Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tâm nguyện của người anh hùng

T

hường ngày rất dễ thấy anh khi thì một mình cùng chiếc xe lấm lem bụi đường, lúc lại ngồi đòn ăn bún mắm ở quán cóc vệ đường, có khi nghe anh cười nói ồn ào cùng bạn bè ở góc quán nào đó nơi phố thị Đông Hà (Quảng Trị)… Phải đến khi gặp anh trong trang phục chỉnh tề, ngực gắn đầy Huân chương trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND tôi mới ngạc nhiên và khâm phục về tính cách của một người anh hùng. Đó chính là anh Trương Đức Hai.

Anh hùng Trương Đức Hai sinh ra ở làng Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh nằm bên bờ nam sông Bến Hải. Tuổi thơ anh phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn và chứng kiến bao tội ác dã man của Mỹ- ngụy với quê hương. Vì vậy, năm 16 tuổi anh tham gia lực lượng vũ trang, tiếp nối truyền thống của người cha thân yêu lên đường đánh giặc. Từ một du kích, sau hai năm chiến đấu anh trở thành trung đội trưởng rồi lên xã đội trưởng. Năm 18 tuổi anh được tăng cường về xã Gio Lễ, một xã nằm trên tuyến hàng rào điện tử Mac-Namara nên địch thường xuyên kềm kẹp, bắt bớ tra tấn những cơ sở cách mạng. Được lãnh đạo huyện tin tưởng giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng anh luôn hoàn thành. Chính trong khó khăn gian khổ và đầy bất trắc hiểm nguy đã tôi luyện anh sớm trưởng thành. 

Năm 19 tuổi, anh Hai lúc đó đang là xã đội trưởng được tăng cường lên xã Gio Sơn. Đây là xã vùng trắng, toàn bộ dân vào khu tập trung Quán Ngang nên rất khó hoạt động. Đến năm 1972, anh cùng đơn vị C4 bộ đội địa phương Gio Linh đánh vào chi khu Quán Ngang để đưa dân ra khỏi khu tập trung. Sau khi giải phóng, anh được cử về làm Chủ tịch xã Gio An để đưa dân về vùng trắng xây dựng lại cuộc sống. Lúc đó anh chỉ mới 21 tuổi nhưng đảm trách cương vị chủ chốt của xã để tổ chức lại lực lượng khai hoang, phục hóa, tổ chức sản xuất đảm bảo nguồn lương thực nuôi sống người dân. 

Trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, lúc bí mật, khi công khai, “xuất quỷ nhập thần” khiến địch nhiều phen bạt vía kinh hồn. Từ bao vây bắn tỉa địch ở căn cứ đồi 31, tham gia chống càn, đánh tập kích lính biệt kích Dơi- nhện, diệt ác phá kềm bằng cách cải trang thành lính cộng hòa đánh địch giữa ban ngày, cải trang thành lính thủy quân lục chiến để tiêu diệt nhiều tên ác ôn…anh Hai đã tham gia gần 100 trận đánh lớn nhỏ. Giờ đây, nhìn vào khuôn mặt kiên nghị và sức vóc vạm vỡ, không ai nghĩ anh là một thương binh 2/4. 

Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chiến đấu của mình, anh Hai nói: “Tôi nhớ nhất là mùa xuân năm 1972 đánh vào chi khu Quán Ngang. Trong trận này, theo kế hoạch 4 giờ sáng toàn chiến trường Quảng Trị đồng loạt nổ súng tổng tấn công. Các đơn vị bộ đội đánh vào căn cứ Dốc Miếu, Cửa Việt, Cồn Tiên... Khi bộc phá lệnh nổ quả đầu tiên, lúc đó tụi tôi mới bắt đầu nổ súng dồn dập đánh từ 4 giờ sáng đến hơn 9 giờ thì tôi bị thương, bể xương chân, tay và toàn bộ phần âm, không đi được. Tôi nói với mấy đồng chí bộ đội bên C4 đưa vào cửa hầm, lấy cho tôi thêm khẩu súng và 4 quả lựu đạn M26 vì khẩu AK của tôi chỉ còn một băng đạn. Đến 10 giờ thì địch ép ngược vào lại, chiếm toàn bộ khu Quán Ngang nên tôi phải cố gắng cằn ra giữa ruộng lúa, đến đêm thứ 2 tôi ra đến bờ sông Bến Ngự với đồng chí Xanh, nữ y tá của xã Gio Sơn, đồng chí Xanh phải nằm sấp xuống để tôi gối đầu lên lưng suốt chiều đó đến tối mới bò ra được. Khi bò ra được một đoạn thì may mắn gặp lực lượng dân quân du kích của các xã và bộ đội vào tìm thương binh, liệt sĩ nên đã đưa tôi ra Vĩnh Linh”. 

Với những thành tích và chiến công trong chiến đấu, anh đã được tặng thưởng 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ ưu tú và hàng chục huân, huy chương các loại cùng với nhiều bằng khen khác. Nhưng đối với anh hùng Trương Đức Hai thì phần thưởng quý giá nhất vẫn là sự tin yêu và niềm cảm thông của mọi người dành cho bản thân mình. Sau ngày đất nước hòa bình, trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn nhưng anh vẫn luôn tháo vát, bươn chải để lo cho cuộc sống gia đình mình, đồng thời tận tâm giúp đỡ bạn bè, đồng chí, đồng đội. Trong cuộc sống, dẫu đương chức hay đã nghỉ hưu thì con người anh vẫn luôn gần gũi và bình dị, không hề tự tôn về bản thân, ít nhắc đến những thành tích của mình, anh luôn sống chan hòa cùng mọi người, thân thiện với bà con chòm xóm, tận tâm và yêu quý bạn bè. Vậy nhưng cuộc sống dường như không mỉm cười vì anh gặp phải hoàn cảnh éo le khi người vợ thân yêu sớm qua đời vì bạo bệnh. Mặc dù gần 13 năm kiên trì đưa vợ đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc nhưng cuối cùng chị vẫn ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Gần 5 năm nay, anh phải gánh vác thêm chức năng người mẹ nên cuộc sống đã vất vả nay lại càng vất vả hơn. Cảnh “gà trống nuôi con”, một mình anh phải lo cho 3 đứa con ăn học, rồi lo tìm kiếm việc làm cho các con. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi tiền trợ cấp thương tật và lương hưu ít ỏi nhưng anh không kêu ca phàn nàn mà nỗ lực để kiếm thêm thu nhập đảm bảo cho cuộc sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho một số lao động. Bây giờ cuộc sống của anh đã tạm ổn, con cái học hành đến nơi đến chốn và đã trưởng thành. 

Cuộc đời anh có những quãng thời gian oanh liệt khi được đứng trong hàng ngũ của những người lính chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc nhưng cũng có giai đoạn thăng trầm, cam go khi đối mặt với nhiều thử thách. Nhưng với bản lĩnh của một cựu chiến binh đã từng xông pha trận mạc, của một đảng viên 40 năm tuổi Đảng dạn dày kinh nghiệm, cuối cùng anh đã vượt qua tất cả. Với anh, khó khăn không quan trọng, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính bản thân mình để chiến thắng, đấy chính là bản chất anh hùng giữa đời thường mà mọi người phong tặng cho anh. 

Khi nhận xét về anh hùng Trương Đức Hai, đồng chí Phan Văn Phụng, TUV, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, cho biết: “Những chiến công của đồng chí Hai đặc biệt xuất sắc, góp phần tô thắm và làm sáng ngời truyền thống anh hùng của quê hương tuyến lửa. Đây là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần quả cảm, anh dũng quên mình vì độc lập của Tổ quốc. Chiến công của anh xứng đáng được tôn vinh. Danh hiệu Anh hùng LLVTND mà Chủ tịch nước trao tặng cho đồng chí Hai không chỉ là phần thưởng cao quý dành riêng cho cá nhân và gia đình đồng chí mà đó còn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh”. 

Được tiếp xúc với anh hùng Trương Đức Hai, chúng tôi thấy ở con người này có một ưu điểm nổi trội, đó là ý chí và nghị lực phi thường. Là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, không quản ngại hy sinh lao vào chiến trường ác liệt, đối mặt quân thù mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, anh may mắn được sống cho đến ngày toàn thắng. Vì thế, khi được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, anh nhớ đến đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh cho nước nhà độc lập. Với món tiền thưởng gần 20 triệu đồng, anh tự nguyện đóng góp để xây dựng một nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Quán Ngang. Bởi theo anh, khi lao vào cuộc chiến thì không ai tính toán thiệt hơn, tất cả vì lý tưởng cách mạng nên sẵn sàng hy sinh. Những người may mắn còn sống phải biết trân trọng cái chết của đồng đội mình. Bao nhiêu năm rồi, anh luôn ôm ấp một nguyện vọng là xây một nhà bia tưởng niệm, nay có cơ hội nên anh quyết tâm thực hiện bằng được. Anh mong muốn rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm cùng chung tay, góp sức để cùng anh hoàn thành công trình này. Một tâm nguyện rất đỗi bình dị nhưng cũng thật cao quý...

 

                                                            H.N.K

 

Hồ Nguyên Kha
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground