Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Táo quân ký sự

1.

Người Việt ở châu thổ đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ có cấu trúc nhà ở truyền  thống gần giống nhau. Nhà chính còn gọi nhà trên, phổ biến theo kiểu ba gian một chái hoặc ba gian hai chái, mà ngày nay chúng ta còn bắt gặp phổ biến ở vùng nông thôn. Nhà chính thường quay về hướng Nam: Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam. Cái câu tục ngữ này có vùng truyền tụng rất “khẩu”: Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam. Rõ khổ, lấy vợ thì lấy đàn bà/ giống cái, ai đi rước cái anh đực rựa về nhà bao giờ? Cái khẩu ở đây, suy cho cùng cũng chỉ để khẳng định cái lẽ tất yếu, tự nhiên là làm nhà thì phải quay về  hướng Nam vậy.

Nhà bếp là phụ nên thường nhỏ hơn, đặt ở bên trái tức phía Đông, biệt lập và vuông góc với nhà chính, quay về hướng Tây. Các cụ cao niên cho biết, bếp bài trí theo hướng này sẽ tránh được ngọn gió từ phía biển, chủ yếu là hướng Đông - Nam thổi vào. Ngược lại, ngọn lửa ở nhà bếp sẽ bị gió tạt về vách liếp, dễ gây hoả hoạn, cháy cả nhà mình còn lan ra nhà hàng xóm. Bằng không thì cơm cũng chẳng lành, canh chẳng ngọt, vì ngọn lửa gió đùa, phất phơ, không nhóm không reo mần răng mà cơm lành canh ngọt được! 

Ở những căn bếp nhà giàu, trung lưu thường làm hai gian. Một gian để thức ăn như dưa cà mắm muối... Các dụng cụ để chế biến thực phẩm, nấu nướng  như dao thớt nồi niêu song chảo bát đĩa và thúng mủng nong nia giần sàng... Ở gian này, chủ nhà đặt cối xay lúa hoặc cối giã đạp bằng chân. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, làng tôi hầu như nhà nào cũng có cối xay lúa, riêng cối giã đạp bằng chân chỉ còn một cái độc nhất vô nhị ở nhà mụ Cặn dùng chung cho cả xóm. Mỗi lần cái cối này hoạt động là bọn trẻ chúng tôi xao lãng, bỏ bê hết công việc đến xem cái sự hoành tráng của nó khi hoạt động. Xem mãi mà không chán, cái sự háo hức chẳng khác gì xem hát bội, kéo co, đua thuyền... Từ khi cái máy xay gạo ra đời, cối xay lúa vùng quê tôi dần dà bị xoá sổ. Giá mà Bảo tàng tỉnh tìm ra một bộ gồm cối xay lúa, cối giã gạo bằng gỗ hay bằng đá đi kèm với ba, bốn bộ chày lớn nhỏ, nhất là cái cối giã lúa đạp bằng chân... trưng bày để hồi cố thì thú vị không biết nhường nào!

Trở lại với cái gian bếp, nơi đặt bếp để đun nấu, có chứa một ít củi lả, rơm rạ... Đấy chính là không gian dành cho việc ăn uống của mỗi hộ gia đình. Riêng những cặp vợ chồng mới ra riêng hoặc neo đơn thì không gian này chỉ là cái nơi đặt bếp để đun nấu, bếp chỉ là cái chái nối với nhà trên. Xưa việc nấu nướng chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, tục ngữ đúc kết: Xem trong bếp, biết nết đàn bà Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp... Gắn với thiên chức người phụ nữ trong việc nội trợ bếp núc thì ông Táo cũng là nhân vật trung tâm.

Bếp đun vùng Bắc bộ gọi là những ông đầu rau, GS. Nguyễn Đổng Chi cho biết ở miền Trung gọi là ông núc(1), nằm trong từ ghép bếp núc chăng? Ông đầu rau hay ông núc là cách gọi khác nhau giữa các vùng miền, đều là ba hòn đất nặn hình khum, đặt chụm đầu vào nhau để bắc song nồi. GS. Nguyễn Đổng Chi cũng cho biết, người Bắc bộ gọi hòn ở giữa là đầu rau cái, hai hòn hai bên là đầu rau đực, gọi chung là ông đầu rau. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng quê Quảng Nam hiện đang sinh sống ở Tp. HCM trong bài báo “Ông Táo về trời” có chung nhận định, cung cấp thêm bức tranh “Bàn thờ ông Táo” và dẫn ra hai câu ca ngộ nghĩnh: Tưởng rằng bà Táo thật thà/ Ai hay bà Táo: một bà hai ông(2).              

Tìm hiểu kỹ mới biết câu ca trên ám chỉ cái tuồng tích Táo quân bên Tàu, bên ta. Xem ra khác xa nhau lắm.

2. Năm 1907, học giả Lê Văn Phát có viết về Táo bên Tàu, có tên là Trương Thiện Táo, một phán quan đời nhà Tống chuyên theo dõi và xét xử giảm nhẹ tội cho phạm nhân. Khi chết ông được Ngọc Hoàng phong chức và giao cho ông giám sát công việc trần gian, hằng năm tấu trình lên để Ngọc Hoàng thưởng công phạt tội người trần công bằng, chính xác. Ông táo Trương Thiện Táo có hai người giúp việc là Hồng lực sĩ và Tạ phán quan, do tên ông táo này đồng âm với Thần bếp nên trong dân gian có sự lẫn lộn nhau. Như vậy, mô-típ tích tuồng của ông Táo bên Tàu thuộc dạng Bao công (Bao Thanh Thiên), trong khi tích tuồng của người Việt lại là một mô-tip thuộc lãnh vực tình cảm, đó là bi kịch trong hôn nhân và tình yêu, gần với sự tích trầu cau. Chuyện rằng, xưa có đôi vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi, lấy nhau đã lâu mà không có con nên thường xảy ra bất hoà. Một lần cãi nhau, Trọng Cao giở thói vũ phu đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với người khác tên là Phạm Lang. Khi vợ bỏ đi rồi, Trọng Cao ăn năn hối cải, bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không gặp lại hết tiền ăn đường anh ta đành phải xin ăn lần hồi. Tình cờ một hôm, Trọng Cao đến xin ăn tại nhà Phạm Lãi. Thị Nhi nhận ra chồng cũ động lòng trắc ẩn, thương xót lắm. Nhân chồng mới đi vắng, nàng bèn làm cơm thết đãi, sau đó đưa Trọng Cao tạm lánh vào đám rơm sau nhà. Không ngờ lát sau, Phạm Lãi và người đầy tớ đốt đống rơm đi để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ bị chết thiêu, Thị Nhi nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang và người đầy tớ xông vào ngọn lửa cứu người cũng đều chết thảm. Ngọc Hoàng thấy cả ba người đều có nghĩa bèn cho họ làm vua bếp. Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp; Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà Thị Nhi là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa. Ba vợ chồng được hoá làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hoá thành cái dùng để chặn đống rấm. Cái thời chưa có diêm sinh, bật lửa, người ta đổ một mớ trấu cạnh bếp, trên đè bằng hòn đất nặn hình quả cân để cho nó cháy âm ỉ tới sáng, cần thì thổi lên thành lửa để dùng. Đống trấu đó người Bắc gọi là đống rấm, hòn đất đè gọi là thằng Lốc. Vì thế mà trong những bức tranh Táo quân, dân gian thường vẽ người đầy tớ có nghĩa là thằng Lốc kia đứng ở bên cạnh ba người(3)... Từ tích tuồng khác nhau nên tính pha tạp trong tín ngưỡng thờ cúng Táo quân ở bên Tàu bên ta cũng khác.

Có thể nói bàn thờ Thổ công thường được định vị khác nhau tuỳ theo tập quán mỗi địa phương. Phổ biến nhất vẫn là nhận định của Toan Ánh, rằng nhà nào thờ cúng tổ tiên thì cũng thờ cúng Thổ công. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian chính giữa của nhà chính; bàn thờ Thổ công thường đặt ở gian bên, cạnh gian đặt bàn thờ tổ tiên. Những gia đình thuộc ngành thứ không có bổn phận cúng giỗ, nghĩa là trong nhà không có bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ Thổ công được đặt ngay chính giữa. Cách bài trí bàn thờ Thổ công cũng đơn giản, gồm một chiếc hương án kê liền với tường hậu gian nhà, ở đó người ta thờ ba vị thần với ba danh hiệu đã nói trong tích tuồng là Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ; nhưng chung một bài vị, thường đề như sau: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân (phủ của ông vua Bếp nằm ở phía đông, coi sóc bổn mệnh gia chủ). Có nhà thay bài vị trên bằng bốn chữ Hán: Định phúc Táo quân (ông vua Bếp định phúc đức cho gia đình)(4). Trong khi ở Bắc trung bộ, bàn thờ Thổ công được đặt ngay trên đầu bếp...

Dân ta tin rằng, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, Táo công lên chầu Trời, tâu bày việc xấu tốt của mọi nhà. Nếu chủ nhà là người nhân hậu, tử tế thì trời sẽ thưởng cho sức khoẻ, sống lâu. Ngược lại có nhiều tội lỗi thì Trời sẽ rút ngắn quỹ thời gian trên dương thế. Ngoài ra, Táo công còn bảo hộ cho trẻ con và gia súc từng nhà. Chính vì vậy mà trước đây những bậc cha mẹ có tục ký gởi, tức “bán” những đứa trẻ từ ba, sáu đến chín-mười tuổi, thậm chí 12 tuổi cho ông Táo. Khi có việc bồng trẻ ra đường, người ta quẹt nhọ lấy từ ông Táo hoặc song nồi, đánh dấu một chữ thập lên trán đứa bé hoặc bôi lên trán cốt làm cho đứa bé xấu xí đi, nhằm bảo vệ bổn mạng cho đứa trẻ. Thậm chí lúc xin hoặc mua con vật như chó con, mèo con về nuôi thì công việc đầu tiên là bắt chúng lạy ông Táo, lại giật một ít lông ở đuôi và chân nhét dưới đít ông Táo làm phép. Con vật sẽ không bị đau ốm, đặc biệt là không bỏ đi rông, nếu có đi thì còn biết đường mà quay về với chủ mới.

Nếu người Hoa cúng Thổ công một ngày sáng tối hai lần thì người Việt cúng thưa hơn, mỗi tháng cúng hai hoặc bốn lần vào dịp sóc vọng. Lễ cúng đơn giản, hương hoa trầu rượu là đủ. Có nơi người ta cúng mặn như xôi gà hoặc giả khi gia chủ có giỗ chạp thì cũng soạn lễ cúng luôn ông Táo. Riêng ngày giỗ chính thức của Táo quân, tất thảy đều thống nhất vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, vào thời khắc ông Táo sửa soạn lên chầu Trời (24 giờ đêm ngày 23, rạng ngày 24). Chuyến đi 6-7 ngày; ngày 30 tháng Chạp (hoặc 29, nếu tháng Chạp thiếu) người ta lại rước Táo quân về nhà kịp đón Tết cùng gia đình. Sau khi cúng ông Táo, người ta hoá vàng, hoá cả cỗ mũ năm trước, thay đầu rau mới, đầu rau cũ được thỉnh ra ở các ngã ba đường. Phổ biến nhất ở miền Bắc và Bắc Trung bộ thường cúng cho Táo quân một con cá chép, nó được phóng sinh ra sông hoặc ao hồ sau lễ cúng, cá sẽ hoá rồng, đưa Táo quân lên chầu Trời. Ở miền Nam, phổ biến vẫn là bộ đồ cúng ông Táo in trên giấy gọi là “cò bay ngựa chạy” (hình một con tuấn mã và một con cò giang cánh), có ý tượng trưng là đường bộ thì ông Táo cưỡi ngựa, lên Trời thì cưỡi trên lưng cò. Những người kỹ tính, cúng toàn đồ chay cốt để ông Táo được chay tịnh, không nói điều xấu cho chủ nhà. Người Hoa thường có hủ tục “hối lộ” ông Táo bằng cách khi hoá vàng thì đốt thêm gói kẹo để ông lên Trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi đi cho!... Cái sự tiếp biến văn hoá từ ông Táo và cái bếp còn rất nhiều chuyện, ta thử tìm thêm cái bếp thời @. 

3. Cho đến những thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước người nông dân vẫn dùng rơm rạ, củi khô làm chất đốt, khi đó việc dùng ba ông Táo (đầu rau) vẫn khá phổ biến. Trước đó, nhiều nơi đã thay thế ba ông đầu rau bằng những nục kiềng sắt, hình vòng cung, có ba chân, dùng để đặt song nồi lên đun nấu. Bếp kiềng cũng là một cách mô phỏng kiểu dạng ba ông Táo, song có ưu điểm gọn nhẹ, bền chắc và di chuyển linh hoạt hơn, không cố định như cái bếp ông Táo đầu rau. Theo thời gian, những chiếc bếp mới nối tiếp nhau ra đời để đun mùn cưa, đun trấu, than tổ ong; rồi bếp dầu, bếp điện thô sơ chế tác từ khuôn đất nung/ may-xo và bếp ga ra đời. Từ khi có bếp ga, những gia đình giàu có có thể đầu tư vào cái bếp hàng chục, hàng trăm triệu đồng, tiện nghi và hiện đại hết chỗ nói. Thị phần ông Táo đầu rau có bị thu hẹp lại ở đô thị song vẫn còn phổ biến ở nông thôn. Vấn đề đặt ra ở đây là khi không còn sử dụng cái nhà bếp xưa cũ nữa, không dùng cái bếp ông Táo đầu rau trong nhà mình nữa, người ta có bỏ tập tục thờ cúng Táo quân không? Có thể trả lời ngay là không, vì chủ nhân những căn bếp hiện đại đến đâu vẫn chưa có ai rời bỏ niềm tin vào sự bảo hộ của ông Táo đã được thiêng hoá bao đời nay rồi. Ngày nay trong các gian bếp hiện đại người ta vẫn thờ ông Táo trên cái tran thờ, ở đó có một lư hương, lọ hoa và quả bồng để đơm bánh trái. Phía sau lư hương đặt bức tượng (vẻ bà Thổ kỳ ở giữa,Thổ công và Thổ địa hai bên) bằng đất sét nung, dày và to bằng hai hộp  diêm ghép lại. Bức tượng Táo công này mỗi năm thay mới một lần vào ngày giỗ chính thức.

Khi Đông Hà chưa đô thị hoá, nghĩa là cái bếp tuổi thơ tôi còn là cái bếp làng ở vùng ven, thì đó không chỉ là nơi đun nấu thức ăn đơn thuần mà còn là nơi cả nhà sum vầy đoàn tụ, nghỉ ngơi sau những nắng hai sương mệt nhọc. Những đêm đông rét mướt ở trong gian bếp nghèo dưới ngọn đèn leo lét, những bữa cơm đạm bạc, nỏ có chi nhiều mà sao nó đầm ấm lạ! Già nhường trẻ, trẻ kính trên, ăn uống chuyện trò, ấm cúng. Còn nhớ như in cái hơi ấm ổ rơm trong những ngày đại hàn dưới mái tranh nghèo thì không nệm chăn nào thay thế nổi. Anh bộ đội là nhà thơ Nguyễn Duy được ngủ ổ rơm một đêm ở một vùng quê nào đó mà đã có thơ: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ của những cọng rơm xơ xác gầy gò...Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ cái mộc mạc lên hương của lúa/ đâu dễ chia cho tất cả mọi người...Chỉ nhắc lại cái ổ rơm thôi, biết bao kỷ niệm tuổi thơ đã ăm ắp kéo về. Tiếc là cái bếp ngày nay không còn là nơi đoàn tụ gia đình như xưa nữa!.. 

Bây giờ trong căn bếp sang trọng và tiện nghi, người ta có thể tiếp khách dùng bữa cơm gia đình. Với lò cơm điện, với lò vi sóng, với tủ lạnh cao cấp, người ta có thể dùng thức ăn nóng, thức ăn tươi, ăn lạnh tuỳ thích, vừa ăn vừa nghe nhạc, xem vô tuyến. Nhưng không biết có phải tiện nghi quá sinh ra cái tệ, ai tiện lúc nào thì ăn lúc ấy làm các thành viên trong gia đình ngày càng ít có điều kiện sum vầy bên nhau chăng?..

4. Cuối cùng vẫn là áp-phê từ các tiểu phẩm về Táo quân, trên kênh VTV1 phát vào lúc giao thừa nhiều năm trở lại đây. Đây là một cách làm hay, kế thừa và phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông theo đúng tinh thần Nghị quyết TW5. Ai cũng hào hứng, đợi chờ chương trình như chờ đón ông Táo về lại nhà mình trước lễ cúng cúng gia tiên/ năm mới; trước lời chúc tết thiêng liêng của Chủ tịch nước. Có điều là thời lượng eo hẹp quá, làm như là năm cùng tháng tận nên Táo các ngành có muốn làm đúng thiên chức mà Ngọc Hoàng giao phó cũng không kịp thời gian tấu trình. Vậy nên tôi có một đề nghị với các nhà làm tiểu phẩm hài, các kênh truyền thông là nên mở rộng đề tài, diện phản ánh và thời lượng phát sóng ra hàng tháng hàng quý, vì có như thế mới mang tính thời sự, và toàn diện hơn.

                                                                                              Y.T

 

 

 

 

 

________

(1) - Nguyễn Đổng Chi, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H.2003, quyển I, Tr.355-362.

(2) - Huỳnh Ngọc Trảng: Ông Táo về trời, Kiến thức ngày nay, số Xuân 2006, Tr.45.

(3) - Tích này có nhiều dị bản. Trích theo Nguyễn Đổng Chi, Sđd, quyển I, Tr. 355-362.

(4) - Toan Ánh: Nếp cũ, Tín ngưỡng Việt Nam (quyển thượng), NXB Tp HCM tái bản 1993, Tr.114

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground