Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Cổ Quảng Trị trong tiến trình lịch sử dân tộc

Thành Quảng Trị được khởi dựng vào những năm đầu của vương triều Nguyễn, quá trình xây dựng thành Quảng Trị từ khi khởi công dưới thời Gia Long đến khi hoàn thiện dưới thời Minh Mạng kéo dài gần 28 năm (1809 - 1837) với 3 giai đoạn. Với thời gian tồn tại của mình cho đến hiện nay, thành Quảng Trị có 27 năm được đắp tạm thời bằng đất, 135 năm được tạo dựng kiên cố bằng gạch (từ năm 1837 đến trước khi bị tàn phá vào năm 1972) và còn lại là quãng thời gian có cả sự hoang phế lẫn công việc phục hồi, tái thiết, tôn tạo. Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của trung tâm chính trị, hành chính, quân sự này là cả một chặng đường đầy biến động thăng trầm gắn liền mật thiết với vùng đất được xem là “trọng trấn” là “phên dậu” của mảnh đất Quảng Trị.
 

 Thành Quảng Trị trước hết là một bộ phận quan trọng trong nền kiến trúc cổ Việt Nam, là sự thể hiện một trình độ kỹ thuật kiến trúc nhất định trên lĩnh vực quân sự của vương triều Nguyễn nhằm đảm bảo cho vấn đề ổn định trật tự xã hội và an ninh đất nước trong điều kiện xã hội có nhiều biến động. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng như nhiều công trình kiến trúc mang tính chất thành lũy khác do nhà Nguyễn xây dựng, thành Quảng Trị không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc quân sự mà địa vị chính của nó mang ý nghĩa lớn hơn về một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử.

1. Thành Quảng Trị dưới thời Nguyễn

Triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô của cả nước nơi trước đây là thủ phủ của chúa Nguyễn ở thế kỷ XVII, XVIII là một thuận lợi căn bản nhưng vương triều Nguyễn được xây dựng trên một di sản lịch sử đầy biến động bởi sự cát cứ, phân quyền, chia cắt và ly tán trong một thời gian dài ngót gần ba thế kỷ.

Quảng Trị là địa hạt trực lệ của Kinh sư cùng với Quảng Bình là hai dinh hữu trực (hai dinh Quảng Nam và Quảng Ngãi là tả trực) là những phên dậu trọng yếu của Kinh sư trong dải đất ngũ Quảng miền Trung. Trải qua nhiều giai đoạn, do chịu sự tác động của những cải cách liên tục về bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến triều Nguyễn, nên cho dù có sự thay đổi về tên gọi đơn vị hành chính từ dinhtrấn sang đạo hay tỉnh, và lãnh thổ có khi rộng hẹp khác nhau; song dưới con mắt của các vua Nguyễn, bao giờ Quảng Trị cũng là một phên dậu có ý nghĩa chiến lược cho Kinh thành dưới nhiều góc độ. Vì thế, nằm trong ý đồ thiết lập hệ thống các công trình phòng thủ mặt Bắc của Kinh đô Huế trong phạm vi khu vực phía Nam đèo Ngang, thành Quảng Trị và thành Đồng Hới có nhiệm vụ trấn giữ hai cửa ngõ trọng yếu là cửa Nhật Lệ và Việt Yên phía Bắc Kinh sư. Mặt khác, trong địa hạt Quảng Trị, thành Quảng Trị nối kết với hệ thống đồn, trấn, bảo là những công trình phòng thủ chiến lược mặt Đông và Tây của tỉnh, đáng chú ý là địa bàn trọng yếu miền Tây trên tuyến hành lang Đông -  Tây nối Quảng Trị với Vạn Tượng/Ai Lao vốn đã hình thành từ rất sớm thông qua con đường thương mại, trao đổi, buôn bán.

Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược củng cố an ninh vương triều mà nhà Nguyễn thực thi đối với vùng này cũng như nhiều nơi khác thì các sách lược ổn định về chính trị, các chính sách biệt đãi về kinh tế, xã hội luôn được đặc biệt chú ý. Việc xây thành Quảng Trị để sử dụng vào mục đích quân sự, "cho mạnh sự phòng thủ ở trong bờ cõi" là vấn đề quan trọng, luôn được Gia Long và Minh Mạng quan tâm thì không còn gì để phải luận bàn, nhưng xét bối cảnh của sự ổn định xã hội trong và sau thời điểm năm 1837 - năm thành Quảng Trị được xây bằng gạch - mới thấy ý nghĩ "xây đắp tỉnh thành thực mong bền vững muôn đời" của Minh Mạng hàm ý lớn hơn nhiều. Chiến lược phòng thủ của các vua triều Nguyễn trên một địa hạt gần kinh đô như Quảng Trị không phải chỉ dựa vào sự vững chắc của thành lũy mà cái chính phải "cốt người có tài là hơn (địa dĩ nhân nhi thắng) cũng đủ làm cái hiểm trở vô hình rồi”. Bởi vậy, có thể nói, vị thế của thành Quảng Trị dưới thời Nguyễn giữ vai trò thiết thực của một trung tâm chính trị, hành chính hơn là một công trình phòng thủ quân sự. Tại đây, cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền địa phương đại diện cho triều đình Huế thực hiện các quyền quản lý và điều hành tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên toàn địa hạt.

 Từ năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu tấn công, xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn sau một thời gian tổ chức chống cự yếu ớt đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn cho vua quan triều Nguyễn. Do đó, những người theo phái chủ chiến trong triều đình, đứng đầu là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh đó, một kinh đô dã chiến đã được xây dựng ở Quảng Trị để làm nơi trú ẩn cho vua và triều thần khi kinh thành hữu sự. Đó là sơn phòng Quảng Trị/căn cứ Tân Sở/thành Tân Sở. Sau sự kiện binh biến đêm 4 – 7 - 1885 (23 – 5 - Ất Dậu), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng xa giá ra Tân Sở để phát động một phong trào Cần Vương chống Pháp. Hành cung thành Quảng Trị là điểm dừng chân của vua Hàm Nghi và ngự đoàn xa giá lưu lại, trước lúc lên Tân Sở hạ dụ Cần Vương. Hưởng ứng hịch Cần Vương, Quảng Trị cùng cả nước dấy lên một phong trào chống Pháp khắp nơi dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước. Tiêu biểu là các thủ lĩnh địa phương như Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như, Hoàng Văn Phúc, Đỗ Văn Chung, Ngô Viết Nghệ, Hồ Văn Chước... đã gây cho giặc Pháp nhiều thiệt hại, kinh hãi. Chính trong khí thế chống Pháp sôi sục ấy, tại tỉnh thành Quảng Trị, ngày 6 - 9 - 1885, lợi dụng đám tang của một quan Tham tri Bộ binh, một nhóm Văn Thân đã tổ chức tấn công đánh chiếm thành, cướp nhà kho để lấy súng đạn, giải giáp binh lính, bắt quan Tuần phủ Trương Quang Đản, làm chủ tỉnh lỵ và tạo đà cho các nhóm Văn Thân ở các địa phương Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh nổi dậy. Việc nghĩa quân Văn Thân tấn công trực tiếp vào dinh lũy bộ máy chính quyền của nhà Nguyễn và thực dân Pháp tại thành Quảng Trị đã đánh một dấu mốc mới trong khí thế tiến công cách mạng của nhân dân Quảng Trị trong những ngày đầu Cần Vương kháng Pháp.

2. Thành Quảng Trị dưới thời thuộc Pháp

Trong suốt thời gian đô hộ và thống trị của thực dân Pháp, thành Quảng Trị với tư cách là trung tâm đầu não của bộ máy cai trị địa phương cấp tỉnh, nhưng là phên dậu trực tiếp của Kinh sư. Thực dân Pháp cũng đã nhận thức rõ về vị trí chính trị quan trọng của tỉnh Quảng Trị nói chung và khu vực thành Quảng Trị nói riêng nên từ sau năm 1885, cùng với thành Đồng Hới, thành Quảng Trị được quân đội Pháp chọn làm một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống đồn quân sự dày đặc thuộc vùng đất giữa Huế với Vinh. Trong giai đoạn này, người Pháp không chỉ thiết lập ở thị xã Quảng Trị một trung tâm chính trị với bộ máy hành chính nhà nước gồm cả chính quyền Pháp lẫn Nam triều; mà còn tiến hành đầu tư xây dựng để biến nơi đây thành một đầu mối kinh tế có lợi cho sự kinh doanh của giới tư sản Pháp.

 Ngày 17 - 2 - 1906, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và lấy thị xã Quảng Trị làm trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt là kể từ sau khi đường thuộc địa số 9 (nay là Quốc lộ 9) được mở để nối Quảng Trị của Việt Nam với Lào, Campuchia (1904) và tuyến đường sắt Quảng Trị - Đà Nẵng, Vinh - Đông Hà hoàn chỉnh (1 - 1927) thì thị xã Quảng Trị càng có điều kiện để trở thành một đầu mối kinh tế, chính trị có tầm chiến lược của tỉnh và toàn khu vực.

Trước tình hình các phong trào yêu nước và cách mạng ngày một dâng cao, thực dân Pháp một mặt ra sức thi hành các biện pháp bình định, đàn áp các cuộc biểu tình, nổi dậy của quần chúng; mặt khác, tăng cường thiết lập hệ thống pháp luật khắc nghiệt và hệ thống tòa án, nhà tù. Trong thành Quảng Trị, Pháp đã cho xây dựng thêm một hệ thống nhà tù, mở rộng và kiên cố hoá khu Lao xá, để làm nơi giam giữ những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh và khu vực. Cuộc đấu tranh chống lại chế độ lao tù và hoạt động của các hội viên Thanh niên, những người Cộng sản tại nhà lao Quảng Trị luôn gắn bó mật thiết với các phong trào cách mạng ở bên ngoài; không chỉ trên địa bàn thị xã mà còn với cả tỉnh và khu vực. Nhà lao Quảng Trị có lúc đã trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng bởi chính đây từng là nơi giam giữ những hạt nhân nòng cốt của Thanh niên, những chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị và nhiều vị lãnh đạo của Tỉnh ủy, Xứ ủy thuộc thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngày 25 – 3 - 1945, khi Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 150 tù chính trị (trong đó có gần 80 đảng viên Cộng sản) được trả tự do trở về các địa phương đã trở thành lực lượng chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền, tạo điều kiện cho thắng lợi nhanh chóng của nhân dân Quảng Trị trong Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 23 - 8 - 1945, sau một thời gian ngắn khẩn trương chuẩn bị, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, các đội tự vệ vũ trang đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí quan trọng; đồng thời, các đơn vị tuần hành, thị uy xung quanh thị xã nhất tề giương cao băng cờ, khẩu hiệu, nổi trống, mõ, thanh la, hô vang khẩu hiệu tiến vào thị xã. Đúng 5 giờ sáng ngày 23 - 8 - 1945, tại tòa Công sứ, lá cờ đỏ sao vàng đã được Ủy ban Khởi nghĩa kéo lên trong tiếng reo mừng của hàng vạn nhân dân; báo hiệu sự chấm dứt của chế độ thực dân phong kiến thống trị. Đến 9 giờ ngày 23 - 8 - 1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước tòa Công sứ, Ủy ban Khởi nghĩa trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai của phát xít Nhật, đánh dấu ngày đầu tiên nhân dân Quảng Trị được sống trong không khí tự do, độc lập. Thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm lãnh đạo của chính quyền cách mạng đại diện cho một nhà nước kiểu mới - nhà nước dân chủ nhân dân.

3. Thành Quảng Trị từ năm 1954 đến năm 1971

Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève vào ngày 20 - 7 - 1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo Hiệp định Genève, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, lấy Vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Do có vị trí đặc biệt của một vùng đất bị chia cắt nên từ đó, vùng đất Quảng Trị bị phân làm đôi. Một phần lớn đất đai và dân cư của huyện Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng, cùng nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH; còn toàn bộ các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị của tỉnh Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành căn cứ quân sự, tại Quảng Trị - tuyến phòng thủ ngoài cùng của miền Nam Việt Nam tiếp giáp với miền Bắc, Mỹ tập trung xây dựng chính quyền tay sai từ tỉnh đến cơ sở xã, thôn; tổ chức các đảng phái phản động thân Mỹ. Bên cạnh việc thiết lập các trung tâm chính trị, căn cứ quân sự, lập vành đai trắng, ấp chiến lược, khu dinh điền... Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung đánh phá phong trào cách mạng, càn quét, bắt bớ, giết chóc, khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, dồn dân vào các trại tập trung.

Thị xã Quảng Trị, trong đó có thành Quảng Trị thuộc phần đất của miền Nam trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội  của một tỉnh địa đầu. Tại đây, từ năm 1954 đến năm 1971 không những là nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính quyền VNCH, mà còn là nơi chiếm đóng của các cơ quan tình báo, quân báo cấp trung ương dưới sự chỉ huy của CIA Mỹ làm nhiệm vụ nghiên cứu cách đánh phá phong trào cách mạng ở khu vực hai bên bờ sông Bến Hải và cả với miền Bắc. Một bộ máy chính quyền quân sự hóa đến mức tối đa đã được thiết lập. Một lực lượng quân đội gồm có: Sư đoàn I và các loại lính bảo an, cảnh sát, dân vệ, biệt động lên đến hàng chục ngàn tên đã được xây dựng.

Từ năm 1954 đến năm 1971, mặc dù thành Quảng Trị không còn đảm nhận sứ mệnh là trung tâm đầu não của bộ máy chính quyền cấp tỉnh, nhưng do vị trí chiến lược của nó trong lòng thị xã cùng những thay đổi về mục đích sử dụng nên vị thế thành Quảng Trị không những không bị giảm sút mà còn được đẩy lên tầm quan trọng hơn khi cục diện cuộc chiến tranh giữa nhân dân ta với chế độ VNCH ngày càng trở nên khốc liệt. Thành Quảng Trị luôn nằm trong mối tương quan giữa bản thân nó với toàn thị xã giữa thị xã với cục diện chiến trường toàn tỉnh và toàn miền; giữa cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, từ 2 phía ta và địch... Chính điều đó đã làm cho thành Quảng Trị trở thành nơi quy tụ các nguyên nhân, sự kiện xảy ra tại thị xã Quảng Trị trong những năm 1954 - 1971.

Cùng với những thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân thị xã những thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam trong những năm 1970 - 1971, trong đó có chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội VNCH tại chiến trường Quảng Trị đã tạo cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân  miền Nam bước sang một cục diện mới: báo hiệu những trận bão lửa mới sẽ dội lên đầu thù, trong thế và lực của ta ngày một mạnh lên, kẻ địch ngày một suy yếu. Quảng Trị là một địa bàn xung yếu, có một vị trí chiến lược trong hệ thống phòng thủ cho toàn miền Nam của Mỹ - ngụy, được mệnh danh là "lá chắn thép" đang bị uy hiếp lung lay trước những cao trào cách mạng đang sục sôi của quân và dân Quảng Trị. Đó là những tiền đề, những thời cơ đang dự báo cho một cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 sắp xuất hiện và nổ ra, một lần nữa thành Quảng Trị trở thành tiêu điểm của sự kiện chiến dịch, đảm nhận sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước thời đại.

4. Thành Quảng Trị trong cuộc tổng tấn công chiến lược 1972 và trong trận quyết chiến 81 ngày đêm lịch sử

Cuộc tiến công chiến lược 1972 trên chiến trường Trị Thiên, mà kết quả là giải phóng tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, với hơn 1 vạn dân. Với thắng lợi này, ta đã đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố nhất của địch, phá tan huyền thoại về sự bất khả xâm phạm của tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara. Thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cay cú vì mất Quảng Trị, quân đội VNCH huy động một lực lượng lớn, hải, lục, không quân, mở chiến dịch gọi là "tái chiếm Quảng Trị" và đặt tên cho chiến dịch này là "Lam Sơn 72". Mục tiêu của chiến dịch trước hết là chiếm lại thị xã mà trọng tâm là thành Quảng Trị, nhằm cứu vãn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" đang bên bờ vực phá sản; đồng thời gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris và hy vọng, qua kết quả cuộc tái chiếm sẽ vực lại được tinh thần của quân đội đang suy sụp, hoang mang, đồng thời hòng chiếm lại được một địa bàn chiến lược quan trọng của miền Nam .

Quyết tâm của ta đã được thể hiện trong Nghị quyết Quân uỷ Trung ương “chỉ có một khả năng giữ vững Quảng Trị, đánh bại cuộc hành quân tái chiếm của địch”. Khắp trên các chiến hào, trận địa, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đâu đâu cũng nung nấu lời thề “còn người còn trận địa”, “quyết tử bảo vệ quê hương", Quang Sơn còn Quảng Trị còn*.

Một lần nữa, thành Quảng Trị nhận lấy sứ mệnh lịch sử trong một cuộc đối đầu quyết liệt một mất một còn, mang tính quyết định cho một giải pháp chính trị của cuộc chiến. Với mục tiêu tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành Cổ, quân đội VNCH đã huy động một lực lượng hùng hậu, một khối lượng bom đạn khổng lồ. Số lượng bom đạn Mỹ đã ném xuống đây khoảng 328.000 tấn, tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hyrôsima.

Trong 81 ngày đêm bám trụ chiến đấu đánh trả cuộc hành quân phản kích tái chiếm Quảng Trị, quân và dân ta không chỉ đánh thắng kẻ thù bằng ý chí, tinh thần gang thép, mà còn tỏ rõ tài nghệ tổ chức chỉ huy chiến đấu, tính quyết đoán sáng tạo. Quân và dân Quảng Trị đã kết hợp tốt giữa phòng ngự và tiến công, phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, tạo được yếu tố bất ngờ trong từng trận đánh, giữ vững thế trận liên hoàn, đánh lùi và bẻ gãy hàng ngàn cuộc phản kích của địch. Cuộc chiến 81 ngày đêm của quân và dân Quảng Trị đã giữ vững trận địa vào những thời điểm quyết định nhất, tạo lợi thế cho ta trên bàn Hội nghị Paris đang đi đến hồi kết thúc.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm chốt giữ vùng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị là một trong những bản anh hùng ca tuyệt vời về ý chí sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế  quốc Mỹ xâm lược. Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như những trang sử hào hùng đầy máu và lửa.

Qua cuộc chiến đấu giữ thành Quảng Trị, chúng ta cũng rút ra những bài học bổ ích, có tính khái quát về vấn đề thành lũy trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn gắn với công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc. Bởi luôn phải đối mặt với các thế lực xâm lược to lớn hơn ta rất nhiều lần, cho nên đánh công thành hoặc giữ thành, một hình thức tập trung lực lượng chiến đấu trên một địa bàn cố định, không thể phát huy sức mạnh của cuộc chiến tranh toàn dân; không phù hợp cho một nước nhỏ như nước ta luôn phải chống kẻ thù lớn có ưu thế hơn ta về quân lực. Đánh chiếm thành và giữ thành không phải sở trường của dân tộc ta; điều này đã được minh chứng trong suốt thời kỳ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại. Tuy vậy, trong từng chiến trường cụ thể, từng chiến dịch cụ thể, việc chiếm thành và giữ thành có ý nghĩa như một giải pháp chiến lược, chiến thuật nhất định. Việc cố thủ giữ thành Quảng Trị trong chiến dịch đánh phản kích 81 ngày đêm, khi một giải pháp có tính chất quyết định cho cuộc chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi kết trên bàn đàm phán Paris, thì nó thực sự có ý nghĩa sống còn cho cả hai phía. Điều này được thể hiện, ta thì hạ quyết tâm giữ cho bằng được thành và địch cũng cố chiếm cho được thành bằng mọi giá, khi dư luận trong nước cũng như trên thế giới đang từng giờ từng phút hướng về thành Quảng Trị. Sự kiện địch không thực hiện được mục tiêu "cắm cờ" trên Thành Cổ trước ngày 13 tháng 7, chúng bày ra trò đắp thành giả tại làng Trâm Lý (cách thành Quảng Trị hơn 2km) rồi quay phim, chụp ảnh, công bố đã chiếm lại được thành Quảng Trị tại Hội nghị Paris, là một minh chứng cho tầm quan trọng của việc ai làm chủ được thành Quảng Trị như thế nào trong thời điểm quyết định năm 1972. Khi một giải pháp có lợi cho ta tại Hội nghị Paris cơ bản đã được định đoạt, thì việc giữ thành không còn ý nghĩa nữa, ta quyết định rút ra khỏi thành về án ngữ bờ Bắc sông Thạch Hãn, mặc dù cái giá phải trả cho sự kiện này khá đắt, lực lượng ta bị hao hụt thương vong khá nhiều.

Để đứng vững và duy trì cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị quân và dân ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu, vượt qua mọi sự hy sinh, bám trụ, đánh bại hàng trăm cuộc phản kích đẫm máu của địch. Cuộc chiến đấu của bộ đội ta để giữ Thành Cổ đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường. Tám mươi mốt ngày đêm giữ Thành Cổ Quảng Trị, đánh bại cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” của Mỹ - nguỵ, quân và dân ta đã viết nên bản anh hùng ca tuyệt vời về ý chí, sức mạnh, về sự hy sinh cao cả trong truyền thống đánh giặc giữ nước. Nhắc đến Thành Cổ là nhắc đến mảnh đất rực lửa chiến công và sự hy sinh anh dũng của quân và dân Quảng Trị anh hùng.

Thành Quảng Trị, từ một toà thành bé nhỏ của một thị xã hiền hoà bên dòng sông Thạch Hãn ít ai biết đến, bỗng chốc trở nên nổi tiếng bởi cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân ta trong cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành. Sự kiện Thành Cổ Quảng Trị đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, gần nửa thế kỷ, nhưng cuộc chiến giữ thành và sự kiện 81 ngày đêm đã đi vào lịch sử, đã đi vào lòng người tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, bằng những câu chuyện bi tráng, thấm đẫm máu và nước mắt; để hôm nay Thành Cổ thực sự đã trở thành cõi thiêng trong lòng di sản văn hóa dân tộc, thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

 

N.B

 

____________

* Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn.

 

Nguyễn Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 213 tháng 06/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground