi dò:

- Năm 1971, lúc đại tá Thọ bị bắt, anh có biết không?

- Chúng tôi được thông báo là đại tá Thọ mất tích, nhưng khi nghe đài Hà Nội phát đi lời nói của ông ta thì chúng tôi tin chắc sự thật là ông ta đã bị các ông bắt.

- Các ông thường nghe đài Hà Nội?

- Có chứ. Người ta cấm là cấm sĩ quan cấp dưới và binh sĩ nghe đài của các ông. Còn chúng tôi thì tha hồ. Khi tôi theo học trường quân sự cao cấp ở bên Hoa Kỳ, người ta còn cho nghiên cứu học thuyết của Các Mác và chủ nghĩa duy vật biện chứng nữa là.

Ngừng một lát. Vĩnh Nghi nói chắc:

- Cấm thì cứ cấm. Nhưng chúng tôi biết chắc binh sĩ dưới quyền thường theo dõi đài Hà Nội. Họ còn thuộc tên một số phát thanh viên như Việt Khoa, Tuyết Mai.

***

Người kể câu chuyện trên đây với tôi là đại tá cựu chiến binh Hoàng Sĩ Nho, nguyên là nhà báo đã công tác trong ngành phát thanh (các chương trình Biên giới và hải đảo; phát thanh Quân đội nhân dân, phát thanh binh vận và phát thanh Vì an ninh Tổ quốc). Liên tục hai mươi năm ông gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi nghe chuyện ông kể, tôi mới hiểu được vì sao năm 1971, ông được đặc cách phong quân hàm thiếu tá trước niên hạn.

Tháng 7.2005

 L.S.C

Lương Sĩ Cầm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground